(VietNamNet) - Trao đổi với VietNamNet chiều qua, PGS-TS Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Ủy viên Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cho biết nguyên nhân vụ tai nạn khủng khiếp này, nhiều khả năng do khâu thi công (đà giáo, đổ bê tông..., kể cả việc tổ chức trình tự thi công).
>> Toàn cảnh vụ sập cầu tại Cần Thơ
PGS TS Trần Chủng giải thích về nguyên nhân dẫn đến sập cầu |
PGS TS Trần Chủng: Chúng tôi nghĩ rằng công tác thiết kế đã được Bộ Giao thông và chủ đầu tư xem xét chặt chẽ. Về thiết kế, thi công do một đơn vị liên doanh, thiết kế rất nổi tiếng của Nhật, đã được Bộ GTVT thẩm tra, thẩm định chặt chẽ.
Về thi công gói thầu số hai này, do 3 nhà thầu lớn của Nhật liên doanh để thiết kế và thi công. Những nhà thầu này đều dày kinh nghiệm nên không thể nghĩ ngay đến nguyên nhân tại nhà thầu.
Bất kỳ công trình nào xảy ra sự cố cũng phải tìm cho được nguyên nhân của sự cố đó, để quy đúng trách nhiệm.
- Cơ quan chức năng đã có dự đoán ban đầu về nguyên nhân sập cầu Cần Thơ chưa, thưa ông?
- Thông báo sơ bộ ban đầu, Ban Kỹ thuật dự đoán là do sự chuyển dịch của hệ thống đà giáo. Cũng không loại trừ do tác động của mưa.
Đây hoàn toàn là do sai sót trong giai đoạn thi công. Bình thường bê tông phải đủ độ tuổi nhất định, phải đạt đến độ liên kết nhất định thì mới được dịch chuyển.
Sập cầu Cần Thơ là sự cố trong thi công gây thảm họa lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành xây dựng Việt Nam nói chung, các công trình giao thông nói riêng.
Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng |
- Tôi không nghĩ đến khả năng do rút ruột công trình. Nhà thầu quốc tế rất chuyên nghiệp, có rất nhiều kinh nghiệm, nên không có sự rút ruột một cây cầu đang trong giai đoạn thi công. Vấn đề cốt lõi ở đây là biện pháp thi công.
Tôi cũng loại trừ nguyên nhân do thiết kế. Vì chỉ khi công trình đã hoàn thành mà cầu bị sập thì mới xét đến nguyên nhân này.
- Việc sập mố cầu có ảnh hưởng đến kết cấu của cả công trình cầu Cần Thơ không, thưa ông?
- Đây sẽ là vấn đề mà chúng tôi sẽ phải xem xét rất kỹ. Sau khi khảo sát, xem xét, có phân tích của các chuyên gia và báo cáo đánh giá nguyên nhân của chủ đầu tư, chúng tôi sẽ tập hợp lại để xem xét.
Liệu có phải lại do "sức ép tiến độ"?
Theo Cục trưởng Trần Chủng, phía đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) vừa thông báo nguyên nhân dần có thể "hé mở" là do hệ thống giàn giáo bị lún (chuyển vị).
Thông thường với công nghệ làm cầu này, khi đổ bê-tông, một hệ thống giàn giáo được dựng lên để "trượt" từ vị trí này sang vị trí khác. Mặt cầu này rộng 23m, lòng cầu cao 2,7m. Lớp bê-tông trước đã đổ đông cứng rồi thì đổ tiếp lớp cuối cùng. Bê-tông phải đủ độ tuổi nhất định, nói cách khác - đạt độ liên kết nhất định mới có thể dịch chuyển được.
- Có thông tin dẫn lời các nhân chứng (là công nhân tham gia công trình này) cho rằng, sau khi bê-tông mới đổ được khoảng 2 ngày đã di động giàn giáo để tiếp tục đúc khuôn bê-tông ở đoạn khác. Vậy cụ thể ở cây cầu này, theo tính toán, đúng ra phải cần chờ bao nhiêu ngày sau khi đổ bê-tông mới được di chuyển giàn giáo đi chỗ khác?
- Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào phương pháp tổ chức thi công. Ví dụ, nếu dùng bê-tông cường độ cao, phụ gia đông cứng nhanh thì có thể di chuyển sớm. Trước, một cái sàn nhà có thể phải chờ đến 28 ngày bê-tông mới đảm bảo đủ cường độ, nhưng nay nếu dùng phụ gia chỉ cần chờ 7 ngày, thậm chí 3 ngày đã có thể di chuyển được.
Tôi sẽ có ý kiến nếu sau kiểm tra cho thấy bê-tông tại công trình cầu Cần Thơ đã không đạt cường độ qui định (70%) theo yêu cầu. Thời gian trong trường hợp này không quan trọng bằng cường độ, vì có thể nhà thầu sử dụng phương pháp đặc biệt: bảo dưỡng tốt, phụ gia tốt... thì thời gian sẽ được rút ngắn. Vậy nên, chúng ta sẽ không đặt vấn đề thời gian mà chú ý về cường độ (cường độ phải đạt đến mức nào mới được phép di chuyển).
Công trình thi công xây dựng gây thảm họa lớn nhất lịch sử Việt Nam! |
- Sáng nay, ngay khi sự việc xảy ra, người phát ngôn Bộ GT-VT cho biết việc kiểm tra chất lượng công trình này phụ thuộc vào Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước. Vậy trong quá trình xây dựng cây cầu này, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước có tham gia kiểm tra chất lượng trong từng công đoạn, từng gói thầu hay không?
- Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước theo phân công của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm đánh giá kết quả về quản lý chất lượng cũng như đánh giá chất lượng của chủ đầu tư. Luật đã qui định rõ: Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình.
Đối với cầu Cần Thơ, chủ đầu tư đã thuê các liên doanh, đơn vị tư vấn rất nổi tiếng của Nhật để giúp chủ đầu tư giám sát toàn bộ quá trình thi công công trình. Trước hết, nhà thầu thi công xây dựng phải tự đánh giá chất lượng và tư vấn thay mặt chủ đầu tư xem xét, chấp thuận để cho phép thi công hoặc không.
Chẳng hạn, việc bê-tông mới đổ 2 ngày có được "trượt" hay không - nhà tư vấn của chủ đầu tư phải chấp thuận thì mới cho phép di chuyển. Suốt quá trình làm ra sản phẩm, việc quản lý chất lượng trực tiếp là trách nhiệm của chủ đầu tư, thông qua tư vấn giám sát và nhà thầu. Chủ đầu tư ở đây là Bộ Giao thông - Vận tải. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ là đại diện chủ đầu tư, được chủ đầu tư phân công một số công việc mà thôi! Các nhà thầu phụ được chọn cũng phải được chủ đầu tư chấp thuận.
Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng theo dõi trong suốt quá trình, từng giai đoạn làm việc quan trọng của chủ đầu tư. Nếu xem xét kết quả đánh giá của chủ đầu tư, thấy có vấn đề nghi ngờ, chúng tôi sẽ yêu cầu làm rõ. Khi công trình hoàn thành, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá lần cuối.
Còn sớm để quy trách nhiệm?
- Theo ông trách nhiệm thuộc về ai?
- Về luật, chúng ta đã quy định trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Đối với công trình cầu Cần Thơ, chủ đầu tư đã thuê một liên doanh rất lớn của Nhật làm. Để giúp mình giám sát toàn bộ sản phẩm này, chủ đầu tư thuê hai đơn vị tư vấn rất nổi tiếng của Nhật để đánh giá chất lượng công trình. Việc đánh giá chất lượng thi công công trình, trước hết do nhà thầu tự đánh giá; đơn vị tư vấn của chủ đầu tư sẽ xem xét, sau đó mới cho phép thi công hoặc không thi công.
Quá trình đánh giá chất lượng thuộc về phía chủ đầu tư, giám sát thông qua một công ty giám sát và nhà thầu.
- Thế còn trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước trong việc này, thưa ông?
- Hội đồng nghiệm thu Nhà nước theo dõi trong suốt quá trình, xem xét kết quả đánh giá của chủ đầu tư. Chúng tôi không rõ chỗ nào, nghi ngờ chỗ nào có thể yêu cầu làm rõ. Chúng tôi có thể tổ chức đánh giá lần cuối. Sắp tới Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ đánh giá toàn bộ để xem "tai nạn" này có ảnh hưởng gì đến những phần còn lại của công trình không.
PGS TS Trần Chủng: "Tai nạn do sai sót trong thi công". |
Ngoài ra sẽ phải đánh giá lại công trình sau khi khắc phục sự cố để đảm bảo an toàn cho toàn bộ quá trình thi công công trình.
- Theo ông trách nhiệm liên đới thuộc về phía nào?
- Trách nhiệm liên đới thì phải tìm ra nguyên nhân đã. Dù nguyên nhân do lún hay hệ thống đà giáo không chịu được lực thì thì rõ ràng lỗi vẫn thuộc về nhà thầu. Nhà thầu thi công xây dựng phải có trách nhiệm lập các biện pháp thi công, trong đó đà giáo như thế nào, móng đà giáo ra sao. Tư vấn giám sát của chủ đầu tư trên hiện trường phải xem xét việc này rồi mới chấp thuận.
Như vậy, giả sử chúng ta tìm ra nguyên nhân (là do không chịu được lực hay do sự dịch chuyển của đà giáo ấy) thì lỗi trước hết là nhà thầu và lỗi thứ hai là do lỗi của tư vấn giám sát, đấy là lỗi trực tiếp.
- Ông đánh giá thế nào về năng lực của nhà thầu?
- Trước tiên chúng ta phải xem nguyên nhân của ai, mà nếu do lỗi kỹ thuật thì không chỉ nhà thầu chịu trách nhiệm mà người chọn nhà thầu đó cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Theo tôi được biết, việc lựa chọn nhà thầu được dựa trên 3 nguyên tắc: năng lực về kinh nghiệm, năng lực về con người và năng lực về tài chính. Đấu thầu quốc tế lúc nào cũng phải căn cứ vào ba yếu tố đó. Đối với cầu Cần Thơ thì chúng tôi rất tin vào năng lực của các nhà thầu quốc tế và tính chuyên nghiệp của họ.
- Xin cám ơn ông!
-
Tuyết Nhung - Tràng An Nguyễn thực hiện
Mời bạn đọc chia sẻ với nạn nhân và gia đình: