221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
943156
Xây nhà cho cụ bà 1 chân 85 tuổi giữa...6 chuồng tiêu
1
Article
null
Xây nhà cho cụ bà 1 chân 85 tuổi giữa...6 chuồng tiêu
,

(VietNamNet) - Cụ già chỉ còn chân phải, lết đi bằng chiếc ghế con, tay cầm một tập giấy tờ, từ năm 2003 đã 32 lần lên UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để khiếu kiện chuyện đất đai.

Bà Thản ngồi dướimái rạ thủng lỗ chỗ kể chuyện đời mình. (Ảnh: Hà Vy)
Bà Thản ngồi dưới mái rạ thủng lỗ chỗ kể chuyện đời mình. (Ảnh: Hà Vy)

Bà tên là Trần Thị Thản, năm nay đã 85 tuổi.

Bà Thản đang sống một mình trong căn nhà xã Kỳ Tây (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xây cho, trên một khu đất vắng vẻ. 

Đặc biệt, vây quanh căn nhà của cụ bà tàn tật này, có đến 6 nhà... vệ sinh rất hôi thối. 

Bà Thản cay đắng: “Mấy chú ấy thù gì tôi cho tội. Tôi sống được mấy năm nữa mà bắt tôi ra ở cạnh những 6 cái chuồng tiêu?” 

Lận đận, truân chuyên 

Bà Thản sinh năm 1922 tại xã Kỳ Văn trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố là một đảng viên; giặc Pháp bắt, tra tấn đến chết nhưng vẫn không moi được thông tin nào về cơ sở của ta. 

Từ khi bố bà Thản mất, căn nhà nhỏ của gia đình bà trở thành nơi làm việc và ăn ở của các chí sĩ cách mạng có tiếng ở Trung Kỳ như Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tạo... Hàng ngày, khi đã làm hết việc đồng áng, bà Thản lại giúp đỡ các chú cán bộ trong nhà nhiều việc lặt vặt. 

Năm 1945, bà Thản xin tham gia vào lực lượng quân sự của huyện để làm nhiệm vụ đưa thư và vận chuyển lương thực. Năm 1948, trong một lần đi vận chuyển lương thực bà đã yêu và lấy người đàn ông có tên là Trần Văn Nghiêm quê ở xã Kỳ Tây. Ngày 12/10/1948, cả đại gia đình hân hoan tiễn bà về quê chồng với bao hy vọng tốt đẹp. 

Ngay từ những ngày đầu về làm dâu bà đã tham gia tích cực vào các tổ chức cách mạng của làng xã, suốt 7 năm liền bà là đội trưởng đội dân quân tự vệ (đội 2 xã Kỳ Tây, Kỳ Anh), lập được nhiều thành tích xuất sắc. 

Năm 1962, khi sinh đứa con thứ 8, lúc chuyển dạ bà bị vỡ dạ con. Đứa bé không sống nổi, bà may mắn thoát nạn nhưng sau phát tiêm vội vàng của cô y tá, chân trái của bị nhiễm trùng rất nặng, sưng tấy. Sau khi chạy chữa khắp nơi vết thương của bà đang dần bình phục. Nhưng một lần bị chồng đánh, ném ghế vào vết thương cũ, chân bà mang tật vĩnh viễn. Năm 2003 bà Thản quyết định vào bệnh viện TW Huế cắt bỏ phần chân từ đầu gối trở xuống. 

Tháng 8/1968, con trai duy nhất của bà Thản lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Năm 1978 bà mới nhận được giấy báo tử. 

Nỗi đau mất con chưa nguôi thì chỉ hơn 10 ngày sau, người chồng bội bạc của bà đã đem về nhà một người vợ mới (cùng quê với bà và có chồng đang đi bộ đội).

Bà Thản nói rằng, cái lý bây giờ nó có nhiều chân, bà một chân đuổi không kịp. (Ảnh: Chi Mai)
Bà Thản nói rằng, cái lý bây giờ nó có nhiều chân, bà một chân đuổi không kịp. (Ảnh: Chi Mai)

Thương người đàn bà dại dột và mong chồng mình có người nối dõi, bà Thản nén đau đứng ra lo lễ cưới cho chồng. Tuy nhiên, khi người vợ sau của chồng 4 lần sinh vẫn toàn con gái thì cuộc sống của gia đình bà chẳng khác gì địa ngục. Những trận đòn oan của chồng và những trận “cơm đắng canh cay” với người vợ lẽ buộc bà Thản phải làm một căn nhà cạnh đó để ở. 

Bà đã quyết định li hôn và sau đó chuyển ra xóm 4 (xã Kỳ Tây) làm nghề buôn bán nhỏ và sống một mình. Năm 1996, bà mua lại quán nhỏ nằm cạnh chợ xã của chị Trần Thị Cúc (cùng xóm) với giá 80 ngàn đồng. 

Và mọi rắc rối của bà lại bắt đầu từ khi bà làm mất cái giấy viết tay, căn cứ của việc mua bán cái quán này.

Cái lý có chân… 

Năm 2004, xã Kỳ Tây có chủ trương quy hoạch lại chợ và bán đất cho dân tại khu vực này. Những hàng quán không có giấy tờ đều phải dỡ bỏ và chuyển đi nơi khác và bà Thản cũng nằm trong số đó. Cái quán được bán cho ông Nguyễn Hữu Trà nhà bên. 

PV VietNamNet đến UBND xã Kỳ Tây để tìm hiểu sự việc, được ông Nguyễn Văn Xiển - Chủ tịch xã cho biết: “Các cấp ở xã rất quan tâm đế trường hợp của bà Thản và giải quyết một cách thấu tình đạt lí. Mặc dù đang rất khó khăn nhưng chúng tôi đã trích ngân sách hơn 10 triệu đồng để làm nhà cho bà. Trước khi làm nhà chúng tôi đã mời con cháu của bà đến bàn bạc và họ đã đồng ý, nhưng đây là một trường hợp “khó bảo” nên đến giờ vẫn chưa giải quyết xong...”. 

Ngôi nhà mới mà UBND xã xây cho bà Thản ở một nơi hôi thối và hoang vắng, không thích hợp với một cụ bà đơn độc đã 85 tuổi. (Ảnh: Hà Vy)
Ngôi nhà mới mà UBND xã xây cho bà Thản ở một nơi hôi thối và hoang vắng, không thích hợp với một cụ bà đơn độc đã 85 tuổi. (Ảnh: Hà Vy)

Ông Chủ tịch còn thao thao về những chính sách xã hội tốt đẹp mà xã đã dành cho bà Thản, trong khi trước khi xây nhà cho bà, xã đã không báo cho bà một tiếng. Hôm xã làm “động thổ”, bà Thản đã đến khóc lóc rằng: “Xin các chú đừng làm, vì nếu có làm tôi cũng không ở”, nhưng xã vẫn phớt lờ. 

Tại sao xã lại không cấp miếng đất ở chợ cho bà Thản? Ông Xiển giải thích một cách hài hước: “Có thể làm được nhưng chúng tôi không làm vì sợ sau này bà chết con cái bà sẽ tranh chấp. Hơn nữa nếu cấp thì sợ nhân dân phản đối vì bà Thản được quá nhiều ưu tiên(?!)”. 

Khi tìm hiểu về vấn đề qui hoạch chợ và bán đất ở xã Kỳ Tây PV VietNamNet phát hiện trường hợp mua-bán đất không giấy tờ như bà Thản, nhưng vẫn được cho phép chuyển nhượng.

Ông Nguyễn Kiên Quyết: huyện đã rất chậm chạp trong việc giải quyết chế độ cho bà Thản. (Ảnh: Hà Vy)
Ông Nguyễn Kiên Quyết: huyện đã rất chậm chạp trong việc giải quyết chế độ cho bà Thản. (Ảnh: Hà Vy)

Ví như vào năm 2001, Chủ tịch xã đã ký vào giấy chuyển nhượng đất giữa ông Trần Hàng và ông Nguyễn Hữu Thái trong khi ông Hàng không hề có giấy tờ hợp lệ. Nghiêm trọng hơn nữa trong giấy tờ chuyển nhượng ghi diện tích đất là 561m2 nhưng nếu đo trên thực tế thì chắc chắn, 2 ngôi nhà bên cạnh phải chuyển đi chỗ khác. Cán bộ xã phải đến nhà thương lượng, ông Thái mới đồng ý rút xuống còn... 270m2. 

Chúng tôi còn được chị Nguyễn Thị Cúc (người bán nhà cho bà Thản) cho biết: “Hiện nay trong tay tôi đã có sổ đỏ trong đó có diện tích đất mà bà Thản đang ở, nhưng nó đang được cầm cố ở ngân hàng. Chờ khi xã bán xong cho ông Thái tôi sẽ đem ra xem họ trả lời thế nào”. 

Làm việc với ông Nguyễn Kiên Quyết - Phó phòng Lao động xã hội huyện Kỳ Anh, ông nói: “Chúng tôi thừa nhận huyện đã rất chậm chạp trong việc giải quyết chế độ cho bà Thản, nhưng đây là một vấn đề phức tạp bởi xã Kỳ Tây đã làm nhiều việc sai quy trình. Hướng giải quyết của chúng tôi là sẽ bàn bạc lại với lãnh đạo huyện và xã để làm thủ tục cấp cho bà miếng đất ở chợ”.

Không biết lời nói của ông Quyết có trở thành hiện thực hay không, khi mà trong biên bản làm việc của xã Kỳ Tây ngày 13/9/2006, đã có ghi thòng một câu đánh đố dân như sau: “Sau khi bà Thản qua đời 50 ngày, con cháu trong gia đình phải bàn giao lại mặt bằng cho xã, không được can thiệp và đòi hỏi quyền lợi”. 

  • Chi Mai - Hà Vy

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,