221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
984318
Sông Sài Gòn ô nhiễm nặng, nước máy có an toàn?
1
Article
null
Sông Sài Gòn ô nhiễm nặng, nước máy có an toàn?
,

(VietNamNet) - Chất lượng nước nguồn sông Sài Gòn ngày càng tồi tệ. Điều này gây ra lo ngại, liệu nước máy cung cấp cho người dân TP.HCM sinh hoạt, ăn uống hàng ngày liệu có an toàn?

Nước sông bẩn

Chiều 19/9, báo cáo với đoàn giám sát của Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM về chất lượng nước sạch, ông Võ Quang Châu, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) lo lắng cho biết nguồn nước sông Sài Gòn (một trong hai nguồn nước sông chính dùng để xử lý thành nước sạch cung cấp cho toàn thành phố) đang bị ô nhiễm nặng và biến đổi theo chiều hướng ngày càng xấu hơn.

Theo đó chất lượng nước sông Sài Gòn dao động khá mạnh. Qua số liệu ghi nhận phân tích của các chuyên viên, một số chỉ tiêu nước mặt đo được trong tháng 5 và tháng 6/2007 tại sông Sài Gòn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, tăng đột biến, thậm chí có chỉ tiêu tăng đến vài chục lần so với hai năm trước. Cụ thể độ đục trong nước tăng gấp 5 lần, hàm lượng mangan (Mn) cao gấp 4 lần, ammonia (NH3) cao gấp 40 lần, nồng độ coliform tăng 30 lần.

f
Nước thải từ các khu công nghiệp dọc hai bờ sông Sài Gòn đã làm cho nguồn nước ở con sông này ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nước máy.

SAWACO cho biết nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm nguồn nước nói trên là do nước thải từ các khu công nghiệp Tân Quy và Tân Phú Trung nằm dọc hai bên bờ sông Sài Gòn. Trong các khu công nghiệp này, nhiều nhà máy thải bỏ một hàm lượng lớn ammonia các chất hữu cơ, vi sinh.

Một số liệu khác do Chi cục Bảo vệ Môi trường đưa ra cũng cho thấy lượng NH3, chất rắn lơ lửng và vi sinh tăng cao tại các rạch, cống và các điểm xả nằm quanh trạm bơm Hòa Phú, đặc biệt là nhánh sông Thị Tính nằm ở thượng nguồn. Do khoảng cách của các khu công nghiệp với trạm bơm Hòa Phú rất gần nên gây ảnh hưởng đến chất lượng nước bơm tại trạm bơm, đặc biệt là lúc thủy triều lên.

Đánh giá về chất lượng nước trên mạng lưới cấp nước chung toàn thành phố, ông Lý Chung Dân, Phó Tổng giám đốc SAWACO cho biết tính đến nay, chất lượng nước đã khá ổn định. “Hiện tượng nước đục đã được kiểm soát tuy còn xảy ra cục bộ ở một số khu vực vào thời điểm nhà máy nước Tân Hiệp tăng công suất phát” - ông Dân nói.

Theo giải thích của SAWACO, chỉ tiêu clo dư và vi sinh thường xuất hiện tại các khu vực thuộc quận 12, Gò Vấp và một số khu vực thuộc quận 8, Bình Tân là do người dân thường sử dụng xen kẽ hai hệ thống nước máy và nước giếng tự khoan. Các hộ dân rất ít sử dụng nước máy, dẫn đến tình trạng nước máy bị tù đọng lâu, hàm lượng clo dư bị tiêu hao.

Nước máy có an toàn?

Trước chất lượng nước sạch mà SAWACO là công ty độc quyền cung cấp đưa ra, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, thành viên ban giám sát HĐND TP.HCM tỏ ra “ngờ ngợ” khi các chi tiêu khác không kém phần quan trọng nhưng không thấy SAWACO đề cập đến. “Nước sạch đâu phải chỉ căn cứ vào một số chỉ tiêu như Tổng Công ty cấp nước vừa báo cáo trong khi nhiều loại kim loại nặng có độc tính cao hơn Mn rất nhiều hoặc vi khuẩn ecoli nhưng công ty không công bố cho người dân biết. Chúng tôi không yên tâm khi hàng ngày phải sử dụng loại nước này. Liệu nước mà SAWACO cung cấp có an toàn hay không?” - TS Nghĩa nói. 

TS Nghĩa cũng phát hiện, hiện nay nguồn nước sạch tại TP.HCM chủ yếu do ba nhà máy cung cấp là: Nhà máy nước Thủ Đức, Tân Hiệp và Tân Bình. Tuy nhiên, ở mỗi nhà máy, chất lượng chỉ tiêu nước mỗi nơi mỗi khác, không đồng nhất.

Ông Châu giải thích có hàng chục chỉ tiêu để đánh giá nước sạch. Tuy nhiên, công ty chỉ đưa ra bốn chỉ tiêu nhạy cảm và có thể nhận biết được về mặt cảm quang là độ đục, Mn, ammonia và coliform để báo cáo trong cuộc họp. Ông Châu khẳng định các tiêu chuẩn còn lại đều đạt chuẩn của Bộ Y tế. “Tất cả chỉ tiêu này chúng tôi đã báo cáo cho Trung tâm Y tế dự phòng. Vì thế nước sạch cung cấp cho người dân thành phố là an toàn”.

Tuy nhiên, trả lời chất vấn “Vì sao chất lượng nước ở ba nhà máy cung cấp nước không đồng nhất và liệu có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước chung hay không?” - ông Châu tỏ ra bối rối. “Có lẽ họ (các nhà máy phát nước) chưa kịp báo cáo” - ông Châu phân trần.

Liên quan đến chất lượng nước máy, SAWACO cho biết hiện nay nước do công ty cung cấp chưa thể đạt tiêu chuẩn uống ngay tại vòi như các nước khác. Muốn đạt được chất lượng nước như thế đòi hỏi phải có nhiều thời gian và kinh phí để thay thế mạng lưới ống cấp nước, phân vùng, tách mạng.

Chất lượng nước mặt sông Sài Gòn ngày càng xấu đi. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM, SAWACO và Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM chưa thể đưa ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên.

Ngoài biện pháp kêu gọi phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành môi trường của TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh cùng chung sức “cứu” sông Sài Gòn, hiện SAWACO chưa thể chủ động đối phó với tình trạng ô nhiễm nước mặt sông Sài Gòn. 

  • Trần Duy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,