(VietNamNet) - Tổ Dự án Seoul đã qua nửa thời gian nghiên cứu qui hoạch đôi bờ sông Hồng (đoạn qua Hà Nội). Tuy nhiên, mới tính sơ, để dự án này phần nào thành hiện thực - cần phải có ít nhất 27 nghìn tỉ đồng (con số Bộ Tài chính đưa ra), thậm chí còn... hơn thế nữa!
Đại diện phía Seoul đang phát biểu trước Hội thảo Báo cáo giữa kỳ Dự án ’’Lập qui hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội’’ sáng 8/7/2007 (Ảnh: H.H). |
Đây quả thực là một thách thức về vốn. Vậy mà, đó mới chỉ là những trù tính để giải quyết một vài vấn đề cơ bản nhất của dự án. Bởi, theo tính toán, khoảng 35.000 hộ gia đình với 18 vạn dân sẽ phải chuyển đi; cả một "thành phố mới" sẽ được xây dựng, cả một tuyến đê mới với nhiều cấp độ sẽ hình thành...
Còn nếu ’’nâng tầm’’ dự án xa hơn, như gợi ý của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho tính chiến lược của dự án - người dân có thể sẽ thiếu cầu hoặc các phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn để giao lưu giữa đôi bờ sông, khi hình thành tụ điểm dân cư tại một vài khu vực của dự án.
Hơn nữa, để khu vực này nói riêng và Hà Nội nói chung hoàn toàn ’’công nghiệp hóa, hiện đại hóa’’ vào 2020, việc hoạch định các đường ngầm dưới sông, đường xe điện vắt cao trên không... là điều sẽ phải tính tới - và lúc đó thì số vốn đổ vào đây dự kiến ’’khổng lồ’’.
Ven sông Hồng rồi đây sẽ có đô thị, công viên - lung linh chẳng kém đôi bờ sông Hàn chảy qua Thủ đô Seoul (Hàn Quốc)? (Ảnh tư liệu) |
’’Đại dự án’’ sẽ có một ’’đại hội đồng’’ phê duyệt!
Lắng nghe ý kiến của nhiều bên: Thành phố Hà Nội, Seoul, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính... tại Hội thảo Báo cáo giữa kỳ Dự án ’’Lập qui hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội’’ của Tổ Dự án sông Hồng sáng 8/7/2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự đóng góp ’’sức người sức của’’ của phía Hàn Quốc đối với dự án này tại Việt Nam. Qui mô và nội dung dự án - theo Phó Thủ tướng, hoàn toàn phù hợp với định hướng chung phát triển Thủ đô Hà Nội thành một đô thị hiện đại trong tương lai.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý: ’’Dự án nằm trong qui hoạch thủ đô, qui hoạch thủ đô thì nằm trong quy hoạch vùng. Vì vậy khi nghiên cứu, những qui hoạch này cần phải kết hợp, thống nhất với nhau một cách hợp lý và mang tính tổng thể. Ví dụ như, nghiên cứu đoạn sông này thì cần hiểu rằng sông Hồng đâu chỉ chạy dài 40km qua Hà Nội, mà phải biết thượng nguồn nó ở đâu, đoạn kết chỗ nào... để chỉnh trị được tốt hơn!’’.
Cũng theo Phó Thủ tướng, khi dự án này trình duyệt, sẽ có cả một hội đồng khoa học gồm nhiều bộ, ngành chuyên môn và cả Thành phố Hà Nội cùng xem xét, thẩm định. Bộ Xây dựng dự tính thời gian phê duyệt dự án tối thiểu 2 năm.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính nhận định, tổ dự án đã có những nghiên cứu về dòng chảy, chỉnh trị sông bước đầu rất khả quan. Song, Thứ trưởng cho rằng, từ nay đến khi báo cáo cuối kỳ, dự án cần làm ’’toát’’ lên hơn nữa 2 tư tưởng lớn: Thứ nhất, đê mới chắc chắn sẽ được đắp rồi mới phá đê cũ, nhưng đê mới sẽ được đắp cụ thể thế nào? Thứ hai, đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên là khu vực gần trung tâm Thủ đô nhất, nơi dân cư sinh sống rất đông - cần làm rõ hơn sẽ giải quyết khu vực này thế nào? Dân có phải chuyển hết không?
’’Quyết định toàn bộ dân trong khu vực sông sẽ di dời!’’
Đó là đề xuất của Tổ Dự án sông Hồng ’’trước sau như một’’ xuyên suốt các buổi báo cáo và phù hợp với Luật Đê điều Việt Nam. Theo các chuyên gia tổ nghiên cứu này, đây chính là một trong những điều kiện tiên quyết để dự án thành công và kiến nghị được hoạch định sớm qui hoạch di dời này.
Theo họ, triển khai đền bù, quy chuẩn đền bù và lập qui hoạch, giải pháp di dời dân là hoàn toàn liên quan tới quyết tâm của phía Hà Nội và Chính phủ Việt Nam. Cần thiết nhất lúc này là sự nỗ lực và ý chí triển khai mạnh mẽ của Thành phố Hà Nội và Chính phủ Việt Nam vì dự án sẽ kéo dài trong thời gian khá lâu.
Cùng với đó, Tổ Dự án sông Hồng đề xuất phương hướng huy động vốn để triển khai dự án này là: Lợi nhuận từ khai thác khu đất mới tạo ra sẽ tái đầu tư vào dự án chỉnh trị sông Hồng; Phần tài chính còn thiếu khi thực hiện dự án sẽ bổ sung từ lợi ích khai thác, phát triển một phần Khu đô thị bắc sông Hồng.
Muốn vậy, cần phân công vai trò rõ rệt giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước: Nhà nước đảm nhiệm các biện pháp di dời dân và đền bù đất, nhà hoặc triển khai dự án công viên (nếu cần); Doanh nghiệp tư nhân sẽ đem lợi ích từ triển khai dự án phát triển đô thị đầu tư vào dự án công trình cơ sở hạ tầng.
Dự kiến, Dự án ’’Lập qui hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội’’ này sẽ báo cáo cuối kỳ vào tháng 11/2007 tới.
-
Tràng An Nguyễn