(VietNamNet) - Cộng thêm Quảng Nam, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, đến nay, dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại 16 tỉnh trong cả nước. Trước tình trạng các ổ dịch có chiều hướng lây lan nhanh, rộng khắp, nhiều địa phương đang xốc lại công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
>>Cúm gia cầm bùng phát ở Hà Nam, Vĩnh Phúc
>>Dịch cúm gia cầm: Nhiều địa phương khai khống tỷ lệ tiêm phòng
>>Cúm gia cầm bùng phát tại hàng loạt địa phương
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), ngày 30/5, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại hộ chăn nuôi nhà ông Võ Đức Thế, ngụ tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). 370 con vịt đã bị ốm, chết trên tổng đàn 400 con (vịt 2 tháng tuổi). Toàn bộ số vịt mắc bệnh trên đã được tiêu huỷ theo đúng quy định. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1.
Thông tin mới nhất từ Phòng Dịch tễ (Cục Thú y), cơ quan này chiều nay (31/5) cũng xác nhận, 3 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Thái Nguyên đã có dịch cúm gia cầm.
Ngoài ra, tại Cần Thơ, các ổ dịch mới cũng xuất hiện ở hai hộ chăn nuôi vịt ấp Thới Phước 1, xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ làm 115 vịt chết trên tổng đàn 750 vịt (vịt 41-50 ngày tuổi). Chi cục Thú y đã tiêu huỷ toàn bộ số vịt trên và thực hiện tiêu độc sát trùng tại ổ dịch và xung quanh khu vực ổ dịch, tiêm phòng bao vây ổ dịch.
Trong khi đó, dịch cúm đã phát ra trên đàn vịt của một hộ chăn nuôi thôn Tân Thành, xã Bình Dương, huyện Đông Triều (Quảng Ninh), làm 150 vịt chết trên đàn vịt 200 con (vịt 60 ngày tuổi). Điều trùng hợp là tất cả các đàn vịt trên đều chưa được tiêm phòng vắc-xin chống cúm gia cầm.
Như vậy, chỉ trong tháng 5/2007, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 16 tỉnh là: Nghệ An, Nam Định, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Nam, Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Thái Nguyên.
Xốc lại công tác chống dịch
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho rằng, trong khi các tỉnh lân cận đều có dịch, điều then chốt là địa phương phải tăng cường kiểm soát, giám sát dịch bệnh ngay tận gốc. Theo ông, đến khi dịch xảy ra mới lập chốt kiểm dịch thì công việc kiểm soát rất khó, vì trên thực tế "các chốt làm việc cũng không hiệu quả”.
Mới đây nhất, trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, UBND TP. Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu UBND các quận, huyện, sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống; kiên quyết không để dịch tái phát. Chi cục Thú y Hà Nội khẩn trương hoàn thành tiêm phòng, tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, bố trí lực lượng lại các chốt kiểm dịch...
Tại địa bàn trọng yếu khác là TP.HCM, UBND TP cũng vừa yêu cầu duy trì chốt kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch cúm gia cầm tại cầu Rạch Dơi, huyện Nhà Bè. Đây là vị trí quan trọng cần kiểm soát nhằm ngăn chặn việc vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa kiểm dịch từ Long An vào TP tiêu thụ.
Lãnh đạo TP yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện triển khai ngay việc giám sát chặt chẽ dịch tễ đàn gia cầm, không để dịch bệnh xảy ra. Nếu có dịch bệnh xảy ra phải kịp thời phát hiện, cách ly và xử lý nhanh chóng, không để lây lan trên diện rộng. Đồng thời, kiên quyết xử lý tịch thu và tiêu hủy triệt để khi phát hiện gia cầm nuôi trong nội thành, nội thị, khu đô thị mới, các khu vực gần trường học bệnh viện.
Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp mạnh, xử lý dứt điểm việc kinh doanh gia cầm sống và sản phẩm gia cầm trái phép. Tập trung bố trí lực lượng chốt giữ 24/24 tại các điểm nóng thường xuyên kinh doanh gia cầm sống trái phép để kịp thời phát hiện và xử lý. Tại các chợ, trách nhiệm này giao cho Ban quản lý (có quyền phạt, đình chỉ kinh doanh các trường hợp cố tình vi phạm).
Sở Giao thông Công chính phải chỉ đạo giám đốc các bến xe phổ biến các chủ phương tiện vận tải hành khách chỉ đạo phòng chống dịch của TP, không được vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận tải hành khách.
-
H.Yên