(VietNamNet) - Thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo PCLB TW và các tỉnh miền Trung: 3 người chết, 1 mất tích, 46 bị thương (Hà Tĩnh 25, Quảng Bình 20, Nghệ An 1). Hàng chục nghìn ngôi nhà sập, tốc mái. Một số địa phương mất trắng mùa màng.
>> Diễn biến trận bão số 5
Nước gần lút mái nhà dân huyện Triệu Phong (Quảng Trị)
Hà Tĩnh: nhà hỏng, nhiều huyện mất trắng mùa màng
Tin mới nhất từ Hà Tĩnh báo về cho thấy, 3.150 ngôi nhà ở huyện Thạch Hà, 2.500 nhà ở huyện Hương Khê, 300 nhà ở huyện Can Lộc, 150 nhà ở TP.Hà Tĩnh và 67 nhà ở huyện Lộc Hà bị tốc mái. Ngoài ra, huyện Thạch Hà còn có 36 ngôi nhà bị đổ. 80% nhà dân ở đây đã bị tốc mái.
Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo PCLB TW sáng 4/10: Bão số 5 đã làm 4 người dân chết và mất tích. Cụ thể, tại Quảng Ngãi 1 người chết do tai nạn kẹp giữa hai tàu kéo lên tránh bão; Quảng Nam 1 người chết do ngã thuyền trên sông; Quảng Trị 1 người chết do ngã khi đi xe đạp qua ngầm; Thái Bình 1 người mất tích lúc 6h ngày 3/10 do trên đường từ chòi canh ngao về bị lật thuyền mặc dù ngày 2/10 đã được cưỡng chế sơ tán nhưng đêm lại trốn ra. Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng: 20 phương tiện bị chìm. Những địa phương có thiệt hại nặng nề nhất là Nghệ An và Hà Tĩnh. |
Bão cũng giật bay mái nhà của 30% hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên.
Tại huyện "tâm bão" Kỳ Anh, 90% nhà sập và hư hỏng nặng.
Dự báo, toàn bộ vụ thu đông và hoa màu trên toàn Hà Tĩnh sẽ bị mất trắng, trừ huyện Hương Sơn bị ảnh hưởng nhẹ nhất.
Lúc 10h ngày 4/10, theo thống kê chưa đầy đủ (các huyện chưa báo cáo hết) của Ban chỉ huy PCLB Hà Tĩnh, số người bị thương toàn tỉnh là 25 (trong đó 13 người ở huyện Lộc Hà; 2 người ở Can Lộc; 4 người ở Kỳ Anh; 3 người ở Thành phố Hà Tĩnh và 3 người ở huyện Cẩm Xuyên. 12 thuyền bị chìm (huyện Lộc Hà 3, Kỳ Anh 6 và Thạch Hà 3).
Mưa gió suốt ngày và đêm qua đã khiến đường 8A bị sạt trôi tại km 79-80, gây ách tắc giao thông hoàn toàn tuyến đường huyết mạch sang Lào này. 11/12 huyện, thành phố của tỉnh Hà Tĩnh đang mất điện, trừ huyện Hương Sơn.
Khoảng 10h30 sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đến tâm bão Kỳ Anh để chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 5.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh trong thời điểm này dứt khoát không để dân chịu đói, đồng thời nhắc nhở: nhiều trường hợp khi bão giật cấp 7,8 vẫn trèo lên mái nhà giằng nhà cửa và các biển hiệu dịch vụ.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh trước mắt cần khắc phục và ổn định cuộc sống cho người dân; cố gắng sửa chữa các trường học (đa số bị tốc mái) để ngày mai (5/10) học sinh có thể đến trường; đồng thời hỗ trợ về giống cho bà con gieo trồng vụ mới.
Trước những kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh về một số khó khăn trong công tác PCBL, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh làm đề án để Chính phủ có phương án cung cấp cho miền Trung 1 tàu cứu hộ. Về việc hồ Kim Sơn không có đường vào, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBNT tỉnh trình dự án để Chính phủ phê duyệt làm đường vào hồ Kim Sơn và đập Sông Ký.
Sau khi làm việc với tỉnh tại huyện Kỳ Anh, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng NN&PTNN đã đến bệnh viện thăm hỏi người dân bị thương trong bão, tới các xã bị thiệt hại nặng, động viên người dân và chính quyền xã khắc phục khó khăn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp ra tâm bão Kỳ Anh (Hà Tĩnh) kiểm tra thiệt hại do bão số 5 gây ra sáng 4/10. Ảnh: Hoàng Sang. |
Quảng Bình: 20 người bị thương, hàng chục ngàn căn nhà tốc mái
10h sáng ngày 4/10, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình, ông Lương Ngọc Bính cho biết: Trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn nhà bị sập. Hệ thống giao thông nông thôn sụp đổ, hiện đang tê liệt nhiều khu vực. Hiện giao thông trên tuyến quốc lộ 12A tắc hoàn toàn, đoạn từ xã Tiến Hoá lên thị trấn Đồng Lê. Hệ thống băng tải của nhà máy xi măng sông Gianh sụp đổ.
11h, PV VietNamNet báo về từ huyện Quảng Trạch: Toàn huyện có 20 người bị thương, 25 ngôi nhà đã sập hoàn toàn. Sau khi bão số 5 quét qua, thống kê mới nhất cho thấy huyện này có 4.500 ngôi nhà tốc mái hoàn toàn, 20.000 ngôi nhà khác bị tốc mái nhẹ. Toàn huyện có 16 tàu, thuyền chìm trong bão, 3 tàu hàng trôi, 2 ca nô ở phà Phú Thịnh (nối bờ Nam và bờ Bắc sông Gianh) bị hỏng do va đập khi bão đổ bộ. Tại cảng Hòn La, có 1 tàu cá, 3 tàu hàng chìm, 3 người bị thương rất nặng hiện đang đưa đi cấp cứu.
Thống kê thiệt hại ban đầu tại huyện này: 400 ha ngô vụ đông, 970 ha khoai, 300 ha rau màu, 12ha cây ăn quả mất trắng. 50 ha ao hồ nuôi cá bị cuốn trôi, 1.000 cây đại thụ gãy đổ. 50.000 cây lâm nghiệp bị bão tàn phá.
Thiệt hại về hệ thống giao thông thuỷ lợi (đường sá, cầu cống...) tại Quảng Trạch ước tính 61 tỷ đồng. Tổng thiệt hại ước tính tại huyện này đến 12h ngày 4/10 là 160 tỷ đồng.
Hiện 17 xã ở Quảng Trạch đang chìm trong nước lũ, nơi sâu nhất ngập tới hơn 2m.
Toàn huyện Kỳ Anh mất điện, chìm trong đêm khi bão đổ bộ đêm 3/10. Ảnh: Hoàng Sang.
Nghệ An: Vẫn mưa lớn, thiệt hại tăng từng giờ
Bão số 5 không đổ bộ vào Nghệ An như dự báo, nhưng nhiều địa phương trong tỉnh vẫn tan hoang sau bão dữ. Theo báo cáo nhanh sáng nay của ông Nguyễn Đình Chi (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An), ước tính thiệt hại do bão ở tỉnh này lên đến 105 tỉ đồng.
Thiệt hại chủ yếu vẫn là hoa màu: Lúa thu đông 4.000 ha đang trong thời kì chờ gặt, bị hư hại hoàn toàn ở các huyện: Yên Thành, Đô Lương; Lạc thu đông 1.500 ha bị mưa lớn gây hỏng nặng, rau màu các loạI 4.000 ha. Hơn 20.000 đất đá ở đê điều, hồ đập sạt lở.
Đặc biệt, có 500 ngôi nhà trong tỉnh bị tốc mái, chủ yếu là ở các vùng nông thôn, như Nam Đàn, Diễn Châu, Tân Kì, Thanh Chương… 1 người bị thương nặng, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Đàn là anh Đinh Văn Quýnh (40 tuổi) ở xóm 7 xã Nam Trung, bị mái tôn cắt vào người.
Toàn tỉnh có 800 cột điện bị đổ, 25.000 m3 đường giao thông bị sạt lở. Trầm trọng nhất là ở xã Trù Sơn, Đại Sơn (Đô Lương), đường bị tắc không thể lưu thông được, do mưa lớn gây ra. Một số tuyến đường thuộc phía tây Nghệ An như đường Quốc Lộ 48 bị hư hỏng nặng.
Nghệ An hiện đang chìm trong mưa lớn, mực nước ở các sông dâng lên từng giờ. Ảnh: Nguyễn Lý. |
Sáng nay (4/10), mưa rất lớn tại các huyện miền núi. Mưa lớn, thời gian dài khiến nước thượng nguồn dâng cao hiện đang làm cầu Nậm Tôn (trên Quốc Lộ 48) bị sập hoàn toàn, giao thông ngưng trệ. Hiện lực lượng quân đội đang đóng trên địa bàn đang ra sức khắc phục hậu quả do bão gây ra, tuy nhiên để lưu thông cây cầu này, cũng phải cần đến 4 đến 5 ngày.
Thời điểm lúc 13h hôm nay, toàn bộ mạng điện lưới tại các huyện phía tây của Nghệ An đang bị mất. Mưa ngày càng dữ dội, mực nước dâng lên từng giờ.
Trả lời VietNamNet về vấn đề khắc phục sau bão, theo ông Nguyễn Đình Chi (Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An): “Vấn đề cốt lõi nhất sau bão số 5, là đưa dân trở về nơi ở cũ. Ổn đinh chỗ ở cho dân, dự phòng vấn đề thuốc men. Một số huyện Miền núi đang có mưa lớn, cần đề phòng lở, sạt núi. Đặc biệt nhất, là các em học sinh đi học, nước lũ dâng cao, rất nguy hiểm. tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Giáo dục tuyệt đối không để các giả thuyết xấu xảy ra với các em” .
Hiện Nghệ An, đã đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương, Bộ Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ 30 tỉ đồng kinh phí giúp bà con mua giống, phân bón, khôi phục sản xuất thu đông.
Bằng mọi giá cứu hộ, tìm người mất tích |
Sáng 4/10, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn tập trung vào nhiệm vụ số một là cứu chữa người bị thương và tìm kiếm người còn mất tích; đặc biệt là những người bị kẹt trên các tàu thuyền bị chìm. Đồng thời các lực lượng phải làm hết trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng chết thêm người sau khi bão qua. Phó Thủ tướng nhất mạnh: Các địa phương chú trọng phòng tránh, hướng dẫn đi lại nơi các bến sông, ngầm, bảo vệ, cứu hộ kịp thời tại những nơi nước ngập, bị chia cắt. Những nơi đầu nguồn sông Gianh và ven các sông miền Trung phải chú trọng theo dõi diến biến lũ, có biện pháp phòng chống, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân. |
-
Lệ Hà - Hoàng Sang - Hà Vy - Lê Thuỷ - Văn Minh - Nguyễn Lý