(VietNamNet) - 3h sáng ngày 26/6, phóng viên VietNamNet đã "đột kích" vào làng gà Hà Vĩ - đầu mối cung cấp gia cầm lớn nhất nhì cho các tỉnh miền Bắc (thuộc xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) chứng kiến "công nghệ" sơ chế gia cầm được cho là "sạch" và theo chân những lái buôn gia cầm đưa hàng về Hà Nội...
"Ưu tiên" gia cầm đi Hà Nội!
Tại chốt kiểm dịch động vật số 1 huyện Thường Tín (địa bàn xã Lê Lợi), mỗi ngày, từ 3 - 6h sáng có khoảng 100 biên lai thu tiền kiểm dịch được xuất đi.
Chốt kiểm dịch động vật đầu làng gà Hà Vĩ - Thường Tín
Trung bình mỗi hóa đơn cấp cho một lượt trên dưới 10 con vịt, gà các loại qua chốt.
Làm một phép tính đơn giản, chỉ riêng "giờ vàng" mỗi ngày, (3 - 6h sáng) có khoảng 1.000 con gà vịt giết mổ được cấp giấy "thông hành" vào thị trường Hà Nội, Hà Đông...
Đóng dấu kiểm dịch...
...vòng trong, vòng ngoài chờ đóng dấu
Tuy nhiên, chứng kiến quá trình cấp giấy kiểm dịch của trạm kiểm dịch số 1 này, chúng tôi nhận thấy, con số gà vịt thực tế qua trạm lớn hơn nhiều so với biên lai!
Bởi giá mỗi biên lai thường xê dịch 3-5 ngàn đồng cho 7-10 con gia cầm qua chốt. Thế nhưng, trong thùng xốp mỗi chuyến xe máy qua đây, ngoài 7-10 con "bề nổi", bên dưới lớp vải còn có thêm chừng đó số gia cầm không cần đóng dấu kiểm dịch!
3000 - 5000đ cho 1 giấy "thông hành"/5 - 7 con gia cầm
Rồi lại xếp hàng "mua" giấy "thông hành"
Đó là chưa kể số gia cầm trong khi... chờ kiểm dịch đã... lặng lẽ chui qua trạm cho kịp buổi chợ sớm của người thành phố (Hà Nội)
Còn nếu thống kê đầy đủ theo số hộ giết mổ của cả làng, thì làng có 90% số hộ làm nghề (khoảng 700 hộ), với bình quân mỗi nhà "xử" 30 - 40 con trong một đêm, đồng nghĩa với việc số gà vịt này nhiều gấp đôi số qua kiểm dịch.
Hiện tại, đang vào mùa vịt. Ngoài số lượng hàng nghìn con bị giết trong một đêm còn có hàng chục nghìn con khác được thả đầy các ao hồ chờ đến lượt "hóa kiếp".
Còn cả chục ngàn con vịt đang được "găm" tại ao làng chờ... lên thớt!
Theo ông Dương Xuân Tỉnh, cán bộ tăng cường của huyện cho trạm kiểm dịch xã Lê Lợi, giấy kiểm dịch chỉ có giới hạn trong tỉnh. Nghĩa là, giá trị của giấy chứng nhận do trạm này cấp không hề có ý nghĩa với những người chở hàng lên Hà Nội.
"Bán trong Hà Tây thôi nhé..."
Song, phần lớn số gia cầm giết mổ này lại được cung cấp cho thị trường Hà Nội!!! Cũng vì thế, khi đến chốt kiểm dịch, những chủ hàng cần đi xa (lên Hà Nội) thi nhau kéo, lôi các cán bộ kiểm dịch (dù cho 7 cán bộ tại chốt đã được "phân công lao động": 1 người phun thuốc khử trùng cho gia cầm sống về địa phương; 3 người đóng dấu lên gia cầm xuất đi; 2 người làm nhiệm vụ xuất biên lai và thu tiền) bất chấp nhiều người khác đến trước và đang chờ được kiểm dịch.
Chị Lê Thị Phương và Lê Thị Yến (hầu hết một xe có 2 người) cho hay, bán trong huyện thì chả cần dấu kiểm dịch làm gì, nhưng như nhà chị hay nhập hàng ở chợ Xanh (quận Thanh Xuân), chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), thường hay có đoàn kiểm tra nên có thêm cái dấu cho chắc! Song, cũng vì "ưu tiên" cho gà đi Hà Nội được nhanh mà hầu hết những chủ này đều được đóng dấu kiểm dịch cả khi vịt vẫn còn... trong thùng, dù cho cách đó không xa, 3 chiếc bàn lớn để đặt gia cầm chờ đóng dấu vẫn trống hoe và sạch sẽ.
"...nhưng cứ để trong thùng đóng cho nhanh"
3 bàn đóng dấu kiểm dịch...
Dường như, nắm được tâm lí muốn có giấy kiểm dịch "tượng trưng" nên không ít cán bộ kiểm dịch cũng sẵn sàng đóng dấu "tượng trưng" cho phân nửa số gia cầm cần thiết!
Theo gia cầm "sạch" vào thành phố
Gần 6h sáng, khi chốt kiểm dịch này vãn dần, phóng viên VietNamNet đã có cuộc hành trình theo gia cầm "sạch" Gia Vĩ vào các chợ trên địa bàn Hà Nội.
Nhộn nhịp gia cầm ra, vào chợ Hà Vĩ (Ảnh chụp 6h, 26/6 trên đường vào làng gà Hà Vĩ)
Chuyến xe máy mang biển số 33 N4-2750, được trạm kiểm dịch này cấp "giấy thông hành" cho 7 con vịt đã giết mổ. Thực tế, số vịt dưới thùng xe này lên đến 20 con.
Chưa kể gần một chục con ngan sống bên trên chẳng cần giấy thông hành (trạm này chủ yếu cấp giấy cho gia cầm đã giết mổ từ làng đi và phun thuốc khử trùng gia cầm từ các nơi khác về làng nằm chờ giết mổ).
Xe máy 33N4-2750 trên đường ra khỏi làng gia cầm Hà Vĩ
Cùng lúc đó, khoảng hơn 20 con vịt sống trên chiếc xe mang biển kiểm soát 90 F9-5498, vịt đã mổ của chủ xe 29F5-1169; 29-037-P8 cũng băng băng qua trạm, ra đường 1A cũ tiến về phía Hà Nội.
Hết địa phận Hà Tây, khi xe chạy vào thị trấn Văn Điển, chúng tôi đã chủ động vượt lên và "đón lõng" cách chốt kiểm dịch Ngọc Hồi- chốt kiểm dịch động vật quan trọng của cửa ngõ phía tây Hà Nội chừng 50m.
Qua chốt kiểm dịch Ngọc Hồi trước "mũi" kiểm dịch viên mà không gặp bất kỳ sự kiểm tra nào.
Vào địa phận Hà Hội lúc 6h 30
Vậy nhưng, những xe máy này từ từ giảm tốc độ rồi... vút qua chốt mà không có một sự kiểm tra nào của cán bộ kiểm dịch chốt này.
Âu cũng không có gì khó hiểu bởi lúc đó vào khoảng hơn 6h sáng. Có lẽ, chốt đang giờ thay ca hoặc cán bộ chốt đang ngủ sau một đêm trực bận rộn?!
"Hà Nội kính chào"... "gia cầm sạch"!
Tiếp tục theo chân hai vợ chồng chủ nhân chuyến xe 33 N4-2750, chúng tôi có mặt tại chợ "cóc" đê Đông Mác (gần bến xe Lương Yên) chứng kiến cảnh mua bán tấp nập tại đây lúc hửng sáng.
Trên đường vào chợ "cóc" đê Đông Mác
Điều đáng nói là chúng tôi không thấy một sự hoài nghi nào của các bà nội trợ về nguồn gốc của đàn vịt đã được làm sạch sẽ này. Hầu hết, các chị đều chung quan điểm rằng: "Hà Nội chưa có dịch".
Còn với những ai có quan tâm hỏi han về dịch thì nhận được câu trả lời suôn sẻ: "Vịt này nhà em nhốt cả chục hôm rồi, dịch làm sao được. Mà có dịch thì nhà em tự tay giết mổ còn chả sợ, nhà bác nấu chín nữa, lo gì!"
Sau khi bán hết veo hơn 20 chục con vịt, đôi vợ chồng này quay trở lại chợ Đông Tác "thả" tiếp đàn ngan sống cho những mối hàng có vẻ đã quen thuộc lâu lắm rồi (vì không thấy chủ hàng xem hàng hay vặn vẹo gì thêm)!
Cứ thế, mỗi ngày, thị trường Hà Nội có thêm cả nghìn gia cầm "sạch" của riêng làng gà Hà Vĩ- một địa chỉ "uy tín" của người tiêu dùng Hà Nội?!
- Chí Hiếu
- Ảnh: Phạm Hải