(VietNamNet) - Đêm qua và rạng sáng nay, bão số 5 chính thức đổ bộ tàn phá 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thông tin mới nhất: Đã có 2 người chết ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nâng tổng số người chết đến thời điểm này lên 5 người.
Tuy nhiên, khi chúng tôi nối được liên lạc với ông Lương (Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân), ông Lương vẫn chưa thể xác định được thông tin này.
>> Nghe tường thuật từ tâm bão Kỳ Anh
>>Nghe phỏng vấn quyền Bí thư huyện uỷ Kỳ Anh giữa tâm bão đêm 3/10/2007
>> Nghe phóng viên VNN tường thuật nội dung phỏng vấn Chủ tịch huyện Kỳ Anh khi bão đổ bộ
>> Bão số 5: Lụt lớn, nhà sập, tàu đắm, người chết
>> Bão số 5: Hoành hành đất liền nhanh nhưng nguy hiểm
>> Đà Nẵng: Huỷ 10 chuyến bay vì bão số 5
Thông tin mới nhất chúng tôi có được lúc 7h sáng nay (4/10), toàn tỉnh Hà Tĩnh có 8 người bị thương, gồm 7 người dân ở các huyện Lộc Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và 1 chiến sỹ Bộ đội biên phòng bị thương khi đang làm nhiệm vụ.
Thiệt hại về người thiệt chưa thể thống kê đầy đủ.
Trong khi đó, tin mới nhất báo về cho thấy tại huyện Kỳ Anh, nơi tâm bão số 5 quét qua với sức gió giật trên cấp 13, 80% nhà dân ở đây đã bị tốc mái. Bão cũng giật bay mái nhà của 30% hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên. Dự báo, toàn bộ vụ thu đông và hoa màu trên toàn tỉnh này sẽ bị mất trắng, trừ huyện Hương Sơn bị ảnh hưởng nhẹ nhất.
Mưa gió suốt ngày và đêm qua đã khiến đường 8A bị sạt trôi tại km 79-80, gây ách tắc giao thông hoàn toàn tuyến đường huyết mạch sang Lào này. Chưa hết, 11/12 huyện, thành phố của tỉnh Hà Tĩnh hiện đang mất điện, trừ huyện Hương Sơn.
Trong một diễn biến khác, hiện mực nước các sông ở Hà Tĩnh đang lên rất cao. Tại Sơn Kim mức nước đo được là 23,95m, vượt báo động 3. Mực nước đo được tại Sơn Diệm là 13,06m, vượt báo động 3. Tại Chu Lễ mực nước là 12,58m, tương đương báo động 3. Tại Hoà Duyệt mực nước là 8,96m, vượt mức báo động 2 là 0,48m.
Thông tin từ Hà Tĩnh lúc 7h40’ sáng 4/10: Huyện Hương Khê có 2.500 ngôi nhà bị tốc mái, 500 ha hoa màu bị hỏng hoàn toàn. Tại huyện Kỳ Anh, có 1 tàu 3.500 tấn và 2 xà lan trôi dạt vào khu vực cảng Vũng Áng, 3.200m2 kho cảng bị tốc mái hoàn toàn.
Trong khi đó tại huyện Cẩm Xuyên, thống kê bước đầu cho hay có 10 trạm xá, 200 phòng học bị tốc mái. Còn tại huyện miền núi Vũ Quang, đường về các xã hoàn toàn bị chia cắt.
0h20’ ngày 4/10, chuyến thị sát của đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đã đặt chân đến cảng Vũng Áng. Tại đồn biên phòng Vũng Áng, có 637 người dân đang trú, theo lệnh di dời khẩn cấp, từ các xóm Hải Phong 1, Hải Phong 2 thuộc xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh) . Tuy nhiên, theo phản ánh của những người dân ở đây, có một số người dân đã không tuân theo lệnh di dời với lý do ở lại bảo vệ tài sản. Trong số đó, có 1 cụ ông năm nay đã 84 tuổi. Và khi bão đi qua, vợ ông đang cực kỳ lo lắng.
Bình yên nơi mắt bão đi qua. Ảnh chụp ở Kỳ Anh đêm 3/10.
Đặc biệt, việc di dời dân khẩn cấp đã khiến đồn biên phòng này phải đối mặt với một trường hợp khẩn cấp khác: Có 1 sản phụ sắp sinh. Trong tình trạng mưa bão hiện nay, dự kiến, trạm y tế của đồn Biên phòng Vũng Áng sẽ đón thêm một trẻ sơ sinh mới.
Đến 23h20’ đêm nay (3/10), mọi nỗ lực của đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh do Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình dẫn đầu muốn tiếp cận 2 xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh), nơi dự đoán sẽ chịu thiệt hại rất nặng nề, đã không thể thực hiện.
Phóng viên VietNamNet đi cùng đoàn điện về cho hay: Hàng chục cột điện đổ xuống lấp kín mặt đường, xe ô tô không thể vượt qua. Mọi nỗ lực để giải phóng đường đều thất bại.
Chính vì vậy, các xã nằm ven đường xuống cảng Vũng Áng được chọn là hướng đi thay thế. Những thiệt hại rất có thể sẽ được thống kê sớm, bởi đến 23h30’, sức gió đã giảm xuống ước chừng còn cấp 7. Bão số 5 đã càn quét qua các huyện ven biển Hà Tĩnh - Quảng Bình, sau 5 giờ đồng hồ.
Đến 21h40’ ngày 3/10, thông tin từ Trạm khí tượng thuỷ văn Kỳ Anh cho hay: Sức gió đo được tại Kỳ Anh khi tâm bão đổ bộ đạt cấp 13, giật trên cấp 13. Điều đó đồng nghĩa với việc có thể dự đoán thiệt hại do bão số 5 gây ra sẽ là rất lớn.
Thông tin từ Kỳ Anh chuyển về lúc 22h đêm nay qua điện thoại di động cho thấy: Hiện hồ chứa nước Kim Sơn (dung tích chứa 17 triệu m3 nước ở xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh) đang trong tình trạng báo động đỏ. Hiện nước đã tràn qua đập tràn 1,5m, chỉ còn cách mặt đập 1m. Tuy nhiên, việc tiếp cận hồ chứa nước tại thời điểm hiện nay là: Không thể, do gió rất mạnh và không có đường vào.
Trạm khí tượng thuỷ văn Kỳ Anh hiện cũng đang bất lực vì gió đã giật trên cấp 13, trong khi năng lực của trạm chỉ đo được tối đa là gió cấp 13, chỉ còn cách là ước lượng gió và... suy đoán.
Trong trường hợp xấu nhất là đập hồ chứa nước Kim Sơn vỡ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 2 xã Kỳ Hoa, Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và 1 loạt xã khác thuộc tỉnh Quảng Bình.
Do tình trạng ở Kỳ Anh đang cực kỳ nguy hiểm, lúc 22h15’ ngày 3/10, các ông Nguyễn Thanh Bình (Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh) và Hà Văn Thạch (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) đã vào ngay huyện Kỳ Anh để trực tiếp chỉ huy việc phòng chống bão số 5, đi trong đêm, khi tâm bão đang đổ bộ.
Thông tin từ Quảng Bình chuyển về lúc 21h50’ ngày 3/10 cho hay: TP. Đồng Hới đang mất điện trên diện rộng. Gió bão giật đùng đùng. Cây xanh bị gãy đổ hàng loạt trên mọi nẻo đường phố.
Khu vực tâm bão số 5 đổ bộ trực tiếp là xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) và huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Như vậy, tâm bão số 5 sẽ đâm ngang qua đèo Ngang, ngọn đèo ranh giới của 2 tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ này.
Mặc dù gió bão rất lớn nhưng hệ thống thông tin liên lạc tại các vùng tâm bão đi qua vẫn hoạt động tốt, hỗ trợ đắc lực cho việc phòng chống bão.
Đê biển thuộc địa phận xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) sắp vỡ. Ảnh chụp lúc 14h chiều 3/10.
Lúc 18h45, thông tin từ Cảnh Dương (Quảng Bình) ra cho hay: Bão đang đổ bộ, gió giật rất mạnh. Chỉ vài phút sau khi bão đổ bộ, 20 nhà dân tại khu vực này đã bị tốc mái.
Xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng là nơi tỉnh Quảng Bình chọn đặt Trạm chỉ huy tiền phương.
Trước đó, lúc 14h chiều nay, tại xã Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), lốc lớn cũng giật bay mái của 20 nhà dân.
Sản phẩm của bão số 5 lúc 17h30’ chiều 3/10/2007 tại Hà Tĩnh. Ảnh: Chi Mai.
Đến 19h hôm nay, hệ thống đê biển tại Hà Tĩnh đang trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm do sóng biển quật liên hồi kèm theo gió lớn. Hệ thống đê tại xã Đại Láng (xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh) phải huy động tới 250 người có mặt trên mặt đê để túc trực chống đỡ, giữa mưa gió. Trong số đó, có 100 cán bộ chiến sỹ quân đội, còn lại là các lực lượng khác.
Cũng tại thời điểm đó, gió ở Kỳ Anh đã giật trên cấp 12. Bão đang đổ bộ với sức tàn phá khủng khiếp. Chuyến xe chở phóng viên VietNamNet vào xã Kỳ Ninh đã bị phong toả giữa đường, vì gió giật, cây đổ ngang đường, không thể tiến, cũng không thể lùi.
Bão số 5 đang đổ bộ tàn phá huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) lúc 18h chiều 3/10. Ảnh: Chi Mai.
Thông tin từ Hà Tĩnh báo về cho hay: 48km đê ở Hà Tĩnh, đặc biệt tại huyện Cẩm Xuyên, chạy qua các xã Cẩm Lộc, Cẩm Trung, Cẩm Hà, Cẩm Nhượng đang bị sóng biển, gió bão uy hiếp, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Mọi lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong vẫn đang căng mình giữa mưa gió để chống đỡ.
Quảng Bình: Đối mặt với bão
Tính đến 22h cùng ngày, mưa bão đã làm cây đổ, ngập đường, tốc mái nhiều nhà dân, gây sạt lở khá nghiêm trọng tại công trình cảng biển Hòn La. Hiện, thông tin về số phận 8 tàu đánh cá và 40 ngư dân trên biển vẫn chưa nắm bắt được.
Tính đến 14h, ngày 3/10, tỉnh Quảng Bình đã di dời được 2.173 hộ, với 11.323 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của cơn bão, hôm nay 3/10, trên toàn tỉnh Quảng Bình trời tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, kèm theo gió lớn. Bắt đầu từ lúc 10 sáng ngày hôm nay, nước lũ trên các sông tại Quảng Bình đang lên nhanh.
Đến 4h chiều cùng ngày, mực nước tại các sông lớn xấp xỉ mức báo động 3. 10h đêm nay, gió đã bắt đầu thổi mạnh khoảng cấp 10, cấp 11.
Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 5, trong các ngày từ 1 đến 3/10, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã chủ động triển khai phương án đề phòng chống cơn bão.
Tại huyện Tuyên Hoá và Quảng Trạch (hai huyện vừa chịu thiệt hại nghiêm trọng do trận lũ lịch sử vừa qua gây ra), công tác phòng chống bão số 5 ở đây diễn ra rất khẩn trương.
Huyện Tuyên Hoá có 54 hộ với 294 người dân ở vùng sạt lở ven sông Gianh đã được di dời khẩn cấp. Nhiều xã đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện thuyền bè để giúp dân di dời đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra. Cụ thể, xã Châu Hoá đã chuẩn bị 22 thuyền, Thạch Hoá: 32 thuyền và xã Mai Hoá: 22 thuyền.
Huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo cán bộ theo dõi sát mực nước trên các công trình thuỷ lợi. Đặc biệt là đập Bẹ. Đến nay mực nước ở đập Bẹ đang lên cao, có khả năng nước sẽ tràn trong đêm.
Huyện Quảng Trạch đã triển khai nhanh các phương án phòng chống bão, tập trung vật tư, phương tiện, lực lượng về các vùng xung yếu, các xã vùng biển, vùng dọc sông Gianh và các công trình thuỷ lợi trên địa bàn.
Có 515 hộ với 1.841 người nằm trong vùng sạt lở ven sông Gianh đã được huyện di dời từ hôm 2/10. Do cơn bão số 5 đột ngột chuyển hướng nên các xã ven biển của huyện này đều nằm trong diện nguy hiểm.
Tại cảng Hòn La, hơn 100 công nhân của các đơn vị đang thi công các công trình ở đây được lệnh sơ tán gấp. Gió bão thổi mạnh đã bốc toàn bộ phần mái ngôi nhà điều hành Dự án cảng biển Hòn La, đồng thời xô đổ trụ, vỡ cửa kính. Rất may, có 5 cán bộ ở trong kịp thoát ra ngoài nên không bị thương.
Trước đó, 6 nhà dân, 2 phòng học của trường tiểu học Vĩnh Sơn (xã Quảng Đông) cũng bị gió to làm tốc mái. Nhiều tuyến đường liên xã trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã bị tắc do ngập nước.
Ngay từ sáng 3/10, huyện Quảng Trạch cấp bách chỉ đạo các địa phương di dân tới nơi an toàn. Trong ngày, có 2 thôn thuộc xã Cảnh Dương, 2 thôn của xã Quảng Phú và thôn Tân Mỹ (Quảng Phúc)... tiếp tục tiến hành di dời dân.
Toàn bộ tàu thuyền và ngư dân của huyện đã được kêu gọi vào bờ trú ẩn an toàn tại vùng neo đậu Cảnh Dương trước khi bão vào, nhiều tàu thuyền được bố trí lên trú ở cửa lạch các xã Quảng Kim, Quảng Phú...
Tại xã Cảnh Dương lúc 13h chúng tôi nhận thấy, tàu thuyền của người dân đã được neo đậu chắc chắn nơi sông Ròn. Lực lượng công an và cán bộ xã đang tiếp tục chỉ đạo một số tàu thuyền chạy sâu vào sông Roòn để tránh bão.
Đồn biên phòng 184 quản lý 119 hộ với 321 khẩu đã vận động người dân di dời từ đêm 2/10. Hầu hết người dân chỉ mang theo những giấy tờ quan trọng nhất của gia đình trong những chiếc tải bao ni lon, hay vài bộ quần áo cho trẻ con thay.
Đến 3h chiều nay, một số nhà dân ở gần đập Mù U ở thôn Thanh Hải (Thanh Trạch - Bố Trạch) nước cũng đang ngập. Huyện Bố Trạch đã di dời được 715 hộ với 2.947 khẩu đến nơi an toàn.
Nghệ An: Bão số 5 đi qua, ước tính thiệt hại 72 tỉ đồng
Bão số 5 diến biến phức tạp, có diện ảnh hưởng rộng. Toàn tỉnh Nghệ An ngày hôm nay đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Biển Cửa Lò động dữ dội. Hiện tai, chưa có thiệt hại về người, toàn tỉnh đã nỗ lực hết mình để phòng chống bão.
Hôm nay, tỉnh Nghệ An đã triệt để di dời dân vào vùng tránh bão an toàn. Tính đến 19h chiều 3/10, các huyện, thị trong toàn tỉnh đã di dời được 11310 hộ gia đình với 53149 nhân khẩu. Cụ thể Thị xã Cửa Lò 3000 hộ, với 10530 người, Diễn Châu 4967 hộ và 13790 người được di chuyển...
Dân được đưa đến các công trình kiên cố của Nhà nước, như: Trường học, Văn phòng UBND các xã, huyện... Đặc biệt những gia đình có nhà không đảm bảo đã được lực lương quân đội, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ ... giúp dân chằng chéo lại, đảm bảo thật sự vững chắc.
Tuy nhiên, bão số 5 đã không vào Nghệ An, nhưng lượng mưa và gió rất lớn.
Bão số 5 bắt đầu tàn phá Nghệ An. Ảnh chụp lúc 18 ngày 3/10/2007 tại Cửa Lò. Ảnh: Hoàng Táo.
Tại Cửa Lò vào sáng 3/10 sức gió cấp 8 - 9, giật trên cấp 9. Biển Cửa Lò sóng lớn, động dữ dội, các tàu thuyền ở vào tránh bão ở khu vực phường Nghi Thuỷ mặc dù đã được chằng chéo kĩ, những vẫn bị gió bão làm hỏng.
Tại thành phố Vinh chiều ngày 3/10 cũng có mưa lớn, sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Một số đường lớn như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong ... ngập nặng. Cây cối gãy ngổn ngang, dây điện đứt... trên nhiều tuyến phố khiến gặp rất nhiều khó khăn về giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 5 đã làm thiệt hại về nông Nghiệp rất nặng nề. Hoa màu ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc... đã bị thiệt hại nặng. Gió đã quật ngô gãy, lạc bật gốc.
Ông Đậu Ngọc Nha (Diễn Trung - Diễn Châu), người có 5 sào lạc gần như mất trắng, than thở với PV VietNamNet: "Rứa là hết chú à. Bao nhiêu vốn liếng, bao nhiều công sức chăm sóc mấy tháng nay,giờ gần được thu hoạch, lại bị ông trời lấy mất rồi. Bão không vào, nhưng tiền của thì đi theo gió".
Theo báo cáo nhanh của ông Nguyễn Thọ Cảnh (Phó trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An): Tính đến 19h chiều tối 3/10 toàn tỉnh đã bị thiệt hại 12.000 héc ta Ngô; 4.000 héc ta rau màu các loại; 1.000 héc ta lạc thu đông; 2.000 héc ta lúa mùa. Thiệt hại nặng nhất là các huyện: Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Hưng Nguyên ... Tổng thiệt hại ước tính lên đến 72 tỉ đồng.
Ngay trong sáng 4/10, tỉnh Nghệ An sẽ họp bàn về phương án khắc phục ảnh hưởng của báo số 5.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đình Chi đã đưa ra phương án: "Tỉnh sẽ chỉ đạo phục hồi lại sản xuất cho bà con, bằng cách hỗ trợ giống, cung cấp phân bón. Với thuỷ lợi sẽ tích cực chống ngập úng, khơi thông dòng chảy, mương tiêu. Những vùng mất hẳn sẽ giao cho sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn tìm các loại hoa màu ngắn ngày, tuyệt đối không để đất trắng".
Cho đến 24h đêm 3/10, tỉnh Nghệ An chưa có thống kê thiệt hại về người và tài sản.
Quảng Trị: Đã có một người thiệt mạng do nước cuốn
Tỉnh Quảng Trị đã có một trường hợp bị thiệt mạng đầu tiên do ảnh hưởng của cơn bão số 5. Nạn nhân là anh Nguyễn Thái Dĩnh (36 tuổi) ở thôn Chấp Bắc (xã Vĩnh Chấp huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Anh Dĩnh bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua ngầm.
Cũng do ảnh hưởng của cơn bão trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những thiệt hại bước đầu. Theo thống kê bước đầu, đến 19h đã có 12 ngôi nhà bị tốc mái, trên 1.000 cây cao su bị gãy đổ. Khu vực bãi tắm Cửa Tùng do ảnh hưởng trực tiếp của sóng bão nên đã bị xâm thực, xói lỡ tuyến đường. Theo thông tin cập nhật được đến 16h chiều nay, toàn tỉnh đã di dời trên 1.600 hộ dân ở các huyện thị xã nằm ở địa bàn xung yếu.
Sạt lở trên tuyền đường lên vùngcao huyện Tây Giang, Quảng Nam. |
Tình hình thời tiết ở Quảng trị đang diễn biến phức tạp, ở các xã vùng ven biển có gió mạnh cấp 9 cấp 10, giật cấp 11. Dự báo nếu bão đi vào đất liền thì hai huyện phía bắc của tỉnh gồm Gio Linh và Vĩnh Linh sẽ bị thiệt hại nặng nề vì hai huyện này có rất nhiều cây cao su - một loại cây kén bão.
Hiện nay mực nước ở các dòng sông, đặc biệt là sông Thạch Hãn đang dâng cao rất nhanh do mưa lớn và ngày hôm nay nhà máy Thuỷ điện Quảng Trị đã tiến hành xả lũ khoảng 200 khối/ giây, tổng khối lượng nước sẽ xả chống lũ khoảng 15 triệu khối.
Quảng
20h ngày 3/10, ảnh hưởng của cơn bão số 5 đã gây mưa lớn nhiều nơi trên địa bàn Quảng
Nước lũ tràn về gây ngập lụt đô thị cổ Hội An tại khu vực Chùa Cầu. |
Tin từ UBND huyện Đại Lộc cho biết, vào khoảng 8h 3/10, ông Nguyễn Xuân Tách (SN 1952, ở thôn Tân Hòa, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) đi ghe vớt củi ngoài sông Đại Lãnh đã bất ngờ bị nước lũ mạnh làm lật ghe, cuốn trôi. Đến chiều tối ngày 3/10, vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân. Đây là nạn nhân đầu tiên thiệt mạng trong bão tại Quảng
Từ trưa 3/10, mưa bắt đầu tạnh, mực nước trên các sông Vu Gia, Thu Bồn đạt đỉnh xấp xỉ mức báo động 3 và bắt đầu xuống chậm.
Thống kê sơ bộ từ Ban phòng chống lụt bão các huyện điện về cho biết: Đến chiều 3/10, những tuyến đường trọng yếu liên huyện, liên xã ở các huyện núi cao Tây Giang, Phước Sơn... bị sạt lở nghiêm trọng những ngày qua do mưa lớn. Tuy nhiên, do lực lượng ứng trực đã kịp thời khai thông, đảm bảo an toàn giao thông lên các huyện.
Đáng quan tâm là một số các tuyến đường lên các xã vùng biên giới bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở núi mấy ngày qua. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bríu Liếc cho biết, do dự phòng trước tình trạng tắc đường do mưa bão, nên huyện đã đưa hàng chục tấn gạo và nhu yếu phẩm lên dự trữ từ những ngày trước. Việc thiếu lương thực không đáng lo với bà con vùng cao.
4 huyện miền núi cao vẫn còn nhiều xã bị chia cắt với khu trung tâm. Hầu hết các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch từ đồng bằng lên miền núi trong những ngày qua đều bị sạt lở ở nhiều địa điểm, song không gây tắc đường nhờ các đơn vị đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng túc trực để khắc phục thiệt hại, di dời đất đá.
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh mưa lũ đã gây sạt lở trên 20 điểm, tuy nhiên chưa gây ách tắc giao thông, vì các đơn vị đã ứng trực kịp thời khắc phục nhanh hậu quả.
Đặc biệt, tại đô thị cổ Hội An ở hạ lưu sông Thu Bồn đã bị ngập lụt trong nước do nước lũ từ thượng nguồn Thu Bồn đổ về cộng với triều cường từ biển dâng lên. Nhiều nơi trong đô thị cổ Hội An nước ngập sâu hơn 1m. Theo báo cáo nhanh của các huyện, có vài trăm héc ta lúa bị ngập nước, ngã đổ. Đến chiều 3/10, Ban PCLB tỉnh vẫn chưa thể thống kê nhanh tình hình thiệt hại do mưa bão trong những ngày qua.
VietNamNet tiếp tục cập nhật
Bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương: - Hồi 22 giờ, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên đất liền giữa hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117km một giờ), giật trên cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 4/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 102,5 độ Kinh Đông, trên lãnh thổ Thái Lan. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển nam vịnh Bắc Bộ đêm nay còn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11, sau gió yếu dần. Các tỉnh Bắc bộ, Bắc và Trung trung bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. ===== - Đến 16 giờ chiều nay (3/10) bão số 5 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); cấp 6, giật cấp 7 ở thành phố Đồng Hới; cấp 8, giật cấp 11 ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh); cấp 8, giật cấp 11 ở Hòn Ngư (Nghệ An)… Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hà Tĩnh – Quảng Bình khoảng 50km về phía Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển hướng vào địa phận các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, mỗi giờ đi được khoảng 15km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, khoảng tối và đêm 3/10, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Nghệ An – Quảng Bình, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 4/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Lào – Thái Lan. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300km; vùng gió mạnh từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 7, cấp 8, riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5 mét. Các tỉnh Bắc bộ, Bắc và Trung trung bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Ngoài ra, do kết hợp với ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Trong cơn dông đề phòng tố lốc mạnh. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương) |
-
Nhóm phóng viên miền Trung