221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
941496
Cúm gà bùng phát do sơ hở trong tiêm phòng
1
Article
null
Cúm gà bùng phát do sơ hở trong tiêm phòng
,

(VietNamNet) - Nguyên nhân khiến dịch cúm bùng phát, được mổ xẻ tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều ngày 5/6, là do các biện pháp phòng chống dịch không đồng bộ, chặt chẽ, đặc biệt ở khâu tiêm phòng vắc-xin. 

Virus cúm H5N1 luôn tiềm ẩn trong đàn vịt chưa tiêm phòng.
Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, cho biết, tuần qua, cơ quan này đã tiến hành công cường độc (lấy virus cúm đưa vào gia cầm để khẳng định vắc-xin có miễn dịch với virus hay không) trên đàn gà 27 con chưa tiêm phòng. Số gia cầm chết hết.

Khi đưa vào đàn gia cầm đã tiêm phòng (20 con) qua 4 ngày, 1 con đã bị chết, số còn lại khỏe mạnh, không có dấu hiệu nhiễm virus cúm H5N1. 

Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ kết luận, như vậy, đàn gia cầm đã tiêm phòng có sức đề kháng rất tốt với loại virus H5N1. 

Ông Cảm nói rằng, Trung tâm cũng vừa tiến hành giám sát hiệu lực vắc-xin sau khi tiêm phòng cho đàn gia cầm ở miền Bắc. Kết quả cho thấy, tại Quảng Ninh, kiểm tra ngẫu nhiên 13 đàn gà, 9 đàn đạt yêu cầu về tỷ lệ bảo hộ, 3 đàn đạt thấp và 1 đàn không có kháng thể. Tại Hải Dương, kiểm tra trên 8 đàn vịt cũng phát hiện có 3 đàn không có kháng thể. Tỷ lệ này rất khác nhau ở các địa phương, có nơi đạt trên 90%, song, cũng có địa phương chỉ đạt 6-8%. 

Tính từ đầu tháng 5/2007, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 15 tỉnh là: Nghệ An (5 xã), Nam Định (22 xã), Sơn La (3 xã), Hải Phòng (2 xã), Quảng Ninh (4 xã), Bắc Giang (1xã), Đồng Tháp (3 xã), Cần Thơ (2 xã)  Ninh Bình (6 xã), Bắc Ninh (1 xã), Vĩnh Phúc (1 xã), Hà Nam (1 xã), Quảng Nam (2 xã), Hưng Yên (1 xã) và Thái Bình (1 xã).

Tại Sơn La, ngày 31/5, dịch phát ra tại 4 hộ chăn nuôi gia cầm của tiểu khu 16, thị trấn Thuận Châu và xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu. 86/100 con gà, 61/67 con ngan; 278/480 con vịt đã bị chết (đều chưa được tiêm phòng). Kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1. 

Điều này chứng tỏ vắc-xin vẫn có hiệu lực trên đàn gia cầm. 

TS Tô Long Thành cho biết thêm, theo kết quả kiểm tra khác tại Bắc Giang, 8,3% gia cầm của địa phương dương tính với virus H5N1. Tỷ lệ này ở Bắc Ninh là 46%. Điều đó chứng tỏ virus cúm tồn tại khắp nơi, nhất là trong đàn vịt chưa tiêm phòng từ 1-2 tháng tuổi. Từ đó, vịt lây sang gà, ngan và thậm chí cả con người nếu giết mổ, ăn thịt vịt đã bị nhiễm H5N1. 

Về sự biến đổi của virus cúm H5N1, ông Thành khẳng định, các chuyên gia của Trung Quốc và Australia đều nhận xét, virus cúm gia cầm ở Việt Nam gần đây gần giống chủng gây bệnh cúm ở đại lục năm 2005. Việc sử dụng vắc-xin H5N1 và H5N2 cho đàn gia cầm của Việt Nam vẫn có tác dụng tốt.

Song, khó khăn hiện nay, Cục trưởng Bùi Quang Anh nhận định, là không thể tiêm phòng hết cho đàn gia cầm nếu không kiểm soát được việc ấp nở mới. Thực tế, nhiều địa phương cũng chưa sẵn sàng trong việc quản lý ấp nở đàn thuỷ cầm, điển hình là Hà Tây - tỉnh cung cấp thuỷ cầm giống lớn nhất miền Bắc.

Ông Quang Anh kiến nghị, trong trường hợp này, Bộ NN-PTNT nên cấm địa phương đó ấp nở mới thuỷ cầm. Nếu để dịch xảy ra, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. 

Tại cuộc họp, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, chưa có bằng chứng cho thấy vắc-xin không còn hiệu lực. Ở nhiều nơi, nhiều đàn gia cầm có tỷ lệ bảo hộ thấp chứng tỏ công tác tổ chức tiêm phòng không tốt, như tiêm sai kỹ thuật, liều lượng thấp hay bỏ tiêm... Bên cạnh đó, việc kiểm soát ấp nở mới, chăn thả không nghiêm khiến dịch bệnh bùng phát. 

Hiện dịch cúm vẫn đang bùng phát ở các ổ dịch cũ, chưa có dấu hiệu dừng lại. Do vậy, Bộ trưởng Phát yêu cầu, các địa phương phải luôn ở trong tình thế chống dịch cao nhất. Các địa phương cần rà soát và chấn chỉnh lại hoạt động tiêm phòng vắc-xin. Nếu cần thiết, phải tổ chức tiêm lại cho các đàn gia cầm không đảm bảo tỷ lệ miễn dịch.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Thương mại và Y tế sẽ phối hợp mở chiến dịch kiểm tra đồng bộ tại tất cả các chợ, siêu thị trong nội thành, nội thị và những nơi có mật độ chăn nuôi cao. Đồng thời, tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân thông qua việc tận dụng hệ thống loa truyền thanh ở các thôn, ấp, xã, kể cả phát các bản tin bằng tiếng dân tộc... để nâng cao nhận thức của người dân về dịch cúm gia cầm.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,