221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
964774
Dịch tai xanh đe dọa lan rộng ở các tỉnh phía Nam
1
Article
null
Dịch tai xanh đe dọa lan rộng ở các tỉnh phía Nam
,

(VietNamNet) - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Bùi Quang Anh cho biết, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (bệnh tai xanh) đã xuất hiện ở Long An. Đáng lo ngại, TP.HCM cũng đã bắt được trường hợp vận chuyển lợn không nguồn gốc vào TP.

Dịch tai xanh đe dọa các tỉnh phía Nam (ảnh FAO).
Theo Cục Thú y, trong khi tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại các tỉnh miền Trung từng bước được khống chế, thì lại báo động nguy cơ dịch lây lan rộng tại các tỉnh Đông Nam bộ.

Điều tra ban đầu cho thấy, hai hộ chăn nuôi lợn ở Long An đã mua thịt lợn nhiễm bệnh tai xanh từ chợ về, làm lây lan cho đàn lợn của nhà. 

Đáng lưu ý, Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, Chi cục Thú y TP vừa phát hiện nhiều trường hợp lợn có nguồn gốc từ các tỉnh miền Trung tràn vào TP. Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện và xử lý tiêu huỷ 1 trường hợp đông lạnh 120 con lợn không rõ nguồn gốc và 1 trường hợp vận chuyển 32 con lợn bằng xe khách.

Ngay lập tức, TP đã cấm nhập lợn từ miền Bắc, miền Trung.

Ông Quang Anh nhận xét, rõ ràng, đã có hiện tượng trốn tránh kiểm dịch hoặc hợp thức hoá lợn bán chạy từ các tỉnh đang có dịch và vận chuyển vào các tỉnh chưa dịch ở phía Nam. Đàn lợn gần 389.000 con của TP.HCM có nguy cơ bị dịch tai xanh tấn công. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam, đặc biệt khu vực Đông Nam bộ, lại là vùng chăn nuôi lợn tập trung, rất nhạy cảm với vấn đề dịch bệnh và VSATTP. 

Khu vực này cũng là vùng sản xuất và cung cấp con giống cho nhiều địa phương trong cả nước. Nếu dịch tai xanh bùng phát, thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi là rất lớn.

Liên quan đến bệnh liên cầu khuẩn ở lợn, ông Đậu Ngọc Hào, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, kết quả khảo sát 17/26 trường hợp bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn ở các tỉnh phía Bắc cho thấy, 9 trường hợp do ăn tiết canh lợn, 3 trường hợp liên quan đến giết mổ và ăn thịt lợn ốm... Hiện cả nước mới ghi nhận có 33 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 7 trường hợp ở phía Nam.

Đoàn kiểm tra cũng khẳng định, ở Việt Nam chưa có dịch liên cầu khuẩn vì các trường hợp bị bệnh mang tính chất lẻ tẻ, không tập trung. Hiện nay, cũng chưa có cơ sở để khẳng định, cứ nơi nào có bệnh "tai xanh" là có khả năng gây bệnh liên cầu khuẩn lợn trên người. Trên thực tế, Quảng Nam là địa phương hiện có dịch "tai xanh" nặng nhất nhưng không có trường hợp người mắc liên cầu khuẩn. 

Trước tình hình dịch bệnh gây thiệt hại lớn trên gia súc, Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng thông báo, Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 25 tỷ đồng cho các địa phương phòng chống dịch. Trong đó, Quảng Trị được 10 tỷ đồng để dập dịch LMLM: Quảng Nam 10 tỷ đồng, Quảng Ngãi 2 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế 2 tỷ đồng và Đà Nẵng 1 tỷ đồng chống dịch "tai xanh".

  • H.Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,