221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
947142
Phát hiện vịt nhiễm virus H5N1, tiêu huỷ ngay
1
Article
null
Phát hiện vịt nhiễm virus H5N1, tiêu huỷ ngay
,

(VietNamNet) - Trước tình trạng virus H5N1 tồn tại khắp nơi, đặc biệt là trong đàn thuỷ cầm, Thủ tướng Chính phủ hôm nay (19/6) yêu cầu các địa phương khi phát hiện đàn vịt nhiễm virus cúm H5N1 phải tiêu huỷ ngay. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi giảm đàn trong thời gian có dịch.

Việc bán chạy, cho hoặc phát tán gia cầm bệnh sẽ bị xử lý nghiêm (ảnh learnnc.org).

Kiểm tra ở đâu cũng phát hiện có virus H5N1

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều nay, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ Nguyễn Văn Cảm công bố kết quả kiểm tra tại 15 chợ và 7 tỉnh (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây, Hưng Yên, Hà Nam và Nam Định), 1 cửa khẩu (Lạng Sơn) trong tháng 4-5/2007 cho thấy, virus H5N1 tồn tại khắp nơi. 

Điển hình, trong số 1.043 mẫu gia cầm xét nghiệm, có tới 54 mẫu có virus (chiếm gần 6%). Con số này tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái khi Trung tâm tiến hành xét nghiệm tại 4 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và Nam Định, chỉ có 10/4.800 cho kết quả dương tính H5N1. 

Bên cạnh đó, ông Cảm cho biết có 6/7 tỉnh kiểm tra có virus H5N1 trong đàn thuỷ cầm (trừ Hà Tây đang lấy mẫu xét nghiệm tại 3 chợ); 10/15 chợ (chiếm 67%) có bày bán gia cầm khi kiểm tra đều nhiễm virus H5N1. Ở cửa khẩu Lạng Sơn, 6/8 mẫu xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính với virus gây bệnh. Tại đây, Trung tâm cũng phát hiện gia cầm nhập lậu mang mầm virus H5N1 vào Việt Nam.

Xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tại Ninh Bình, ngày 17/6 dịch đã phát ra tại hộ chăn nuôi của ông Trương Văn Thường, thôn Đồi Sải, xã Quỳnh Lưu có 260 vịt chết trên tổng đàn 1.500 con và hộ ông Phạm Văn Dần, thôn Xanh, xã Quỳnh Lưu đều ở huyện Nho Quan, với 15 vịt chết trên tổng đàn 750 con. 

Hộ ông Nguyễn Văn Hà, xã Thanh Lạc (Nho Quan) cũng bị chết 60 con vịt trên tổng đàn 600 con. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1. 

Ở Bắc Giang, ngày 16/6 dịch cúm bùng phát tại 2 hộ thuộc thôn Nội, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng với 10 con vịt ốm chết trong tổng số 197 con. Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu huỷ gia cầm bệnh và phun tiêu độc khử trùng xung quanh ổ dịch. 

Tính từ 5/2007, cúm gia cầm đã tái phát tại 18 tỉnh chưa qua 21 ngày.

TS. Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, cho rằng, không thể lường trước được hậu họa mà virus H5N1 trên gia cầm gây ra khi người dân tiếp xúc, giết mổ và chế biến thuỷ cầm. Đáng lưu ý là khi bán không hết, tiểu thương lại mang về nhà rồi hôm sau tiếp tục mang ra chợ, tạo ra vòng luẩn quẩn cho virus tồn tại và lây lan.

Trong khi người dân còn thờ ơ, chủ quan với dịch cúm thì "bóng ma" virus H5N1 tiếp tục đe doạ tính mạng con người. Đại diện Bộ Y tế chiều 19/6 xác nhận, trường hợp bệnh nhân nam 20 tuổi ở xã Khánh Thượng, Ba Vì (Hà Tây) tử vong hôm 12/6 là do đã có tiền sử nuôi và chăm sóc cho 20 con gà chọi.

Từ cuối năm 2005 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), trong đó 1 người tử vong, 2 người đã khỏe trở lại và 1 người vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện. Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhận định, nguy cơ nhiễm cúm từ gia cầm sang người đang có chiều hướng gia tăng, ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam. Còn trên thế giới, đã có 12 quốc gia có bệnh nhân nhiễm cúm A (H5N1), với 319 trường hợp mắc, 192 người tử vong.

Sẽ thanh tra toàn diện công tác tiêm phòng vắc-xin

Tại Công văn 779/TTg-NN về việc chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người, vừa được ký ban hành hôm nay, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng đã lệnh cho các địa phương nghiêm túc kiểm điểm về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Các địa phương cần khắc phục ngay tư tưởng chủ quan, lơ là. Thủ tướng sẽ quy rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp chính quyền, kể cả thôn, xóm ấp, bản trong công tác phòng chống và để dịch xảy ra trên địa bàn.

Người đứng đầu CP yêu cầu, các địa phương, khi phát hiện gia cầm ốm, chết, nghi mắc bệnh hoặc phát hiện thuỷ cầm nhiễm virus cúm H5N1 phải tiêu huỷ ngay và hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi. Đồng thời, kiên quyết bao vây dập tắt ổ dịch, không để dịch lây lan. 

Trong thời gian có dịch, Thủ tướng nhắc các tỉnh khuyến cáo bà con thực hiện giảm đàn, không nên tiếp tục nuôi ấp mới, đặc biệt với đàn thuỷ cầm. Theo Bộ NN-PTNT, hiện đàn thuỷ cầm trong cả nước đã lên tới hơn 70 triệu con, tăng hơn 20 triệu con so với cùng kỳ năm ngoái.

Một vấn đề trọng tâm khác là tổ chức tại công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm theo hướng tiêm phòng triệt để, đặc biệt, bắt buộc phải tiêm phòng ở vùng có nguy cơ cao về dịch. Toàn bộ thuỷ cầm chăn nuôi theo phương thức chạy đồng phải được tiêm phòng và có sổ theo dõi quản lý. 

Công văn này cũng nêu rõ, sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện hiệu quả công tác tiêm phòng vắc-xin thời gian qua. Khi phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý thật nghiêm. 

Các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ vùng có dịch ra ngoài cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc, nhất là đối với việc bán chạy, cho hoặc phát tán gia cầm bị bệnh, ốm chết.

Bộ NN-PNTT chủ trì, phối hợp và sớm trình CP ban hành quyết định về điều kiện ấp nở chăn nuôi thuỷ cầm, bảo đảm an toàn dịch bệnh và phát triển chăn nuôi thuỷ cầm bền vững theo hướng: các cơ sở ấp nở bán con giống thuỷ cầm phải được kiểm soát thú y từ khi đưa trứng vào lò ấp đến khi xuất bán. Trường hợp vi phạm kiên quyết không cho ấp nở, nếu làm lén lút thì tiêu huỷ hoặc xử phạt.

Bộ NN-PTNT cũng cần triển khai nghiên cứu sử dụng vắc-xin 1 ngày tuổi cho đàn thuỷ cầm.

Đối với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá, rút kinh nghệm kết quả điều trị bệnh nhân mắc cúm A (H5N1) vừa qua để sửa đổi, bổ sung phác đồ điều trị cho phù hợp. Ngoài ra, phải hướng dẫn cán bộ tuyến dưới để có thể xử lý, điều trị bệnh nhân kịp thời theo hướng tại chỗ, giảm tải cho tuyến trên và hạn chế dịch lây lan rộng. 

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,