(VietNamNet) - - Để sang Hàn Quốc lao động, phải chờ ít nhất 5-6 tháng. Tâm lý muốn nhanh được xuất ngoại của người lao động đã "giúp" cò mồi thả sức tung chiêu lừa đảo.
Ngày 18/10 TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án lừa XKLĐ sang Hàn Quốc. Các bị can đã thu tiền tỷ của các nạn nhân. Để được xuất khẩu sang Hàn Quốc, các nạn nhân phải nộp tới 8.000 USD, đặt cọc 2.000 USD, trong khi trên thực tế, nếu đi theo đường chính thống sang lao động tại Hàn Quốc, chỉ phải nộp chưa tới 700 USD và không cần đặt cọc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội nhận được đơn tố cáo của ông Trần Ngọc Đáng, trú tại Hạ Lễ, Ân Thi, Hưng Yên tố cáo Công ty cổ phần Thương mại Đức Minh có trụ sở tại số 4/254 đường Bưởi, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội vì đã thu của ông số tiền 251.100.000 đồng để làm thủ tục cho con ông là Trần Ngọc Khái đi lao động ở Hàn Quốc và Trần Ngọc Đảng vào học Trường
Trung học cảnh sát nhưng con ông không được đi lao động Hàn Quốc, cũng chẳng được đi học mà tiền thì mất.
Qua đơn thư trình báo của ông Đáng, Công an Hà Nội đã điều tra khám phá, phát hiện Công ty Đức Minh không chỉ lừa của ông Đáng mà còn có 41 nạn nhân khác đã bị lừa đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc với cùng một chiêu.
Công ty cổ phần Thương mại Đức Minh do Phạm Hùng Tiến làm Giám đốc và Phạm Thị Tuyết làm Phó Giám đốc.
Theo Giấy phép kinh doanh, công ty không có chức năng xuất khẩu lao động, không được sự ủy quyền hay đại diện cho đơn vị hợp pháp nào tuyển người đi lao động nước ngoài nhưng Phạm Hùng Tiến và Phạm Thị Tuyết vẫn nhận tiền và hồ sơ của người có nhu cầu đi lao động ở Hàn Quốc và hứa đảm bảo thủ tục xuất cảnh cho họ trong thời gian 3 tháng.
Phạm Thị Tuyết tại tòa. |
Thông qua chị Dương Thị Tình trú tại tổ 44 cụm 5, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội, Phạm Hùng Tiến và Phạm Thị Tuyết quen với Lương Tuyến. Lương Tuyến tự giới thiệu là kế toán tại Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng, chuẩn bị nghỉ hưu, được cơ quan bố trí cho làm thêm ở bộ phận xuất khẩu lao động nên Phạm Hùng Tiến và Phạm Thị Tuyết đã thỏa thuận với Lương Tuyến về việc thu tiền của người lao động.
Hai bên thỏa thuận với nhau: Công ty Đức Minh nhận hồ sơ và tiền của người lao động để chuyển cho Lương Tuyến.
Để được xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, mỗi người lao động phải nộp 8.000 USD, nộp tiền đặt cọc trước 2.000 USD/người. Nếu người lao động là quân nhân xuất ngũ, đi theo tiêu chuẩn của quân đội phải nộp 6.500 USD/người, nộp tiền đặt cọc trước là 3.000 USD/người.
Từ tháng 8/2005 đến tháng 10/2006, Phạm Hùng Tiến, Phạm Thị Tuyết và Lương Tuyến đã lợi dụng danh nghĩa Công ty cổ phần Thương mại Đức Minh và mạo nhận là nhân viên kế toán của Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng để thu tiền của 42 người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc hòng chiếm đoạt tiền của họ.
Hành vi của Phạm Hùng Tiến, Phạm Thị Tuyết và Lương Tuyến bị quy vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a, khoản 4, điều 139, Bộ Luật hình sự.
Sang Hàn Quốc: Nộp gần 700 USD, không phải đặt cọc
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐTB-XH, nguyên Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam ở Hàn Quốc cho biết: Để sang lao động tại Hàn Quốc theo đường chính thống, người lao động chỉ cần nộp gần 700 USD và không cần phải nộp tiền đặt cọc.
Tuy nhiên kể từ khi đặt vấn đề đến khi sang được tới Hàn Quốc để lao động, phải mất ít nhất 5 đến 6 tháng chứ không phải 3 tháng như bọn cò mồi vẫn dụ dỗ những người cả tin.
Ông Hải cho biết: Đối với thị trường lao động Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc thực thi Luật cấp phép lao động nước ngoài và quy định các nước cử lao động, trong đó có Việt Nam, phải giao nhiệm vụ thực hiện chương trình trên cho Bộ Lao động. Chính vì vậy các công ty không thể nhảy vào để môi giới lao động được, mà đối với thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc phải do chính Bộ LĐTB- XH làm.
Đây chính là một trong những lý do mà xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc lại mất ít tiền hơn so với các thị trường lao động khác.
Sau khi học tiếng Hàn Quốc, người lao động phải trải qua kỳ thi cực kỳ nghiêm ngặt. Thậm chí chính người Hàn Quốc sang đây để trông thi nên không có chuyện tiêu cực trong phòng thi.
Sau khi đã trải qua kỳ thi nghiêm ngặt và đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, hồ sơ của người lao động sẽ được chuyển sang phía Hàn Quốc và được phía Hàn Quốc mã hóa lại nên phía Việt Nam cũng không thể biết được mã số đó.
Hồ sơ đó được chuyển đến một trung tâm môi giới việc làm của Hàn Quốc và các công ty của Hàn Quốc muốn tìm người lao động thì có thể tìm đến trung tâm này để tuyển chọn lao động. Sau khi tuyển chọn lao động qua hồ sơ, phía Hàn Quốc sẽ liên hệ với Việt Nam... và sau đó người lao động sẽ được đưa sang Hàn Quốc.
Vì quy trình tuyển lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc chặt như vậy nên khó có thể "chạy" xuất khẩu lao động Hàn Quốc.
Mặc dù có rất nhiều người bị lừa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và báo chí cũng đã lên tiếng cảnh báo nhiều nhưng vẫn có rất nhiều người bị lừa. Tiền mất mà ngày xuất ngoại thì xa vời...
Chính tâm lý nôn nóng muốn được nhanh chóng xuất ngoại đã trở thành "mảnh đất màu mỡ" để bọn lừa đảo tha hồ kiếm chác.
-
T.N