(VietNamNet) - Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án Gò Môn do xác định không đúng bản chất vụ án.
Nguyên Bí thư và Chủ tịch UBND quận Gò Vấp trước vành móng ngựa.
Theo nhận định của cấp xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có 6 vấn đề sai phạm trong việc nhận định, đánh giá chứng cứ của vụ án. Theo đó, bị cáo Phạm Thị Tuyết Lan không có quyền sử dụng đất hoặc đất đang bị tranh chấp nhưng vẫn tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 11ha cho Công ty Địa ốc Gò Môn.
Việc chuyển nhượng này là vi phạm pháp luật về đất đai. Trần Kim Long, nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, Dương Công Hiệp, nguyên Phó phòng Quản lý đô thị Gò Vấp, biết rất rõ tình trạng sử dụng đất, đất có tranh chấp, biết việc chuyển nhượng là vi phạm pháp luật nhưng vẫn chỉ đạo, hướng dẫn cho bị cáo Lan, Lê Minh Châu, Hồ Tùng Lâm (nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty Gò Môn) làm thủ tục mua bán, sau đó hợp thức hoá sai phạm.
Việc mua bán đất giữa Lan với Châu, Lâm không có sự bàn bạc để nâng giá đất từ 120 ngàn lên 280 ngàn đồng/m2 để rút tiền chia nhau, sự mua bán là sòng phẳng. Nếu nói rằng bị cáo Lan tham ô với vai trò chủ mưu là không đúng với đặc trưng của tội danh theo qui định pháp luật.
Hơn nữa, Công ty Gò Môn không có thiệt hại, ngược lại có lãi từ 60 - 70 tỷ đồng. Do vậy, hành vi của Lan có dấu hiệu của tội vi phạm sử dụng đất đai và đưa hối lộ còn các bị cáo Long, Hiệp, Châu, Lâm có dấu hiệu của tội vi phạm về quản lý đất đai và nhận hối lộ. Cấp sơ thẩm qui kết 5 bị cáo này phạm tội tham ô là không chuẩn xác, không đúng với bản chất.
Trần Kim Long rời tòa.
Cũng trong vụ án này, Lan khai đã chi cho Hiệp hơn 3 tỷ đồng, Hiệp khai đã nhận của Lan thêm 2,8 tỷ nhưng nại ra đây là tiền hùn mua bán đất. Thế nhưng trong hồ sơ vụ án cho thấy lời khai này rất vô lý, cấp sơ thẩm lại bỏ qua vấn đề này. Nếu điều tra làm rõ, có thể Hiệp đã có hành vi nhận hối lộ số tiền đến 5,8 tỷ đồng chứ không phải 3 tỷ như cấp sơ thẩm qui kết.
Về dấu hiệu tội nhận hối lộ, Trần Kim Long đã nhận từ Châu 840 triệu đồng để mua 3.000m2 đất của Công ty Hướng Dương đứng tên vợ, con Long nhưng không được cấp sơ thẩm điều tra làm rõ. Ngoài ra, cũng liên quan đến việc đưa tiền của Lan, có nhiều chứng cứ cho thấy bị cáo này đã chi cho Nguyễn Văn Tính, nguyên Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận Gò Vấp 1 tỷ đồng, chi cho bà Hà – vợ bé Tính 10.000USD, chi cho một người tên Tâm ở Công an Gò Vấp 10.000USD cũng chưa được cơ quan tố tụng làm rõ.
Đối với hành vi của bị cáo Tính, HĐXX nhận định: Sau khi nhận được đơn tố cáo của bà Trần Thị Thu về việc mua bán đất trái pháp luật giữa Lan với Châu, Lâm, bị cáo Tính không những không chỉ đạo cho xác minh làm rõ mà còn ém nhẹm hồ sơ, bỏ qua sai phạm để buộc Châu, Lâm đưa số tiền 800 triệu đồng.
Theo HĐXX, hành vi của Châu, Lâm có dấu hiệu đưa hối lộ nhưng cơ quan tố tụng không truy tố là bỏ lọt tội phạm. Hành vi nhận 800 triệu của Tính, cấp sơ thẩm cho rằng phạm tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” là không chính xác mà phải là một tội danh khác.
Đối với hành vi “chạy án” của Long, Châu, Lâm, HĐXX nhận định: Trong thời gian mắc những sai phạm về chuyển nhượng đất đai đang bị thanh tra, điều tra, Long liên hệ với ông Nguyễn Đỗ Hùng (nguyên nhân viên văn phòng Quốc hội – phía Nam) để nhờ “chạy án”. Ông Hùng đã hướng dẫn Long đến gặp Nguyễn Minh Hoàng. Long đã chỉ đạo cho Lâm, Châu đưa 30 triệu đồng và 30.000USD để “chạy” nhưng không thành.
Và đến lượt Nguyễn Văn Tính.
Tại phiên toà, Hoàng khai chỉ là “cò đất” không có khả năng chạy án nếu không được sự hứa hẹn của ông Phạm Quang Thiệu (công tác ở một doanh nghiệp thuộc Bộ Thuỷ sản). HĐXX nhận định, nếu không có chứng cứ chứng minh việc ai nhận, ai chạy thì Hoàng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (sơ thẩm phạt 5 năm tù, bị cáo không kháng cáo) là đúng, các bị cáo Lâm, Long, Châu là bị hại. Nhưng nếu có căn cứ để xác định có việc đưa, việc chạy thì phải điều tra làm rõ. Vấn đề này, cấp sơ thẩm cũng chưa điều tra đầy đủ.
Ngoài ra, trong vụ án này, một số người có liên quan như Âu Thị Thanh Hồng (vợ Dương Công Hiệp), Huỳnh Văn Nhung (chồng Phạm Thị Tuyết Lan) có tham gia vào quá trình phạm tội của các bị cáo nhưng cấp sơ thẩm chưa xử lý cũng cần phải đưa vào xem xét.
Các bị cáo vụ Gò Môn tại phiên tòa phúc thẩm.
Về mặt tố tụng, HĐXX cho rằng cơ quan điều tra đã có sự vi phạm nghiêm trọng qui định Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo HĐXX, trong vụ án này, hầu hết các bị cáo đều bị truy tố ở khung hình phạt của tội danh có mức cao nhất là tử hình (tham ô, đưa hối lộ) nhưng cơ quan tố tụng hạn chế sự tham gia của luật sư. Các luật sư chỉ tham gia sau khi đã có kết luận điều tra vụ án. Thậm chí, bị cáo Long suốt quá trình điều tra, điều tra bổ sung mấy lần cũng không có luật sư. Việc hạn chế sự tham gia tố tụng của luật sư là không đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo.
Từ những vấn đề nêu trên, HĐXX phúc thẩm kết luận, trong quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, việc điều tra không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Mặt khác hành vi của các bị cáo có liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều mặt của vụ án, không thể tách rời. Do vậy, để đảm bảo cho vụ án được xét xử đúng người, đúng tội, giải quyết vụ án một cách triệt để, HĐXX tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, giao về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại.
Với quyết định này, nguyên Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp Nguyễn Văn Tính dù định "lách luật" chấp nhận án tù 11 năm nhưng vẫn không thoát.
-
Gia Khang