221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
953988
Dịch cúm gia cầm: Dừng tiêm văc-xin để chống lãng phí?
1
Article
null
Dịch cúm gia cầm: Dừng tiêm văc-xin để chống lãng phí?
,

(VietNamNet) - "Nên dừng tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm một thời gian, khoảng 3 năm, để xem xét lại hiệu quả của công tác này. Nếu tiêm phòng mà quản lý không tốt thì tiêm phòng chỉ là lãng phí như nhận định gần đây của Cục Thú y".

Sẽ dừng chương trình tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm để xem xét lại tính hiệu quả?

TS. Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ (Cục Thú y - Bộ NN-PTNT) trao đổi  với PV.VietNamNet xung quanh đề xuất này. 

- Thưa ông, Thái Lan không chủ trương tiêm phòng văc-xin cho gia cầm mà vẫn không có dịch xảy ra? Chúng ta học tập được điều gì từ một trong những nước xuất khẩu gia cầm lớn nhất trong khu vực này?

- Trước tiên, phải khẳng định Thái Lan khống chế khá thành công dịch cúm gia cầm qua biện pháp tiêu hủy và giảm số lượng vịt. Đợt dịch thứ nhất năm 2004, 60 triệu con bị chết và tiêu hủy. 

Nước này có 4 hệ thống chăn nuôi vịt. Thứ nhất, hệ thống nuôi kín có mức độ an toàn sinh học cao (kiểm tra 10.000 vịt nuôi  kiểu này không phát hiện có virus và phản ứng huyết thanh dương tính), với 3 triệu vịt được nuôi theo hệ thống này. Thứ hai, hệ thống chuồng nuôi hở với 1-2 triệu vịt thịt và 5-8 triệu vịt đẻ. Xét nghiệm vịt tại 17 trang trại, có 4 trại nhiễm virus H5N1, chiếm 23,5%.

Thứ ba, hệ thống nuôi vịt thả rông và chạy đồng thả tự do. Đầu năm 2004, Thái Lan có 10-11 triệu con vịt được nuôi theo kiểu này. Xét nghiệm 61 đàn vịt chạy đồng phát hiện 28 đàn có virus H5N1, chiếm tỷ lệ 46%. 

Thứ tư, hệ thống nuôi vịt theo kiểu thả vườn, với khoảng 1-1,5 triệu con. Thời gian đầu, gà bị bệnh nhiều nhất với tỷ lệ 56% số đàn được xét nghiệm; vịt chỉ là 27%. Tuy nhiên, trong đợt dịch cúm gia cầm thứ hai (8-11/2004), 47% số đàn vịt thả vườn dương tính với virus H5N1 (tăng 20% so với đợt dịch đầu năm 2004). 

Từ 10/2005, Thái Lan đã xoá bỏ hẳn việc nuôi vịt thả rông và vịt chạy đồng. Người dân nào vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, vừa bị phạt tiền vừa bị ngưng cấp phép giấy cho chăn nuôi, vận chuyển. Nếu chủ hộ vẫn nuôi vịt, Nhà nước không đền bù nếu đàn vịt đó nhiễm virus H5N1. Do vậy, số lượng vịt từ 40-50 triệu con nay giảm còn 15-18 triệu con, trong đó có 10 triệu con nuôi nhốt.

Tại sao Thái Lan không tiêm phòng? Nước này xuất khẩu một lượng gia cầm sang thị trường EU, nhưng từ khi bùng nổ dịch cúm, EU không nhập gia cầm đã tiêm văc-xin có kháng thể và lý giải rằng, họ muốn phân biệt rõ ràng đâu là kháng thể do văc-xin và đâu là do bệnh tự nhiên. Nếu gia cầm bị nhiễm cúm, Thái Lan áp dụng phương pháp tiêu huỷ triệt để. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý của Thái Lan cũng tốt hơn Việt Nam nhiều. 

- Còn đối với các nước có tiêm phòng văc-xin, kết quả ra sao?

- Theo tôi biết, trong lịch sử sử dụng văc-xin cúm gia cầm có Italy (H7N7, H7N3), Mexico (H5N2), Pakistan (H7N3) và Hông Kông (H5N2) là thành công. Hiện có 18 nước sử dụng văc-xin trong phòng chống cúm gia cầm, gồm: Indonesia, Trung Quốc, Hồng Kông, Afganistan, Campuchia, Cote-D’Ivoire, Hungary, Ai Cập, Đức, Niger, Nga, Ảrập Saudi, Sudan, Togo, Việt Nam, Ai Cập, Tanzania và Vương quốc Anh. Mức độ sử dụng có khác nhau giữa từng nước và kết quả thu được cũng khác.

Tại Việt Nam, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tiêm phòng. Văc-xin không vào được gia cầm do hoặc tiêm sai kỹ thuật, hoặc tiêm không đủ liều và không trung thực dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng thấp. Nếu không xét kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tiêm phòng đã đưa ra nhận định văc-xin không có tính sinh miễn dịch thì dễ gây ra sự hiểu lầm về tác dụng của nó. Có nhà khoa học khẳng định với tôi rằng, hoặc là có vịt tiêm phòng, hoặc là đừng có nuôi vịt.

- Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng công tác tiêm phòng ở một khía cạnh nào đó đã không hiệu quả, gây ra lãng phí? Ông nhận xét như thế nào?

- Nếu với cách quản lý ngành chăn nuôi như hiện nay, chúng ta không thể đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng cao trên tổng đàn. Dịch cúm sẽ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Việc tiêm phòng, dựa trên số liệu mà chúng tôi (Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ) đưa ra, là không đạt yêu cầu. Tiêm như vậy, có thể nói, là lãng phí. 

Làm sao để gia cầm được tiêm phòng đúng và tiêm chân thực cần nhiều yếu tố. Về kỹ thuật tiêm, mặc dù có tập huấn nhưng vẫn xảy ra chuyện tiêm không đúng. Hơn nữa, hệ thống giám sát và thống kê của chúng ta chưa tốt. Tôi cũng không lạ gì khi có tỉnh báo cáo tỷ lệ tiêm phòng đạt tới 118%. Con số đó cũng chỉ nói về tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn, còn tỷ lệ bảo hộ hẳn sẽ thấp hơn nhiều. 

Theo yêu cầu, quần thể được gây miễn dịch phải đạt tỷ lệ bảo hộ >80% số cá thể được tiêm, nếu dưới mức đó miễn dịch chỉ là miễn dịch cho từng cá thể. Sức đề kháng của quần thể thấp thì virus sẽ dễ dàng gây bệnh. Rõ ràng, với việc tiêm không đúng như thế này thì có hại hơn là có lợi. 

Mặc dù đến nay, Việt Nam chưa đánh giá chính xác được tiêm phòng đóng góp bao nhiêu phần trăm vào việc phòng chống dịch cúm thành công, nhưng phải khẳng định, hơn 1 năm qua chúng ta đã khống chế được dịch cúm và 17 tháng liên tiếp không xuất hiện trường hợp người nhiễm cúm A (H5N1).

- Chúng ta có nên dừng công tác tiêm phòng để đánh giá lại kết quả của chương trình này không, thưa ông?

- Cục Thú y đang nghiên cứu chiến lược sử dụng văc-xin thời gian tới. Điều này không có nghĩa trước đây ta chưa nghiên cứu, mà giờ cần có những điều chỉnh cho phù hợp. Cục trưởng Bùi Quang Anh đã đề xuất ý kiến nên giảm nhẹ công việc cho ngành thú y bằng cách xã hội hoá công tác tiêm phòng cúm gia cầm, tức là để người dân tự làm. 

Tôi được biết có loại văc-xin mới là Lasota + cúm (vừa trị bệnh NewCastle, vừa trị cúm gia cầm), lại có thể nhỏ mũi hoặc tiêm, rẻ hơn văc-xin hiện hành. Tuy nhiên, đến nay phía Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành việc cấp giấy phép xuất khẩu loại này. 

Nhưng nếu để người dân tự tiêm phòng Việt Nam phải có một hệ thống thú y mạnh, bởi bệnh gia cầm này liên quan đến tính mạng con người. Vấn đề khác đặt ra là người dân tiêm được bao nhiêu %? Liệu có đảm bảo được tỷ lệ tiêm phòng hay không?

Theo tôi, trong tiêm phòng phải luôn tính đến đường thoát, nghĩa là dừng tiêm phòng lại. Thời điểm nào dừng  là việc còn đang được bàn tính. Tuy nhiên, việc dừng tiêm phòng sẽ có thể sớm hơn dự kiến do trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không quản lý được chăn nuôi nhỏ lẻ và nuôi vịt thả đồng. Nếu không tận dụng thời gian lắng dịch mà thúc đẩy công tác quản lý thì chúng ta sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn: tốn tiền mua văc-xin - dịch vẫn nổ ra - tiêu hủy - nuôi mới - tiêm phòng và dịch vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chủ trương tiêm phòng của Nhà nước là đúng đắn, nhằm tạo thế hay sức miễn dịch cho đàn gia cầm, nếu tiêm không tốt là lãng phí. 

- Xin cảm ơn ông.

  • Hà Yên (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,