221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
992738
Quốc hội lo lắng chuyện nhà văn hóa xây xong... để đó
1
Article
null
Quốc hội lo lắng chuyện nhà văn hóa xây xong... để đó
,

(VietNamNet) - "Nhiều nhà văn hóa xây hội trường khang trang nhưng xuân thu nhị kỳ không biết dùng vào việc gì", Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên bày tỏ bức xúc trong phiên họp Ủy ban Thường vụ QH chiều nay (11/10)

>> Hà Nội: Chờ xây nhà văn hóa, đất hoang "mời" rác

>> Hà Nội: Nhà văn hoá xây để... bỏ hoang

NVH khu dân cư số 4 phường Thịnh Quang (Q. Đống Đa) cỏ dại mọc đầy. Ảnh: Công Thanh

Cũng trong phiên làm việc, sau khi nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng chia sẻ: "Hầu như các nhà văn hóa huyện, xã xây xong là để đó. Chỉ có nhà văn hóa thôn do ở gần dân nên được sử dụng nhiều hơn".

Theo số liệu thống kê của Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, tính đến cuối năm 2006, đã có 38, 75% xã phường và 36% thôn, ấp, bản trong cả nước xây dựng được nhà văn hóa. Một số địa phương có 100% xã xây được nhà văn hóa là Quảng Ninh, Thái Bình... hoặc đạt 80-90% như Phú Yên, Sơn La, Hưng Yên, Nam Định... Sau năm năm thực hiện, tổng số vốn chi cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là 859 tỷ đồng, riêng cho mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chiếm 24, 25% tổng số vốn, tương đương 208, 54 tỷ đồng.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng cũng chỉ rõ, hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa cơ sở hiện nay không cao. Có không ít nhà văn hóa, nhà rông, nhà đài được xây dựng khang trang, nhưng người dân ít đến sinh hoạt do xa khu dân cư, không thuận lợi cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nội dung sinh hoạt kém hấp dẫn hoặc do chưa chú trọng đến tập tục, tôn giáo... Nhiều nhà văn hóa chỉ được sử dụng làm nơi họp tổ dân phố định kỳ. Chưa kể, sức hấp dẫn của nhà văn hóa đối với quần chúng yếu hơn nhiều so với các điểm vui chơi giải trí như vũ trường, karaoke, quán bar.

Khu đất hoang thành bãi rác ở phường Khương Trung (Hà Nội) đang chờ để xây nhà văn hóa. Ảnh: Vũ Điệp

Tìm lời giải cho vấn đề này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng cho biết, do nhiều địa phương chỉ chú trọng hoạt động bề nổi, xây dựng nhà văn hóa chủ yếu là để được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa. Vậy nên, xây xong cũng không mấy quan tâm đến hiệu quả hoạt động.

Báo cáo của Ủy ban cũng cho biết, ở một số địa phương, đất được quy hoạch xây dựng nhà văn hóa còn bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lấn chiếm.

Thống kê cho thấy, cùng với nhiều tỉnh thành "100% nhà văn hóa", thì nhiều địa phương như Đồng Tháp 1/142 xã có nhà văn hóa. Tỷ lệ này ở Bình Phước là 2/94, Hà Tây là 30/322, Lai Châu là 2/90, Phú Thọ là 8/274...

Ông Đào Trọng Thi kiến nghị, trong giai đoạn tới, việc xây dựng nhà văn hóa cũng như các thiết chế văn hóa khác, Chính phủ cần chú ý đến nhu cầu thực sự của người dân, môi trường xã hội và tính hiệu quả để việc xây dựng không mang tính hình thức.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,