221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
971462
TP.HCM: "Điểm mặt" những dự án dùng vốn ODA "chết yểu"
1
Article
null
TP.HCM: 'Điểm mặt' những dự án dùng vốn ODA 'chết yểu'
,

(VietNamNet)- "Cái chết" của tiểu dự án triệu đô mang tên "rạch Hàng Bàng" mới đây như lời cảnh báo nghiêm khắc từ các nhà tài trợ nguồn vốn ODA. Thế nhưng TP.HCM còn bốn dự án giao thông sử dụng nguồn vốn ODA khác mà nếu không tích cực hơn sẽ có kết cục tương tự.

Từ một dự án "chết yểu"

Dự án Cải thiện môi trường thành phố có 4 tiểu dự án lớn, trong đó có tiểu dự án thoát nước rạch Hàng Bàng - tác dụng chống ngập và thoát nước trên địa bàn quận 5, 6 và quận 11. Ngoài ra còn gồm các tiểu dự án xây dựng công trường xử lý rác; thu gom vận chuyển rác và xây dựng lò hỏa táng, tiểu dự án kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, tăng cường thể chế nâng cao năng lực cộng đồng, quan trắc chất lượng không khí...

Giá trị theo hiệp định vay đã được ký kết giữa UBND TP.HCM với nhà tài trợ ADB (Ngân hàng phát triển châu Á) là 100 triệu đô la, trong đó nhà tài trợ cho vay 70 triệu đô la, đối ứng của thành phố là 28,2 triệu đô la, chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại 1,8 triệu đô la. Dự án này dự kiến kết thúc trong 5 năm (từ năm 1999-2005).

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hiệp định ký kết vào 21/12/1999 và kết thúc vào 31/12/2005. Nhưng thực tế, từ cuối 1999 cho đến năm 2000, tiến độ của dự án chỉ xoay quanh việc tổ chức bộ máy con người cho dự án, đến đầu năm 2001 mới chính thức khởi động.

d
Một gói thầu thuộc dự án Vệ sinh nước TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Thế nhưng, đến 13/4/2007, khi ADB chính thức có văn thư gửi Ngân hàng Nhà nước VN thông báo khóa sổ khoản vay, thì tiểu dự án rạch Hàng Bàng mới chỉ được giải ngân 16%;  khối lượng công việc thực hiện được rất ít ỏi. Nhà tài trợ đã không cho thành phố gia hạn khoản vay vào khoảng 28 triệu đô la.

Như vậy, trong 6 năm một dự án chưa kịp “phôi thai” đã phải “chết yểu” vì sự chậm trễ. TP.HCM mất cơ hội “ngàn vàng” cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường sống. Hàng triệu người dân thành phố mất cơ hội hưởng thụ điều kiện sống mà lẽ ra họ phải được hưởng.

Thêm một dự án sẽ "qua đời"?

Điều đáng lo ngại là hiện nay, riêng về lĩnh vực giao thông đô thị,  TP.HCM còn quản lý 4 dự án sử dụng nguồn vốn ODA, trong đó 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản (JIBIC), 1 dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và 1 dự án sử dụng vốn ODA từ Chính phủ Pháp.

Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè có tổng mức đầu tư 199,96 triệu USD, trong đó 166,34 triệu USD là vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) được dự đoán là sẽ nối tiếp “cái chết” và cùng chung “số phận” như tiểu dự án rạch Hàng Bàng.

Từ năm 2000 đến nay, tiến độ giải ngân của toàn dự án chỉ đạt khoảng 28%. Dự án có tổng cộng 24 gói thầu (8 gói tư vấn, 2 gói mua sắm thiết bị, 14 gói xây lắp), song hầu hết 14 gói thầu xây lắp (5 gói đang thi công) đều ì ạch  hoặc chậm trễ trong công tác đầu thầu.

Đáng chú ý nhất là gói thầu số 7 (thi công tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm) với giá trị trên 450 tỷ đồng do liên danh nhà thầu TMEC& CHEC 3 (Trung Quốc) thực hiện đã gây ra nhiều phản ứng cho người dân thành phố vì những bê bối đi kèm.  

Khởi công xây dựng từ 11/2003, và theo hợp đồng thì đến 11/2006 phải hoàn thành, nhưng thực tế đến nay, toàn bộ khối lượng gói thầu chỉ đạt khoảng 52%.

Tương tự gói thầu 13A (thay thế và lắp đặt cống thoát nước cấp 2, 3) do Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng – Bộ Xây dựng thi công, sau gần 17 tháng thi công (chiếm 50% thời gian của hợp đồng), khối lượng của gói thầu chưa đạt tới 5%...

Cuối năm 2007, dự án này lẽ ra phải xong, nhưng đến hiện nay tốc độ thi công của toàn dự án được ví như “rùa bò trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Mới đây, WB đã “dọa” sẽ ngưng tài trợ vốn.

Một dự án ODA khác - Công trình đại lộ Đông Tây - cũng đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc ở gói thầu số 4.

Điều tưởng chừng đơn giản như di dời 28 trụ điện, 3 trạm chiếu sáng, công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, điện thoại, nước...) để triển khai mặt bằng thi công đã “tiêu tốn” hết vài tháng. Ngoài ra, gói thầu này còn vướng mắc mặt bằng tại khu vực nhà máy đóng tàu Hà Đức - cầu vượt xa lộ Hà Nội.

Không những thế, gói thầu số 6 cũng thuộc dự án này đang “tiến thoái lưỡng nan” do Bệnh viện Nhiệt đới chưa bàn giao hàng rào cho Ban Quản lý dự án khoảng 1.500m2. Và còn bị 806 trụ điện, 9 đường ống nước, vướng hệ thống điện cao thế (đường dây 11KV) ở nút giao QL1A “cản mũi”.

Các dự án còn lại như dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM (sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản JBIC, tương ứng với 3.214 tỷ đồng), dự án Xây dựng Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng TP.HCM (sử dụng nguồn vốn ODA của Pháp, tương đương với 86,6 tỷ đồng) cũng đang gặp nhiều trúc trắc có khả năng ảnh hưởng đến thời hạn đã ký kết với nhà tài trợ.

Dự án chậm, 1 năm thiệt hại 365 tỷ đồng.

Đại biểu Ban kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM Trương Trọng Nghĩa cho biết, ông tỏ ra khá bức xúc khi nghe các đơn vị liên quan trình bày đến tiến độ thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ODA.

Với những lý do “muôn năm cũ” như giải phóng mặt bằng, vướng các công trình kỹ thuật, đền bù thấp... ông Nghĩa thốt lên: “Lý do không có gì mới, những năm trước đây cũng đã gặp, sao không thấy khắc phục?”.

Nói về vướng mắc của các dự án giao thông sử dụng nguồn vốn ODA, với tư cách Phó Giám đốc Sở GTCC TP.HCM, kiêm Trưởng ban quản lý Dự án Môi trường nước TP.HCM, ông Huỳnh Ngọc Sỹ cho PV VietNamNet biết: “Thành phố không mạnh dạn giao quyền cho Giám đốc Sở GTCC. Dù ông này có muốn cấp tiền cho các đơn vị để thực hiện nhanh dự án cũng phải thông qua nhiều sở chuyên môn khác khiến tiến độ thi công các công trình bị ảnh hưởng”.

Ông Sỹ phân tích: Chính sự chậm trễ đã làm thiệt hại đến tiền ngân sách rất nhiều. Ông làm một phép tính và cho biết nếu tổng vốn ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại thành phố là 7.000 tỷ đồng thì mỗi ngày chậm, thành phố đã thiệt hại 365 tỷ đồng/năm. Bởi lẽ, một công trình khi được đưa vào sử dụng phải phát huy hiệu quả ít nhất từ 5-7% giá trị đầu tư. “Tiền ấy ai trả? Rốt cuộc cũng do tiền thuế người dân bỏ ra trả mà thôi” - ông Sỹ nói.

  • Trần Duy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,