“Phù phép” đất công thành… đất tư ?
Ngày 15/10/2002, UBND huyện Cần Giờ cho phép Công ty TNHH Phước Lộc làm chủ đầu tư xây dựng Khu dân cư nhà vườn du lịch tại xã Long Hòa. Theo thiết kế dự án có diện tích 567.400m2, trong đó có hơn 88% (500.257m2) do Nhà nước trực tiếp quản lý, được UBND xã Long Hoà đăng ký sử dụng.
Đặc điểm khu đất có nguồn gốc đất bồi, phần lớn là ao trũng, rừng tự nhiên, một ít là rạch nhỏ và nhà dân. Do nguồn gốc “đất công” nên huyện Cần Giờ có công văn “xin chỉ đạo của UBND TP xem xét chấp thuận phương án giao đất cho các doanh nghiệp có khả năng đầu tư xây dựng theo dự án được duyệt…”
Tiếp đó ngày 30/3/2005, Sở Tài nguyên Môi trường có tờ trình số 1936 tiếp tục khẳng định về nguồn gốc khu đất này“…phần lớn diện tích khu đất có nguồn gốc là “đất công” do huyện quản lý”, để kiến nghị UBND TP giải quyết hồ sơ giao đất cho Công ty Phước Lộc”
Đến ngày 13/5/2005, UBND TP.HCM có quyết định số 2310 giao đất cho Công ty Phước Lộc. Cuối năm 2006, Công ty Phước Lộc được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDD) diện tích là 542.246m2.
Theo tính toán, sau khi làm dự án, Công ty Phước Lộc phải nộp nghĩa vụ cho Nhà nước 40.020,56m² (tương ứng 8% diện tích của 500.257m² đất công - trên thực tế đo đạc là 540.859,4m²) với phương thức nhận nền đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Sau khi nhận diện tích này, UBND huyện Cần Giờ có nhiệm vụ “…quản lý và sử dụng quỹ đất này phục vụ yêu cầu tái định cư cho các dự án đầu tư của Nhà nước theo chỉ đạo của UBND TP”
Một khoảnh đất thuộc dự án khu dân cư nhà vườn du lịch của Công ty Phước Lộc.
Thế nhưng, bất ngờ xảy ra khi UBND huyện Cần Giờ có hai công văn do ông Đoàn Văn Thu và Nguyễn Bình Trứ (đều là Phó Chủ tịch huyện) ký “đính chính” lại hiện trạng “đất công” do Nhà nước quản lý chỉ còn…100.972m2 (giảm xấp xỉ 400.000m² )
Tiếp đó, ngày 28/11/2006, UBND huyện Cần Giờ lại ra văn bản xin điều chỉnh giảm diện tích 1.792,5m2, với lý do “đất của ông Trương Văn Chót sử dụng từ trước tới nay, UBND huyện đã “có sự nhầm lẫn” !?.
Trên cơ sở trên, Sở Tài chính đã có các văn bản số 815 ngày 7/2/2006 và 927 ngày 24/1/2007 chấp thuận phương án Công ty Phước Lộc “bồi hoàn” cho Nhà nước 7.934,36m² đất ở. Nếu tính số thực tế do Nhà nước quản lý là 540.859,4m² thì giá trị đền bù đất công của Nhà nước bị mất lên đến 35.334,39m², nhưng chỉ được bồi thường 7.937,36m². Còn tính giá đất ở theo khung giá 1,2 triệu đồng/m2 (giá mà Công ty Phước Lộc chuyển nhượng – P.V) thì số tiền Nhà nước thiệt hại lên tới hơn 42,4 tỷ đồng !
Theo cơ quan chức năng, việc UBND huyện Cần Giờ dùng "chiêu thức" đất công để xin dự án rồi sau đó lại báo cáo ngược 180 độ rằng “đất đã có dân sử dụng” để tiến hành bồi thường là “dấu hiệu cố ý làm trái các quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng về công tác quản lý đất đai..”
Bồi thường “khống” hàng chục tỷ đồng
Theo cơ quan chức năng, thời điểm trước khi có dự án nhà vườn của Công ty Phước Lộc, tại khu vực này có 5 hộ dân được UBND huyện Cần Giờ cấp giấy CNQSDĐ tổng cộng 69.535 m².
Số tiền đền bù sai phải thu hồi lên tới hàng chục tỷ đồng.
Thế nhưng đến thời điểm tháng 5/2005, khi có quyết định thu hồi đất của UBND TP giao cho Công ty Phước Lộc, lãnh đạo huyện Cần Giờ cố tình làm ngơ ký cấp thêm 6 giấy CNQSDĐ cho 3 hộ dân với diện tích 152.984m2.
Đáng ngạc nhiên là dù biết luật nhưng UBND huyện Cần Giờ vẫn cấp giấy cho phần đất rừng tự nhiên và đất mặt nước do Nhà nước quản lý cho 3 hộ dân với diện tích lên tới 194.519m2. Trong đó, ông Nguyễn Văn Chính được cấp 3 giấy CNQSDĐ, diện tích 129.020m2, trong đó có 128.302m2 đất rừng tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Khừ được cấp 45.263m2 đất rừng tự nhiên và ông Nguyễn Văn Rớt là 20.954m2 đất ao.
Chưa dừng lại, Phó Chủ tịch huyện Cần Giờ Đoàn Văn Thu tiếp tục "mạnh tay" ký quyết định cấp giấy CNQSDĐ diện tích 1.966m2 trong phạm vi dự án cho ông Nguyễn Văn Đực. Lý do mà ông Thu cấp giấy cũng hết sức "lạ lùng" là "cấp theo đơn yêu cầu ngày 10/01/2006 của hộ ông Đực" (?!)
Cũng theo tính toán của cơ quan chức năng, tính từ 1/3/2006 đến 26/12/2006, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Giờ và Công ty Phước Lộc đã chi gần 36,2 tỷ đồng bồi thường cho các hộ dân để thu hồi 465.397m2 đất.
Trong số này, phần diện tích đất công do UBND xã Long Hoà đăng ký theo chỉ thị 299/TTg là 267.217m2 mặc dù không có giấy CNQSDĐ, không có hộ dân nào đứng tên đăng ký nhưng vẫn được Ban bồi thường và chủ đầu tư bồi thường cho 18 hộ với số tiền gần 16,1 tỷ đồng!? Chỉ tính riêng phần diện tích chênh lệch vượt bồi thường cho 3 hộ dân khác cũng tăng so với dự toán hơn 10,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Giờ còn tổ chức nâng khống diện tích, khối lượng đất bồi thổ gò, đê để "bồi thường" cho dân với tổng số tiền chi sai lên đến gần 6,5 tỷ đồng.
- Thái Thiện