(VietNamNet) - Tối 16/10, 14.000 dân vùng nguy hiểm đang được đưa đến nơi an toàn. Tỉnh TT-Huế cho phép dùng những biện pháp mạnh nhất để ngăn dân vào những khu vực nguy hiểm.
>> Nghe phóng viên Kỳ Nhân tường thuật từ Thừa Thiên - Huế tại đây
>> Các tỉnh miền Trung cần sẵn sàng sơ tán dân
>> Quảng Nam, Đà Nẵng: Lũ bất ngờ, 1 người chết
Đường sạt khắp nơi, nhà ngập đến mái Vào lúc 22h30’ ngày 16/10, đỉnh lũ sông Hương đã lên mức 4,3 m, vượt báo động III 1,3m. Thời điểm này, chúng tôi đang đứng ngay QL 49. Nước lũ đang chảy rất xiết, tất cả các phương tiện giao thông đều không thể lưu thông được.
Di chuyển du khách bằng thuyền khi... đường đã thành sông. Ảnh chụp lúc 22h ngày 16/10Ảnh: Đăng Khoa.
Cùng lúc này, tất cả các địa bàn phường xã trong thành phố Huế đều đã ngập sâu trong lũ. Đặc biệt, các phường nằm ở phía bắc sông Hương đều ngập từ 0,5 đến 1m. Cá biệt có những nơi ngập sâu đến 1,5m. Tất cả các cửa ra vào thành nội Huế đều bị ngập và nước chảy rất mạnh và xiết, lực lượng công an đều đã được huy động nhằm ngăn chặn những người và phương tiện ra vào không được phép lưu thông.
Có thể nói, bốn phường ở khu vực thành nội đều đang ở trong tình trạng bị cô lập và hết sức nguy kịch, nội bất xuất ngoại bất nhập. Kể cả phương tiện đặc chủng và lực lượng cứu hộ cũng không thể qua lại các địa điểm này. Những vùng trọng điểm lũ ở hạ lưu sông Hương, huyện Phú Vang và Hương Thủy nước lũ đang lên với tốc độ rất nhanh.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (Phó chủ tịch UBND huyện Phú Vang) đang ở trong tâm lũ, qua điện thoại cho hay: “Dù rất cố gắng, tuy nhiên các lực lượng cứu hộ và chính quyền huyện vẫn không thể tiếp cận được các xã vùng sâu vùng xa. Việc cứu hộ và di dân bắt buộc phải sử dụng đến các lực lượng tại chỗ”.
Ông Hồ Xuân Mãn (Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế) cho biết: “Hiện nay nước lũ đang dâng lên rất cao, các lực lượng cứu hộ và di dân đều phải tạm ngưng hoạt động chờ đến sáng ngày mai.
Việc di dân hoàn toàn phải nhờ đến các lực lượng tại chỗ. Đến 22h30 ngày 16/10, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện di dời 4.200 hộ dân với gần 15.000 người đến nơi an toàn. Trọng điểm của việc di dân là ở các phường xã thuộc TP. Huế”.
Ông Nguyễn Kim Dũng, Bí thư Thành ủy TP. Huế cho hay: “Ngay lúc này tất cả các cơ quan có nhà cao tầng đều nhận được lệnh phải mở tất cả các cửa ra vào để người dân có thể vào tránh lũ. Hiện tại TP Huế có hơn 2.000 hộ dân phải di chuyển từ chỗ thấp đến chỗ cao”.
Trong lúc này, tất cả các tuyến đường vào tâm lũ đều bị phong tỏa bởi các lực lượng công an; các phương tiện đặc chủng cũng phải án binh bất động. Nước lũ mỗi lúc một dâng cao.
Phóng viên VietNamNet đang cố gắng di chuyển vào rốn lũ để tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất.
Lực lượng dân phòng giúp người dân qua cửa Ngăn đêm 16/10. Ảnh Kỳ Nhân |
Cuối chiều 16/10, theo ghi nhận của PV VietNamNet từ Huế, hầu hết các xã vùng trũng của huyện Quảng Điền, Phú Vang và gần như toàn TP.Huế đã ngập trong nước lũ.
Quốc lộ 49 nối TP.Huế và huyện Phú Vang bị chia cắt nhiều đoạn, có nơi nước ngập sâu hơn 0,5m. Quốc lộ 49 qua xã Phú Thượng đã bị sạt lở gần 200m. Để về được vùng rốn lũ Phú Vang, nhiều lần PV VietNamNet phải đi đò.
Trường THCS Phú Thượng ngập sâu trong nước từ trưa nay. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Trước đó, từ 8h đến 17h chiều 16/10, chúng tôi luôn cố gắng tìm mọi cách để tiếp cận các xã ở vùng rốn lũ nhưng đều không thể.
Các xã: Phú Mậu, Phú Thanh, Phú An, Phú Hải thuộc huyện Phú Vang bị chia cắt hoàn toàn. Lực lượng cứu hộ là lực lượng tại chỗ. Chỉ có một ca nô nhỏ của huyện đội Phú Vang vào tham gia cứu hộ.
Tại các xã trên, nước lũ dâng cao từ một mét đến hai mét. Hầu hết các nhà dân đã bị ngập trong nước từ 0,5-1,5 mét. Đã có 5 ngôi nhà tại xã Phú Thanh do sạt lở bờ sông đã đổ xuống sông Hương.
Đường phố nội thành Huế đều đã thành sông. (Ảnh: Đăng Khoa)
13h, huyện Phú Vang đã họp triển khai phương án phòng chống lũ, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người. Ông Nguyễn Ngọc Phước, Bí thư huyện uỷ Phú Vang cho biết: “Huyện đã tập trung mọi lực lượng để ứng phó với lũ trong điều kiện xấu nhất, sẽ di dân theo cách cuốn chiếu, cương quyết không để thiệt hại về người”.
17h, các xã trên đã tiếp tục di dân. Tại xã Phú Thanh, theo Ông Dương Văn Ngọc, PCT UBND huyện Phú Thanh cho biết: đã di dời xong 36 hộ với 138 khẩu ở vùng nguy hiểm về nơi an toàn.
Trên quốc lộ 49 tuyến đường Huế đi A Lưới bị sạt lở 1 điểm tại Km75 + 053, và trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh TT -Huế bị sạt lở 2 điểm tại Km 392 đoạn qua Hầm A Roàng 2 và tại dốc A5 thuộc địa phận xã A Roàng. Mưa lớn xối một khối lượng lớn đất đá xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông nhiều giờ.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đang được các cơ quan chức năng tiến hành, nhưng tiến độ chậm. Trời mưa lớn cộng với địa tầng đất xốp đang khiến tình trạng sụt lở đất trầm trọng hơn.
Tại TP.Huế, 17h ngày 16/10, mực nước sông Hương đã lên đến 4m, vượt báo động 3 là 1m. Tất cả các phường nội thành hai bên bờ sông Hương đã ngập trắng. Tại phường Thuận Thành, Thuận Lộc, Phú Hiệp đã ngập sâu gần 1m, nước lũ chảy xiết. Trên tất cả các cửa ô vào thành, nơi nước lũ tràn vào dữ dội, lực lượng công an đã trực chiến cứu hộ.
Dùng biện pháp mạnh để giữ an toàn tính mạng dân
Giao thông mùa lũ! (Ảnh: Đăng Khoa)
Theo thông báo của BCH PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế, tính đến 16h chiều 16/10, tỉnh đã phải di dời 610 hộ với hơn 1.800 người ở các vùng trũng, vùng có nguy cơ lũ quét đến nơi an toàn.
Tại cuộc họp khẩn chiều cùng ngày của Tỉnh uỷ TT-Huế, ông Hồ Xuân Mãn đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tích cực đối phó với lũ lụt đang diễn biến hết sức phức tạp; chỉ đạo các địa phương trong công tác giữ vững thông tin liên lạc thông suốt.
Lực lượng công an, dân quân tự vệ... bám trên các tuyến giao thông, sông yếu, kiên quyết không cho người dân, các phương tiện lưu thông qua lại. Nếu không chấp hành thì “cho phép dùng những biện pháp mạnh nhất để cưỡng chế”.
Tại cuộc họp, lãnh đạo TT-Huế cũng nhấn mạnh đến công tác bám chắc tình hình trên các địa bàn thuộc các xã vùng trũng, không được lơ là và phải kiên quyết cưỡng chế di dời dân đến nơi an toàn.
Đến cuối chiều, các lực lượng cứu hộ của tỉnh (biên phòng, quân đội, công an, dân quân tự vệ) đã tập trung về các vùng thấp để sẵn sàng ứng cứu. Tuy nhiên, lũ lên trong đêm, công tác cứu hộ sẽ rất khó khăn!
Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn TT-Huế, tại Thượng Nhật và Tả Trạch (hai đầu nguồn sông Hương) vẫn đang mưa lớn, lũ sẽ tiếp tục lên cao. Theo dự báo, nếu Huế không mưa trong đêm nay, nước lũ trên sông Hương sẽ đạt đỉnh 4,6m vào khoảng 1h ngày 17/10.
Quảng Trị: Sụt lún đất sâu 5-7m/hố
Các huyện miền núi Hướng Hoá, Hải Lăng và Đăkrông đã bị ngập. Lượng mưa phổ biến 300mm. Riêng 2 xã Hải Đông, Hải Sơn thuộc huyện Hải Lăng mưa trên 500mm.
Mưa lớn khiến nước trên các triền sông Thạch Hãn, sông Hiếu đang lên cao. Hiện nước tại thuỷ điện Rào Quán ngập cao trình tràn.
Lúc 0h ngày 17/10, công ty thuỷ điện Quảng Trị đã tiến hành xả lũ với lưu lượng trung bình 120m3/giây, cao điểm 300m3/giây. Vùng hạ du chịu ảnh hưởng của thuỷ điện Rào Quán đang chuẩn bị di dời dân.
Hiện tỉnh Quảng Trị đã quyết định di dời khẩn cấp 5 hộ dân ở xã Thuận thuộc huyện miền núi Hướng Hoá.
Nước lũ lên cao, sức quét mạnh đã khiến cầu phao thuộc xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) bắc qua sông Thạch Hãn đã bị đứt rời. Một số tuyến đường tỉnh lộ vùng Tân Long đi các xã vùng Lìa đã bị ngập sâu trong nước.
Nguy hiểm nhất, tại huyện Cam Lộ bắt đầu xảy ra hiện tượng sụt lún đất khiến người dân ở đây đặc biệt lo âu. Theo quan sát của phóng viên VNN tại hiện trường, có những hố đất sụt có đường kính tới 1m, sâu từ 5-7m (cắm cây tre vào đo hết nửa thân cây).
Quảng Nam: Hội An ngập chìm trong nước
Mưa lớn thượng nguồn đã gây lũ lớn trên sông Thu Bồn. Tính đến 1h sáng ngày 17/10, lũ trên sông Thu Bồn đã đạt xấp xỉ báo động III, cộng với triều cường xâm nhập đã khiến nước lũ dâng nhanh ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn.
Quảng Nam, ngày 16/10/2007. Ảnh: Vũ Trung. |
Vì vậy, nước lũ gây ngập lụt ở các xã vùng đông huyện Duy Xuyên và khiến toàn bộ khu đô thị cổ Hội An ngập chìm trong nước. Nhiều nơi nước ngập sâu gần 2m.
Theo chính quyền địa phương Hội An, điều đáng lo lắng nhất hiện nay là hàng trăm di tích đang bị đe doạ bởi nước lũ có thể gây sụp đổ bất kỳ lúc nào. Nhiều di tích đang trong giai đoạn trùng tu đã được chèn chống. Tuy nhiên khó có thể tránh được thiệt hại.
Để đối phó với lũ, chính quyền thị xã Hội An đã quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học bắt đầu từ sáng ngày 17/10. Ngay trong rạng sáng ngày 16/10, Hội An đã tổ chức di chuyển khẩn cấp hàng trăm hộ dân tại vùng ngập sâu nằm dọc ven sông và các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Hiện người dân và chính quyền Hội An đang gồng mình đối phó với lũ lụt để bảo vệ sinh mạng, tài sản và đảm bảo sự an toàn cho hàng trăm di tích đang bị nươc lũ đe doạ.
Quảng Bình: 17 xã ngập lụt, nước vẫn lên nhanh
Mọi tuyến đường vào Lệ Thủy (Quảng Bình) đều bị cô lập. (Ảnh: Văn Minh) |
Thông tin mới nhất từ Quảng Bình: 16h chiều 16/10, huyện Lệ Thuỷ có 17 xã bị ngập sâu trong nước lũ, có nơi nhà dân bị ngập sâu trên 1,5 mét. Hiện tại, hầu hết các đường giao thông liên xã, thôn của huyện đã bị chia cắt hoàn toàn. Đường vào trung tâm UBND huyện cũng bị cô lập. Chỉ phương tiện giao thông đường thuỷ mới có thể tiếp cận được huyện này.
Tại Lệ Thủy, hơn 200ha hoa màu bị ngập và mất trắng. Các tuyến đường giao thông tại 3 xã Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung, Ngư Thuỷ Nam bị xói lở nghiêm trọng; hệ thống kênh mương thuỷ lợi, trường học, trạm y tế... vẫn đang ngập sâu trong nước lũ.
Tại thời điểm này, những thông tin thiệt hại do mưa lũ gây ra ở huyện Lệ Thuỷ, Ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Quảng Bình vẫn chưa nắm được.
Vào lúc 13h chiều 16/10, mực nước tại Lệ Thuỷ đang vượt mức báo động 2. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Quảng Bình, trong đêm nay mực nước trên sông Kiến Giang (Lệ Thuỷ) có thể đạt xấp xỉ báo động 3. Tại Mai Hoá (Tuyên Hoá) trong đêm nay mực nước có thể lên tới mức báo động 2. Tình trạng này khiến hàng nghìn hộ dân ở hai huyện Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ chìm trong nước lũ.
-
Kỳ Nhân - Đăng Khoa - Hoàng Táo - Quang Hưng - Vũ Trung - Văn Minh