221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
960208
Ngổn ngang đào, xới và tắc đường TP.HCM
1
Article
null
Ngổn ngang đào, xới và tắc đường TP.HCM
,

(VietNamNet) - Phác thảo bức tranh hỗn độn về đường sá tại TP.HCM: 70 tuyến đường với 60km bị đào tung lên. Những “lô cốt” án ngữ chiếm hết lối đi của xe cộ.

“Ra đường gặp lô cốt”

Câu nói này trở thành câu cửa miệng của người dân thành phố khi có việc phải ra đường. 

Càng ngày, nhiều con đường bị xới tung lên và trở thành công trường xây dựng ngay trong lòng thành phố. Để đảm bảo vẻ mỹ quan, an toàn trong lúc thi công, nhà thầu cho dựng rào chắn xung quanh công trường. 

Hàng rào chắn án ngữ giữa đường làm cho con đường vốn hẹp càng hẹp thêm. Vào giờ ít xe lưu thông, việc đi lại trên những con đường này đã khó. Đến giờ cao điểm, nhất là buổi sáng và chiều tối, tình trạng ùn tắc còn “bi đát” hơn. Tiếng còi xe tranh đường réo inh ỏi. Dòng xe rồng rắn chậm chạp nhích từng chút một. Người đi đường bị bao phủ trong làn khí độc hại mù mịt thải ra từ ống khói xe hơi, xe gắn máy.  

d
Đào đường, vây rào chắn ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán của người dân.

Từ chợ Bến Thành, vòng qua vòng xoay là đến đường Trần Hưng Đạo. Mấy tháng trở lại đây, Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước đã đào bới con đường này lên để lắp đặt hệ thống thoát nước, thay thế hệ thống cống nước cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc vốn đã xuống cấp trầm trọng. 

Hàng rào chắn ở công trình này choán hết lòng đường chỉ chừa lại hai bên một lối đi nhỏ. Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa, chúng tôi hòa vào dòng xe đặc kín trên đường Trần Hưng Đạo. Sau lưng, trước mặt, bên trái, bên phải, xe cộ dày đặc. Muốn đi nhanh phải điều khiển xe chạy lên vỉa hè trước ánh mắt bực dọc của các chủ cửa hàng bán điện thoại di động, quán ăn. 

“Lô cốt” trên đường Yersin bị bỏ bê trong hơn một tháng nay. Có lẽ thấy rào vây kín đáo, thuận tiện nên những người dân thiếu ý thức đã mang rác ra đổ đầy trong công trình. Thậm chí có kẻ còn phóng uế bừa bãi. Mùi xú uế xông lên nồng nặc. “Nếu thi công chưa xong thì nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ cho người dân chúng tôi nhờ. Còn đã làm xong thì làm ơn dỡ bỏ hàng rào để chúng tôi còn có mặt bằng sinh sống, làm ăn. Bỏ thế này làm sao chúng tôi chịu nổi”- bà Phạm Thị Bông (nhà số 10, đường Yersin) bức xúc. “Từ khi rào chắn con đường này và triển khai thi công, chúng tôi khổ nhiều rồi. Buôn bán ế ẩm, khách thưa thớt. Xe cộ đi lại như mắc cửi, còn lối đâu cho khách vào quán ăn”. 

Tương tự, tình trạng ùn tắc giao thông còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên đường nổi tiếng với những cửa hàng kinh doanh phát đạt, đông khách: Phó Đức Chính, Nguyễn Công Trứ, Ký Con, An Dương Vương, Trần Bình Trọng... 

Ông Đặng Ngọc Hồi, đại diện chủ đầu tư, trưởng phân ban quản lý dự án môi trường nước cho biết: “Hiện nhà thầu phải gấp rút thực hiện thi công đúng theo tiến độ hợp đồng. Việc thi công đã được triển khai trên bốn mũi nhưng gặp phải không ít khó khăn do vướng phải công trình ngầm”. Ông Hồi thừa nhận dù cố gắng phân luồng giao thông tại khu vực thi công tuy nhiên do mặt bằng chật hẹp, lượng xe đông nên không tránh khỏi ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán của người dân. 

Đại công trường

Theo báo cáo của Khối giao thông đường bộ (thuộc Sở GT-CC), thời gian gần đây, ùn tắc giao thông tăng mạnh do triển khai đồng loạt các dự án hạ tầng đô thị lớn như Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Đại lộ Đông Tây, cải thiện môi trường nước mạng cấp nước 1, 2 tiêu thụ nước BOO và LDE. 

Trong khi đó, trong năm 2007, Sở GT-CC cho biết sẽ triển khai thi công đồng loạt 13 dự án trọng điểm nhằm xây dựng các đường xuyên tâm, đường kết nối với các đô thị vệ tinh, bến cảng, các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Như vậy, hàng loạt tuyến đường sẽ phải đào lên. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GT-CC từng chia sẻ: “Sắp tới thành phố trở thành đại công trường. Dẫu biết rằng đào đường ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân nhưng không có cách nào hơn”. 

Trước mắt, theo kế hoạch dự kiến của Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trong tháng 8 tới, sau khi mở 8 gói thầu nhằm thực hiện lắp đặt cống thoát nước đường kính 600 - 2.000mm sẽ phải dựng rào chắn và đào 70 tuyến đường với tổng chiều dài gần 60km chạy qua các quận nội thành: 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh. Thời gian thi công kéo dài gần 3 năm. 

d
"Lô cốt" giữa đường.

Trong 3 năm đó, hàng loạt các trục đường chính thành phố hiện đông nghẹt phương tiện qua lại như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Kiệm, Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Bạch Đằng... nằm ở hướng Tây Nam, Tây Bắc, Đông Nam thành phố bị bó hẹp. Chuyện ùn tắc giao thông sẽ khó tránh khỏi. 

Một cán bộ của Ban quản lý dự án vệ sinh thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho rằng dù đã biết trước viễn cảnh không mấy gì tốt đẹp nhưng buộc phải triển khai. “Tình thế của chúng tôi chẳng khác nào leo lên lưng cọp. Có lùi cũng không kịp” - vị cán bộ này nói. 

Cần nói thêm, dự án vệ sinh lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè có tổng mức đầu tư 199,96 triệu đô la Mỹ. Trong số này, vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới (WB) chiếm 166,34 triệu đô la. Theo đúng cam kết, dự án tai tiếng này kết thúc vào cuối năm nay. Tuy vậy, cho đến nay, tiến độ giải ngân dự án chỉ mới khoảng 28% và nhiều dự án thành phần vẫn nằm trên giấy. Mới đây, sau nhiều lần thương thảo, UBND TP.HCM đã được WB đồng ý gia hạn thời hạn giải ngân thêm 2 năm nữa. Điều này có nghĩa, dự án buộc phải kết thúc trong năm 2009. 

Bức tranh loang lổ màu xám về “số phận” của các con đường tại TP.HCM và tình trạng kẹt xe mới chỉ ở bước phác thảo nhưng nhiều chuyên gia đã hình dung đến một “đại công trường hỗn độn, khổng lồ” trong 2 năm tới. Nhiều chuyên gia ngành giao thông tỏ vẻ hài hước: “Hai năm tới, trên các con đường ở thành phố, người đi bộ sẽ di chuyển nhanh hơn xe gắn máy, xe hơi”.

  • Trần Duy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,