(VietNamNet) - Tai nạn giao thông (TNGT) đã được coi là vấn đề "đại sự quốc gia" và có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc tìm giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các lực lượng này vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn; dù cho số người chết hàng năm vì TNGT chẳng kém số người chết của những cơn bão lũ 1 năm cộng lại hay 1 cuộc chiến!
Về vấn đề này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG)
Ông Nguyễn Trọng Thái |
- Thưa ông, từ đầu năm 2007 đến nay, đã liên tiếp có những chỉ thị, nghị quyết của các cấp cao nhất nhằm kéo giảm tình hình TNGT, vậy, xin ông cho biết tình hình TNGT có chuyển biến gì?
- 9 tháng của năm 2007, đã có 11.034 vụ TNGT làm chết 9.919 người và 8.391 bị thương. So với thời gian này năm ngoái, số vụ giảm 71, nhưng số người chết lại tăng 496 người. Điều đó cũng phần nào cho thấy mức độ các vụ tai nạn nghiêm trọng tăng nhiều hơn.
Tuy nhiên, từ sau khi có Nghị quyết 32 của Chính phủ, tình hình đã được cải thiện, qua số liệ sau: 7 tháng đầu năm, so với cùng thời gian đó năm ngoái số người chết tăng 7%. Còn tính 8 tháng thì tăng 6%, và đến 9 tháng con số này còn 5,2%.
Một điều đáng lưu ý nữa, TNGT có xu hướng tăng ở khu vực nông thôn.
- Nguyên nhân của sự "chuyển hướng" này?
- Rõ ràng, công tác tuyên truyền ở các thành phố lớn đã đạt hiệu quả hơn. Các đô thị lớn đi đầu trong thực hiện đội mũ bảo hiểm trên các tuyến quốc lộ và cán bộ trong các công sở gương mẫu đội mũ bảo hiểm là một ví dụ.
Còn ở nông thôn, trong khi cơ sở hạ tầng, đường sá được nâng lên, hiện đại hơn mà ý thức về chấp hành giao thông chưa có chuyển biến đáng kể.
- Điều này cho thấy cần tăng cường vai trò của các lực lượng chính trị: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, nhà trường... trong những cuộc vận đồng về ATGT. Với tư cách là "người ở giữa", UBATGTQG đã làm gì trong việc huy động các lực lượng chính trị rộng lớn vào công tác đảm bảo ATGT?
- Từ sau khi Ban Bí thư có Chỉ thị 22, UBATGTQG đã liên tục phối hợp với các ngành như Trung ương đoàn, Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ... kí kết các nghị quyết liên tịch, nói rõ trách nhiệm của những cơ quan này trong công tác đảm bảo ATGT hay những cuộc vận động về vấn đề này.
Gần đây nhất, Nghị quyết 32 của Chính phủ cũng nói rõ trách nhiệm của một số bộ ngành: Công an, Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp...
- Chủ trương 1, biện pháp thực hiện phải 10, 20 mới mong đem lại hiệu quả. Trong vấn đề phối hợp giữa các lực lượng này, nếu chỉ dừng lại ở văn bản thôi thì liệu có hình thức? Và hiệu quả thực sự nó mang lại ra sao?
- Trách nhiệm của UBATGT trong việc này cũng chỉ ở mức độ đôn đốc thực hiện. Sự phối hợp giữa các lực lượng này chủ yếu dừng lại ở mức... trao đổi số liệu, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền!
Mới đây nhất, UBATGT đã thành lập 8 đoàn công tác về 23 tỉnh thành nhằm đánh giá lại hiệu quả.
Cá nhân tôi trong đoàn về các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Hà Tây. Song, thực sự cũng đang rất khó đánh giá! Bởi vì, nhiều địa phương thường tổ chức từng đợt, từng tuần hoặc nhiều là tháng cao điểm, có nghĩa là không được thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa như mong muốn!
Tốt cũng chỉ ở khâu... xây dựng văn bản, tổ chức hội nghị hoặc là tốt trong giai đoạn đầu. Còn việc duy trì trong một thời gian dài liên tục dường như chưa được coi trọng.
Đặc biệt, qua kiểm tra, quá trình thực hiện yếu dần khi xuống đến cấp huyện, xã.
Mà đây mới chính là cái "chốt" để nghị quyết, chủ trương được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống, để tránh làm hình thức, không mang lại hiệu quả.
- Tại sao không quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở - người gần dân nhất?!
- Vấn đề này cũng từng được nghĩ đến. Tuy vậy, trong thực tế khi triển khai ở các địa phương có nhiều vấn đề.
Ví dụ: Chính quyền phường xã thì không đủ lực lượng để dàn ra. Trong khi việc tuần tra xử lí lại thuộc thẩm quyền của lực lượng cấp huyện, tỉnh.
Hơn nữa, có địa phương xảy ra nhiều vụ TNGT nhưng là do phương tiện ở địa phương khác gây ra. Cho nên, quy trách nhiệm cho họ cũng không thật sự công bằng!
- Vậy trong quá trình thực hiện và đánh giá, với vai trò đầu mối, UBATGT có kiến nghị được giải pháp nào mới?
- Nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 32 theo tôi đã rất căn bản rồi. Vấn đề là có một "đầu mối" như có ý kiến đưa ra là cần có 1 Phó Thủ tướng làm Chủ tịch UBANGT để chỉ đạo các bộ thực hiện những giải pháp này một cách đồng bộ và quyết liệt thì chắc chắn hiệu quả hơn nhiều!
- Phải chăng, trách nhiệm của vị "tổng tư lệnh" - Chủ tịch UBATGTQG lúc này là rất lớn nhưng tiếng nói chưa đủ "sức nặng" để tập hợp được một khối thống nhất?!
- ...( im lặng 1 lúc)... Dù sao cũng có hạn chế hơn. Khi Phó Thủ tướng làm, chắc chắn sự chỉ đạo sẽ có sức nặng hơn.
- Liên quan đến vấn đề quyền hạn này, Nghị quyết 32 của Chính phủ cũng giao cho UBATGTQG phối hợp với Bộ Nội vụ (chủ trì) trong năm 2007, trình Chính phủ "phương án kiện toàn UBATGTQG và Ban ATGT ở địa phương theo hướng nâng cao trách nhiệm, quyền hạn trong tổ chức phối hợp và tính chuyên nghiệp của bộ máy", việc này được chuẩn bị ra sao, thưa ông?
- UBATGTQG đã tích cực phối hợp. Tuy nhiên, thời gian này, cơ cấu tổ chức bộ máy của các bộ vừa có sự thay đổi vì tách, nhập 1 số bộ nên Bộ Nội vụ còn bận. Chúng tôi vẫn tiếp tục liên hệ và chờ sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ.
- Xin cám ơn ông!
-
Chí Hiếu (thực hiện)