221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
990090
Bão số 5 đi qua, nhiều khó khăn phải đối mặt
1
Article
null
Bão số 5 đi qua, nhiều khó khăn phải đối mặt
,

(VietNamNet) - Bão số 5 đã đi qua tàn phá nặng nề các tỉnh Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng nhiều tỉnh khác. Sau bão, vẫn còn đó những nguy cơ tiềm ẩn.

Kỳ Lợi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn ngập trong biển nước; Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang chịu sự uy hiếp của lũ sông Hiếu; nhiều địa phương vùng cao Hà Tĩnh, Quảng Bình và cả Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác nhau…

Hà Tĩnh: Thiệt hại nặng nề

Thông tin mới nhất từ Hà Tĩnh lúc 17h ngày 4/10: Toàn tỉnh có 41 người bị thương (Cẩm Xuyên: 16 người. Lộc Hà: 13 người...). 112 căn nhà bị sập hoàn toàn (Kỳ Anh: 44 nhà, Thạch Hà: 36 nhà...), 57.586 nhà tốc mái, xiêu vẹo. Tỉnh Hà Tĩnh mất trắng 9.000ha hoa màu, 2.969ha lúa... Tổng thiệt hại ước tính đến ngày 4/10 của tỉnh Hà Tĩnh: 230,380 tỷ đồng. Huyện Kỳ Anh bị thiệt hại nặng nhất: 118 tỷ đồng.

Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sáng 4/10. Ảnh: Hoàng Sang.

Trong đó, Kỳ Anh chịu thiệt hại khủng khiếp nhất vì là huyện tâm bão càn quét qua. Không thể thống kê hết những đau thương mất mát về vật chất và tinh thần mà người dân ở đây phải gánh chịu.

Học sinh trong toàn tỉnh được nghỉ học trong hai ngày 3-4/10 để tránh những hiểm nguy tiềm ẩn của cơn bão dữ. Dù đã được báo trước và chuẩn bị phòng chống nhưng số phòng học bị tốc mái, đỏ sập và hư hỏng nặng là gần 12.000. Niềm vui khai trường chưa qua thì các em phải đón nỗi buồn đổ nát mà cơn bão để lại.

Vinh, chiều 4/10. Ảnh: Nguyễn Lý.
Những ruộng lúa hai bên đường đổ rạp và bị úng ngập. 2.764 diện tích lúa hè thu bị mất trắng. Niềm vui đợi mùa thu hoạch của bà con nhân dân bị bão đem đi mất. Kỳ Anh và Lộc Hà là hai huyện ven biển, chưa kịp qua cứu đói trong trận lũ lịch sử ở cơn bão số 2 thì lúa mùa lại mất trắng nhiều nhất trong toàn tỉnh, gần 16.000ha.

Không chỉ làm hư hại hoa màu của bà con nông dân mà còn phá hỏng nhiều công trình thủy lợi, gây khó khăn cho việc khắc phục, sản xuất vụ hè thu sau bão. Đê bị sạt lở, nhiều cầu cống bị hỏng hoặc cuốn trôi. Giờ đây, người nông dân phải gồng mình vượt qua những thử thách khốc liệt của thiên nhiên.

Khi tất cả tưởng như mọi hiểm nguy của cơn bão số 5 đã được giải trừ, thì nước sông Hiếu lại đang dâng cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hàng chục nghìn dân các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (Nghệ An).

Quảng Bình: Vừa gượng dậy đã "rát mặt" với bão!

Tỉnh Quảng Bình vừa mới phải gánh chịu đau thương mất mát do cơn bão số 2 và trận lũ lịch sử tháng 8 gây ra, tất cả chưa kịp gượng mình đứng dậy thì phải hứng chịu tiếp cơn bão số 5. Người và đất Quảng Bình tiếp tục phải chịu mất mát lại là các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và Bố Trạch.

Quảng Trạch (Quảng Bình) sáng 4/10. Ảnh: Văn Minh.

Đi theo con đường mà bão số 5 đi qua, cũng là con đường mà người ta đã từng chứng kiến trận lũ tháng 8. Những ngôi làng, những con đường đã hoang tàn, lại càng hoang tàn hơn. Huyện Tuyên Hóa có một bệnh viện bị tốc mái và hư hỏng nặng; Quảng Trạch có 50 trường học và trụ sở UBND xã bị bão phá tan; Minh Hóa cũng có 55 trường học và UBND trong tình trạng tương tự…

Hoa màu, đường sá, cầu cống, cây cối, và cả con người nữa, đều phải chịu cú đánh thứ hai của thiên nhiên trong vòng chưa đầy hai tháng. Vết thương ở trận lũ lịch sử của cơn bão số 2 chưa kịp lành…

Chỉ sau một đêm tàn phá của bão số 5, những ngôi nhà, công trình và cây cối chưa kịp hồi sinh lại phải oằn mình và đổ nát.

Hàng vạn ngôi nhà vừa mới được sửa sang thì cơn bão số 5 lại điên cuồng phá phách. Theo thống kê chưa đầy đủ đã có 768 ngôi nhà bị sập, trong đó huyện Minh Hóa có 738 nhà, huyện Bố Trạch và Quảng Trạch có 30 nhà.

Tuyên Hoá (Quảng Bình) chiều 4/10. Ảnh: Ngọc Lan.
Đặc biệt, ở huyện Tuyên Hóa, nơi “vết sẹo” do trận lũ tháng 7 gây ra chưa lành lại có thêm 4.200 ngôi nhà bị tốc mái, 2.150 ngôi nhà bị ngập. Con số này ở huyện Quảng Trạch cũng lên tới 21.500, Minh Hóa là 2.700…

Hơn 8h sáng 4/10, tại thị trấn Ba Đồn mất điện hoàn toàn, xác cành cây xanh gãy đổ ngổn ngang. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Người dân đang tất bật thu dọn về sinh, lợp lại mái nhà đã bị gió bão thổi tốc từ đêm qua.

Chị Nguyễn Thị Quê ở xã Quảng Thọ (Quảng Trạch) đứng ngao ngán nhìn ngôi nhà tốc mái của mình, nói: "Tui đã cực rồi mà ông trời vẫn không tha. Gia đình làm lụng mãi cũng vừa đủ tấm áo, miếng cơm cho vào miệng. Chắt chiu mãi mới dựng được ngôi nhà cấp 4, rứa mà sau một đêm bão, ngước mắt lại nhìn thấy " trời" thế này đây!"

Ông Đoàn Minh Thọ, Chánh văn phòng UBND huyện Quảng Trạch thông báo vội: Tại thời điểm này, huyện Quảng Trạch có 17 xã bị ngập; 16 chiếc tàu bị trôi, 2 ca nô ở phà Phú Trịch bị hỏng do gió bão va đập gây chia cắt giao thông từ vùng Bắc nối với vùng Nam của huyện; trên 1.500ha ngô, khoai lang vụ đông rau màu các loại và 50ha cá ao hồ nước ngọt bị mất trắng.

Đặc biệt, huyện có 20 người bị thương, 25 nhà dân bị sập, 4.500 nhà tốc mái hoàn toàn, 20. 000 ngôi nhà khác cũng bị tốc mái ở mức độ nhẹ hơn. Nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, điện lưới hư hỏng nặng. Thiệt hại sơ bộ ước tính trên 160 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: "Huyện đã di dời toàn bộ dân ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn. Từ đêm qua (4-10-2007) chúng tôi đã cử 4 tổ công tác gồm lực lượng công an, bộ đội... túc trực, cắm chốt tại 4 vùng Roòn, Trung - Nam, Quốc lộ 1 A để giúp dân đối phó với bão.

Hiện huyện đang ra sức chỉ đạo các lực lượng như công an, quân đội, đoàn thanh niên... tích cực giúp dân khắc phục thiệt hại, vệ sinh môi trường, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân".

Quan sát tại các xã Quảng Trường, Phù Hoá, Cảnh Hoá (Quảng Trạch), đã có lụt cục bộ. Nhìn sang phía bờ Nam sông Gianh cũng chẳng khá hơn, mực nước sông vẫn đang ở mức cao khiến nhiều xã bị ngập chìm trong nước.

Băng chuyền số 2 của Nhà máy Xi măng sông Gianh đã bị gãy sập, nằm chắn ngang Quốc lộ 12A khiến giao thông bị ách tắc. Ảnh: Văn Minh.

Hộ bà Phạm Thị Duyên, thôn Thu Trường, xã Quảng Trường (Quảng Trạch) than thở: "Nhà chỉ có tui và 2 đức con nhỏ, chồng đi làm ăn xa chưa về. Đang đêm ngồi xem tivi thì đùng một cái, gió thổi bốc mất mái nhà. May mà tui kéo mấy đưa nhỏ chạy kịp, nếu không thì... "vỡ đầu". Sáng ni phải đi nhờ hàng xóm lợp lại mái nhà giùm".

Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Đông Phúc, không có nhà ở, phải đi thuê nhà người ta. Đang đêm ở nhà với hai đứa con dại, bỗng nhiều cây lớn gẫy răng rắc. Một cây bạch đàn to tướng gãy đè sập lên, làm vỡ gần 1/4 mái nhà. Rất may cả mấy mẹ con không hề gì.

Thông tin từ UBND huyện Quảng Trạch cho biết, có tổng thể 17 xã bị ngập lụt. Huyện Tuyên Hoá cũng có 2.150 ngôi ngà bị ngập.

Rời thị trấn Ba Đồn để ngược lên huyện Tuyên Hoá, dọc hai bên đường đi, nhà cửa bị tốc mái, cây cối đổ ngổn ngang. Nhiều đoạn, cây đổ sập đè lên nhà dân, gây hư hỏng nặng. Hàng chục cột điện bị gãy đổ, dây điện nằm vắt qua đường Quốc Lộ 12A.

Dọc hai bên đường, nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở UBND cũng bị nước ngập, hư hỏng nặng. Hàng trăm người dân đang tất tưởi thu dọn cây đổ, lợp lại nhà.

Ngược lên xã Tiến Hoá (Tuyên Hoá), trước mắt chúng tôi, trụ sở UBND xã đang ngập trong nước. Nhiều trường học cũng trong tình trạng tương tự. Ba thôn Bàu 1,2,3 của xã đang bị chia cắt do lũ.

Trầm trọng hơn, băng chuyền số 2 của Nhà máy Xi măng sông Gianh đã bị gãy sập, nằm chắn ngang Quốc lộ 12A khiến giao thông bị ách tắc. Hoạt động của nhà máy đã bị ngưng trệ.

Trụ sở UBND xã Mai Hoá (huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình) chiều 4/10. Ảnh: Ngọc Lan.

Tiếp tục băng đường để lên với xã Mai Hoá (Tuyên Hoá). Tại đây, trụ sở UB xã đang bị ngập nước. Lực lượng công an tỉnh đã "cắm chốt" tại đây từ nhiều hôm trước để giúp dân.

Chủ tịch xã Mai Hoá cho hay: Xã hiện có 1.725 hộ, với hơn 7.800 nhân khẩu thì có tới 500 nhà hộ dân bị ngập lũ từ 1 đến 2 mét. Trong số 10 thôn thì có 5 thôn bị cô lập. Nhằm tránh sự cố vỡ đập Bẹ, chúng tôi đã tiến hành sơ tán, di dời được 390/317 hộ cần di dời, với 1.180 khẩu, đến nơi an toàn.

Đến thời điểm cuối ngày 4/10, chưa có thiệt hại gì về người. Tuy nhiên, toàn xã có 350 ngôi nhà bị tốc mái.

12h cùng ngày, mực nước tại sông Gianh đang rút chậm. Nhìn qua bên kia sông, các xã Châu Hoá, Văn Hoá vẫn đang ngập sâu trong nước lũ.

Chưa hết bàng hoàng về những thiệt hại do bão số 5 gây ra đối với 2 huyện (Quảng Trạch và huyện Tuyên Hoá) thì chúng tôi nhận được thông tin sơ bộ: Huyện Minh Hoá có 500m đường dây điện thoại đổ, 750ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy, 738 nhà bị sập hoàn toàn, 2.700 nhà bị tốc mái...

Quảng Trị: Nhanh chóng khắc phục hậu quả

Cùng với nhiều địa phương ở khu vực miền Trung, hiện nay tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 5.

Như tin đã đưa, tỉnh Quảng Trị đã có một người thiệt mạng, 21 ngôi nhà bị tốc mái, 10 chiếc thuyền bị hư hỏng, 270 mét đường ở khu du lịch dịch vụ Cửa Tùng bị sóng đánh, xâm thực sâu 4-5 mét, sập 1 giàn ăngten của đơn vị BĐBP huyện Cồn Cỏ, trên 3ha cao su (khoảng 1.100 cây) đã bị gãy đổ hoàn toàn, nhiều diện tích lúa, hoa màu, đầm tôm... đã bị hư hỏng.

Người dân ở Quảng Trị trở về nhà từ nơi trú ẩn sau bão. Ảnh: Quang Hưng.

Thiệt hại tuy không lớn nhưng đối với một tỉnh nghèo như Quảng Trị (ngân sách thu ở địa phương một năm chỉ trên 350 tỷ đồng) thì thiệt hại ấy quả là không nhỏ chút nào.

Trong số 1.600 hộ dân ở các huyện, thị xã đã di dời tránh bão nay thời tiết đã ổn định, chính quyền địa phương đã tổ chức đưa nhân dân trở lại gia đình ổn định cuộc sống.

Tại huyện miền núi Hướng Hoá, nơi đã có trên 200 hộ dân ở các xã Tân Thành - Tân Long, Thuận và thị trấn Lao Bảo đã bắt đầu đưa tài sản về nhà. Nhân dân ở khu vực này thường xuyên đối mặt với tình trạng lũ cục bộ, nguồn nước từ sông Sê Pôn dâng lên rất nhanh, nếu không chủ động thì thiệt hại sẽ rất lớn thậm chí cả người và tài sản.

Tuy chưa có những thống kê thiệt hại đầy đủ nhưng dễ nhận thấy người dân ở vùng Hướng Hoá chịu thiệt hại lớn. Ở vùng này có hai loại cây chủ lực gồm sắn nguyên liệu và chuối (riêng chuối là cây chủ lực xoá đói giảm nghèo vừa là cây làm giàu), khi cơn bão đi qua nhiều diện tích chuối đang chuẩn bị cho thu hoạch đã bị gãy rạp.

Hiện nay các xã vùng đồng bằng Triệu - Hải vẫn còn ngập lụt. Thêm vào đó lượng nước ở Hồ TL-TĐ Rào Quán xả về nên thoát lũ rất chậm. Trên các tuyến đường, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh đoạn Khe Sanh - Hướng Lập đã sạt lở nhiều đoạn. Ngay trong đêm 3/10 và ngày 4/10 lực lượng phương tiện cơ giới, nhân công đã  được huy động xúc đổ gần 50.000 khối đất đá sạt lở, đảm bảo thông tuyến.

Thừa Thiên - Huế: Tập trung toàn lực lượng khắc phục hậu quả

Chiều 03/10, ở Huế mưa nhỏ dần, nước bắt đầu rút. Đó cũng là lúc tỉnh Thừa Thiên - Huế huy động toàn bộ lực lượng cho công tác khắc phục lũ lụt.

Vớt bèo, dọn cầu ở Huế sau bão số 5. Ảnh: Quang Đức.

“Nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó”, đây là nguyên tắc cơ bản trong những ngày sau lũ của các công nhân Công ty Vệ sinh môi trường đô thị Huế. Từ đêm 03/10, công ty đã huy động hơn 550 công nhân, 200 xe đẩy tay, 20 đầu xe máy cho công tác dọn vệ sinh trên các tuyến phố. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào những vùng trũng, thấp hội tụ nhiều bùn rác.

“Với một khối lượng rác rất lớn sau lũ, công ty đã huy động công nhân tăng ca, tăng chiến trong cả ngày hôm nay (04/10) và những ngày sau cho đến khi toàn bộ rác được chuyển đi hết”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc công ty cho biết.

Với sự cố gắng hết mình của các công nhân, nhiều tuyến đường trong thành phố đã được rửa sạch bùn, quét sạch rác như Hùng Vương, Bến Nghé, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…

Trong cả ngày 4/10, hàng chục công nhân của công ty thay phiên nhau kéo cỏ, vớt rác làm sạch kênh An Cựu.

Sáng 4/10, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy TP. Huế, tất cả các phường thuộc thành phố đều dọn vệ sinh sau lũ nhằm khôi phục cảnh quan đô thị và vừa phòng chống dịch bệnh. Người dân được đảm bảo y tế đầy đủ cả trong và sau lũ

“Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân đã được đảm bảo đầy đủ ngay từ trong lụt”, ông Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết. “Trong những ngày tiếp theo, các đội y tế dự phòng ở các huyện sẽ làm việc hết sức mình để ngăn dịch, phòng bệnh cho người dân”.

Ở Huế, sau lũ là bùn. Ảnh: Hoàng Táo.

Đặc biệt, công tác chăm sóc sản phụ gần sinh đã được triển khai rất tốt trong đợt lũ này.  Sở Y tế đã chỉ đạo cặn kẽ với các đơn vị phường xã tập trung các sản phụ gần sinh về tại các trung tâm y tế để tiện chăm sóc. Từ đó tránh tình trạng sinh trong điều kiện khó khăn, giảm thiểu tai nạn đáng tiếc.

Sau cơn bão số 5, Sở Y tế tỉnh đã cấp 464.500 viên Chloramine B, 300kg Chloramine B bột và 45 cơ số thuốc cho 50 xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhờ đó, đến nay tất cả người dân trong vùng lũ đều có nước sạch để sử dụng.

Đồng thời, Sở Y tế tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị y tế các cấp công tác phòng chống dịch bệnh trong và sau lụt. Buộc các đơn vị tuyến trên phối hợp cùng đơn vị địa phương tiến hành phun xịt, khử trùng cho dân. Nước rút đến đâu, xử lý dịch bệnh đến đấy.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, Thừa Thiên - Huế có 1 người bị thương và thiệt hại nặng về vật chất. Gần 1.000ha sắn công nghiệp tại các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Nam Đông bị mất trắng. Hơn 600ha rau màu và 270ha lúa bị ngập úng. Về thuỷ sản, có hơn 12 tấn cá nước ngọt bị trôi. 7 hồ nuôi tôm và hơn 1.500 mét sáo mùng ở Phú Vang bị ngập hỏng hỏng toàn.

Từ đêm ngày 03/10, mưa đã bắt đầu ngớt, nước dần rút xuống. Lúc 13h ngày 04/10, mực nước trên sông Hương và sông Bồ đều dưới mức báo động II gần 0,6 mét.

Đến trưa ngày 04/10, hầu hết nước đã rút, chỉ còn lại một vài vùng trũng ở hai huyện Phú Vang và Quảng Điền. Những người dân đã trở về nhà và dần đi vào ổn định cuộc sống.

  • Nhóm PV miền Trung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,