(VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng yêu cầu các tỉnh phía Nam đóng cửa ngay các lò ấp trứng không đạt yêu cầu, bởi dịch cúm vừa quay trở lại Cà Mau, dấu hiệu bắt đầu của một đợt dịch mới tại các tỉnh ĐBSCL.
Vận chuyển gia cầm sống ngang nhiên giữa TP. Hà Nội (ảnh Phạm Hải).
Theo Cục Thú y, trong tuần qua, dịch cúm gia cầm tại các tỉnh phía Bắc tiếp tục có chiều hướng giảm dần. Các địa phương cơ bản khống chế được dịch, ngoài 2 ổ dịch mới tái phát tại Ninh Bình. Cục Thú y nhận định, việc phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Bắc là tích cực và tương đối hiệu quả.
Song, việc ở Cà Mau bùng phát dịch cho thấy dấu hiệu bắt đầu một đợt dịch mới tại các tỉnh phía Nam. Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh lo lắng, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh, lan rộng là tất yếu khi công tác quản lý ấp nở, nuôi mới thuỷ cầm tại nhiều địa phương còn lỏng lẻo, không được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, việc tiêm phòng bổ sung cho đàn vịt thời vụ không được đảm bảo.
Đại diện Chi cục Thú y Cà Mau cũng thừa nhận, do địa hình sông nước, việc nuôi thuỷ cầm phân tán nên công tác tiêm phòng rất khó khăn. Ngay đàn ngan tại Cà Mau cũng chưa được tiêm phòng do e ngại văc-xin đóng trong chai lớn (1.000 liều) tiêm không hết sẽ lãng phí.
"Cà Mau đã xin nhập 10.000 liều H5N9 về tiêm phòng cho ngan. Chúng tôi sẽ cố gắng kêu gọi bà con tập trung thuỷ cầm lại để tổ chức tiêm phòng", ông này nói.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều nay, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng yêu cầu Cà Mau cần xử lý dứt điểm dịch cúm, không để dịch lây lan. Ông lưu ý các địa phương kiểm tra ngay các lò ấp trứng, lò nào không đạt tiêu chuẩn buộc phải đóng cửa. Thuỷ cầm tiêm phòng văc-xin không đúng, như chưa tiêm mũi 1 trong 200 ngày đầu hoặc bỏ sót tiêm mũi 2, sẽ bị tiêu huỷ.
Ngoài ra, các tỉnh phía Bắc cũng hết sức cảnh giác khi tại biên giới phía Bắc, diễn biến dịch trên gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp.
Từ 12/5 đến nay, dịch cúm đã bùng phát tại một số tỉnh Trung Quốc có biên giới giáp Việt Nam. Kết quả xét nghiệm mẫu gia cầm nhập từ Trung Quốc về Việt Nam đã phát hiện có virus H5N1. Trong khi đó, hầu như tuần nào, cơ quan quản lý thị trường cũng thông báo bắt giữ và tiêu huỷ nhiều lô hàng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc.
LMLM ở Quảng Trị: Công an vào cuộc
Kể từ đầu tháng 6, tại Quảng Trị, tổng số gia súc mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) lên tới 718 con, địa phương đã tiêu huỷ là 683 con, chủ yếu tại các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Đắk Rông, Hướng Hoá và huyện đảo Cồn Cỏ.
Nguyên nhân khiến dịch LMLM bùng phát tại tỉnh này là do Công ty TNHH Thuận Thành (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) khi vận chuyển 50 con bò mang mầm bệnh từ địa phương khác đến các hộ nông dân trong khuôn khổ Dự án giảm nghèo của tỉnh, không tuân thủ nghiêm ngặt việc nuôi cách ly, tự ý vận chuyển 33 con bò lên 7 xã của huyện Đắk Rông. Từ đó, dịch lây lan khắp tỉnh.
Đại diện Bộ Công an cho biết, Công an tỉnh Quảng Trị đang phối hợp làm rõ hành vi, mục đích của Giám đốc Công ty Thuận Thành. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an Quảng Trị, Thanh Hoá điều tra làm rõ nguồn gốc để xử lý.
Đến nay, Quảng Trị bước đầu đã khống chế được dịch, nhưng địa phương này vẫn lo ngại dịch sẽ tái phát. Trong khi đó, việc tẩy trùng cho xe vận chuyển (trên quốc lộ 9) lại gặp trở ngại do lực lượng thú y không biết đặt trạm gác ở vị trí nào để có thể tẩy trùng cho xe chở gia súc. Đường giao thông lại hẹp, không thể đỗ nhiều xe ôtô để làm việc này.
Ngoài ra, Cục Thú y nhận xét, dịch bệnh trên gia súc vẫn hoành hành tại Quảng Nam. Thống kê mới nhất, đã có 8.000 con gia súc của tỉnh này bị nghi nhiễm bệnh, trong đó có 1.700 con chết. Dưới địa phương cho rằng gia súc bị bệnh tả và tụ huyết trùng. Tuy nhiên, Bộ trưởng NN-PNTT đã yêu cầu Cục Thú y cử cán bộ vào Quảng Nam để tìm ra chính xác dịch bệnh, báo cáo Bộ trưởng ngày hôm nay để có biện pháp xử lý kịp thời.
-
Hà Yên