221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
990686
Xuyên đêm vào rốn lũ Tây Nghệ An
1
Article
null
Xuyên đêm vào rốn lũ Tây Nghệ An
,

(VietNamNet) - Mất 2 ngày đêm, nhóm phóng viên VietNamNet mới vượt được quãng đường gần 200km của quốc lộ 48 đang ngập, sạt lở qua các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong để vào sâu vùng tâm lũ ở miền Tây Nghệ An. Đi, chỉ thấy tan hoang.

>> Lũ lịch sử: ít nhất 55 người chết và mất tích
>> Tây Bắc: Nhiều xã bị cô lập, giao thông ách tắc
>>Tổng Bí thư gửi Điện chỉ đạo khắc phục hậu quả bão
>>Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không được để dân thiếu đói!

>> Lũ lịch sử: Hoảng loạn giữa biển nước
>> Lũ lịch sử: Ngập, sập, vỡ đê và ách tắc giao thông
>> Thủ tướng ra công điện về phòng, chống lũ 
>> Lũ sông Đà và hạ du sông Hồng cũng đang lên!
>> Lũ một số sông ở Thanh Hóa, Nghệ An sẽ đạt đỉnh

Vào tâm lũ Nghệ An trong đêm

23h ngày 5/10, vượt nhiều đoạn đường ngập lụt, chúng tôi có mặt tại thị trấn Thái Hoà (huyện Nghĩa Đàn), không thể đi tiếp được vì giao thông đã bị nước lũ chặn đứng. Chỉ còn cách duy nhất để đi tiếp là đứng đợi mưa giữa đường và chờ xe cứu hộ qua xin đi nhờ. Thông tin về cơn lũ vẫn mịt mờ như đêm thị trấn mất điện. Hy vọng một ánh đèn xe lấp ló vẫn chỉ là vô vọng.

k
(Ảnh: Báo Yên Bái dđện tử)

24h, tìm vào UBND huyện Nghĩa Đàn cũng chỉ được nhìn thấy dãy nhà đen sì sau cánh cổng đóng im lìm. Có lẽ không có ai trực trong đêm lũ, điện thoại cho Ban PCBL tỉnh Nghệ An thì được trả lời là chưa có báo cáo số liệu mới, thông tin và thiệt hại từ các địa phương vẫn là những con số mà ai cũng đã biết được từ chiều. Điện thoại cho 5 huyện vùng lũ thì số điện thoại không liên lạc được, đã bị cắt đứt.

1h ngày 6/10, trời vẫn mưa tầm tã, quốc lộ 48 đi Quế Phong vẫn không có một vệt sáng, lại tiếp tục đứng đợi xe. Gần 2h sáng, qua điện thoại di động, nhận được tin có 14 người bị lũ cuốn trôi ở huyện Quế Phong, lòng nóng như lửa đốt, không biết cách nào để lên được nơi đau thương đó. Lại tiếp tục đứng chờ xe, nhưng lần này không phải đứng giữa quốc lộ 48 mà trên bậc thềm một quán cà phê.

5h sáng, đôi mắt mệt mỏi bỗng sáng lên khi bắt gặp một ánh đèn xe ô tô đang tiến về phía mình. Bác tài xế lái xe chở cá đồng ý cho chúng tôi lên xe. Không có niềm vui nào bằng. Trời bắt đầu sáng, con đường quốc lộ 48 hiện rõ dần.

Từ thị trấn Thái Hoà đi Quỳ Hợp có một đoạn đường bị ngập nước, thay vì đi thẳng 3km, chiếc xe chở cá phải đi đường vòng gần 10 km. "Nước lũ thế này nhanh đấy chú ạ, chiều hôm qua đường này xe vẫn không thể qua được" - bác tài xế cho biết.

Con đường 48 từ Nghĩa Đàn lên Quỳ Hợp nhiều đoạn nước tràn qua, mặt đường bị xé rách nát. Hai bên đường, nhiều nhà còn dính bùn đất, rác rưởi trên tường và cửa sổ, dấu hiệu của một trận lũ vừa tràn qua đây.

Tại làng Phường (đầu địa phận Quỳ Hợp), những người đàn bà đi chợ sớm đứng nhìn chỉ trỏ: "Chiều hôm qua nước còn tận trên kia, bây giờ đã rút hết, nhanh thật!".

Cuộc hành trình đến Quỳ Châu lại tiếp tục, đường càng đi càng khó, có chỗ nước tràn qua đường chảy xiết, có chỗ bùn đất nhão nhoẹt ngập nửa bánh xe. Có những ruộng lúa bên đường chưa kịp gặt, bị lũ đè bẹp nằm rạp xuống, dính đầy bùn đất. Lại thêm một mùa bị mất trắng. Người dân lội bì bõm trước nhà mình để thu dọn những đồ vật trên mặt đường đỏ ngầu.

Từ Quỳ Hợp lên Quỳ Châu, đường 48 có 3 đoạn bị núi lở, đất đá lấp gần hết ra đường, bùn đất sóng sánh mỗi lần có xe đi qua. 8h sáng, đặt chân lên được thị trấn Quỳ Châu, cơn mưa vẫn không dứt. Người Quỳ Châu cũng đã mệt nhoài với lũ. Tại huyện này đã có 3 xã bị cô lập do một những con đập tràn qua đường bây giờ đã trở thành sông.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn chưa thể tiếp cận tới Quế Phong (Nghệ An), bởi đường sạt lở nặng. Trong ảnh là lực lượng quân đội tăng cường vào Thạch Thành (Thanh Hoá) sáng 6/10. Ảnh: Vũ Hoàng.


Đặc biệt, xã Châu La đến 10h sáng hôm nay (6/10) mới có thông tin gửi về UBND huyện. Đây là toàn xã bị cô lập đã 2 ngày, bây giờ vẫn chưa có đường ra.

Ông Nguyễn Đình Cẩn (Chánh văn phòng UBND huyện Quỳ Châu) nói: "Tuy thiệt hại về tài sản rất lớn nhưng rất may đến thời điểm này chưa có thiệt hại về người, chỉ có 5 người bị thương do cây đa cổ thụ đổ đè vào nhà".

11h, mọi người xì xào một câu chuyện có một xác người chết đuối vừa dạt vào xã Châu Thắng, chắc là người trên huyện Quế Phong bị lũ cuốn trôi về đây. Lại thêm chuyện nữa: Đường lên Quế Phong bị cắt đứt một đoạn dài vì bị sạt lở, xe cộ không qua được. Câu chuyện này dập tắt dự định của những ai đang muốn vào Quế Phong.

Đã qua 3 huyện, đã nhìn và nghe thấy những gì khủng khiếp nhất về cơn lũ, dù chưa đầy đủ, thiệt hại về người vẫn chưa thể kể hết. Chỉ còn huyện Quế Phong là chưa ai biết rõ những gì đang xảy ra ở đó.

Tan nát Quế Phong

Những gương mặt thất thần của người dân xứ Nghệ, sau bão số 5 lại đến trận lũ lịch sử. Ảnh: Quang Cường.

Quốc lộ 48 bị cắt đứt, đoạn từ Quỳ Châu lên Quế Phong, do lở núi, bùn ngập sâu gần 1m, khiến việc tiếp cận đã tưởng như không thể. Cuối giờ chiều 6/10, sau nhiều nỗ lực cộng với sử dụng hàng loạt phương tiện, nhóm phóng viên VietNamNet đã có mặt ở huyện miền núi Tây Nghệ An đã bị cô lập.

Tan hoang. Mưa to suốt từ đêm 3 tới sáng 5/10 đã khiến lũ trên các sông suối dâng lên rất nhanh. Tới sáng 4/10, hầu hết diện tích lúa và hoa màu trên toàn huyện đã bị ngập lụt (1.600 ha ngập/ tổng 2000 ha). Toàn bộ các cầu tràn đều bị ngập ở mực nước sâu 0,5-3,5m, hệ thống thông tin liên lạc xuống các xã tê liệt, toàn bộ các tuyến đường về xã sạt lở, đường 48 bị sạt lở.

Huyện Quế Phong bị cô lập với vùng xuôi. Các xã trong huyện bị cô lập hoàn toàn, không thể liên lạc bằng bất cứ phương tiện gì. Quế Phong im lìm chịu trận lũ lịch sử kinh hoàng.

Trong ngày 5/10, huyện cố gắng liên lạc tới các xã, nghiêm cấm đò ngang, bè mảng hoạt động. Việc di dời dân khỏi các vùng dễ bị lũ quét, sạt lở được triển khai khi đỉnh lũ đang lên. Toàn huyện có gần 200 nhà dân bị ngập, tốc mái, hư hỏng hoặc bị cuốn trôi.

Đến 15h chiều ngày hôm nay (6/10), thi thể thứ 6 đã được vớt lên. Đó là một xác đàn ông chừng 35 tuổi, chưa xác định danh tính. Trước đó, là các khoảng thời gian liên tục, được ghi lại như những dòng nhật ký tang tóc.

Danh sách 14 người mất tích tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong (Nghệ An):

1. Ngân Văn Duyên (20 tuổi)
2. Ngân Văn Huyên, (39 tuổi)
3. Lê Văn Lân (37 tuổi)
4. Lô Thị Tâm (39 tuổi)
5. Ngân Văn Tường (37 tuổi)
6. Lô Văn Châu (39 tuổi)
7. Ngân Thị Lan (13 tuổi )
8. Quang Văn Nam (15 tuổi)
9. Ngân Văn Luân (39 tuổi)
10. Ngân Văn Máy (31 tuổi)
11. Lô Thị Quyết (41 tuổi)
12. Ngân Văn Cáng (13 tuổi)
13. Lô Thị Tâm (20 tuổi)
14. Một người chưa rõ danh tính
 

(Trong đó: Bản Pục có 4 người, bản Méo có 10 người).

Ngày 5/10: Lúc 12h, có 1 cháu bé khoảng 15 tuổi chết trôi về xã Châu Kim. 2 người mất tích ở các bản đầu nguồn sông của xã Hạnh Dịch, chưa xác định tên tuổi, địa chỉ. 12h30’: Vớt được một xác phụ nữ khoảng 35 tuổi trôi xuống xã Mường Nọc, chưa rõ địa chỉ, danh tính. 16h: Xã Tiền Phong tìm thấy xác anh Mong Văn Tuấn mất tích từ 4/10. Anh Mong Văn Thu (em trai anh Tuấn) vẫn thuộc diện mất tích.

17h: Bản báo cáo muộn của xã Nậm Giải cung cấp: Mất tích 14 người tập trung ở Bản Meo và Bản Pục. Hiện đang tìm kiếm.

Tại Nậm Giải, toàn bộ tài sản của trạm Biên phòng bị cuốn trôi hoàn toàn, 4 nhà dân trôi, trụ sở UBND xã sập 2 phòng, sập 3 phòng học khác.

Tại bản Trí Lễ, đường giao thông xuống các bản bị cắt hoàn toàn. Đường từ Sám Chó đến Kém Ải bị sạt lở 200m, trâu chết 5 con, bị thương 3 con.

Ngày 6/10: 13h30’ vớt được 1 xác đàn ông bị mất đầu tại xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu). Suy đoán là dân Quế Phong. Lúc 14h, vớt được 1 xác đàn ông khoảng 30 tuổi tại Mường Nọc. Lúc 15h, với được thêm 1 xác đàn ông khoảng 35 tuổi trên sông Châu Kim.

Tổng cộng, đã có 6 người chết, mất tích 14 người.

Đến ngày 6/10, quốc lộ 48 phía trên cầu Châu Tiến khoảng 300m bị sụt đoạn đường dài 50m. Giao thông ách tắc. Tất cả hệ thống nước sinh hoạt và kênh mương tưới tiêu bị hư hỏng. Cầu treo của các xã Châu Thôn, Quang Phong và Cắm Muộn hiện đang bị lệch mố, có nguy cơ bị cuốn trôi.

n

Tới 18h ngày 6/10, trời tối dần, mọi nỗ lực của phóng viên nhằm tiếp cận Bản Meo và Bản Pục (xã Nậm Giải), nơi có 14 người mất tích đều bất thành, bởi đường vào đây phải qua một con suối nước lũ đang cuốn dữ dội, không có phương tiện qua lại.

Hiện, nước lũ trên sông Hiếu gây ngập Quế Phong đang rút, trời nắng chiều ngày hôm nay. Hệ thống điện hỏng hoàn toàn, núi rừng Quế Phong đang chìm dần vào đêm. Việc cứu trợ, cứu hộ vẫn chưa thấy tiến hành. Chỉ có cán bộ, nhân dân trong huyện tự nỗ lực cứu nhau và chịu đựng.

Ông Trần Quốc Chung (Phó Chủ tịch UBND huyện) ước tính: Dự tính trong 3 ngày nữa mới khôi phục lại tạm thời.

Phóng viên vẫn tiếp tục chờ đợi, để có thể đi đến cái đích cuối cùng: Nơi rất có thể sẽ trở thành chốn tang thương nhất của miền Tây Nghệ An trong trận lũ lịch sử này.

  • Quang Cường - Văn Tuấn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,