221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
989064
Sáng nay, sơ tán gần 300.000 dân tránh bão số 5
1
Article
null
Sáng nay, sơ tán gần 300.000 dân tránh bão số 5
,

(VietNamNet) - Tại cuộc họp chiều 2/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão sơ tán dân trong buổi sáng 3/10. Học sinh các vùng tâm bão đi qua sẽ phải nghỉ học ngày 3 và 4/10.

vb

Bà con ngư dân Đà Nẵng đang khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão số 5. Ảnh: HC


Các địa phương sẵn sàng ’’đón’’ bão

Theo xác định của Ban chỉ đạo PCLB TƯ tại cuộc họp,  đến thời điểm này vùng nguy hiểm của bão trong 24 giờ tới trên biển trọng tâm từ vĩ tuyến 16 trở ra phía Bắc, trên đất liền là các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Thái Bình và các tỉnh Tây Nguyên, vùng đặc biệt nguy hiểm cần sơ tán dân là Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hoá với 293.660 người. 

Ban chỉ đạo PCLB yêu cầu các địa phương trên sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán dân khi có lệnh. Tuỳ vào mức độ bão vào, từng địa phương sẽ được chỉ đạo sơ tán dân vào nơi an toàn.

Cùng ngày 2/10, các bộ, ngành đã cử đoàn công tác đến 4 tỉnh nằm trong vùng nguy hiểm. Đoàn chỉ đạo các địa phương: tiếp tục liên lạc và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Tại các khu neo đậu, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền, không để người ở lại khi có bão; chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản khi bão ập tới...

Từ trưa nay (2/10), các tàu thuyền đã bị cấm ra khơi. Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, đến 14h chiều 2/10, đã liên lạc được với 2 tàu/31 ngư dân, đó là 1 tàu của Quảng Nam số hiệu QNa 95555/22 ngư dân do ông Phạm Phú Đức chủ tàu và 1 tàu của Quảng Ngãi QNg 5487/9 ngư dân do ông Trần Anh làm chủ tàu. Tàu của Quảng Ngãi bị chết máy ở đảo Lý Sơn, đến sáng nay (2/10) đã vào cửa Sa Kỳ. Tàu của Quảng Nam đã liên lạc được với Bộ đội biên phòng tỉnh và được hướng dẫn thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Đến thời điểm này, đã kêu gọi được 36.585 tàu/217.638 ngư dân biết hướng di chuyển của bão số 5 và hoạt động của gió mùa tây nam, chủ động di chuyển phòng tránh (số người và tàu được thông báo tăng 724 tàu/7.697 ngư dân so với thông báo sáng nay).

Từ mai, bão đổ bộ vào đất liền

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, từ đêm qua (1/10), các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 100-150mm; một số nơi trên 200mm. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam đang lên nhanh.

Hiện bão số 5 đang trên vùng biển đông nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km một giờ), giật trên cấp 11. 

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, sáng sớm ngày mai (3/10), vùng tâm bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 13 giờ ngày 3/10, vị trí tâm bão cách bờ biển Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 220 km về phía đông. 

Khoảng chiều tối và đêm ngày 3/10, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía tây bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. 

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, so với bão Chanchu, bão số 5 không mạnh bằng, hướng di chuyển ổn định. Tuy nhiên, đây cũng là cơn bão mạnh có ảnh hưởng rộng nên cần theo dõi chặt chẽ. 

Ông Tăng cho biết thêm, sở dĩ bão xuất hiện liên tiếp thời gian qua là do hoàn lưu khí quyển hoạt động mạnh. Tuy nhiên, các cơn bão đều ở mức trung bình, cơn bão số 5 mới mạnh nhưng chưa phải mức mạnh nhất. Dự báo, khoảng hết ngày 4/10 bão số 5 mới suy yếu.

Hoàn tất sơ tán dân trước 12h ngày 3/10

Chiều 2/10 Thủ tướng Chính phủ ra công điện về phòng, chống bão số 5.

Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát cụ thể các phương án, xác định các trọng điểm, vùng nguy hiểm, phối hợp chặt chẽ các lực lượng nhằm chủ động đối phó khi bão đổ bộ vào, nhất là ban đêm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Chủ tịch UBND các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hoá, trọng tâm là các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống bão và khắc phục hậu quả do bão gây ra; kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền đảm bảo không bị va đập, chìm tại khu neo đậu; đình chỉ các cuộc họp không thật sự cần thiết để tập trung cho công việc cấp bách này; xem xét, quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn khi bão vào; không để người dân ở lại nhà tạm, nhà yếu có thể tốc mái, sập đổ khi có gió lớn; tổ chức, hướng dẫn nhân dân chằng chéo nhà cửa, bảo vệ kho tàng, công sở...

Chỉ đạo, tổ chức sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm phải hoàn tất trước 12h ngày 3/10.

Chủ tịch UBND các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình và các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và các địa phương khác căn cứ diễn biến của mưa lũ, phân công lãnh đạo xuống các khu vực xung yếu kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp cần thiết để chủ động phòng chống lũ lụt, sạt lở đất; chủ động di dời dân khỏi vùng nguy hiểm.

Công điện nhấn mạnh: Nếu xảy ra thiệt hại do làm không tốt các biện pháp trên, Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

  • Lệ Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,