(VietNamNet) - Đã hơn một ngày trôi qua, nhiều bà con ở xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ, Lai Châu) vẫn đang sấp ngửa đi dọc bờ sông Nậm Na tìm người thân. 4 người mất tích trong vụ đắm đò thảm khốc tại bến đò Lềnh Vui (xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ) sáng 30/6.
>> Qua "cầu tử thần" bằng… tay ở Tây Bắc
Chiếc đò bị đắm.
Cháu Tòng Văn Bình, 14 tuổi sống cùng gia đình ở lán nương ven bến đò bàng hoàng kể lại: "Sáng hôm đó, cháu nghe thấy những tiếng hú gọi hoảng hốt, bèn chạy ra xem.
Trên mặt sông có 2 người đàn ông đang cố bám vào con thuyền đã bị lật, 4 người khác đang trôi dạt. Chú Lò Văn Tán ở lán nương bờ bên kia chạy đi lấy thuyền nhà để cứu các nạn nhân, nhưng thuyền bị cơn mưa tối hôm trước đổ đầy nước. Khi chú tát hết nước, bơi ra sông thì 4 người xấu số đã bị dòng nước nhấn chìm".
Tại xã Pa Tần, PV VietNamNet gặp một nhóm 3 người đang căng mắt ra dõi tìm trên từng mét nước đang chảy dữ dội bên bờ phải của sông Nậm Na. Họ là những người em của chị Lý Cù Khé, 32 tuổi người dân tộc Dao sống tại bản Hoàng Chù Sào (xã Huổi Luông), một trong 4 nạn nhân vừa mất tích.
Họ đã đi dọc bờ sông tìm xác chị từ sáng hôm qua đến giờ.
Người nhà nạn nhân tại nơi xảy ra tai nạn
Một người em, anh Chẻo Cù Sếng đau đớn kể: sáng qua, chị Khé trao đứa con gái còn chưa cai sữa cho chồng, rồi địu một bao ngô qua đò Lềnh Vui để xuống chợ Pa Tần. Nào ngờ con đò định mệnh đã cướp đi người mẹ của 5 đứa con còn thơ dại.
Anh Chẻo Cù Xoang, chồng nạn nhân đang bế đứa con khóc ngằn ngặt trên tay vì khát sữa. Anh không biết sẽ xoay xở ra sao với 5 đứa con, đứa lớn năm nay mới 14 tuổi, đứa nhỏ còn đang ẵm ngửa này.
Từ bên này sông, nghe rõ mồn một tiếng hú gọi, tiếng gào khóc thảm thương của mẹ và vợ anh Lý A Páo (26 tuổi người dân tộc Mông ở bản Làng Vây 1, xã Huổi Luông).
Con sông Nậm Na đang mùa mưa lũ, nước đỏ mênh mông chảy cuồn cuộn, 2 bên bờ toàn rừng núi dốc thăm thẳm.
Người nhà nạn nhân đi dọc đoạn sông tìm xác. |
Bến đò Lềnh Vui thuộc địa phận xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ) đã có từ nhiều năm nay. Đây là bến đò tự phát, thường xuyên chở bà con từ xã Huổi Luông đi các nơi. Nhiều người thường đi tắt qua đây, bởi nếu đi đường vòng qua cầu Pa Tần, quãng đường sẽ dài hơn gấp 3.
Con đò chở dân Huổi Luông được ghép từ 3 mảnh ván đã cũ nát, do chủ đò Vàng Văn Thương (sinh năm 1968) cầm lái, vẫn chưa được cấp phép hoạt động, chẳng có lấy một thiết bị cứu sinh.
Một người dân (xin giấu tên) sống tại lán nương gần lán của Thương cho biết: Thương có nhà tại trung tâm xã Pa Tần, lên đây dựng lán làm nương, kiêm luôn cả nghề chở đò. Thương vừa mãn hạn tù vì buôn bán ma tuý, nay đang trong giai đoạn nghiện ma tuý nặng.
Nhiều nơi tại Lai Châu vẫn phải qua sông bằng những cây cầu nguy hiểm như thế này. |
Hôm đó, vì tham tiền để thoả mãn nhu cầu hút chích, Thương đã chở tới 5 người cùng 5 bao ngô nặng.
Lẽ ra, còn có thêm 1 nạn nhân - một phụ nữ, đã từ chối lên đò, dù Thương nài "cứ lên đi, đò vẫn còn chở được nữa!".
Được biết ngay sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp chủ đò Vàng Văn Thương để điều tra làm rõ nguyên nhân, còn con đò đã được đưa về trụ sở UBND xã Pa Tần. Chính quyền huyện Phong Thổ đã tổ chức vào thăm hỏi, động viên các gia đình có người gặp nạn và cử lực lượng đi tìm.
Tây Bắc đang vào mùa mưa lũ, ai sẽ chịu trách nhiệm với những tai nạn thương tâm như thế này?
Xuôi sông Nậm Na cách bến đò oan nghiệt đó gần chục cây số là cây cầu Pa Tần với mệnh danh cây cầu "tử thần", con đường bộ duy nhất để hơn 1.000 hộ dân xã Huổi Luông giao lưu với bên ngoài, vẫn trơ mặt gỗ cũ nát, nhiều đoạn dài tới cả chục mét mà vẻn vẹn 2-3 tấm ván kê dọc, hăm doạ những người đi qua.
Cây cầu có vẻ đã bị lãng quên, bởi tiếng là cầu của huyện Sìn Hồ, song phần lớn chỉ có dân của huyện Phong Thổ qua lại.
Cách đây không lâu, VietNamNet có phóng sự cảnh báo về tình trạng nguy hiểm trên những cây cầu "tử thần" ở Lai Châu. Mùa lũ đang đến ở Tây Bắc, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra những sự việc đau lòng như thế này nữa?
-
Chu Quốc Hùng