(VietNamNet) - Bún bò giò heo - món quà sáng quen thuộc khiến người Huế kinh hãi. Nhiều người bịt mũi khi qua các quầy thịt heo đã trống trơn từ nhiều ngày nay. Tại chợ Quảng Ngãi, 53 tiểu thương kinh doanh thịt heo bỏ sạp. Ở Hà Nội, ít gia đình vẫn ăn thịt heo.
Đàn heo bệnh đã được chữa trị!
Huế: Tẩy chay cả thịt heo an toàn
Mấy ngày nay, các quầy thịt heo ở các chợ TP.Huế vắng tanh. Chị em phụ nữ khi đi chợ đều tránh xa khu vực này. Chị Trần Thị Thu - nội trợ cho biết: “Nghe tin dịch heo tai xanh, ai cũng hãi. Cứ không ăn là chắc nhất!”.
Tại lò mổ của Công ty cổ phần phát triển Thủy sản - một trong những nơi cung cấp thịt heo sạch trên toàn địa bàn tỉnh, nhân viên ở đây cho biết: Trước kia 17 chuồng heo lúc nào cũng đầy, mỗi chuồng từ 40 đến 50 con thì đến nay chỉ còn lại 4 chuồng và tất cả chỉ có 91 con đang đợi mổ.
Ông Bùi Tuất - nhân viên lò mổ này cho biết: “Lượng heo được mổ ở đây trong những ngày qua chỉ đạt 20 đến 30% so với trước, nhân viên vừa làm vừa chơi. Từ chỗ mổ 350 đến 400 con/ngày thì đến thời điểm sáng nay chỉ là 70 con. Tình hình như thế này chắc chắn, lượng thịt tiêu thụ vào ngày mai và những ngày sau còn ít nữa”.
Ông Tuất giải thích: “Dân hoang mang quá, không ai dám ăn thịt heo, dù là thịt an toàn đã qua kiểm dịch. Các khách sạn thường đặt hàng chỗ chúng tôi đã nghỉ hẳn; có lần, giữa buổi, họ còn mang thịt đến trả lại... vì không ai ăn”.
Về hai bệnh nhân vừa nhập viện nghi nhiễm liên cầu lợn, PGS.TS Phạm Như Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện TƯ Huế cho biết, bệnh nhân Trần Văn T. (58 tuổi, ở phường An Hoà, đã chết) bị nhiễm trùng máu. Bệnh nhân Huỳnh T. (xã Hương Vinh) đã được điều trị tích cực và có chiều hướng hồi phục tốt. Trên những cơ sở lâm sàng và xét nghiệm, Bệnh viện TƯ Huế khẳng định, không thể kết luận hai bệnh nhân trên lây nhiễm bệnh từ heo “tai xanh”.
Địa phương nơi hai bệnh nhân cư trú không có dịch heo. |
Tại các khách sạn lớn, bếp ăn đã phải nhập thịp heo từ Siêu thị Metro Đà Nẵng.
Thịt heo bị tẩy chay, các loại thực phẩm khác tăng giá vùn vụt. Tại siêu thị Thuận Thành, mặt hàng gà, vịt "cháy" hàng liên tục. Dù trước đây rất ế ẩm. Tất cả các quán hàng ăn ở Huế đều đồng loạt tăng giá.
Tại cuộc họp chiều 30/7 của UBND tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu tuyên truyền cấp bách để người dân yên tâm sử dụng thịt heo đã được kiểm dịch. Đồng thời, tính đến việc khôi phục đàn heo sau khi hết dịch.
Tính đến thời điểm này, TT-Huế mới chỉ có 3 xã thuộc hai huyện Hương Thuỷ và Phú Vang có dịch "tai xanh". Lực lượng thú y đã tiêu huỷ 230 con heo trong gần 2000 con bị nhiễm bệnh.
Ngay sau khi phát hiện dịch (giữa tháng 7/2007), tỉnh đã lập các chốt kiểm dịch liên ngành; heo “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khỏi các ổ dịch. Một lực lượng cán bộ thú y, cán bộ liên ngành khá đông đảo (124 người) được huy động tập trung về các xã có dịch để dập dịch. Đến nay, dịch đã ngừng lây lan ra diện rộng, hơn 1.350 con heo trong vùng dịch đã được chữa lành bệnh.
Quầy thịt heo chợ Đông Ba (Huế)vắng khách.
Quảng Ngãi: Tiểu thương bỏ sạp
Tâm lý sợ thịt heo của người tiêu dùng đã khiến cho hàng loạt lò mổ và tiểu thương bán thịt tại các chợ trong tỉnh điêu đứng. Riêng tại chợ Quảng Ngãi, để thoát khỏi tình trạng buôn bán ế ẩm, 53 hộ kinh doanh thịt heo đã làm đơn xin tạm nghỉ buôn bán.
Chị Hồng -một trong số ít hộ kinh doanh còn trụ lại thở dài ngao ngán: "Nguồn thịt bày bán tại chợ đã được cơ quan thú y kiểm tra và đóng dấu an toàn vệ sinh thực phẩm; thêm vào đó Ban quản lí chợ tổ chức kiểm tra 4 lượt trong ngày, song người dân vẫn không tin, chuyển sang mua các loại thực phẩm khác".
Anh Nguyễn Quang Hướng, đầu bếp ở khách sạn Petro Sông Trà - nơi thường xuyên tổ chức các tiệc cưới lớn ở TP. Quảng Ngãi cho biết: Hầu hết các chủ tiệc đều gạt các món chế biến từ thịt heo khỏi thực đơn, mặc dù nhà hàng đã cam kết sử dụng thịt an toàn. Lý do mà chủ tiệc đưa ra là không muốn thực khách đến dự tiệc cảm thấy... mất ngon.
Không chỉ ở các nhà hàng, khách sạn, ngay cả các đám tiệc hiếu, hỉ tổ chức tại gia, nơi mà chủ nhà có thể tự chọn lựa được nguồn thịt thì chủ trương “nói không với thịt heo” vẫn được áp dụng một cách triệt để.
Công nhân mổ heo bây giờ đi làm... vệ sinh! |
Chị Huỳnh Thị Kim Sơn, ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành vừa tổ chức đám cưới cho con trai cho biết: Gia đình đã chuẩn bị sẵn heo để giết thịt, đùng một cái xảy ra dịch, phải thay đổi tất. Cả nhà phải một phen đau đầu để bàn bạc món thay thế. Cuối cùng thì các món hải sản, thịt bò, thịt gà được chọn làm chủ đạo; gia đình chấp nhận "lỗ vốn"...
Theo nhiều người dân tâm sự thì sở dĩ họ có tâm lý sợ thịt heo là do đây là loại thực phẩm gần như sử dụng thường xuyên, nhưng rất khó phân biệt giữa thịt heo bệnh và thịt heo không bị bệnh. Lúc bình thường thì thôi, nay có dịch tránh được là tốt nhất.
Điều lạ là trong dịch cúm gia cầm trước đây, cơ quan chức năng trong tỉnh liên tục cảnh báo nguy hiểm nhưng người dân vẫn không thể nhịn thịt gà, vịt, thậm chí dám dùng cả món tiết canh khi dịch đang cao điểm. Thì nay, khi dịch tai xanh vừa bùng phát, người dân lại quá cảnh giác, khiến thị trường thịt heo đột ngột đóng băng.
Công nhân KKT Dung Quất thiếu... thịt!
Chi cục Thú y Quảng Ngãi cho biết: Dịch lợn tai xanh đang có xu hướng lây lan mạnh trên địa bàn Quảng Ngãi. Tính đến chiều ngày 30/7, toàn tỉnh phát hiện 423 con lợn mắc bệnh và có dấu hiệu bệnh tai xanh tại các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Hoà (Tư Nghĩa), thị trấn Mộ Đức, xã Đức Phong, Đức Nhuận, Đức Hoà, Đức Tân (Mộ Đức). Tỉnh đã tiêu huỷ 180 con lợn bệnh và có triệu chứng bệnh; 137 con lợn đã chết và người dân bán tháo ra khỏi vùng dịch, 58 con lợn được chữa khỏi bệnh, số còn lại là lợn đang được cứu chữa.
Dãy quầy thịt heo chợ Quảng Ngãi vắng tanh
Tại huyện Bình Sơn- địa phương có nhiều xã giáp ranh với vùng dịch của tỉnh Quảng Nam, mặc dù chưa có dấu hiệu xuất hiện dịch tai xanh, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn của huyện Bình Sơn là rất cao. Với trên 16.000 công nhân đang làm việc tại Khu Kinh tế Dung Quất, nhu cầu sử dụng thịt heo trong khẩu phần ăn hàng ngày là rất lớn, vì vậy việc vận chuyển thịt heo từ các nơi khác đến Khu kinh tế tiêu thụ là điều tất yếu.
Vấn đề là làm thế nào để kiểm soát được lượng thịt này, nhất là lượng thịt từ các vùng có dịch đang là vấn đề đau đầu của các cơ quan chức năng ở tỉnh. Nếu không kiểm soát tốt, dịch bệnh bùng phát ở khu vực này thì nguy cơ thiếu nguồn cung thực phẩm là điều khó tránh khỏi.
Dãy quầy thịt lợn ở chợ Mơ (Hà Nội) vắng tanh. |
Những ngày này, những sạp thịt lợn trống trơn là hình ảnh dễ thấy ở các chợ Hà Nội.
Cô Niệu, bán thịt lợn ở chợ Kim Liên cho biết, trước đây ngày nào cô cũng bán được 3 con, nhưng mấy hôm nay thì một con bán vẫn còn ế. “Người ta sợ dịch heo tai xanh, tai vàng nên không dám ăn thịt lợn. Mua ở lò thì đắt mà lên đây bán thì ế”- cô Niệu nói.
Chợ Mơ, là một trong những chợ mà gia súc, gia cầm đều được kiểm duyệt rất cẩn thận cũng lâm vào tình trạng ế ẩm ở các quầy bán thịt lợn. Buôn bán không đủ tiền thuế, nhiều người đã đóng quầy nghỉ chợ.
Chị Huệ bán thịt lợn ở chợ Mơ than phiền: “Trước đây chị bán được 7 đến 8 con/ngày. Bây giờ bán một con cũng còn chật vật. Người ta nghe đồn ăn phải thịt lợn bị tai xanh là chết ngay nên bỏ hẳn món thịt lợn”.
Không chỉ hàng thịt lợn mà các hàng bán bún chả, bún mọc ở Hà Nội đều chịu chung cảnh ế ẩm. Chỉ có thịt tại các siêu thị là vẫn bán đều. Một nhân viên bán hàng tại quầy bán thịt ở Siêu thị Big C cho biết: Một tuần gần đây, lượng thịt bán ra ở Big C tăng hẳn so với trước.
Chợ Kim Liên không một bóng khách mua thịt lợn. |
Vào tháng 3/2007, Chi cục Thú y Hà Nội đã phát hiện 132 con lợn được nhập từ Hải Dương về Sóc Sơn bị bệnh tai xanh. Tuy nhiên số lợn trên đã được cách ly và tiêu hủy cẩn thận. Qua theo dõi một thời gian cũng không thấy dịch bệnh lây lan ở địa phương.
Theo ông Tâm, hiện chỉ có non nửa số gia súc, gia cầm ở Hà Nội là đảm bảo giết mổ hợp vệ sinh, có dấu kiểm dịch. Còn lại là nguồn hàng nhập từ các địa phương và ở những lò mổ không được thường xuyên kiểm tra giết mổ. Chính vì vậy người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách chỉ mua thịt lợn ở những nơi đảm bảo, tránh mua hàng của những người buôn thúng bán mẹt với nguồn hàng không rõ xuất xứ.
-
H.Minh - Kỳ Nhân - Phương Trang - Tuyết Nhung