Theo đó, giờ làm việc buổi sáng của các cơ quan hành chính nhà nước (kể cả bộ phận thực hiện dịch vụ hành chính công, tổ chức chính trị, xã hội thuộc thành phố) bắt đầu từ 7h30 hoặc 8h và kết thúc lúc 16h, 16h30 hoặc 17h.
Ngoài ra, để giảm bớt lưu lượng giao thông trên đường, trong đó có lượng người đến các cơ quan nhà nước để thực hiện dịch vụ hành chính công như: phòng công chứng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hồ sơ hành chính… có thể xem xét thay đổi giờ làm việc ở những nơi này bắt đầu từ 9h và kết thúc lúc 15h.
Kẹt xe - cảnh thường nhật tại TP.HCM.
Việc bố trí lệch giờ làm việc vẫn phải bảo đảm một ngày làm việc 8 giờ và 40 giờ/tuần do vậy có thể bố trí làm việc thêm vào ngày thứ Bảy.
Bên cạnh đó, hàng loạt giải pháp cũng đang được xem xét để trình lên UBND TP.HCM quyết định. Trong đó có giải pháp giao quyền cho chủ tịch UBND quận, huyện chỉ đạo các ngành liên quan dưới quyền thực hiện triệt để việc lấn chiếm lòng lề đường, chiếm dụng vỉa hè tụ tập buôn bán; tổ chức xe đưa đón học sinh - sinh viên, công nhân viên…
Theo một kết quả khảo sát gần đây tại TP.HCM, giờ cao điểm ùn tắc giao thông tại thành phố thường diễn ra từ lúc 6h30 đến 8h vào buổi sáng và từ 16h30 đến 18h vào buổi chiều.
Trong giờ cao điểm, đối tượng tham gia giao thông chủ yếu là học sinh, cán bộ - công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, lao động các ngành dịch vụ (giờ làm việc bắt đầu từ 7h30 đến 17h); công chức các doanh nghiệp làm theo ca hành chính.
Ngoài ra, còn có đối tượng là phụ huynh đưa đón con em đi học; người dân đến các công sở, cơ quan hành chính, cơ quan nhà nước liên hệ công việc và người dân tham gia các hoạt động kinh tế khác.
Theo đánh giá của Sở GTCC TP.HCM, thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố thường xuyên xảy ra trên diện rộng tại nhiều quận nội thành.
- Trần Duy