221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
996952
TP.HCM: "Trường ca" cứ mưa là... ngập!
1
Article
null
TP.HCM: 'Trường ca' cứ mưa là... ngập!
,

(VietNamNet) - Hệ thống thoát nước trên nhiều quận trung tâm TP.HCM, đặc biệt là Bình Thạnh tỏ ra "bất lực" trước cơn mưa lớn xảy ra gần 2 giờ vào chiều 23/10. Tình trạng ngập nước còn lâu mới "nói" lời chào tạm biệt.

Mưa là ngập

Đường Nguyễn Hữu Cảnh biến thành “sông” giữa lòng đô thị khi nước ngập lênh láng, dâng cao hơn cả dải phân cách. Nhiều taxi bốn chỗ ngồi đã chết máy khi lưu thông qua đường này, đặc biệt là đoạn trước tòa nhà The Manor. 

s
Đường Nguyễn Hữu Cảnh không khác gì con sông.

Nước đặc quách bùn đất từ công trình xây dựng khu dân cư của Công ty Him Lam và một vài công trình xây dựng cao ốc gần đó đổ ra ùn ùn làm tắc nghẽn hệ thống cống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Nhiều người điều khiển xe gắn máy đã sa vào hố đào do đơn vị thi công đang tiến hành sửa chữa toàn diện đường này.

Phía phường 22, nước ngập sâu từ 40-50cm, không thể phân biệt lòng đường và lề đường. Nhiều hộ dân hai bên đường đã cố dùng xô, thùng tát nước ra ngoài nhưng sau đành “buông xuôi”.

Cũng tại quận Bình Thạnh, đường Nguyễn Cửu Vân, đường Bình Quới, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ…nước ngập sâu hơn nửa bánh xe gắn máy, đặc biệt trên đường Nguyễn Cửu Vân, mặc dù hệ thống thoát nước ở đường này vừa được thay thế cách đây gần 3 tháng nhưng nước ngập sâu và thời gian rút nước dài. Trong khuôn viên của Công ty Cổ phần Giày da Sài Gòn, nước tràn vào nhà xưởng, đóng rêu xanh hàng tháng nay.

s
Gồng mình đạp xe qua đoạn đường ngập.

Trên đường Trần Quang Khải (quận 1), trước chợ Tân Định, nước ngập làm chết máy trên chục xe gắn máy. Theo quan sát của PV VietNamNet, hầu hết các miệng cống thu nước trên đường này đều bị rác bịt kín. Hệ thống đèn giao thông tại ngã tư Nguyễn Văn Giai - Trần Quang Khải hoạt động chập chờn làm ùn tắc tại giao lộ này hơn 1 giờ đồng hồ.

Hệ thống thoát nước trên đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng không khá hơn. Nước đọng lại sâu và kéo dài ngay ngã ba công viên Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) làm nhiều luồng xe lưu thông qua đây tắc nghẽn.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ đây đến thời điểm tết Nguyên đán, sẽ còn 5 đợt triều cường lớn tại TP.HCM. Vì thế, những quận, huyện có địa hình thấp hoặc có hệ thống sông Sài Gòn đi qua như Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 6, quận 8, quận 12… chắc chắn ngập nặng.

Năm nay ngập như năm ngoái

Theo đánh giá của Sở GTCC, trong năm 2007, tình trạng ngập tiếp tục diễn ra tại một số khu vực trọng yếu trong nội thị như: bùng binh Cây Gõ (đường Hồng Bàng, Minh Phụng, 3 tháng 2), vòng xoay Phú Lâm (đường Bà Hom, Nguyễn Văn Luông), bến xe Chợ Lớn (đường Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ, Phạm Đình Hổ), khu công viên Hoàng Văn Thụ, khu vực đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng, các tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)... với mực độ ngập tương đương năm 2006.

Những khu vực được mệnh danh là "rốn lũ" kể trên vì sao vẫn ngập và không có dấu hiệu giảm ngập qua từng năm? Sở GTCC cho biết do đây là các khu vực chưa được triển khai các dự án xóa giảm ngập cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay nên tình trạng ngập chưa có được những thay đổi lớn.

Việc triển khai cùng lúc nhiều dự án thoát nước lớn như dự án Vệ sinh môi trường, dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM cùng một số dự án sử dụng nguồn vốn trong nước trong quá trình thi công chưa lường hết được thực tế xảy ra để đề ra biện pháp thi công, dẫn dòng phù hợp nên xảy ra tình trạng nơi ngập càng ngập sâu và xuất hiện những điểm ngập mới. Và chính điều này đã làm gia tăng mức độ ngập cục bộ tại một số điểm ngay tại trung tâm thành phố như đường Lê Lợi, Lê Lai...

Cũng do nguyên nhân kể trên đã xuất hiện những điểm ngập được gọi là "điểm ngập do thi công" như khu vực đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, khu vực Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, khu vực Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khu vực đường Pastuer - Lê Lợi.

Vẫn trông chờ dự án sử dụng nguồn vốn ODA

Trong các mục tiêu đề ra trong cuối năm nay và trong năm tới, Sở GTCC cho biết sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước 5 lưu vực; xây dựng quy hoạch mạng lưới kênh rạch phục vụ cho mục đích thoát nước; quy hoạch các tuyến cống thoát nước chính để kết nối và phát triển mạng lưới cống nhánh...
 

d
Một gói thầu thuộc dự án Vệ sinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang triển khai trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa gây kẹt xe và ngập nước.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong điều kiện trước mắt, việc cần làm ngay trong thời điểm "nước đến chân vẫn chưa kịp nhảy" là đẩy nhanh tiến độ hệ thống cống vòm trên đường Đinh Tiên Hoàng; nạo vét cải tạo rạch Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn từ cầu ông Buông đến rạch Bà Lài) cũng như xây dựng hệ thống thoát nước xung quanh khu vực hồ sinh học thuộc phường Bình Hưng Hòa...

Theo phát biểu của nhiều lớp lãnh đạo Sở GTCC, TP.HCM sẽ thoát ngập khi các dự án lớn sử dụng nguồn vốn ODA được triển khai đồng loạt. Thế nhưng thực tế hiện nay, dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (lưc vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) đang "bấp bênh", còn dự án Cải thiện môi trường nước (lưu vực Tàu Hủ, Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ) vẫn cứ như "rùa bò" và nhiều dự án khác vẫn đang "chờ thủ tục".

  • Trần Duy  (bài và ảnh)

Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,