Gia Lai: 'Sốt' gỗ trắc, đua nhau phá rừng, dỡ nhà... bán
(VietNamNet) - Từ đầu tháng 8/2007, nhiều tư thương từ TP.HCM và Hà Nội đổ về các huyện Krông Pa, Ia Grai, Kon Chro, Kbang lùng mua từng ký gỗ trắc (kể cả thân cây, rễ, cành) giá 3.000-5.000 đồng/kg. Hàng trăm người dân bỏ bê nương rẫy, đi tìm gỗ trắc, thậm chí dỡ nhà để bán với hy vọng... đổi đời.
|
Gỗ trắc - loại gỗ lậu Kiểm lâm Gia Lai liên tục phát hiện thời gian gần đây. |
Cơn sốt săn tìm mua gỗ trắc đang rộ lên khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, bởi các lái buôn mua tất cả: gỗ nguyên khúc, gỗ đã cắt xẻ, dài ngắn, to nhỏ, tươi khô; thậm chí rễ và những cành nhỏ cũng bán được.
Địa bàn được coi là “nóng nhất” trong vùng là xã Ia Khai huyện Ia Grai, cách TP.Pleiku (Gia Lai) chừng 60 km.
Tại đây, có thể thấy tận mắt hàng trăm vườn bắp, đậu, sắn bị bỏ bê, cỏ dại lút đầu. Đây đó, những ngôi nhà gỗ đã bị tháo tung cột, khung cửa để... bán. Nhiều đồ dùng sinh hoạt như giường, tủ đóng bằng gỗ trắc cũng được đem cân, chờ... thành tiền.
Ông Pui Dinh - Trưởng Công an xã Ia Khai cho biết: “Không làng nào không có người đi tìm gỗ trắc để bán. Người già, trẻ nhỏ sức yếu không vào được rừng sâu để tìm, để chặt thì đi gùi thuê, mỗi ngày cũng được gần trăm ngàn. Còn thanh niên thì vượt cả qua sông Sê San để đến bên rừng thuộc lâm phần tỉnh Kon Tum tìm kiếm, khai thác. Khi có là họ kết thành bè, cưa nhỏ gỗ trắc cho vào bao tải xuôi qua sông, tập kết ở những nơi kín đáo mà Kiểm lâm và Công an không phát hiện được, rồi lợi dụng trời mưa hay đêm tối chở bằng xe máy đến nơi tiêu thụ".
|
Hiện trường 1 vụ khai thác gỗ trắc ở Gia Lai vừa bị phát hiện. |
Ông Pui Dinh cho biết thêm, đoạn đường trước trụ sở UBND xã, mỗi ngày có trên 50 lượt xe gỗ trắc chạy qua.
Trả lời câu hỏi: "Tại sao Công an không bắt?", ông Dinh trả lời: “Chúng tôi báo cáo vụ việc lên trên, nhưng không thấy ý kiến gì. Chúng tôi chỉ có thể bắt xe máy của người dân địa phương đang chở gỗ trắc đi bán, phạt hành chính 300.000-500.000 đồng/xe".
Qua tìm hiểu thực tế, VietNamNet được biết, mặc dù được cho là "điểm nóng” nhưng địa bàn xã Ia Khai, huyện Ia Grai chủ yếu vẫn là "hành lang" để chuyển gỗ trắc ra đường cái cho lâm tặc và các tư thương. Còn tâm điểm vận chuyển tiêu thụ và đưa ra thị trường, thực sự phải là địa bàn huyện Krông Pa - nơi có những cung đường, những đèo - eo hiểm trở tiếp giáp với địa bàn tỉnh Phú Yên, Đăk Lăk; cơ quan chức năng không thể "sờ đến".
Tại huyện Krông Pa, nhiều người dân cho biết: do tư thương buôn gỗ trắc không cần nguyên khúc, thước tấc như các loại gỗ khác, nên lâm tặc có thể "biến hoá" việc vận chuyển loại gỗ này theo vô vàn phương cách: rạch yên xe máy rồi nhồi gỗ trắc vào trong; chứa gỗ trong những chiếc vali rất đẹp, ăn mặc bảnh bao như cán bộ đi công tác. Lại có kẻ tháo cả bình xăng xe máy để lấy chỗ giấu gỗ rồi câu bình xăng ra ngoài…
Ông Bùi Quang Thịnh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Krông Pa cho biết: “Điểm nóng nhất địa bàn huyện Krông Pa là xã Chư Gu. Từ đầu tháng 6 đến nay, hàng trăm dân địa phương bị bọn lâm tặc và các thương gia chào hàng và nâng giá thu mua từ 3.000 đồng lên 5-6.000 đồng/kg. Vì vậy, dân bỏ bê làng bản vườn tược, đổ xô vào rừng khai thác gỗ trắc (kể cả gốc) để bán. Để vận chuyển trót lọt, bọn lâm tặc tổ chức thu mua gỗ trắc tại rừng, thu giấu vào nhà rẫy rồi đưa ôtô nguỵ trang xe chở mì, bắp đưa về điểm tập kết, sau đó dùng xe máy vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Đã có 2 trường hợp tự gây tai nạn khi phóng nhanh, vượt ẩu trốn chạy…".
Cũng theo ông Thịnh: Dù huyện đã lập các chốt ngăn chặn trên đường về Phú Yên, lên Chư Sê và qua Đăk Lăk nhưng lâm tặc với những thủ đoạn tinh vi và bằng nhiều phương tiện vẫn thường xuyên vận chuyển gỗ trắc ra khỏi địa bàn trót lọt. Chỉ mới hơn 10 ngày qua, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện bắt giữ hơn 20 vụ, thu trên 100 Sitte gỗ trắc cùng nhiều phương tiện.
|
Gỗ trắc được giấu trong mọi phương tiện |
Cái khó của việc quản lý, chống khai thác và vận chuyển gỗ trắc hiện nay, theo ông Thịnh, là lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng; bọn lâm tặc thậm chí còn thuê cả trẻ em, học sinh “canh gác, cảnh giới” trước cửa cơ quan làm việc. Nếu các cháu phát hiện kiểm lâm đi tuần thì điện báo cho bọn lâm tặc để bọn chúng tẩu tán, thu giấu… Tệ hại hơn, chúng còn sử dụng các em nhỏ để làm “hàng rào” ngăn cản mỗi khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện đuổi bắt.
Cũng về vấn đề này, ông Vũ Duy Khiêm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ia Grai cho biết thêm: "Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xử lý là khối lượng gỗ bắt được quá ít và đa số là gỗ trắc “tận dụng” (cây chết, hoặc nằm trong nương rẫy), không đủ điều kiện để truy tố (theo NĐ 139 lượng gỗ phải từ 5m3 trở lên). Thêm nữa, việc bỏ các trạm kiểm soát cố định theo QĐ 59 đã gây khó khăn rất lớn cho cơ quan chức năng… Trong điều kiện đặc thù của thu mua gỗ trắc trái phép, các cơ quan chức năng hiện chỉ có biện pháp hiệu quả nhất là phối hợp với địa phương kiểm tra chặt chẽ địa bàn và các phương tiện xe cộ dưới dạng an toàn giao thông!”.
Điều đáng nói là trước khi xảy ra hiện tượng "săn" gỗ trắc, ở Gia Lai vừa hạ nhiệt “cơn sốt” gỗ huỳnh đàn (đúng hơn là gỗ huỳnh đàn đã cạn kiệt).
Trong khi các cơ quan, ban ngành chức năng loay hoay dẹp nạn khai thác gỗ trắc, dân buôn vẫn ùn ùn kéo về Gia Lai săn tìm loại gỗ quý này. Dư luận lo lắng: sẽ đến ngày cả Gia Lai không còn một tấc gỗ trắc. Nhà nhà bỏ bê việc trồng cấy, gỗ hết, lương thực cũng chẳng còn…