(VietNamNet) - Nếu coi rằng tiến độ thi công cầu Vĩnh Tuy hiện nay (36 tháng) là "tương đối phù hợp với thực tế" thì có nghĩa trước đó, tiến độ 24 tháng đã được đặt ra hoàn toàn phi thực tế, không phù hợp?
Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn vừa báo cáo Thành uỷ Hà Nội tiến độ thực hiện 2 công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Dự án cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường 2 đầu cầu; Dự án đường 5 kéo dài. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy đang bị coi là "chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra" khoảng 18 tháng, "đội" tiền trả lãi trái phiếu Chính phủ thêm khoảng 130 tỉ đồng, phải rút ngân sách Thành phố ra để trả (như khẳng định của Trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt với báo giới)!
24 tháng hay 36 tháng là "tương đối phù hợp với thực tế" hơn để xây dựng cầu Vĩnh Tuy? (Ảnh: Lê Anh Dzũng). |
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất này, chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn đưa ra nhiều cơ sở, dữ liệu để chứng minh rằng "những kết quả đạt được của dự án cầu Vĩnh Tuy còn khả quan hơn các công trình do Bộ GT-VT đang chỉ đạo thực hiện".
Ban này cho biết: "Theo đánh giá của Tổ chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thì so với các công trình giao thông tương tự, chưa kể khối lượng công tác GPMB và di chuyển công trình ngầm nổi, thì tiến độ thi công cầu Vĩnh Tuy là tương đối phù hợp với thực tế và với quy mô như cầu Vĩnh Tuy hiện nay cũng chưa có công trình nào của ngành giao thông đạt được tiến độ như vậy"(?!)
Tiến độ 24 tháng chỉ đạt được trong "điều kiện lý tưởng"?
Theo Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, ban đầu, khi lập tiến độ cho dự án cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường 2 đầu cầu, lãnh đạo Bộ GT-VT và UBND TP Hà Nội đã "hạ quyết tâm hoàn thành dự án trong thời gian 24 tháng". Song, Ban này nhấn mạnh: "Đây là tiến độ thực hiện dự án với sự nỗ lực phấn đấu cao nhất trong các điều kiện lý tưởng, thuận lợi nhất và cũng là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp".
Trên thực tế, dự án này có gặp các "điều kiện lý tưởng, thuận lợi nhất" không? Ban Quản lý trình bày: Công tác GPMB phục vụ thi công dự án rất lớn và phức tạp, phải di dời 1.316 hộ dân, 5 cơ quan, 572 ngôi mộ (tại quận Long Biên) và 497 hộ dân, 16 cơ quan, 2 hợp tác xã (tại quận Hai Bà Trưng) - tương đương việc GPMB nhiều công trình trọng điểm của Thành phố mà phải thực hiện nhiều năm mới hoàn thành!
Trong khi hàng nghìn hộ dân cần nơi ăn chốn ở như vậy thì phía bờ bắc dự án cầu Vĩnh Tuy lại chưa có khu tái định cư. Vì vậy, trước khi GPMB, chủ đầu tư đã phải gấp rút hoàn thành khu tái định cư 7,2ha tại phường Long Biên, chờ hoàn thiện điện, nước khu tái định cư Đền Lừ... đảm bảo đời sống nhân dân.
Cầu Vĩnh Tuy nằm giữa cầu Chương Dương và cầu Thanh Trì trên sông Hồng (đoạn qua Hà Nội). |
Cũng theo Ban Quản lý, trong khi dự án đang triển khai thì nhiều cơ chế, chính sách thay đổi: Nghị định 52/CP, 12/CP và 07/CP của Chính phủ hết hiệu lực, được thay thế bằng Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Nghị định 16/CP, 112/CP... Đây cũng là thời gian Hà Nội ráo riết cải cách hành chính và thế là dự án cầu Vĩnh Tuy "phải chờ thời gian để giải quyết xong mới được thực hiện các bước tiếp theo; nếu thực hiện trước khi có văn bản hướng dẫn, cho phép là sai quy định và vi phạm pháp luật"!
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cho rằng, các nhà thầu thuộc Bộ GT-VT đảm nhận thi công cầu Vĩnh Tuy đã và đang gặp khó khăn chung về tài chính nên khả năng huy động không cao, khó mua vật tư và huy động thiết bị. Các đơn giá định mức trượt giá, thay đổi liên tục nên càng khó khăn cho nhà thầu...
Chưa hết, Ban Quản lý còn cho hay, dự án cầu Vĩnh Tuy thực hiện qua 2 đê Tả Hồng và Hữu Hồng. Theo Luật Đê điều và nhiều qui định hiện hành bảo vệ đê, xe trên 10 tấn không được phép lưu hành trên đê. Đồng thời, từ 30/4 đến 31/10 hàng năm là thời gian cấm vi phạm hành lang bảo vệ đê nên công tác vận chuyển, tiếp nhận vật tư, vật liệu của nhà thầu gặp rất nhiều trở ngại.
Rồi nữa, "khi công trình mới khởi công đã gặp phải mùa lũ 2005 kéo dài đến tháng 10 mới kết thúc, các nhà thầu phải tạm ngừng thi công; tháng 11/2006 lại gặp phải trận lũ chưa từng xảy ra trên sông Hồng trong vòng 100 năm qua, làm chậm 2 tháng thi công, các nhà thầu phải rút lại toàn bộ vật tư, thiết bị đã tập kết"...
Hy vọng quá để rồi... thất vọng!
Mô hình cầu Vĩnh Tuy
Khởi công ngày 3/2/2005, đúng ra tháng 2/2007 vừa qua, theo "tiến độ" được đặt ra, cầu Vĩnh Tuy đã phải thông xe. Tuy nhiên, "cảm nhận" được loạt khó khăn kể trên, Bộ GT-VT và UBND TP Hà Nội đã thống nhất lùi tiến độ thông xe dự án vào 2/9/2007. Thế nhưng, cả "tiến độ lùi" này cũng nhiều khả năng không đảm bảo được, một lần nữa cả hai bên đã thống nhất lại: thông xe kỹ thuật cầu Vĩnh Tuy trước Tết Mậu Tý (2008) và khánh thành cầu vào cuối quý II/2008.
Như vậy, nếu không thêm lần "lùi" nào nữa, với tiến độ mới này, thời gian thực hiện dự án cầu Vĩnh Tuy và đường 2 đầu cầu là khoảng 36 tháng. Ở đây trở lại câu hỏi Đại biểu HĐND TP Hà Nội Phạm Thị Loan đã đặt ra với Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Triệu Đình Phúc tại kỳ họp vừa qua: "Khi đưa ra kế hoạch, tại sao không đặt mục tiêu 3 - 4 năm mới hoàn thành, mà phải là 2 năm?".
Theo Đại biểu Phạm Thị Loan, dù sẵn sàng "chia sẻ khó khăn về: thời tiết, cơ chế, giải phóng mặt bằng... song những khó khăn này phải nằm trong tầm kiểm soát chứ?! Đánh giá năng lực tài chính của nhà thầu thế nào? Trượt giá có ảnh hưởng thế nào tới tổng dự toán dự án?"...
Nếu đúng Tổ chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã đánh giá rằng "so với các công trình giao thông tương tự, chưa kể khối lượng công tác GPMB và di chuyển công trình ngầm nổi, thì tiến độ thi công cầu Vĩnh Tuy là tương đối phù hợp với thực tế và với quy mô như cầu Vĩnh Tuy hiện nay cũng chưa có công trình nào của ngành giao thông đạt được tiến độ như vậy" - thì có thể hiểu "tiến độ 24 tháng" được đặt ra trước đây là "phi thực tế"!
Và, nếu đúng như báo cáo của Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, rằng cả Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và Kiểm toán Nhà nước đều đánh giá "đến thời điểm hiện tại, dự án luôn đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và đảm bảo tuân thủ theo đúng cơ chế, chính sách Nhà nước" và kết luận của Bộ trưởng Bộ GT-VT và Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Thông báo 215/TB-UBHN-BGTVT ngày 17/7/2007 rằng "các nhà thầu đã rất cố gắng tập trung lực lượng, phương tiện để thi công công trình, đã thực hiện được khối lượng công việc đáng kể, chưa phát hiện sai sót về kỹ thuật" thì rõ ràng chủ đầu tư cùng nhiều sở, ngành, UBND quận và các nhà thầu đến nay chưa có gì "đáng trách" cả!
Nếu đúng như những minh chứng của chủ đầu tư dựa trên cơ sở là đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước (được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo dõi dự án này), kết luận của Bộ GT-VT và UBND TP Hà Nội (kể trên) thì có thể hiểu: Dự án cầu Vĩnh Tuy và đường 2 đầu cầu chậm so với "tiến độ" được áp đặt ban đầu, nhưng lại nhanh so với các dự án tương tự, và quan trọng là "tương đối phù hợp với thực tế" và "đáp ứng được yêu cầu chất lượng"...
Vấn đề đặt ra là, cái "tiến độ 24 tháng" trước đó đã được đặt ra trên cơ sở nào, tính toán nào, chính xác hay ngẫu hứng? "Phép màu" nào để kỳ vọng một dự án "qui mô lớn, phức tạp, trải dài qua nhiều địa bàn" như cầu Vĩnh Tuy có thể hoàn thành trong 24 tháng - trong khi cầu Thanh Trì có chiều dài ngắn hơn (3.200m trong khi cầu Vĩnh Tuy là 3.778m), chỉ có 6 nhịp liên tục (trong khi cầu Vĩnh Tuy 8 nhịp), mặt cắt ngang cầu chính 16m (so với 19,25m của cầu Vĩnh Tuy) mà mất 48 tháng thi công; cầu Yên Lệnh còn ngắn hơn nữa (2.000m) mà phải thực hiện trong 39 tháng; cầu Đuống (cầu Phù Đổng) vỏn vẹn 1.000m dài mà mất 36 tháng mới xong...
Còn nếu "tiến độ 24 tháng" đặt ra lúc đầu kia lại được phản biện, minh chứng ngược lại là hoàn toàn chính xác, có cơ sở, có thể đạt được - thì hiển nhiên đây là lúc cần tính đến chuyện phạt vi phạm hợp đồng đối với chủ đầu tư, loại bỏ hoặc bổ sung nhà thầu (như Đại biểu Phạm Thị Loan chất vấn)!
Người trong ngoài cuộc cho rằng, không riêng cầu Vĩnh Tuy mà nhiều dự án trên mọi miền đất nước, những "tiến độ trên giấy" thiếu hoàn toàn tính thực tế như vậy đã, đang được đặt ra, chẳng những gây khó cho người "thực làm" mà còn xảy chuyện "ép tiến độ" dẫn đến bao điều đáng tiếc!
-
Tràng An Nguyễn