221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
961938
Tâm ổ dịch "tai xanh" ngập xác heo thối
1
Article
null
Tâm ổ dịch 'tai xanh' ngập xác heo thối
,
(VietNamNet) - Bên vệ đường và trên các con kênh, những xác heo trương phình thối rữa bốc mùi xú uế nồng nặc. Ngoài chợ, vẫn lấp ló những phản thịt heo. Trong nhà, những tiếng thở dài não nuột trước đàn heo vắng dần.

d
Các hộ nông dân Quảng Nam phải trả tiền tiêu độc khử trùng 2.000-3.000 đồng/con heo
Đầu làng, cuối thôn ngập xác heo thối

Qua thôn Quí Hương, xã Bình Quí, huyện Thăng Bình những ngày này, chỉ thấy những xác heo chết bị người dân vứt vô tội vạ khắp các vệ đường làng, trên các nổng cát, cạnh bờ kênh Phú Ninh. Mùi thối rữa bốc lên nồng nặc. 

Dưới kênh, những chiếc bao tải chứa đầy xác heo trôi dập dềnh theo dòng nước. 

Rìa các khu dân cư, những xác heo được lấp đất sơ sài bị lũ chó đào lên banh xác. Ruồi nhặng  bám đen, chỉ nghe động nhẹ là bay lên như đàn ong vỡ tổ.

d
Lực lượng liên ngành thu giữ heo được các thương lái vận chuyển tiêu thụ tại cây Cốc, Thăng Bình.
Cảnh tượng kinh hoàng đến mức PV VietNamNet không dám nhìn lâu vào các xác heo. Cảm giác tức ngực tăng dần, vì luôn phải nín thở để đi...

Trả lời về tình trạng xác heo chết không được tiêu huỷ, vất vương vãi khắp nơi,
một cán bộ lãnh đạo xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết, sau khi heo chết, không bán được, lại không có người đi chôn, nên bà con lén đem vứt ra ao hồ. Nhiều hộ chăn nuôi khi heo chết không muốn chôn vì theo tập tục, sợ “Ông Chuồng” quở trách, sau này sẽ vật chết heo nuôi.

Dự định "chết theo" heo

Tại thôn 4 xã Bình Đào, nơi cách đây 2 tuần là tâm điểm của dịch heo tai xanh, bà Nguyễn Thị Bốn buồn rầu kể: 

“Cả nhà 6 miệng ăn, nhưng chỉ có 2 sào ruộng khoán, năm mô cũng thiếu ăn, không đủ tiền cho mấy đứa nhỏ đến lớp. May nhờ Hội Phụ nữ xã cho vay hơn 2 triệu đồng, mua được 8 con heo để nuôi. Ai ngờ, chưa trả được nợ vay, thì đàn heo nuôi gần 8 tháng chuẩn bị xuất chuồng bỗng nhiên bỏ ăn mấy ngày rồi lăn đùng ra chết. Vốn liếng chắt bóp mua rau cám cùng với tiền vay chừ không biết lấy chi để trả...” Bà Bốn thở dài hướng mắt về phía chuồng heo trống trơn.

d

Chuồng heo trống trơn, những con heo cuối cùng có qua được cơn đại dịch?

Chị Nguyễn Thị Thảo, có đàn heo hơn 10 con nuôi suốt 1 năm nay, vừa chết dịch cũng xót xa kể về những dự định không thành: “Hai vợ chồng tui bàn tính sau khi xuất chuồng lứa heo đầu tiên, giành một ít cho mấy đứa nhỏ mua sách vở nhập trường. Còn lại mua mấy tấm tôn để lợp lại cái nhà đã dột nát. Ai ngờ, tính một đường nó đi một nẻo...”.

Còn bà Lê Thị Chắt, nhà ở thôn 3 xã Bình Đào thì nghẹn ngào trong nước mắt kể về dự định cho đứa con trai đi thi đại học tận Sài Gòn: “Thấy con học được tui bấm bụng mừng thầm, nuôi được hai con heo, dự định bán trước một con để cho nó đi thi, con còn lại nuôi tiếp chờ con đậu, bán lấy tiền cho nó nhập trường. Chừ mà nó đậu đại học, không biết lấy chi để cho nó vô trường...”.

Nhà bà Lê Thị Lan còn buồn hơn, bởi cặp heo bà âm thầm nuôi để chờ ngày mổ thịt làm đám cưới cho con, đã lăn đùng ra chết trước tiệc cưới chỉ... 3 ngày!

d
Thương lái vẫn vô tư vận chuyển heo từ vùng dịch đưa đi tiêu thụ.
Trên khắp các nẻo đường các vùng quê Quảng Nam, từ Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Núi Thành..., chỉ nghe tiếng thở dài não ruột, những ánh mắt xót xa của nông dân nghèo trong cơn đại dịch.

Chợ mùa dịch tấp nập thịt heo

Theo quan sát của VietNamNet, tại các địa phương vừa bùng phát dịch mấy ngày qua như
Hiệp Đức, Bắc Trà My, Đại Lộc…, chính quyền địa phương vào cuộc với thái độ quyết liệt, đã khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Thế nhưng, tại huyện Điện Bàn, nơi chính quyền địa phương hô hào quyết tâm chống dịch liên tục nhất,  Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang kiểm tra đột xuất và cho biết,  “các chợ ở đây vẫn bán thịt heo tràn lan. Tại những vùng dịch, không một điểm chốt chặn. Thương lái buôn heo vẫn ngang nhiên chở rọ vào từng nhà để mua heo bệnh...”.

Ông Quang thở dài bảo: "Tỉnh quyết tâm, nhưng chính quyền địa phương lơ là, chặn dịch bệnh sao đây?".

d
Xác heo vứt bên đường tại Bình Đào, huyện Thăng Bình bốc mùi hôi thối, bà con nhân dân phải tạm thời lấp đất.
PV VietNamNet về các chợ lớn nhỏ tại huyện Điện Bàn để xác nhận lời ông Quang. Đúng là chính quyền địa phương ở đây bất tuân lệnh cấm của tỉnh! Hầu hết các chợ vẫn còn bày bán thịt heo, và không hề thấy bóng dáng của lực lượng liên ngành do huyện thành lập để kiểm tra, chốt chặn vận chuyển, tiêu thụ thịt heo tại vùng dịch như tỉnh đã chỉ đạo. 

Ngược theo quốc lộ 1A, chúng tôi về Núi Thành, nơi dịch tai xanh vừa bùng phát 3 ngày. Thịt heo cũng tràn ngập các chợ, người mua kẻ bán tấp nập như chưa có chuyện gì xảy ra. 

Cảnh trên hô dưới im lặng đang nghiễm nhiên tồn tại ngay trong mùa dịch. 

Nông dân "thất bát" vẫn bị "nặn túi"?

Chuyện khó tin nhưng trong những ngày đi qua vùng dịch tại Quế Sơn và Duy Xuyên, xuống tận xóm thôn khuất lấp để tận mắt chứng kiến nỗi khổ của bà con nông dân khi dịch tai xanh hoành hành. Nỗi khổ khi đàn heo chết, đã khiến bà con nợ ngập đầu. Tất cả những dự định cho cuộc sống đều trông chờ vào đàn heo giờ đây đã biến thành mây khói.

Trắng tay! Đó là những từ chúng tôi nghe bà con nông dân nuôi heo nhắc nhiều nhất. Còn nợ vay để chăn nuôi? Chưa có số thống kê đầy đủ, nhưng thiệt hại dịch tai xanh gây ra cho bà con nông dân đã lên đến con số nhiều chục tỷ đồng.

d
Thịt heo vẫn bày bán tràn lan tại các chợ huyện Núi Thành.
Nhiều hộ chăn nuôi tại huyện Quế Sơn và Duy Xuyên cho biết, sau khi dịch tràn qua, chính quyền địa phương đã tổ chức phun hoá chất tiêu độc khử trùng và bà con chăn nuôi heo phải nộp từ 2.000 -3.000 đồng/con heo mới phun. Hộ nào không nộp thì không phun! Nên tất cả đều phải bóp bụng mà nộp.

Một cán bộ có trách nhiệm của huyện Quế Sơn và Duy Xuyên thì khăng khăng bảo "Không có chuyện đó! Nếu có thu tiền của bà con là do chính quyền xã... tự ý thu!".

Được biết, hóa chất đã được Nhà nước cấp không, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa quyết định nâng mức hỗ trợ từ 3 triệu lên 10 triệu đồng/đơn vị cho những xã, phường, thị trấn bị dịch tai xanh gây hại nặng để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong đó biện pháp ngăn chặn đầu tiên là tổ chức phun hoá chất tiêu độc khử trùng tại vùng dịch. 

Câu trả lời tại sao thu tiền của bà con nông dân khi phun hoá chất tiêu độc khử trùng vẫn chưa được chính quyền địa phương trả lời.

  • Vũ Trung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,