(VietNamNet) - Nước lũ dâng cao cô lập toàn bộ các xã vùng sâu huyện Hương Khê nhiều ngày nay. Nhiều nơi, dân kể rằng họ phải ăn lá cây chờ lực lượng cứu trợ trong nhiều ngày liền.
Kỳ 1: Rốn lũ Hương Khê: Dân sống cả tuần trên... nóc nhà
Lội bùn đến với dân vùng lũ
Rời Phương Mỹ, chúng tôi mượn thêm hai chiếc xe máy, quyết tâm thị sát vào vùng mà theo ông Phó Chủ tịch là "đoàn cứu hộ không thể vào được". Đi gần 10km, tiến sâu vào xã Lộc Yên, khung cảnh hoang tàn và xơ xác hiện rõ mồn một. Hai bên đường từ lúa, ngô, khoai, sắn... đều bị ngả rạp, bùn đất phủ đầy. Con đường cũng không ngoại lệ, có nơi bùn ngập sâu đến gần 1m.
Ở Hương Khê, gà cũng phải bò lên mái nhà trú ẩn mưu tìm sự sống sót trong những ngày này. Ảnh: Hoàng Sang
Con đường vào xã bị phủ một lớp bùn dày khoảng 20cm trơn nhầy nhụa, xe máy không còn tuân theo sự điều khiển mà cứ quay vòng tròn. Vừa đi vừa ngã chừng hơn 2 tiếng đồng hồ nhóm PV VietNamNet mới chạm đến cữa ngõ của xã Lộc Yên.
Thấy có đoàn đến thăm, một cụ già vẫy tay lại ân cần chỉ đường "các chú nhà báo muốn vô thăm xóm 6 phải không? Thương lắm! Nhưng để vào thì phải vào nhà ông gửi xe lại đã, đường trong đó không thể đi được đâu".
Gửi xe lại cho cụ già tốt bụng, xắn quần quá đầu gối, tay nắm tay lần từng bước, phải mất hơn một giờ đồng hồ mới có thể tới trung tâm của xóm. Chẳng cần phải hỏi, chỉ nghe tiếng trống đám ma não nề chúng tôi cũng tìm đến được nhà bà Nguyễn Thị Khôi - người vừa bị lũ cuốn trôi.
Căn nhà trống hoác, xiêu vẹo chừng như sắp đổ của bà không còn sót lại một thứ gì, có chăng thì chỉ là rác rưởi bẩn thỉu đang bốc mùi hôi thối.
Ông Nguyễn Hữu Hán (con trai bà Khôi) nghẹn lời: "Mẹ tôi năm nay đã 87 tuổi nhưng vì các con đứa nào cũng nghèo xác xơ nên cụ phải sống một mình trong căn nhà cuối xóm. Hôm ấy trời mưa to lũ ập đến bất ngờ, nước dâng cao gần đến nóc nhà chẳng còn biết chạy đi đâu bà đành chịu chết. Mặc dù làng xóm đã làm đủ mọi cách nhưng phải hơn 2 ngày sau mới thấy xác bà nổi lên ngoài bãi".
"Người thì đã tìm thấy xác nhưng gia đình chẳng còn đồng xu nào để tổ chức đám ma cho mẹ. Cũng may hàng xóm xung quanh đều là những người tốt bụng nên đến chiều qua thì chúng tôi đã lo xong việc chôn cất cho bà", bà Hán tiếp lời chồng.
"Chúng tôi phải ăn cả lá cây để sống"!?
Lội qua một đoạn đường ngập nước và ngổn ngang xác chết của gà vịt qua nhà bên cạnh, một cảnh tượng bi thương ập vào mắt: căn nhà chưa đổ hẳn nhưng cứ run lên bần bật mỗi khi có một cơn gió nhẹ thổi; nền nhà có nhiều vũng bùn sâu hoắm đọng đầy nước bẩn. Mọi đồ đạc trong nhà như gường chiếu, chăn màn, sập đựng lúa... đều bị cuốn trôi.
Ôm mặt khóc tức tưởi, giọng ông Phạm Hồng Tư (chủ nhà) đứt quãng: "Vợ chết sớm, một mình tôi phải nuôi ba đứa con, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bây giờ cha con tôi đã trắng tay phải sống dựa vào sự cưu mang của hàng xóm. Đã hai ngày nay tôi chưa có một chút gì vào bụng cả".
Ngồi hơn 1 tiếng đồng hồ ở xóm Phúc Lộc nghe bà con kể chuyện: "Lũ đến rất nhanh, làm ngập cả nóc nhà. Để thoát chết chỉ còn cách tháo ngói để chui ra. Hơn 5 ngày liền xóm này bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, lương thực thì bị lũ cuốn trôi hết. Thức ăn của chúng tôi là một ít khoai khô và lá cây".
Nguyễn Đình Lam (thôn 5, xã Phương Mỹ) đang cố gắng giằng kéo lại ngôi nhà bị ngâm nước lũ quá lâu, có thể sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Hoàng Sang
Hiện nay, trong xóm có nhiều hộ đã phải nhịn đói suốt 2, 3 ngày, còn lương thực hỗ trợ thì mãi vẫn chưa thấy.
Rời xóm Phúc Thọ, tiếp tục lội bộ trong bùn lầy hơn 1 km, chúng tôi đến thăm trường Tiểu học Lộc Yên. Đang trong thời gian nghỉ hè nhưng sáng nay tất cả cán bộ giáo viên của trường đến rất sớm khắc phục hậu quả của lũ.
Cô giáo Mai Thị Hồng (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: "Khi nước lũ lên, toàn bộ trường bị nhấn chìm hơn 2m. Tất cả hồ sơ, tài liệu, sách vở cũng như cơ sở vật chất đều bị hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính khoảng hơn 250 triệu đồng. Vấn đề khó khăn nhất lúc này là tìm cách nạo vét lớp bùn dày bám khắp phòng và dụng cụ dạy học".
Khi đến UBND và trạm y tế xã, thì tất cả đều vắng tanh, chỉ còn có ông Nguyễn Đình Phúc, cán bộ văn phòng đang một mình loay hoay tiếp nhận hàng cứu trợ.
Ông Phúc lắc đầu ngao ngán: "Đến bây giờ xã vẫn chưa thể thống kê được con số thiệt hại về vật chất, nhưng chắc chắn là sẽ rất lớn. Tất cả 17 thôn đều bị nhấn chìm trong nước. Toàn bộ mùa màng mất trắng, trâu bò, lợn gà bị trôi không biết bao nhiêu mà kể".
-
Hoàng Sang - Chi Mai - Phi Long - Hà Vy - Vũ Hoàng - Lê Thuỷ