(VietNamNet) - Thấy gia cầm chết hàng loạt, một số hộ dân mua thuốc trị bệnh cho người để chữa chạy cho những con còn sống. Nhiều người dân không biết mình đang sống trong ổ dịch. Thú y địa phương thì nghĩ gia cầm chết bởi các bệnh thông thường!
Phun thuốc khử trùng tại Sơn La.
Hà Nội: Cho gia cầm ốm uống... thuốc hạ sốt của người!
PV VietNamNet vừa tới xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh, Hà Nội) - nơi một bệnh nhân nhiễm cúm H5N1 quê Thái Nguyên đã tới cư trú một thời gian trước khi trở về quê và phát bệnh.
Tính tới thời điểm này, xã đã có ba hộ gia đình có gia cầm chết hàng loạt. Đó là các hộ ông Lê Văn Khuyên (thôn Xuân Nộn) với hơn 500 con vịt chết không rõ nguyên nhân, nhà ông Phạm Xuân Trình và gia đình ông Phạm Văn Yên (thôn Kim Tiến) cũng "tiễn" 150 con vịt.
Lý giải về nguyên nhân gia cầm chết hàng loạt xảy ra tại địa phương trong thời gian qua, ông Lê Văn Hả, Trạm trưởng thú y xã Xuân Nộn khẳng định đó là do bệnh phân xanh, phân trắng và tụ huyết trùng. “Nếu đúng là cúm gia cầm thì thời gian ủ bệnh không thể lâu như thế” - ông nói.
Trong khi đó, theo lời của ông Lê Văn Khuyên, chỉ trong vòng một tuần, đàn vịt hơn 500 con của ông đã bị chết. Còn anh Yên thì khẳng định, hơn 150 con vịt của anh đã chết chỉ trong vòng hai ba ngày.
Vịt vẫn thả đầy đồng thôn Xuân Nộn.
Theo lời kể của ông Lê Văn Khuyên, trong ba ngày đầu tiên, toàn bộ 167 con vịt đẻ của ông đã bị chết. Tuy nhiên, ông đã không báo chính quyền xã mà tự ra cửa hàng thú ý ở xã Liên Hà, mua thuốc về tiêm. Hàng xóm xung quanh thấy gia đình ông Khuyên điều trị cho vịt không khỏi nên … tới xin về nuôi hoặc... thịt; mỗi người một vài con.
Theo lời vợ ông Khuyên, sau đó, đàn gà của những hộ hàng xóm này đều chết hết.
Chỉ tới khi 380 con vịt nuôi lấy thịt của ông bị chết, ông mới đi báo cho chính quyền địa phương.
Còn hộ của anh Phạm Văn Yên thì cho hay, khi đàn gia cầm của anh bị chết, chính quyền xã đã cấp cho anh 30kg vôi bột và một số thuốc khử trùng. Anh đã dùng 10kg vào việc tiêu hủy số gia cầm bị chết. Số vôi còn lại, một nửa, anh dùng để vãi quanh khu vực nuôi vịt, một nửa còn lại anh “dùng vào việc khác vì đằng nào xã cũng có kiểm tra đâu mà biết”.
Anh Học chọn loại thuốc này để chữa cho đàn vịt vừa chết 40 con, thay vì báo cho chính quyền xã biết.
Anh Yên cũng cho hay sẽ giữ lại số vịt còn lại vì “chúng đều khỏe mạnh sau nạn dịch vừa qua, nên chắc chắn sẽ không sao cả”
Kế ngay bên nhà anh Yên là gia đình anh Nguyễn Văn Học. Anh Học hiện đang nuôi gần 200 con vịt. Cách đây ba hôm, khoảng 40 con vịt trong đàn của anh đã bị chết mà không rõ nguyên do. Tuy nhiên anh Học cũng không đi báo cho chính quyền xã, đi mua một ít thuốc nước, một ít thuốc bổ và thuốc giảm sốt cho người để cho vịt uống. Anh Học cho rằng điều trị như thế là hiệu quả, vì “mấy ngày qua, đàn vịt của tôi có chết thêm con nào đâu.”
Khi được hỏi, rất nhiều người dân xã Xuân Nộn tin rằng, còn lâu dịch cúm gia cầm mới bùng phát trở lại. Tới nhà anh Dậu, một người làm nghề buôn bán gia cầm trong xã, người nhà anh khẳng định: “Việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, không có gì bất ổn cả”.
Tiêu hủy gia cầm mắc bệnh.
Sơn La: Sống trong ổ dịch, không biết có dịch
Tại thị tứ Tông Lệnh (xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu), chị Báu (chủ cửa hàng giải khát) không hề biết dịch cúm gia cầm đã xuất hiện. Chị nói là gia đình lắp chảo thu hình kỹ thuật số (không xem chương trình ti vi của địa phương) nên tưởng chỉ mạn Hà Nội mới có con H5N1!
Còn chị Thuỷ (hàng xóm của chị Báu) vừa sinh con, vẫn được người nhà nấu món gà hầm để bồi dưỡng. Chẳng ai biết dịch cúm gia cầm đã tràn về đây, chứ đừng nói đến chuyện đối phó, phòng dịch cúm gia cầm.
Ít người dân Sơn La biết dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại nhiều địa phương của tỉnh kể từ trung tuần tháng 5 đến nay. Nhiều nhà trong vùng dịch chỉ gom gia cầm để tiêu huỷ khi nhân viên thú y đến phun thuốc khử trùng.
Anh Lò Văn Nghiên, nhân viên thú y xã Tông Lệnh cho biết: xã đã có 2 ổ dịch, nhưng chỉ còn cách nhắc nhở bà con ngừng thả rông, tiêm phòng, phun thuốc phòng dịch, tiêu huỷ số gia cầm mắc bệnh để tránh lan dịch sang các điểm chăn nuôi khác và lây nhiễm sang người.
Tại tiểu khu 16, thị trấn huyện Thuận Châu, nhân viên thú y và chính quyền địa phương vừa phun thuốc khử trùng vệ sinh chuồng trại chăn nuôi của hơn 40 hộ, đồng thời thu gom, tiêu huỷ hơn 200kg gà, vịt, ngan, ngỗng.
Vịt vẫn được thả đồng khắp nơi
Còn tại chợ thị trấn Thuận Châu, chợ Tông Lệnh, các gian hàng bán gia cầm vẫn đông đúc người mua với giá 40.000 đồng/kg gà. Nhân viên thú y huyện cũng đã thu được hàng trăm quả trứng vịt, ngan của những người mang đi bán rong.
Ông Lường Kim Tiến, Trạm trưởng thú y huyện Thuận Châu cho biết: Không thể kiểm soát hết việc vận chuyển, buôn bán giống gia cầm rong tại các chợ, nên việc ngăn chặn bùng phát cúm gia cầm hết sức khó khăn.
Theo ông Tiến, mới chỉ có các chốt kiểm dịch và đoàn kiểm tra khi dịch cúm đã xuất hiện, chứ chưa có biện pháp nào để ngăn chặn từ xa; đặc biệt, khó mà kiểm soát được việc buôn bán rong giống gia cầm tại các chợ vùng cao.
-
Điêu Chính Tới - Thu Giang