221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
991694
Dân gặp nạn trong lũ, cứu hộ bận đi... ăn cơm!
1
Article
null
Dân gặp nạn trong lũ, cứu hộ bận đi... ăn cơm!
,

(VietNamNet) - Lũ đã rút, nhưng chỉ trong một ngày (8/10), tại huyện Nam Đàn đã có 4 trẻ em bị thiệt mạng. Tất cả đều là học sinh tiểu học. Sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng cứu hộ đã không có mặt để kịp thời ứng cứu. Lại thêm những đám tang của những em học sinh tuổi đời còn rất nhỏ.

Chết trên đường đến trường

Sáng 8/10, PV VietNamNet có mặt tại tang lễ hai chị em Nguyễn Thị Thuỳ Linh (1998), Nguyễn Thị Dung (2001), học sinh trường PTCS Nam Thượng (tại xã Nam Thượng, Nam Đàn), bị chết đuối trên đường đến trường.

Con đường này là nơi 2 em Nguyễn Thị Thuỳ Linh (1998) và Nguyễn Thị Dung (2001) thiệt mạng. Ảnh: Vũ Hoàng.

Theo lời kể của gia đình thì hôm đó (lúc 1 giờ chiều ngày 08/10) hai em đi bộ băng qua đường ruộng để đến trường, không may sẩy chân chết đuối.

Vậy là lại thêm những cái chết thương tâm nữa xảy ra trên đất Nghệ An.

Lần theo bước chân đến trường của hai em nhỏ, theo con đường ngập nước mà hai em đi qua. Thực sự, đối với người lớn thì vượt qua nó thì không có gì khó khăn. Thế nhưng đối với học sinh tiểu học thì đó quả là một cái bẫy chết người.

Học sinh ở Nam Đàn đến trường mùa lũ. Ảnh: Hoàng Sang.

Ông Nguyễn Văn Hoá (Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thượng) cho biết: “Đó là đường đi ruộng, không có ai quản lý và ngăn cản trẻ em đi vào”. 

Ông Đinh Xuân Trang - Hiệu trưởng Trường PTCS Nam Thượng giải thích: “Trường tôi có 2 phân hiệu, phía bên kia sông đã cho nghỉ học. Phân hiệu 2 bên này vẫn học vì bên này không có lũ. Con đường đến phân hiệu 2 hoàn toàn có thể đi được nếu các em đi theo đường bê tông”.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Trang đã chỉ cho chúng tôi xem con đường mà "đáng lẽ" học sinh đi học phải đi vào. 

Nhưng đó không phải là con đường duy nhất học sinh có thể đến trường. Còn những lối đi khác ngập nước và cực kỳ nguy hiểm, trong đó, có con đường mà hai em Linh và Dung đi qua.

Ông Phạm Hữu Từ - Phó Phòng GD-ĐT huyện Nam Đàn) cũng ủng hộ lý lẽ của ông Trang. Theo ông, việc học sinh bị chết đuối là một tai nạn đáng tiếc. Nếu các em chọn con đường khác thì không đến nỗi xảy ra chuyện.

Ông còn cho biết thêm, hiện Phòng GD-ĐT Nam Đàn cho học sinh ở các vùng lũ nghỉ học. Việc vẫn cho học sinh đi học của ông Trang đang được xem xét để kiểm điểm.

“Các cháu tui bây giờ nằm ở đâu?”

Chị Đoàn Thị Nghị (cô ruột của 2 cháu Anh và Hùng) khóc ngất bên bờ sông nơi 2 cháu mình thiệt mạng. Ảnh: Quang Cường.

Cũng trong đêm 8/10, hai học sinh nhỏ của Trường Tiểu học Thị trấn Nam Đàn đã bị dòng nước cuốn trôi tại bến phà thị trấn Nam Đàn. Hiện, thi thể của hai cháu vẫn chưa tìm thấy. Hai cháu nhỏ xấu số là Đoàn Thị Anh (học sinh lớp 3) và Đoàn Văn Hùng (học sinh lớp 1).

Sáng 9/10, tại bờ sông nơi xảy ra tai nạn, nhiều bạn học của hai cháu đang đứng ngóng ra sông. Phía dưới, chiếc thuyền bị nạn đang được kéo vào bờ, bị đánh vỡ gần hết.

Anh Trần Cảnh Yên (Khối Yên Khánh, thị trấn Nam Đàn) thuật lại: “Vào lúc 7 giờ tối, chúng tôi đang có mặt ở trên bờ bến phà thì nghe tiếng kêu cứu từ một chiếc thuyền. Mọi người đều biết đó là thuyền của anh Đoàn Văn Côi.

Sau đó tôi chạy ra thì thấy thuyền của anh bị va vào chân cầu, thuyền lảo đảo giữa dòng nước chảy xiết rồi chìm nghỉm. Lúc đó, mẹ anh Côi đã nhảy ra ngoài. Hai cháu Anh và Hùng chới với giữa dòng nước kêu cứu nhưng không ai dám nhảy xuống vì nước chảy quá xiết".

Thuyền chìm nghỉm, trôi được khoảng 20m thì anh Hùng và anh Âu (chủ thuyền) bất chấp dòng nước chảy xiết đã nhảy xuống và chỉ vớt được anh Côi trong tình trạng suy kiệt.

Đến 11 giờ trưa 9/10, dòng người đổ về chân cầu Nam Đàn ngày càng đông. Hàng trăm đôi mắt dõi theo dòng nước cuồn cuộn chảy xiết, mong tìm thấy xác 2 cháu Anh và Hùng.

Chị Đoàn Thị Nghị (cô ruột của 2 nạn nhân nhỏ tuổi thiệt mạng, người miền Trung gọi là o) bồng con nằm xoài trên bờ, nấc lên không thành tiếng: “Các cháu ơi, bây giờ các cháu nằm ở mô? Dưới đó lạnh lắm, các cháu hãy về với o đi. Nằm mãi dưới đó mần chi hở các cháu?”. Chị gào lên và ngất lịm trên bờ.

Người dân tụ lại ven sông chờ lực lượng tìm kiếm xác 2 cháu Anh và Hùng sáng 9/10. Ảnh: Văn Tuấn.

Chị Trần Thị Văn (khối Yên Khánh, thị trấn Nam Đàn) kể lại: Lúc xảy ra tai nạn, chị nghe rõ tiếng kêu cứu trên thuyền anh Côi. Nhưng nước chảy xiết, không ai dám nhảy xuống. Lúc đó, bên bờ sông có 2 xuồng cứu hộ nhưng không có một bóng người.

Mãi 30 phút sau, khi người dân chạy đến trụ sở UBND huyện Nam Đàn kêu cứu thì mới có người từ huyện tới. Tuy nhiên, khi có người thì xuồng cứu hộ lại không nổ máy được.

Được biết, trước lúc xảy ra tai nạn, một người dân đã nhờ anh Côi đưa hộ một bè chở nứa vào bờ. Để kiếm thêm ít tiền, bất chấp nước dữ, anh Côi đã cho thuyền của mình ra để kéo bè nứa vào. Lúc đến chân cầu, nước xoáy, chảy xiết đẩy thuyền anh Côi đã va vào trụ chân cầu, mất lái và... chìm nghỉm.

======

Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn: "Lúc xảy ra tai nạn, lực lượng cứu hộ đi … ăn cơm" (!)

Ông Trần Đình Hường đặt câu hỏi ngược lại với phóng viên khi trả lời phỏng vấn: "Họ (lực lượng cứu hộ - NV) chỉ sơ suất một tý thôi thì có nên gay gắt khi quy kết trách nhiệm cho họ hay không (?). Ảnh: Hoàng Sang.

Sáng ngày 9/10, phóng viên VietNamNet đã có buổi làm việc với ông Trần Đình Hường (Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn). Trao đổi với chúng tôi, ông Hường nói rằng "tai nạn đó là hết sức đáng tiếc":

- Thưa ông, nước lũ đã rút nhưng vào ngày 8/10, trên địa bàn huyện Nam Đàn đã có học sinh bị chết. Theo ông, tại sao lại xảy ra sự việc đáng tiếc này?

4 em học sinh chết trong 2 trường hợp. Hai em ở xã Nam Thượng bị chết trên đường đi học, do các em đi tắt vào đường ruộng, nước vẫn còn sâu nên sẩy chân và bị chết đuối. Còn trường hợp 2 cháu học sinh bị chết ở cầu phà Nam Đàn là đi trên thuyền gia đình, do thuyền bị chết máy, mất lái nên đâm vào trụ cầu. Hai cháu bị nước lũ cuốn trôi.

- Cha các cháu là
 anh Côi có kêu cứu nhưng tại thời điểm đó, lực lượng cứu hộ không có mặt trên khu vực xung yếu này. Như vậy, huyện đã làm tốt công điện của UBND tỉnh khi để xảy ra thiệt hại về người hay chưa?

Ngay từ khi cơn bão số 5 đổ bộ vào, chúng tôi đã cấm các thuyền bè trên địa bàn hoạt động. Lực lượng cứu hộ đã túc trực 24/24 tại các bến phà và nơi nguy hiểm. Tuy nhiên lúc xảy ra tai nạn, có thể là anh em cứu hộ bận đi ăn cơm nên không có mặt. Tôi sẽ xem xét lại vấn đề này và sẽ có hình thức kỷ luật.

Đó cũng là một thiếu sót đáng tiếc của lực lượng cứu hộ.

- Ông vừa cho biết là lực lượng cứu hộ túc trực 24/24, nhưng tại thời điểm tai nạn xảy ra, họ lại không có mặt. Tại sao lại không phân thành các ca khác nhau, túc trực liên tục tại đây?

Số người cứu hộ của huyện có hạn. Mỗi xuồng chỉ có khoảng 2 người, lực lượng quá mỏng. Với lại, anh em túc trực từ cơn bão số 5 cho đến nay đã mệt mỏi. Có thể họ tranh thủ đi ăn cơm. Họ cũng không ngờ được sự việc đáng tiếc xảy ra này.

Họ chỉ sơ suất một tý thôi thì có nên gay gắt khi quy kết trách nhiệm cho họ hay không (?). Trong lũ có nhiều tình huống không thể lường trước được.

- Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ: Địa phương nào không làm tốt công tác phòng chống lụt bão, để xảy ra chết người thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Theo ông, trong sự việc này, trách nhiệm của huyện đến đâu?

Tôi cũng rất tiếc là chúng tôi đã làm tốt công tác phòng chống lụt bão từ trước khi bão số 5 đổ bộ vào đến nay. Hai trường hợp đáng tiếc xảy ra là những sự cố, tình huống mà tôi không lường trước được.

Tuy nhiên, sự việc xảy ra trên địa bàn này thì tôi là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Tôi sẽ kiểm điểm hiệu trưởng và lãnh đạo xã Nam Thượng vì đã không làm tốt công tác tuyên truyền.

- Xin cảm ơn ông.

(Cũng trong buổi làm việc với ông Hường, thay vì bằng mọi giá phải tìm được thi thể 2 nạn nhân xấu số, ông Hường lại yêu cầu công an điều tra xem chiếc bè mà anh Côi kéo có vấn đề gì hay không, có chở gỗ lậu hay không(!) - NV).

  • Hoàng Sang - Văn Tuấn - Quang Cường - Lê Thuỷ - Vũ Hoàng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,