221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
963294
Chống cúm gia cầm theo mô hình "cái phễu"?
1
Article
null
Chống cúm gia cầm theo mô hình 'cái phễu'?
,

(VietNamNet) - Sau 4 năm dồn sức phòng chống dịch cúm gia cầm, các nhà chuyên môn, nhà khoa học mới "ngộ" ra rằng lâu nay trên TƯ lao tâm, khổ tứ lo sao con virus H5N1 không gây chết gà, chết người, thì dưới địa phương phần lớn vẫn cứ thờ ơ, thúc đến đâu làm tới đó.  

Cần nghiên cứu kinh tế dịch tễ xem có nên nuôi thuỷ cầm nữa hay không (ảnh flickr.com).

Trên nóng, dưới lạnh

Viện trưởng Viện Chăn nuôi Hoàng Văn Tiệu ví von rằng chúng ta đang chỉ đạo phòng chống dịch theo hình phễu: trên thì rốt ráo họp hành, chỉ đạo, dưới địa phương thì buông lỏng, lơ là. Lẽ ra, ông Tiệu nhấn mạnh, cần phải sớm đảo ngược lại cái phễu này và thay đổi tư duy chỉ đạo: việc chống dịch phải giám sát từ thôn, bản, đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Minh chứng điều này, ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, chia sẻ: "Tôi thấy họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch ở TƯ thì rất đều đặn, trong khi ở các tỉnh thì hiếm quá. Mỗi lần dịch bùng phát, từ Chính phủ đến Bộ NN-PTNT lại phải đôn đáo ra văn bản, đi thúc các địa phương chống dịch. Vậy, lãnh đạo tỉnh có trách nhiệm gì trong việc này? Trong tuyên truyền về phòng chống cúm, ngoài nâng cao dân trí, tôi nghĩ cần phải nâng cao quan trí. Đừng để trên nóng, dưới lạnh".

Qua nhiều chuyến công tác xuống các địa phương, bà Trần Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, là người hiểu rất rõ dưới địa phương đã chống dịch như thế nào. 

Bà kể, khi hỏi trách nhiệm chống dịch cúm, xã đùn đẩy lên huyện, huyện lại cho rằng phải chờ chỉ đạo của tỉnh. Lãnh đạo Sở NN-PTNT một địa phương còn than rằng, kế hoạch phòng chống cúm gia cầm đã được Sở soạn thảo xong xuôi, vậy mà khi trình lên UBND tỉnh thì cả năm trời không ai ký cả. Vậy chính quyền địa phương làm gì để chống dịch? 

Ông Nguyễn Xuân Phúc: "Phòng chống dịch, cần nâng cao quan trí".

Song, phải thừa nhận rằng Việt Nam vẫn đang thiếu một mạng lưới thú y cơ sở. Nếu chăn nuôi chưa phát triển mạnh như hiện nay, vẫn ở dạng nhỏ lẻ "ai nuôi nhà ấy hưởng" thì không biết đến bao giờ nhân viên thú y địa phương mới được coi trọng. 

Đó cũng là một thực tế mà ông Nguyễn Xuân Phúc bức xúc, bởi ông thấy năng lực thú y cấp TƯ được đầu tư nhiều gấp hàng trăm lần so với trước, nhưng khi xuống tỉnh, xuống cơ sở việc chăm sóc cả về chuyên môn, vật chất và tinh thần cho lực lượng này chẳng đáng là bao.

Thế nên, cũng không thể trách cứ điều gì khi lực lượng thú y cơ sở vừa thiếu, vừa quá yếu. Một số nơi thậm chí chẳng có nhân viên nào hoặc có nhưng tiêm phòng cũng trật hết kỹ thuật, hay không bảo quản nổi cái xilanh đặc chủng giá vào khoảng 100.000 đồng, tiêm xong một lần là hỏng hết. Ông chua xót "họ hoạt động đang rất ất ơ".

Chưa hết, TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Bộ môn Siêu vi trùng, Viện Thú y, cho rằng, điều đó cũng dẫn tới tình trạng quản lý và phổ biến thông tin dịch bệnh rất kém. Ổ dịch xảy ra nhưng ngay xã bên cạnh, cách có một con đê, chính quyền và người dân cũng không biết thì người dân làm sao mà phòng chống? 

Đây vẫn là câu chuyện trách nhiệm của thú y cơ sở và lãnh đạo địa phương. Rõ ràng, trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT vẫn quy trách nhiệm phòng chống dịch cho các cấp chính quyền. Nhưng, trên thực tế, gần 4 năm qua, cũng chưa thấy thông báo lãnh đạo địa phương nào mất chức, bị xử lý vì để dịch cúm gia cầm bùng phát, mặc dù nó từng làm cuộc sống của bao người dân điêu đứng. 

Cần xét đến kinh tế dịch tễ học

GS.TS Nguyễn Như Thanh, Giảng viên ĐH Nông nghiệp, đề nghị, cần có nghiên cứu kinh tế dịch tễ học về các biện pháp phòng chống cúm hiện nay. Nói cách khác, cần xem lại việc chúng ta bỏ ra kinh phí chống dịch với việc phát triển chăn nuôi cái nào hiệu quả hơn, hơn kém nhau là bao nhiêu?

"Nếu Việt Nam bỏ ra một khoản kinh phí lớn để phát triển chăn nuôi mà lợi ích thu được lại thấp hơn số tiền để mua văc-xin, để tổ chức tiêm phòng và huy động một lực lượng lớn từ TƯ đến địa phương trong phòng chống dịch bệnh kèm theo thì tốt nhất là nên dừng chăn nuôi lại, như đối với thuỷ cầm. Không phải cứ phát triển chăn nuôi rồi lại phải chạy theo", ông Thanh nói.  

TS.Nguyễn Tiến Dũng: "Quản lý và phổ biến thông tin dịch bệnh hiện rất kém".

Một đề xuất khác cũng cần được lưu ý của TS. Nguyễn Tiến Dũng, đó là việc thành lập các tổ hội ở địa phương trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ. 

Ông Dũng đánh giá, đến nay chúng ta vẫn chưa đánh giá lại công tác quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch giết mổ đến đâu rồi? Lâu nay, vấn đề giết mổ luôn đặt cùng quản lý chăn nuôi để phòng chống dịch cho tốt, nhưng ông Dũng thấy chưa trúng. Thú y chỉ có nhiệm vụ đóng dấu kiểm dịch, mà quan trọng hơn la phải quản lý anh giết mổ và buôn bán ở chợ.

"Tôi nghĩ về lâu dài, nên tổ chức họ thành hội. Nhà nước ép xuống để tiêm phòng văc-xin gia cầm có khi người dân không đồng ý, hãy để hội làm việc đó. Hội sẽ khuyến khích, tư vấn và khuyên giải họ, vì nếu gia cầm chết sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân khác. Làm được như vậy không chỉ cúm gia cầm mà còn giúp phòng chống nhiều bệnh khác". 

Mổ xẻ công tác chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tại Hội thảo do Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức hôm nay (27/7), còn nhiều biện pháp khác được đề xuất.

Song, hội thảo diễn ra trong một buổi sáng, thời gian thảo luận quá ngắn (chưa đầy một tiếng) nên có lẽ, thiếu nhiều ý kiến tâm huyết. Sự vắng mặt của  lãnh đạo Bộ NN-PTNT, một số cán bộ "lăn lộn" thực tế chống dịch của Cục Thú y, cũng làm cho hội thảo chưa sâu. Rõ ràng là để có một biện pháp căn cơ, phòng chống dịch lâu dài, cần nhiều cuộc họp bàn, thảo luận khác.  

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,