(VietNamNet) - Sau khi đứng tại chỗ suốt ngày 5/8, do tác động của một cơn bão mới cùng nhiều yếu tố khác, sáng nay bão số 2 chuyển hướng lên phía bắc với tốc độ nhanh hơn, từ 5-10km, giống bão Chanchu năm 2006.
Hình ảnh bão số 2 trên vệ tinh lúc 10 sáng 6/8
Bão gộp bão, thêm nguy hiểm
Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo PCLB TƯ sáng nay (6/8), ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc TT Dự báo KTTV TƯ cho biết, một cơn bão mới xuất hiện ngoài khơi Thái Bình Dương. Đây là cơn bão số 6 vào vùng biển này trong mùa mưa bão 2007, được cơ quan KTTV Nhật Bản đặt tên là PABUK.
Hiện cơn bão này cách đảo Du rông (Philippines) 1.000km về phía Đông. Nó di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, hướng vào Đài Loan, sau đó ảnh hưởng đến Trung Quốc. Bão PABUK cách bão số 2 khoảng 2.500km.
Ông Tăng nhận định, sau khi đứng tại chỗ suốt cả ngày 5/8, do tác động của bão mới cùng nhiều yếu tố khác, đến 4h sáng nay (6/8), bão đã chuyển hướng di chuyển lên phía Bắc và di chuyển với tốc độ nhanh hơn, từ 5-10km, giống với cơn bão Chanchu năm 2006.
Sau khi chuyển hướng, cường độ bão số 2 có giảm đi. Đến nay, có đài KTTV nước ngoài đã gọi bão số 2 là áp thấp nhiệt đới, có đài không thông báo thời tiết bất thường gì trên Biển Đông. Còn Trung tâm Dự báo KTTV TƯ nhận định, bão số 2 hiện đang chấp chới giữa ranh giới bão và áp thấp nhiệt đới.
Song, ông Tăng nhận xét, thường khi sạt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), đi vào vịnh Bắc Bộ, bão lại có khả năng mạnh lên. Hiện trên ảnh vệ tinh rất khó xác định tâm bão, trong khi số liệu quan trắc trên biển không có, rada không với tới được. Sáng sớm nay, vùng tâm bão ngang với Đà Nẵng, cách TP này 100km về phía Đông. Hiện bán kính gió mạnh đã hẹp dần.
Trung tâm dự báo KTTV TƯ xác định, trong 48 giờ nữa, rất có thể bão số 2 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ. Thời tiết vùng biển này sẽ chuyển xấu dần từ chiều mai (7/8). Bão vẫn đe dọa trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị.
Cơ quan này dự báo, các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào hầu như không còn mưa lũ; các tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra sẽ có mưa vừa, mưa to. Riêng các tỉnh Tây Nguyên vẫn có mưa rất to trong 1-2 ngày tới.
Khẩn cấp canh gác bão, lũ
Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB TƯ Cao Đức Phát nhận xét, trong khi công tác phòng chống lụt bão trên biển rất tốt thì thiệt hại lại xảy ra nặng ở trên bờ. Do bão số 2 còn diễn biến rất phức tạp, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị cần tiếp tục cảnh báo bão tới người dân, kiểm đếm và kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Đối với các tàu xa bờ, khẩn cấp tìm nơi trú ẩn. Đối với các tàu gần bờ sáng đi tối về, địa phương phải thông báo tin bão để người dân chủ động phòng tránh.
Đại diện Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng kiến nghị, riêng các tỉnh từ Huế trở ra, chủ yếu là tàu thuyền nhỏ, ít lắp máy, không có phương tiện liên lạc, bà con nên kéo hết thuyền lên đất liền và chằng chéo cẩn thận.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB TƯ sáng 6/8, các địa phương đã kêu gọi, hướng dẫn được 20.185 tàu với 117.728 ngư dân đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động di chuyển phòng, tránh và vào nơi neo đậu. Số tàu và ngư dân hiện đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa vẫn duy trì liên lạc với bờ và Bộ đội biên phòng; 05 tàu ngư dân Quảng Nam đã di dời khỏi vùng biển Philippines và đã về vùng biển Việt Nam.
Đến chiều tối qua, lực lượng Biên phòng Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng đã ngăn chặn không cho ra biển hoạt động 85 tàu/439 ngư dân. Hiện không còn tàu thuyền ở vùng nguy hiểm. Một số tàu gặp nạn như tàu cá của Nghệ An có 7 ngư dân đang di chuyển vào bờ bị hỏng máy; tài của Bà Rịa - Vũng Tàu có 10 ngư dân bị sóng đánh chìm và tàu cá của Quảng Trị bị rời chân vịt có 6 ngư dân... Tất cả đã được cứu vào bờ an toàn.
Riêng trên đất liền, theo yêu cầu của Bộ trưởng Cao Đức Phát, cơ quan khí tượng thủy văn và đê điều cần phối hợp chặt chẽ để thông báo mưa lũ tới các tỉnh, bởi chỉ cần mưa to cục bộ cũng đã gây lũ quét và sạt lở nặng, nhất là khu vực miền núi các tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh. Đồng thời, các địa phương cần theo dõi mưa, lũ để sơ tán dân vùng nguy hiểm; canh gác cảnh báo lũ quét đến người dân. Các địa phương cũng nên lưu ý việc tàu thuyền nhỏ đi lại trên sông suối, đò ngang chở học sinh vì rất có thể sẽ gặp lũ quét đột ngột.
Bão số 2 còn rình rập ngoài khơi
Hồi 10h ngày 6/8, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 109,3 độ kinh đông, trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Trị, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 110 km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng giữa tây bắc và bắc tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 10h ngày 7/8 vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ vĩ bắc; 108,0 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình đến Nghệ An khoảng 200 km về phía đông. Bán kính gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên tính từ tâm bão khoảng 100km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Bình và nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km, có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển nam vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thái Bình.
Trong vài ngày tới, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Thanh Hóa, Tây Nguyên và phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Trong cơn dông đề phòng có tố lốc mạnh.
-
H.Yên