(VietNamNet) - Khu phố 6 (phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), nhà 4mx10m mới xây san sát. Bị quản lý đô thị phát hiện, nộp phạt là xong tội xây dựng trái phép. Những căn nhà chỉ có thể mua bán giấy tay thế này nhan nhản không chỉ ở Hiệp Bình Chánh.. Một trong những điểm nóng về xây dựng trái phép, nơi mọc lên những “khu phố ma” nổi cộm hiện nay là phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Nơi đây, đất được phân lô, chia nền, xây dựng sẵn và bán với giá rất rẻ so với thị trường.
Điểm nóng
Qua mục đăng tin bán nhà trên báo, PV VietNamNet liên lạc với người môi giới và đến khu nhà ở khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Những dãy nhà san sát nhau và được chia nền khá cân đối, mỗi căn có diện tích 4mx10m, hoặc 4mx12m, vừa được xây dựng xong, khá khang trang và sạch sẽ.
Cơ quan chức năng cưỡng chế căn nhà xây dựng trái phép ở quân Tân Phú. |
Chấm được nền nhà có vị trí tương đối đẹp, với diện tích 4mx12m, có giá 350 triệu đồng. Phóng viên hỏi giấy tờ về nhà và đất, người môi giới cho biết, ở đây tất cả đều chung sổ đỏ vì đất chung nền. “Thế còn giấy hồng, chứng nhận tài sản trên đất?”. “Ở đây chỉ toàn mua bán giấy tay thôi, yên tâm đi, không có sao đâu; đã có mấy chục người mua và đã ở rồi, đâu có vấn đề gì!” - người môi giới đáp. Thấy khách tỏ vẻ ngại ngần vì chuyện giấy tờ nhà, anh môi giới kiên trì trấn an, cho biết, không chỉ có vài căn, mà có cả khu phố đều thế cả, mọi người vẫn ở ổn định, không có vấn đề gì! “Chung sổ đỏ, có thể cắt đất, làm giấy tờ nhà, đất riêng, đàng hoàng chứ cần gì phải chung chạ?” - khcách thắc mắc. Anh môi giới bực dọc: “Ông không mua thì thôi, chứ làm ra sổ cho ông thì làm gì có giá đó! Mà đòi ra sổ thì làm sao mà xây được nhà cho ông đứng đây mà trả giá!”. Quanh co một hồi, anh môi giới vô tình tiết lộ bí mật đã cố giấu kín. Những căn hộ này đều xây dựng trái phép, khi xây xong, lực lượng quản lý đô thị đi kiểm tra, phát hiện thì họ sẽ đóng phạt, thế là xong và coi như nhà đã được hợp thức việc xây dựng trái phép.
Một cò đất bị công an bắt. |
Thực tế tại phường Hiệp Bình Chánh, những “ngôi nhà ma”, “khu phố ma” không chỉ mọc riêng khu phố 6, mà còn là tình hình chung ở các khu phố lân cận; đặc biệt khu vực gần trại cá sấu Hoa Cà, nhà trái phép, không phép mọc như nấm. Không chỉ riêng ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, tình trạng tương tự còn diễn ra nóng bỏng hơn tại các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, quận 7, Tân Phú… Bít hẻm để… xây nhà trái phép “Chỉ cần sau một đêm, một khu đất trống có thể đã được chia nền, phân lô; chỉ cần một tuần, khu đất trống sẽ biến mất mà thay vào là những căn nhà mới” - anh bạn làm trong ngành xây dựng khái quát toàn cảnh câu chuyện xây nhà trái phép, khiến dân trong nghề như anh cũng phải bàng hoàng. Để những “căn nhà ma” mọc lên, hình thành những “khu phố ma”, các ông chủ đất không từ bất kỳ phương cách nào để qua mặt chính quyền địa phương. Từ việc che chắn thô sơ, cho đến việc bít cả hẻm, đường dẫn vào công trình, ngăn cản việc kiểm tra, để tiện xây nhà trái phép.
Việc cương quyết cưỡng chế, giải tỏa những "khu phố ma", những tưởng sẽ ngăn chặn được tình trạng xây dựng nhà trái phép. |
Trong “vai” người đi mua nhà, phóng viên đến khu phố nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo ở phường Tân Thuận Đông, quận 7. Chủ nhà tự tin giới thiệu căn nhà sát con mương đen ngòm, mà anh vừa xây lên để bán. Phía trước căn nhà chưa đầy 40m2 này, 2 nền đất sát cọc tiêu đã được phân lô và theo anh, sắp tới sẽ cho xây tiếp. Thấy diện tích đất quá nhỏ và sát bờ mương, bên cạnh cọc giới hạn, phóng viên thắc mắc: Sao có thể xin được giấy phép xây dựng? Anh thẳng thừng: “Cần gì giấy phép, cứ thế mà xây lên thôi, xây xong họ đến phạt, đóng phạt xong thì thôi chứ chẳng có chuyện gì, coi như hợp thức, rồi bán”. Anh chỉ vào căn nhà vừa giới thiệu, anh kể: “Để xây căn này và mấy căn kế, tôi cho bít hẻm lại, vì toàn bộ đất trong này của mình mà. Đêm đến, cho thợ và vật liệu xây dựng vào làm. Xong phần móng thì cứ thong thả xây, có mấy lần bên quản lý đô thị đến kiểm tra, nhưng thấy hẻm bít, không vô được thế là quay về. Khi xây xong, cho đập tường rào, họ vào kiểm tra, rồi phạt, đóng phạt xong là thôi ấy mà!”. Vì sao vẫn tái diễn? Một thực tế mà ai cũng đều thấy rất rõ, là tình trạng xây dựng nhà trái phép ở TP.HCM không phải là diễn biến mới, thực tế này đã kéo dài nhiều năm nay. Dân thấy, chính quyền biết, công luận liên tục lên tiếng, nhưng cơ quan quản lý vẫn bó tay, vì sao? Câu trả lời luôn là, do lực lượng mỏng, không thể kiểm soát hết được. Hoặc do nhận thức người dân thấp, không tuân thủ pháp luật… Trên thực tế, vấn đề tồn tại để dẫn đến tình trạng “nhà ma”, “phố ma” liên tục mọc lên, không chỉ từ những nguyên nhân đó. Một trong những điều dễ thấy nhất trong quá trình xin và được cấp phép xây dựng của người dân phải vượt qua nhiều thủ tục nhiêu khê. Đó là chưa kể, phí chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay còn khá cao so với thu nhập thực tế của người dân; trong khi đó, hầu hết những đối tượng trong mua, bán nhà xây dựng trái phép thường là người có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Nhưng, với việc quản lý lỏng lẻo và còn nhiều bất cập, "khu phố ma" hiện nay tiếp tục "mọc" lên. |
Cho nên, họ sẵn sàng vi phạm luật, để rồi chịu phạt, hoặc đánh liều, chấp nhận việc mua bán bằng giấy tay để có chỗ che nắng, trú mưa, giải quyết nhu cầu chỗ ở tức thời cho họ, vừa được giá rẻ. Bên cạnh đó, sự “thỏa hiệp”, không cương quyết trong việc thực thi pháp luật đối với tình trạng xây dựng nhà trái phép đã khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp. Việc hợp thức hóa những căn nhà xây dựng trái phép khiến cho người dân ngày càng chủ quan hơn trước các quy định của Nhà nước. Đã hơn 16 năm trôi qua, kể từ năm 1990, Nhà nước, chính quyền địa phương, liên tục ban hành các quyết định, chỉ thị để “du di” cho các trường hợp nhà xây dựng trái phép. Đồng thời với việc thành phố chưa phủ kín quy hoạch trên toàn địa bàn và tình hình “dự án treo” vẫn bị bỏ ngỏ đã góp phần làm cho diễn biến nhà xây dựng trái phép ngày càng diễn ra trên diện rộng hơn. Cho nên, “nhà ma”, “phố ma” sẽ tiếp tục mọc lên nếu chính quyền TP.HCM không giải quyết rốt ráo mọi khúc mắc.