(VietNamNet) - Sau khi 10.000 con heo nhiễm bệnh chết và được Chi cục thú y Quảng Nam xác định nguyên nhân có thể do bệnh "tai xanh", 1.200 con khác cũng không qua khỏi, với cùng triệu chứng.
Trao đổi với PV VietNamNet, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phạm Ngọc Anh cho biết, những đàn heo này của các hộ chăn nuôi xã Bình Minh, Bình Trung, Bình Hải, thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) và Duy Nghĩa (Duy Xuyên), đều bị sốt cao, da đỏ hồng, chân đi xiêu vẹo, mắt có ghèn, phân táo bón hoặc ỉa chảy...
Lợn tự do di cư
Báo cáo của lực lượng thú y cơ sở cho thấy, dịch chủ yếu gây hại trên đàn heo nái và heo choai; heo nái đang mang thai, nếu nhiễm bệnh, lập tức sẽ bị sẩy thai.
Ông Phạm Ngọc Anh cho biết, mặc dù Trung tâm Thú y vùng 6 (TP.HCM) chưa thông báo kết quả xét nghiệm 6 mẫu huyết thanh và bệnh phẩm được lấy từ một số con heo nhiễm bệnh và chết tại xã Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), nhưng qua giải phẫu khám nghiệm trên xác heo nhiễm bệnh chết tại huyện Thăng Bình và Quế Sơn, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thú y vùng Đà Nẵng (thuộc cục Thú y Trung ương) cho rằng, heo nhiễm bệnh và chết là do hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) hay còn gọi là bệnh “tai xanh”.
Theo ông Phạm Ngọc Anh, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh này. Vì vậy, chủ yếu là điều trị triệu chứng hoặc sử dụng một số loại thuốc nhằm tăng cường sức đề kháng cho heo để ngăn chặn nhiễm bệnh kế phát.
Ông Anh cho rằng, biện pháp tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại cho đàn heo Quảng Nam lúc này chỉ có biện pháp là các ngành, địa phương và người chăn nuôi phải nhanh chóng phun tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, khu dân cư, điểm mua bán, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia súc... nhằm ngăn chặn sự phát tán của vi rút gây bệnh. Đặc biệt, tại các vùng đang xảy ra dịch, phải gấp rút tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ; nghiêm cấm tuyệt đối việc vận chuyển, giết mổ heo bệnh...
Tuy nhiên, ông Anh cũng thừa nhận, lực lượng thú y quá mỏng, không thể nào kiểm soát nổi dịch bệnh, nếu chính quyền địa phương không vào cuộc.
-
Vũ Trung