221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
989358
Bão số 5 đang tiến thẳng vào Hà Tĩnh - Quảng Bình
1
Article
null
Bão số 5 đang tiến thẳng vào Hà Tĩnh - Quảng Bình
,

(VietNamNet) - Công việc di dời dân khỏi vùng nguy hiểm đã được các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ triển khai từ rạng sáng nay (3/10). Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy bão số 5 đang trở hướng, vào thẳng vùng phía bắc tỉnh Quảng Bình và phía nam tỉnh Hà Tĩnh.

>> Bão số 5 cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình 100km
>> Nghe tường thuật từ đê Cẩm Lộc tại đây

Nhóm phóng viên VietNamNet đang tường thuật trực tiếp từ hiện trường:

Thông tin mới nhất lúc 17h50’ từ Hà Tĩnh cho hay: Bão đổ bộ vào Hà Tĩnh đã mạnh lên cấp 12, giật trên cấp 12. Hiện nay, tại huyện Kỳ Anh, gió đã mạnh dần lên cấp 9 - cấp 10, giật rất mạnh.

Sau khi chỉ đạo công tác ứng cứu bão số 5 tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đến chiều nay (3/10), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã vào tới Quảng Bình trực tiếp kiểm tra, chỉ huy công tác phòng, chống bão.

16h30’ hôm nay, thông tin từ Hà Tĩnh báo về: tỉnh này đang tiếp tục nhận những trận mưa xối xả không ngừng nghỉ. Lượng mưa đo được tại Sông Rác là 415mm, tại Kỳ Anh là 352mm, tại TP. Hà Tĩnh là 200,6mm, tại Hương Khê là 242,3mm, tại Hương Sơn là 147mm, tại Chu Lễ là 262mm.

Theo quan sát trực tiếp của phóng viên tại TP.Hà Tĩnh, trời vẫn đang mưa liên tục, dày đặc, cộng thêm sức gió càng về chiều càng mạnh dần lên. Tâm bão số 5, lúc 13h chiều nay chỉ còn cách Quảng Bình - Hà Tĩnh 100km.

Tuyến đê biển dài 16km tại xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lúc 14h30’ chiều 3/10, nước đã dâng lên sát bề mặt. Nguy cơ vỡ đê rất cao. Ảnh: Vũ Hoàng.

Lượng mưa lớn, kéo dài khiến các hồ chứa nước ở Hà Tĩnh đã dâng lên rất nhanh. Tại hồ Sông Rác, mực nước đã đạt 19,3m, trong khi mực nước cho phép là 18,2m. Tại hồ Kim Sơn, mực nước đã vượt giới hạn 0,4m. Hiện các hồ này đã tiến hành xả nước, tránh vỡ đập.

Dự báo, những vùng có nguy cơ lũ quét là Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thượng Kỳ Anh, ngoài đê Lam Giang... hiện đang được đặt trong tình trạng báo động cao.

Trước đó, lúc 15h chiều nay, tại xóm Tân Thanh (xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh), một cơn lốc bất ngờ giật cấp 10 đã giật tung mái 28 nhà dân. Hiện lực lượng quân đội đã đến hiện trường, giúp dân lợp lại mái nhà và đưa tất cả người dân đến nơi trú ẩn an toàn.

Từ đầu giờ chiều nay, toàn thành phố Hà Tĩnh đã mất điện, khiến việc liên lạc cực kỳ khó khăn. Có thể đêm nay, TP.Hà Tĩnh phải im lìm chìm trong màn đêm chờ bão số 5 đổ bộ.

Hà Tĩnh: Sắp vỡ đê thuộc xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên)

Tuyến đê biển tại xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên) dài 16km (chạy qua các xã Cẩm Lộc, Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh) đang có nguy cơ vỡ từng phần. Lúc 14h chiều nay, đang đứng ngay trên mặt đê, phóng viên Vũ Hoàng tường thuật: Mớm nước chỉ còn cách mặt đê chừng 30cm.

Người dân Hà Tĩnh vội vã thu dọn những vật dụng để di dời lúc sáng sớm hôm nay, thì đến cuối giờ trưa, bão số 5 đã bắt đầu tàn phá. Ảnh chụp lúc 8h sáng tại bãi biển xã Thạch Hải (Hà Tĩnh).

Hiện tại đã có 400m tuyến đê này chạy qua xóm 8, xóm 9 xã Cẩm Lộc đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Dự đoán của ông Hoàng Văn Tơ (Chủ tịch Hội nông dân xã), nếu đoạn đê này vỡ, toàn bộ dân cư 3 xóm 7,8,9 xã Cẩm Lộc sẽ chìm ngay trong biển nước. Xã Cẩm Lộc có 240 hộ dân, gồm 1.400 nhân khẩu.

Vì vậy, ông Tơ cho hay: Hiệin xã đã huy động toàn bộ toàn bộ lực lượng thanh niên, dân quân địa phương chia làm 2: Một nửa đến từng nhà dân di dời khẩn cấp số người già, phụ nữ, trẻ em rời ngay khỏi địa bàn, số còn lại ra ngay mặt đê để ứng phó

Theo quan sát của phóng viên VietNamNet tại hiện trường, hiện đang có 3 cán bộ, chiến sỹ thuộc huyện đội Cẩm Xuyên đang ứng trực tại địa điểm đê sắp vỡ này, do Trung tá Đặng Văn Hùng chỉ huy. Trung tá Hùng cho hay: Trong tình trạng này, lực lượng ứng cứu quá mỏng, trang thiết bị thiếu và yếu, việc đê vỡ sẽ là không tránh khỏi.

Thông tin mới nhất chúng tôi có được: Công an huyện Cẩm Xuyên đã tăng cường khẩn cấp 16 cán bộ, chiến sỹ xuống địa điểm này. Đồng thời, đang có 2 xe quân đội chở gần 100 chiến sỹ xuống tăng cường bảo vệ tuyến đê biển quan trọng này.

Đến 14h30’ hôm nay, tại xã Cẩm Lộc mưa vẫn rất to, gió giật mạnh, nước đang dâng từng phút.

Thông tin đến 13h chiều ngày 3/10 từ Hà Tĩnh cho hay: 14.000 dân ven biển của 5 xã (Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) đã di dời đến nơi an toàn. Một số tuyến đê ven biển có nguy cơ sạt lở như: Hội Thống (Nghi Xuân), Tả Nghèn (Thạch Hà), Kỳ Hà (Kỳ Anh).

Hà Tĩnh: Di dân trong bão lớn, mưa xối dữ dội

Rạng sáng 3/10, tại TP. Hà Tĩnh, gió bão đã mạnh cấp 6 cấp 7. Trời mưa to trên khắp địa bàn tỉnh từ tối 2/10. Công tác di dân đã được triển khai từ rất sớm tại các huyện ven biển: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.

Mưa lớn tại các huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Hương Sơn kèm theo gió lớn khiến việc di dân gặp rất nhiều khó khăn. Thông tin từ Ban PCLB Hà Tĩnh, lượng mưa đo được tại Kỳ Anh là 103mm, mực nước tại sông Ngàn Phố là 22,34m (báo động 1).

Di dời dân trong mưa to dữ dội ở các xã ven biển tỉnh Hà Tĩnh.

Lộc Hà là nơi có nhiều dân buộc phải di chuyển chỗ ở nhất (hơn 11 nghìn người). Tất cả trai tráng trong các thôn sẽ tập trung trong đội xung kích, bất cứ đâu có điểm nóng cần ứng cứu, họ sẽ là những người đầu tiên có mặt. Đội xung kích cũng là lực lượng chủ yếu bảo vệ an ninh cho những ngôi nhà đã vắng chủ trong một vài ngày tới. 

Xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà có số dân phải sơ tán nhiều nhất (5.000 người). Khoảng 7h30 ngày 3/10, tại thôn Long Hải và thôn Xuân Phượng, hàng trăm người dân mang áo mưa đi lại trên con đường đê chắn sóng chạy dọc theo bờ biển.

Dưới trời mưa như trút, nhiều người hối hả mang vác những đồ dùng cần thiết để chuẩn bị đi sơ tán. Người già và trẻ em đã được đưa đi từ rất sớm, khi có mưa gió lớn vừa ập xuống. Trong xóm, những người đàn ông, thanh niên còn ở lại thì loay hoay chằng buộc nhà cửa cho chắc chắn trước khi rời đi.

Ông Phan Văn Lộc, xóm 3 xã Thạch Kim dậy từ 4h sáng để gói ghém đồ đạc và tính toán xem nên chuyển cái gì, để lại cái gì. Ông Lộc, giống như 5 nghìn dân của Thạch Kim, được khuyến cáo là chỉ nên mang theo những vật dụng cần thiết nhất theo người.

Tiếng loa phóng thanh của cán bộ xã thúc giục người dân đi sơ tán vang lên trên các ngả đường thôn xóm. Chị Phạm Thị Mai (thôn Xuân Phượng, Thạch Kim) hối hả thu dọn đồ đạc để đưa con đi tránh bão. “Mới sáng nay gió lớn đột ngột nổi lên và mưa to nên tôi không kịp chuẩn bị gì cả, tình hình này thì phải đưa con đi sơ tán gấp thôi”, chị Mai nói.

Chằng chống để giữ nhà trước khi bão đổ bộ.

Đến 9 giờ sáng, nhiều hộ dân vẫn không chịu rời nhà. Lực lượng di dân buộc phải “cưỡng chế”, bắt buộc mọi người vào nơi trú ẩn an toàn để đảm bảo tính mạng. Bộ đội, lực lượng xung kích xã xắn tay vào để vận chuyển đồ đạc cho bà con vùng biển.

Công tác di dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn, bởi tâm lý chủ quan của các hộ dân. Ông Hoàn, một người dân ở đây cho biết: ”Mưa gió thế này thì ăn thua chi. Tui ở lại chống chọi với bão và bảo vệ tài sản. Khi nào bão đến thì… chạy”. Hỏi ông lỡ bão đổ vào Lộc Hà, trở không kịp tay thì sao thì chỉ nhận được cái lắc đầu: ”Sống chết có số, rời nhà, lỡ ai cuỗm mất tài sản thì làm sao”.

Ông Phạm Xuân Đức, Chủ tịch xã Thạch Kim người ướt nhèm nói: “Thực hiện Công điện khẩn của Thủ tuớng Chính phủ và Công điện của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi đã huy động toàn thể anh em di dời  toàn bộ số dân ở ven biển. Tuy nhiên, mặc dù có sự phối hợp rất nhiệt tình của lực lượng bộ đội huyện Lộc Hà nhưng công tác di dời gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã cảnh báo về mức độ nguy hiểm và sức tàn phá của cơn bão số 5  cho các họ dân nhưng họ vẫn coi thường sinh mạng của mình”.

Sóng dâng cao 3-5m đã lấn vào đến mép nhà dân tại khu vực bãi biển Thạch Hải (Hà Tĩnh).

Tại 6 xã ở huyện Kỳ Anh (gồm Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lạc và Kỳ Nam) từ 6h sáng đã có lệnh sơ tán ở một số xóm ven sông, biển có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.

Tại xã Kỳ Ninh, PV VietNamNet đã ghi nhận được không khí khẩn trương, hối hả của của người dân đi tránh bão.

Ông Nguyễn Văn Trinh - xóm Tam Hải 2 cho hay: “Lúc 6 giờ sáng nay chúng tôi nhận được lệnh di dời đến nơi an toàn. Hiện nay vợ và hai đứa con nhỏ của tôi đã đi sơ tán, tôi tranh thủ ở lại giằng chống lại nhà rồi mới đi sau”.

Bộ đội Biên phòng giúp dân chuẩn bị bao cát tại Thạch Kim (Hà Tĩnh)

Đến 9h sáng nay, hầu như số dân ở 2 xã trên đều di dời vào nơi an toàn. Một số còn nán lại để giằng, chống nhà bị ngập chìm trong nước.

Đến 10 giờ sáng, huyện Lộc Hà đã di dời 3.753 người, Nghi Xuân 1800 người, Kỳ Anh 2.753 người.

Toàn thể người dân Hà Tĩnh đang hồi hộp theo dõi diễn biến cơn bão số 5.

Nghệ An: bớt "nóng", Quảng Bình: Chạy loạn

Sáng nay, theo kế hoạch, sẽ có khoảng 55 nghìn dân phải di dời tránh bão số 5, tuy nhiên, khoảng 10 giờ sáng, khi nhận được thông tin, gần như mọi người dân đều cố tình lưỡng lự không chịu di chuyển. Quân đội và công an tăng cường xuống giúp dân cũng không có biện pháp nào khác.

Ở Thạch Hải, vẫn còn những con đò nhỏ ra biển nhưng chính quyền không có biện pháp ngăn chặn. Trả lời VNN, một cán bộ xã nói rằng, Chủ tịch xã của họ đang bận dự lễ kỷ niệm 574 năm ngày mất của Lê Lợi. Một người khác lại nói rằng, ông này sau khi dự lễ kỷ niệm tại Thanh Hóa, hiện đã ra Hà Nội(?!)

Trái ngược với Nghệ An, tại Quảng Bình, sáng nay gần như toàn bộ Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh này đã xuống xã Cảnh Dương nhằm trực tiếp chỉ đạo di dân và lập Trạm chỉ huy tiền phương tại xã này.

Thông tin mới nhất cho hay, toàn bộ dân cư (người già, phụ nữ và trẻ em) sẽ buộc phải di chuyển tới nơi trú ẩn an toàn ngay trong buổi trưa. Toàn bộ công nhân đang thi công các hạng mục tải cảng Hòn La sẽ di chuyển sâu vào nội địa tránh trú bão.

Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng sẽ vào thị sát tình hình tại Kỳ Anh thay cho việc kiểm tra một số điểm phía bắc Hà Tĩnh như lịch trình trước đó.

Theo dự báo của Trung tâm KTTV Bắc Trung Bộ, bão số 5 đã đổi hướng và khả năng lớn nhất sẽ đổ bộ vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và phía bắc Quảng Bình.  

Quảng Trị: Mưa lớn, gió giật trên cấp 11

Tình hình mưa bão trong ngày hôm nay 3/10 tại tỉnh Quảng Trị đang diễn biến phức tạp. Đến 11h30’ hôm nay trên địa bàn tỉnh Quảng trị đã có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11 và có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to.

 Sóng lớn đe dọa mố cầu Cửa Tùng- Cửa Việt (Quảng Trị).
Sóng lớn đe dọa mố cầu Cửa Tùng- Cửa Việt (Quảng Trị).

Suốt đêm hôm qua và ngày hôm nay mưa lớn đã xuất hiện trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 280- 300mm, một số nơi có lượng mưa lớn như Hải Tân 338 mm, Cửa Việt 341 mm, Hải Sơn 312mm, Hiền lương 330 mm.

Hiện tại mực nước trên các sông lớn của Quảng Trị đang dâng cao, tính đến 12h trưa nay mực nước sông Thạch Hãn thị xã Quảng Trị vượt mức báo động 2 là 1 mét, sông Đakrông vượt báo động 1 là 0,74 m, tại Gia vòng vượt báo động 1 là 0,5 mét.

Từ sáng nay, mực nước trên sông Sê Pôn đã dâng lên rất nhanh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Hướng Hóa cùng lực lượng bộ đội địa phương đã di dời 5 hộ dân ở thị trấn Lao Bảo và chuẩn bị di dời thêm hơn 300 hộ dân ở 4 xã Tân Thành, Tân Long, Thuận và thị trấn Lao Bảo.

Các xã vùng Đông của Gio Linh như Gio Thành, Gio Mai, Trung Giang, Trung hải, Gio Hải, Gio Việt, thị Trấn cửa Việt hiện nay mực nước đang dâng cao và có khả năng gây ngập úng trên diện rộng. Tại huyện này, có ít nhất 3.000 hộ dân nằm trong diện phải di dời khẩn cấp.

Đã có rất nhiều công điện của Chính phủ và của UBND tỉnh và sự nhắc nhở của các ban ngành chức năng nhưng do chủ quan về thông tin của cơn bão số 5, trong khi trời đang mưa to gió lớn, các ngư dân xã Gio Việt vẫn hăng hái bám sông để đánh bắt cá rất nguy hiểm đến tính mạng.

Ngay trong chiều hôm nay 3/10, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 3 đoàn công tác để về các địa phương chỉ đạo phòng chống bão.

 Tính đến 16h chiều nay (3/10) tỉnh Quảng Trị đã tiến hành sơ tán trên 300 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, trong đó huyện Hướng Hóa đã di dời 125 hộ ở các xã tân Thành, Tân Long, Thuận và Thị trấn Lao Bảo lên cao do ảnh hưởng của triều cường từ sông Sê Pôn, huyện Triệu phong đã di dời 55 hộ , trong đó xã Thuận 35 hộ và Triệu Long 20 hộ ra khỏi vùng sạt lỡ nguy hiểm, huyện đảo cồn cỏ đã chuyển 30 công nhân đến khu vực kiên cố , an toàn nhất. Vùng chiến khu Ba lòng huyện Đakrông đã tiến hành di dời 125 hộ dân ở các xã ba Lòng, Mò ó, và Đakrông ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét.
 
 Theo kế hoạch toàn tỉnh Quảng Trị có trên 15.000 hộ dân với 61.000 nhân khẩu cần phải di dời , sơ tán đến nơi an toàn. Theo công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng trị Lê Hữu Phúc thì trước 20 giờ hôm nay ( 3/10) phải hoàn tất công tác sơ tán dân ở các khu vực ngập sâu, vùng ven sông suối có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lỡ đất.
 
 Theo đó hàng trăm cán bộ chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, công an tỉnh, lực lượng xung kích Hội Chữ thập đỏ và dân quân du kích đã về trực tiếp các địa bàn xung yếu để giúp dân sơ tán và ứng cứu khi cần thiết.
 
 Hiện nay thời tiết vẫn đang còn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tuyến đường liên xã ở huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio linh đã bị chia cắt do ngập sâu trong nước, phương tiện vận chuyển cứu hộ duy nhất ở vùng sâu trũng chỉ bằng ghe, thuyền nhỏ. Cũng do nước lũ đã dâng cao hiện nay nhiều sông suối đã bị bèo trôi tấp vào dày đặc nên nhiều chiếc cầu bắc qua sông nhỏ có nguy cơ bị nước cuốn trôi.

Thừa Thiên - Huế: Nhiều địa phương ngập nặng, giao thông bị chia cắt

Trường trung học cơ sở Phú Xuân ngập trong nước. Ảnh: Đăng Khoa
Trường trung học cơ sở Phú Xuân ngập trong nước. Ảnh: Đăng Khoa

Mờ sáng 3/10, trời Huế tạnh mưa. Nước lũ trên sông Hương ở mức cao và cuồn cuộn chảy. 

Lúc 4h sáng 2/10, lũ trên sông Hương đã đạt đỉnh 3,5m. TP Huế và các huyện lưu vực sông Hương, sông Bồ đã bị ngập, giao thông bị chia cắt.

Đến 13h chiều nay (3/10), nhiều tuyến đường trong thành phố đã bị ngập. Có nhiều đọan ngập sâu 0,3 đến 0,5m. Giao thông trong thành phố gần như bị chia cắt. Nhiều khu vực ở phường Xuân Phú, người dân đã phải bỏ nhà di chuyển lên chỗ cao.

7h sáng, mực nước sông Hương có giảm xuống chút ít ở trạm Kim Long. Nhưng phía hạ lưu và trong Thành Nội, nước lũ lại dâng cao. Những trận mưa lớn vẫn quất xuống thành phố, kèm theo gió mạnh.

8h, xuất phát từ TP.Huế, PV VietNamNet cố gắng tiếp cận những vùng bị ngập sâu trong lũ ở hai huyện Quảng Điền và Phú Vang. 

Tại Quảng Điền, tỉnh lộ 4B và 8B đều ngập trên dưới 1m. Xe máy và ô tô không thể di chuyển. Phương tiện đi lại chủ yếu là bằng thuyền nan, ghe nhôm. Tuy nhiên, các loại phương tiện này cũng chỉ đi men theo đường cái, vào sâu trong khu dân cư thì không thể do phải băng qua đồng.

Ông Trần Giải - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay: Toàn huyện có 50% hộ gia đình đã bị ngập nước, trong đó 25% bị ngập nặng. Điều đáng lo của Quảng Điền là các hồ chứa nước trên vùng cát ở Quảng Lợi, Quảng Thái. Mực nước đang ở mức nguy hiểm. Ông Nguyễn Mới - Chủ tịch UBND huyện đang đích thân có mặt để chỉ đạo chống vỡ hồ.

Chị Thêm ở xã Quảng Thành cho biết: Vụ mùa hè thu đã thu hoạch xong, không lo mất mùa, nhưng nếu nước dâng cao thì lúa vừa thu hoạch xong sẽ bị ướt, vì nhà chị không có chỗ cao để trữ lúa. Đây cũng là nỗi lo của bà con nông dân nói chung.

Lúc 11h hôm nay, ông Hồ Đăng Vang thông báo, các hồ chứa nước lớn trên địa bàn đang an toàn. Riêng hồ Truồi nước đã vượt ngưỡng cao trình đập tràn 3m. ác con đường về huyện Phú Vang gần như bị cắt đứt hoàn toàn. PV VietNamNet đã phải thuê đò cố gắng vào sâu trong vùng bị ngập nặng.

Hình ảnh được ghi lại tại huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) lúc 10h sáng nay (3/10/2007).


Từ chiều và tối qua, một số cụm dân cư ở các xã ngập sâu đã phải sơ tán dân. Xã Phú Hải, thôn Cư Lại Đông 10 hộ gia đình phải bỏ nhà và tài sản để đến nơi an toàn. Xã Phú Thanh, Phú An nhiều hộ gia đình cũng đã phải sơ tán. Đường về các xã nước ngập trắng xoá. Gần như các làng mạc đã bị cô lập bởi nước lũ.

Tài sản của nhân dân bị đe doạ trực tiếp bởi cơn lũ này là các hồ nuôi tôm vụ 3. Từ chiều 1/10, chính quyền địa phương các xã đã chỉ đạo nông dân dùng lưới chắn hồ tôm. Nhưng với cuờng độ lũ tràn về quá lớn, mọi phương án đối phó đều vô hiệu.

Những nỗ lực của PV để tiếp cận với những vùng ngập sâu đều bất thành, bởi lũ ở hạ lưu chảy xiết thuyền nhỏ không thể di chuyển. Sự chỉ đạo từ huyện về các địa phương vùng sâu cũng chỉ thực hiện được qua điện thoại. 

Trưa 3/10, sau khi nhận được thông tin bão số năm chuyển hướng vào phía nam, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến TT-Huế, những phương án chống bão lại một lần nữa được đốc thúc ở mức cao nhất.

Chiều qua (2/10), Tỉnh uỷ TT-Huế đã có cuộc họp đột xuất để đối phó với cơn lũ này. Phương châm cứu hộ cứu nạn 4 tại chỗ đã được quán triệt. Vào thời điểm này, và với mức nước lũ chưa đặc biệt cao, việc sử dụng các phương tiện cứu hộ chuyện nghiệp chưa được huy động. Lực lượng tại chỗ đóng vai trò chủ lực. 

Cũng trong buổi họp này, ông Hồ Xuân Mãn (Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế) đã nghiêm khắc phê bình một số địa phương, cơ quan đã chủ quan không thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng chính phủ và của UBND tỉnh.

12h30 phút, Ông Hồ Đăng Vang cho biết tỉnh đang tập trung chỉ đạo công tác chống bão tại huyện Phong Điền, nơi giáp ranh với Quảng Trị. Lãnh đạo tỉnh và lực lượng quân đội đã có mặt tại Phong Điền trực tiếp chỉ đạo. Phương án di dân ở phía bắc tỉnh đang được rà soát và sẵn sàng thực hiện khi có lệnh. 
 
Đối phó với tình hình ngập úng trên, đến 13h ngày 03/10, các địa phương đã di dời được 654 hộ với 2.736 khẩu từ các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Phú Vang có số hộ di dời nhiều nhất với 243 hộ và 900 khẩu. 
 
Đến 15h ngày 03/10, mưa ở TT-Huế đã nhỏ dần và nước bắt đầu rút xuống.

Thừa Thiên - Huế đang căng mình trước ảnh hưởng khó lường của bão số 5.

  • Nhóm phóng viên miền Trung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,