(
Lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu tiêu huỷ hết số heo nái nhiễm bệnh tai xanh dù đã chữa khỏi Ảnh: HC
Anh Bình, cán bộ Phòng Kỹ thuật (Chi cục Thú y Đà Nẵng) cho biết, với giá thuốc điều trị hiện nay, để chữa khỏi bệnh cho mỗi con heo phải tốn trên 100.000 đồng. Với các cơ sở chăn nuôi có từ 100 con heo trở lên mắc bệnh thì chi phí điều trị có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
So với giá thị trường trước khi có dịch, mức hỗ trợ 10.000 đồng/kg heo hơi là hợp tình, hợp lý. Chưa kể từ sau khi dịch bùng phát, heo không bán được nên chi phí thức ăn cho đàn heo trong khi chờ hết dịch là rất lớn. Tuy nhiên, muốn tiêu huỷ heo (và được hỗ trợ) phải qua sự kiểm tra, giám định và có kết luận của cơ quan thú y. Do vậy, một số gia đình trong vùng dịch đã dùng cách bỏ đói heo cho đến chết rồi loan tin heo bị dịch!
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính yêu cầu cùng với công tác phòng chống dịch, các ngành và địa phương liên quan cần vận động người chăn nuôi tiếp tục nuôi heo sạch bình thường vì thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục; đồng thời kiên quyết ngăn chặn tình trạng báo dịch giả. Ông cũng yêu cầu triển khai ngay việc hỗ trợ theo quy định cho các hộ có heo bị tiêu huỷ để sớm phục hồi chăn nuôi. Trước mắt, các địa phương trích ngân sách hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi.
“May mà heo không biết kiện!”
Theo Phòng Kỹ thuật (Chi cục Thú y Đà Nẵng), vài ngày gần đây, thị trường thịt heo trên địa bàn bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Trung tâm giết mổ gia súc Đà Sơn đã hoạt động trở lại, đêm 31/7 mổ được 51 con heo, đêm 1/8 tăng lên 75 con. Tuy nhiên con số này vẫn còn rất thấp so với mức tiêu thụ ở Đà Nẵng mỗi ngày từ 1.300 - 1.500 con heo như trước đây.
Tại các chợ lớn của TP, tuy thịt heo đã lác đác được bày bán trở lại song hầu hết đều ế ẩm. Nhiều quầy chỉ bày bán vài ký thịt heo bên cạnh thịt bò để giữ khách hàng. Chủ quầy thịt heo Đan Chi ở khu B siêu thị Đà Nẵng cho biết: “Các quầy ở đây cũng lấy thịt heo có dấu kiểm dịch từ trung tâm giết mổ Đà Sơn, nhưng người mua vẫn nghĩ chỉ có thịt heo ở Metro là sạch, còn với tụi tui thì họ vẫn không tin!”.
Quán bánh tráng cuốn thịt heo "Bà Hường" phải chuyển món sang bò nhúng dấm, cá nục cuốn bánh tráng... Ảnh: HC
Chính sự “không tin” đó đang khiến nhiều món ăn nổi tiếng ở Đà Nẵng rơi vào cảnh “thất điên bát đảo”. Món thịt heo cuốn bánh tráng Khuê Trung vốn được thực khách cả nước ưa chuộng mỗi khi đến với TP này, trong đó đặc biệt nhất là lát thịt heo được xắt dài và có đến… hai đầu mỡ. Thế nhưng, từ khi xuất hiện dịch "tai xanh" đến nay, hàng loạt quán bán món ăn hấp dẫn này ở Khuê Trung đã rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng thấy.
Bà Hường, một chủ quán từ Khuê Trung đã đưa món bánh tráng cuốn thịt heo xuống mở “chi nhánh” trên đường Triệu Nữ Vương. Lúc đầu buôn bán rất khấm khá, vậy mà nay quán “Bà Hường” đã phải đổi món thành “thịt bò nhúng dấm”, “cá nục cuốn bánh tráng” để giữ chân khách. Bà nói thật buồn: “Thịt heo cuốn bánh tráng là món ăn nổi tiếng qua nhiều đời của Khuê Trung, không ngờ lại gặp cơn bão dịch này!”.
Cùng chung số phận với thịt heo cuốn bánh tráng là mì Quảng vốn là món “thương hiệu” của ẩm thực xứ Quảng. Khởi phát của món mì dân dã này là mì nhân tôm thịt, tới khi rời đồng quê lên thành thị được “bổ sung” thêm nhân thịt gà, sứa… nhưng hễ dùng tới thịt thì chỉ có thịt heo. Bây giờ, cơn bão dịch "tai xanh" tràn qua, hàng loạt quán mì Quảng ở Đà Nẵng, Quảng Nam phải bỏ cái “gốc” thịt heo để chuyển sang mì Quảng… thịt bò!
Chủ quán mì Quảng “Bà Vị” nổi tiếng ở góc ngã tư Lê Đình Dương - Triệu Nữ Vương than thở: “Nấu thế nào thì mì Quảng thịt bò vẫn không phải là… mì Quảng. Vì cách nấu thịt bò không như nấu thịt heo, độ béo, độ săn… của lát thịt cũng khác. Mà thịt bò lại không thể nấu chung với tôm. Cái vị của nhân khác hẳn, nên ăn mà buồn vì mì Quảng nhưng lại không phải mì Quảng!”.
Giải thích về chỉ đạo này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính cho rằng, một khi heo nái đã nhiễm bệnh thì dù có chữa khỏi vẫn có thể còn mang mầm bệnh trong mình. Do vậy, phải tiêu huỷ số heo nái này để đề phòng mầm dịch lây truyền sang đàn heo con.
Theo Sở Thuỷ sản - Nông lâm Đà Nẵng, từ ngày 23/7 đến nay, trên địa bàn không phát sinh thêm ổ dịch mới. Ngành thú y TP đã chữa khỏi cho 431 con heo và tiêu huỷ 104 con. Hiện Đà Nẵng chỉ còn 2 xã Hoà Tiến, Hoà Châu (huyện Hoà Vang) và 2 phường Hoà Xuân, Hoà Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) còn 89 con heo đang mắc bệnh.
Tuy tình hình khống chế dịch heo "tai xanh" có tiến triển khả quan nhưng ông Trần Phước Chính vẫn yêu cầu các địa phương phối hợp với cơ quan thú y tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tiếp tục duy trì chốt chặn trên các tuyến giao thông để ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển gia súc trái quy định. Đồng thời đẩy mạnh việc tiêu độc, khử trùng, khống chế vùng dịch.
-
Hải Châu