221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
971824
Đêm theo trẻ cuốc bộ bán hàng, ăn xin... thuê
1
Article
null
Đêm theo trẻ cuốc bộ bán hàng, ăn xin... thuê
,

(VietNanNet) - 7h các tối, cu Tùng (11 tuổi - quê ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá)cắp chiếc rá nhựa xếp đầy kẹo cao su rảo bước “càn” địa bàn đã được chủ giao. Hàng chục đứa trẻ khác cũng hối hả lên đường "làm nhiệm vụ", đứa bán hàng, đứa ăn xin, bụng nơm nớp nghĩ đến trận đòn của những kẻ thuê mình...

c
"Ai mua cho cháu với?!"
Mưu sinh trong đêm 

Điểm dừng chân đầu tiên của Tùng là quán bún ở đầu phố Hàng Bồ. Bước đến sau lưng một đôi trai gái đang ăn, nó khẽ chạm nhẹ vào cậu thanh niên rồi cất tiếng “Cô chú mua giúp cho cháu phong kẹo cao su nhé!”. 

Cậu thanh niên giật mình quay lại, định giơ tay xua đi chỗ khác thì cô bạn gái ngăn lại. Cô gái rút ví lấy một tờ 2.000 để vào rá thì Tùng bảo: “Cháu đi bán kẹo chứ không đi ăn xin cô ạ!”. Thấy giọng thằng bé khẩn khoản, cô gái mỉm cười rút thêm 3.000 nữa để mua cho Tùng một phong kẹo. “Cháu cảm ơn cô chú!” - vừa nói Tùng vừa bước nhanh như thể sợ cô gái sẽ đổi ý mà trả lại phong kẹo đã mua.
 

Lượn một vòng Hàng Bồ - Hàng Điếu - Hàng Nón - Hàng Quạt, rẽ về Lương Văn Can rồi dừng lại nghỉ chân ở đầu phố Hàng Bạc, cu Tùng móc túi đếm được 45.000. Cậu bé hồ hởi nói: “Được 9 phong rồi, còn 11 phong nữa!”. Hoá ra, ngoài chuyện phân chia địa bàn, lũ trẻ đi bán kẹo cũng còn bị những kẻ “chăn dắt” giao "chỉ tiêu" bán nữa. Tùng bảo: “Như cháu quen bán rồi nên mỗi ngày được giao bán 20 phong kẹo. Bán không đủ thì chết đòn!”. 

Không đi bán kẹo, hai em Chính - Chỉnh ở Đô Lương - Nghệ An lại bị bà chủ “chăn dắt” giao đi xin tiền. Chính bảo: “Mỗi ngày nếu không xin được hơn 30.000 thì sẽ bị bà Lành bắt nhịn đói đến tối, chỉ được ăn cơm trước khi đi xin tiền thôi chú ạ!”. Nép sau lưng anh, thằng Chỉnh luôn mồm kêu đói khiến thằng anh phải dỗ liên hồi. PV VietNamNet bảo: “Tối nay 2 anh em xin được nhiều rồi mà. Sao không bớt tiền mua cho em cái bánh mỳ?” thì Chính đáp dài giọng: “Bớt làm sao được…Bà Lành biết ngay!”. Rồi nó kể: “Trước có đứa trong nhóm cháu khát nước quá nên bớt 3.000 để uống nước mía, bà Lành phát hiện ra tẩn cho lăn lê bò toài. Đến mấy ngày sau nó vẫn phải tập tễnh đi xin”. 

Tạm biệt 2 anh em Chính - Chỉnh, PV VietNamNet rẽ về phía chợ đêm Đồng Xuân để tìm 2 chị em Mai - Đào người Hà Tĩnh. Cuối phố Hàng Ngang, cô bé 11 tuổi cắp nách chiếc quạt giấy đang dắt em 7 tuổi đi bán kẹo. Đến bất cứ quán ăn nào, Mai cũng nhắc em quạt cho khách, mình thì mời khách mua kẹo. Chẳng biết cái “mánh” vừa quạt vừa bán hàng đó hiệu quả ra sao nhưng những phong kẹo trong chiếc rá nhựa đỏ Mai mang theo cứ vơi dần. 

c
"Cháu quạt mát rồi mua kẹo cho cháu nhé!"

Ngược về phố Hàng Buồm, thẳng qua Mã Mây, hai chị em Mai - Đào dừng lại ở ngã 4 Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiền. Uống cạn cốc nước ngọt PV VietNamNet đưa, Mai khoe: “Ngày trước cái Đào chưa lên Hà Nội, cháu toàn phải đi bán hàng một mình, buồn nên bán được ít, về toàn bị bà Bỉnh chửi thôi. Giờ có cái Đào đi cùng, 2 chị em bán mỗi ngày hơn 30 phong kẹo nên bà Bỉnh khen là “Chị em mày có tài bán hàng”. 

Đang dở câu chuyện, thấp thoáng thấy bóng bà Bỉnh đạp xe tới đầu phố Mã Mây, Mai kéo vội con bé Đào đi tiếp. Hai chị em ra góc phố Tạ Hiền “làm thủ tục” nộp tiền cho bà chủ. Thấy PV VietNamNet giơ máy ảnh lên chụp, người đàn bà ấy vẫn thản nhiên cầm và đếm số tiền Mai vừa nộp. Xong xuôi, bà ta lầm bầm chửi vài câu rồi kéo cả 2 đứa trẻ lên xe, đạp nhanh về phía Hồ Hoàn Kiếm. 

Phận "người thuê"

Sống xa gia đình, không được học hành mà sớm phải lăn lộn kiếm tiền, lũ trẻ bán hàng, xin ăn đêm này không chỉ đối mặt với tai nạn, với nạn bạo hành mà còn rất dễ sa chân vào con đường tệ nạn xã hội.

Trò chuyện với phóng viên VietNamNet, ông Hùng ở đầu phố Lương Ngọc Quyến bức xúc: “Ở góc phố này, không ít lần tôi thấy bọn “chăn dắt” đánh đập bọn trẻ. Cách đây khoảng 2 tháng, thấy cảnh một gã dặt dẹo vừa thu tiền vừa đánh 2 đứa bé, mấy thanh niên đang uống bia trong quán tôi lao ra, dần cho gã đàn ông đó một trận. Mấy hôm sau thấy 2 đứa trẻ mặt mũi tím bầm, chân tay tập tễnh đến bán kẹo. Hỏi ra mới biết, sau khi bị đánh, về đến chỗ trọ gã đàn ông đó đã trút “đòn thù” lên lũ trẻ. Tội nghiệp lắm!”.

c
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi
“Cháu đang học lớp 5 thì ông Thắng ở làng bên sang nhà xin “thuê” cháu lên Hà Nội bán hàng. Ban đầu mẹ cháu không đồng ý, ông ấy nói mãi, bố mẹ cũng xuôi. Lúc đầu cháu cũng hay bị ông Thắng đánh vì “không bán được hàng” nhưng bán mãi rồi cũng quen, giờ bán được nhiều nên không bị đánh chửi nữa” - cu Tùng tâm sự. 

Vui chuyện, Tùng kể tiếp: “Trước ở chỗ cháu có chị Thảo bán mực nướng, hơn cháu mấy tuổi. Có đêm đi về qua cửa khẩu bị mấy thằng nghiện nó trấn sạch hết tiền, rồi còn bị bọn nó sờ soạng nữa. May hôm đó có chiếc xe tải đi qua, thấy đèn ô tô bọn nghiện chạy hết nên chị Thảo mới về được. Sợ quá nên hôm sau chị ấy xin về quê luôn”.
 

Theo chỉ dẫn của Tùng, PV VietNamNet tìm tới khu vực chợ rau quả trên phố Hàng Khoai. Loanh quanh tìm kiếm một hồi mới thấy lố nhố bóng dăm đứa trẻ cả trai lẫn gái đang thì thụt ở một góc tối cuối chợ, trên tay đứa nào đứa nấy cũng lập lèo một đốm lửa thuốc lá. Thấy ánh đèn xe máy đi đến, bọn trẻ bảo nhau lủi mất dạng.  

Chị Hoà - một người bán rau quả ở khu vực này cho biết: “Lũ ranh con này ngày nào chẳng tụ tập hút xách ở đây. Hút chán chúng nó lại rình rập xem ai hở ra cái gì là chôm. Rồi có ngày bắt được người ta cũng đánh chết!”.

Tùng thì bảo: “Mấy đứa đó trước cũng đi bán kẹo với cháu, vì lười và bị đánh chửi nhiều nên chúng nó bỏ trốn hết. Giờ chúng nó cứ lang thang như vậy, Tết cũng chẳng về quê!”.
 

Gần 2h sáng, hai anh em Chính - Chỉnh quay về phố Lãn Ông để nộp tiền. Móc hết túi trước túi sau ra được hơn 20 ngìn, thằng anh đưa cả cho người đàn bà đang cắp nách một đứa bé chưa đầy 1 tuổi. Đếm tiền xong, cảm thấy chưa yên tâm nên ả đàn bà còn gọi cả 2 anh em vào “khám túi” một lần nữa. Không thấy tiền giấu, ả hài lòng bảo 2 thằng bé đi xin tiếp mà không cho chúng kịp uống một ngụm nước. Đi đến tận Ngõ Gạch, liếc lại đằng sau không thấy ả đàn bà đi theo, thằng Chính mới móc trong gấu quần ra một tờ 5.000 nhàu nát rồi kéo em vào một hàng trà đá… 

4h sáng - những người phụ nữ đi chợ hoa đêm Quảng Bá đã về đến phố Lương Văn Can. Lũ trẻ sống dựa vào đêm cũng thất thểu trở về chỗ trọ. Đèn trên phố đã tắt, phía trước chúng là những con đường tối hun hút…

d
Chờ bán kẹo cao su cho khách nước ngoài.
d
"Cháu xin đồng!"
x
Đèo em đi làm
x
Lẻ loi giữa phố
f
Nộp tiền cho chủ.
f
"Lại đây xem còn giấu đồng nào trong túi không!

  • Công Thanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,