221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1001210
Miền Trung:Lũ chồng lũ, lại người chết, nhà ngập, sơ tán dân
1
Article
null
Miền Trung:Lũ chồng lũ, lại người chết, nhà ngập, sơ tán dân
,

(VietNamNet) - Mưa lớn 2 ngày qua khiến lũ các sông Quảng Ngãi, Phú Yên dâng trên báo động 3. Nhiều tuyến đường ngập sâu 1m; nhiều khu dân cư bị chia cắt hoàn toàn. Lại thêm 2 người chết, 2 người mất tích.

>> Mưa lũ lớn lại uy hiếp hàng vạn hộ dân miền Trung 

Thanh tra giao thông Quảng Nam bố trí tại các điểm nóng để đảm bảo an toàn giao thông trong mưa lũ Ảnh: CTV
Thanh tra giao thông Quảng Nam bố trí tại các điểm nóng để đảm bảo an toàn giao thông trong mưa lũ Ảnh: CTV
Quảng Nam: Chuẩn bị sơ tán hàng ngàn hộ dân

Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam cho hay, sau một ngày đêm rút chậm, đến chiều 4/11, mực nước trên các sông trong tỉnh đã đồng loạt lên cao trở lại.
 

Lúc 16g ngày 4/11, mực nước tại hồ Phú Ninh đã lên tới 30,34m. Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Nam đã phải cho mở cửa cả 2 tràn xả lũ thứ 2 và thứ 3. Đây cũng là đợt xả tràn lớn nhất của hồ Phú Ninh trong cả 4 đợt lũ. Việc mở 2 tràn xả lũ đang gây ngập cục bộ cho một loạt xã thuộc huyện Núi Thành, Phú Ninh và TP Tam Kỳ ở vùng hạ lưu Phú Ninh. Nếu mưa lũ tiếp tục kéo dài, nhiều khả năng cả ngàn hộ dân vùng này phải đi sơ tán. 

 

Do lũ lên đều tại sông Thu Bồn và sông Vu Gia nên nhiều khu dân cư tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, thị xã Hội An… bị chia cắt. Sông Trường Giang nước lũ cũng lên nhanh, cô lập vùng Đông Duy Xuyên và TP Tam Kỳ. Hơn 4.000 nhà dân đã bị ngập lũ trở lại. Mưa lũ làm cho các tuyến đường lên các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My và đường Hồ Chí Minh đoạn Azứt - P’rao bị sạt lở nhiều đoạn. Huyện Nam Trà My tiếp tục mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn chưa được khắc phục. 

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết đã thông báo chuẩn bị sơ tán dân đợt 2; đồng thời cho học sinh các trường nghỉ học vào ngày mai 5/11. Tại Hội An, chính quyền thị xã đang tập trung sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Du khách nước ngoài đang lưu trú tại Hội An cũng liên tục được cảnh báo không tham quan phố cổ khi mưa lũ còn diễn biến phức tạp. Hầu hết các bến đò Cẩm Kim, Cửa Đại... đã bị tạm thời cấm hoạt động. 

 

Nước lũ đã gây ngập lụt tại nhiều xã huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: V.Trung
Nước lũ đang gây ngập lụt tại nhiều xã huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: V.Trung
Mưa lũ làm cho các tuyến đường lên các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang , Nam Trà My và đường Hồ Chí Minh đoạn Azứt - P’rao bị sạt lở nhiều đoạn. Tình trạng tắc đường không những chưa khắc phục được mà còn càng ngày càng trầm trọng hơn do có thêm nhiều điểm sạt lở mới. Trong ngày 4/11, huyện Nam Trà My đã bị mất điện khiến hệ thống thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn. 

 

Theo Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam, đến chiều 4/11, gần 1.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và vùng biển ngang của ngư dân Quảng Nam đã vào nơi trú ẩn an toàn. Đã tìm được xác 3 người chết hôm 2/11 là Lê Văn Kỳ (26 tuổi, quê Hương Khê, Hà Tĩnh, nhân viên Công ty Cổ phần Bông miền Trung, bị lũ cuốn), Hà Phước Nguyên (20 tuổi, quê Điện Bàn, chết cùng lúc với Kỳ); Trần Nguyễn Thuỳ Trang (9 tuổi, quê Đại Lộc, bị lũ cuốn khi đi đánh cá với cha).  

 

Riêng hai trường hợp là bà Phạm Thị Tám (61 tuổi, ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) đi vớt củi và cháu Hồ Thị Thảo (13 tháng, ở xã Trà Dơn, Nam Trà My) theo anh đi câu cá bị lũ cuốn trôi vẫn chưa tìm được xác. Như vậy Quảng Nam đã có 20 người chết và mất tích trong đợt mưa lũ từ ngày 15/10 đến nay. 

Phú Yên: Lũ dâng bất ngờ, 1 người chết

Sáng sớm nay (4/11) mực nước sông Đà Rằng đã vượt kè Bạch Đằng tràn vào TP. Tuy Hoà gây ngập một số tuyến đường, khu vực chợ trung tâm cũng chìm trong biển nước.

Tại huyện Phú Hoà, theo thông tin VietNamNet vừa nhận được, 80 hộ dân xóm Bến, Suối Cát, xã Hoà Hội bị nước lũ bao vây. Đến 10h sáng nay (4/11) lực lượng cứu hộ đã đưa được 42 người già và trẻ em đến nơi an toàn. Huyện Phú Hoà đang tổ chức lực lượng di dời những hộ còn lại ra khỏi vùng bị ngập.

Ở Phú Yên, lũ lên chỉ sau 1 đêm. Ảnh: Tr.Kế
Ở Phú Yên, lũ lên chỉ sau 1 đêm. Ảnh: Tr.Kế

Thông tin từ BCH PCLB tỉnh Phú Yên cho biết, lúc 14h30 phút chiều 3/11, em Võ Văn Thạch (sinh 1987, trú ở vùng 8, xã An Nghiệp, huyện Tuy An) trên đường về nhà, khi lội qua khu vực cầu Cây Cam gặp nước chảy xiết đã bị cuốn trôi, sáng nay vẫn chưa tìm được xác.

Ngoài ra, 23 công nhân đang thi công công trình thuỷ điện Đá Đen tại xã Hoà Mỹ Tây huyện Tây Hoà đang bị cô lập giữa biển nước, nhưng lực lượng cứu hộ chưa tiếp cận được do lũ quá mạnh. 

Tại huyện miền núi Đồng Xuân tất cả các tuyến đường giao thông về tỉnh đều bị nước ngập sâu trên 1m và chia cắt hoàn toàn. Trong sáng nay lực lượng cứu hộ tại chỗ ở các huyện Sơn Hoà, Phú Hoà đã sơ tán được 150 người dân gồm người già và trẻ em tại các vùng Bãi Điều thị trấn Củng Sơn, Xóm Bến, xóm Cát, xã Hoà Hội ra khỏi nơi an toàn. 

Theo Phó giám đốc Công ty Quản lý - sửa chữa đường bộ Phú Yên, Cù Huy Kiểm, đợt mưa lớn vừa qua đã gây sạt lở mái ta-luy dương thuộc khu vực đèo Cù Mông và đèo Cả. Tại đèo Cù Mông, hai khối đá lớn khoảng 20m3 đã lăn xuống lấp rãnh thoát nước dọc, buộc đơn vị này phải huy động lực lượng chẻ đá.

Đoạn Quốc lộ 1A đi qua đèo Cả có đến 5 điểm đá rơi và 2 điểm mái ta luy dương bị sạt tại km1355 và km1365 làm đất, đá tràn xuống mặt đường. Hiện hai điểm này đã được xử lý kịp thời nên không gây tắc giao thông.

Hiện nay nước sông đang tiếp tục dâng cao nhiều vùng đang tiếp tục bị ngập và nguy hiểm. BCHPCLB - TKCN tỉnh đang khẩn trương triên khai các phương án ứng cứu. Lực lượng vũ trang tỉnh gồm BCHQS tỉnh, BCH BĐBP tỉnh và Công an tỉnh từ sáng nay đã tăng cường tại các điểm xung yếu để giúp dân sơ tán.

Người dân phải dùng đò vận chuyển xe máy. Ảnh: H.Minh
Người dân Quảng Ngãi phải dùng đò vận chuyển xe máy. Ảnh: H.Minh

Quảng Ngãi: 6/6 huyện miền núi bị lũ cô lập, 1 người chết, 2 mất tích

Từ đêm ngày 2 đến ngày 4/11/2007, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa lớn, với tổng lượng mưa đo được từ 300- 500 mm. Đến cuối ngày 4/11, mực nước các sông trong tỉnh dâng trên báo động 3. 6/6 huyện miền núi bị lũ cô lập.

Hiện tại các tuyến đường lên các huyện miền núi Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ và Sơn Hà đã bị lũ làm sạt lở và ngập sâu nhiều điểm, giao thông tắc nghẽn. Hệ thống điện và thông tin liên lạc tại huyện Sơn Tây và Tây Trà hoàn toàn tê liệt. 

Các huyện miền núi còn lại, nhiều xã vùng sâu, vùng cũng không thể liên lạc. 

Từ huyện Trà Bồng, ông Hồ Văn Thế - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tại núi Làng Hót, thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm huyện Trà Bồng có nứt rộng khoảng 5m, dài trên 20m. Nếu tiếp tục có mưa lớn, sẽ gây sạt lở, đe doạ tính mạng trên 10 hộ dân ở đây. Ngoài ra, còn một vết núi nứt dài khoảng 200m cạnh đường tỉnh lộ 622, lý trình km 13, thuộc khu vực tổ 3, thôn Trà Xanh, xã Trà Lâm. Ở các xã Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Sơn, Trà Tân…, 32 hộ dân cũng đang bị đe doạ do sống dưới chân núi. Một đoàn công tác của UBND huyện Trà Bồng đã đến hiện trường vận động dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại huyện Tây Trà, do tuyến đường liên huyện bị sạt lở gây đứt cáp quang, đổ trụ điện, hệ thống thông tin, điện thắp sáng trên địa bàn huyện bị tê liệt hoàn toàn từ ngày 3/11. Nguy cơ thiếu đói và rét đối một bộ phận đồng bào rất có thể xảy ra, vì trời mưa liên tục cả tuần, đường bị sạt lở, chia cắt; lương thực, thực phẩm dự trữ trong nhà đã cạn. 

Từ huyện Sơn Hà, bà Đinh Thị Ruy A - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Lúc 19h 30 ngày 2/11, anh Đinh Văn Hạ (SN 1979) - công tác ở Hạt duy tu bảo dưỡng đường bộ huyện Sơn Hà chở chị Phạm Thị Thắm (SN1985) - công tác ở Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Hà đi sinh hoạt đoàn về qua cầu tràn sông Rin bị nước lũ cuốn trôi.

 Một trường mầm non ở trung tâm huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) bị nước "bao vây". Ảnh: H.Minh
 Một trường mầm non ở trung tâm huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) bị nước "bao vây". Ảnh: H.Minh
Ngày 3/11, huyện Sơn Hà cử 3 ca nô và hơn 20 thanh niên xung kích tìm kiếm nhưng đến nay thi thể nạn nhân vẫn chưa vớt được. 

Thống kê ban đầu về thiệt hại tài sản: khoảng 25 xã, thị trấn ở các huyện đồng bằng bị nước lũ chia cắt; hơn 76 khu dân cư với khoảng 1.000 hộ dân ở các xã ven sông Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu, sông Vệ, sông Giang, sông Thoa... bị ngập chìm trong nước lũ từ 0,3 - 1,5 m. 

Ông Nguyễn Văn Tráng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện nhiều khu dân cư đang ngập chìm trong nước lũ, như thôn Xuân Phổ (Nghĩa Kỳ), thôn Vạn An (Nghĩa Thương); toàn bộ xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa An... và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập và sạt lở nghiêm trọng. Nước lũ cũng đã tràn qua cầu Cháy (Quốc lộ 1A), xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn khiến chiếc cầu tạm này bị xói lở rất nghiêm trọng. 

Để hạn chế thiệt hại về người, các xã đều cử lực lượng xung kích canh gác ở các tuyến đường bị ngập và treo bảng báo hiệu nguy hiểm. Trong trường hợp nước lũ dâng cao, huyện sẽ chỉ đạo di dời dân đến tạm trú ở các trường học. 

Tại huyện Mộ Đức, các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB&TKCN đã đi kiểm tra và chỉ đạo các địa phương bị ngập nặng và có nguy cơ sạt lở cao như Đức Hiệp, Đức Lợi, Đức Nhuận, Đức Thắng, Đức Phong... sẵn sàng di dời dân.

Ở huyện Nghĩa Hành, nước lũ từ sông Giang tràn vào từ tối ngày 3/11. Đến trưa ngày 4/11, hơn 2/3 số xã trong huyện bị nước lũ chia cắt, nặng nhất là các xã Hành Thịnh, Hành Phước, Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây... Hơn 300 hộ dân ở thôn Phú Lâm, xã Hành Thiện bị ngập chìm trong nước từ 0,5 đến 1m.

Nước lũ cuồn cuộn tại cầu Trà Khúc (Quảng Ngãi). Ảnh: H.Minh
Nước lũ cuồn cuộn tại cầu Trà Khúc (Quảng Ngãi). Ảnh: H.Minh
Trước tình trạng trên UBND xã đã cho những hộ dân đưa gia súc đến tạm nhốt tại trụ sở UBND xã và những khu vực cao khác. 

Tình trạng trên cũng xảy ra ở đường phố Quảng Ngãi, như ngã năm cũ, đường Chu Văn An, Nguyễn Công Phương, Phan Bội Châu, Nguyễn Nghiêm, Võ Thị Sáu, Trần Hưng Đạo... Đoạn đường trước chợ Nghĩa Dõng ngập sâu hơn 1m. 

Tại huyện Sơn Tịnh, vào lúc 7h sáng ngày 4/11, một người làm cho doanh nghiệp khai thác cát Thái Tuấn trong lúc thu dọn lều để tránh lũ tại xã Tịnh An thì bị nước cuốn, ngay sau đó, ca nô cảnh sát đường thủy Công an tỉnh phối hợp với nhân dân địa phương đã kịp thời cứu vớt nạn nhân đưa vào bờ.

Trước đó vào chiều ngày 31/10 em Hồ Văn Thuỷ, 15 tuổi, học sinh lớp 9, ở thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong trên đường đi học về đã bị sập cống chết. 

Trong lúc tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ngãi lại chuẩn bị đối mặt với cơn bão Peipah đang hoạt động trên vùng biển phía đông Philippin. 

Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi tính đến 6h ngày 4/11, có 572 chiếc còn hoạt động trên biển. Riêng chiếc tàu BN 0403, do ông Phạm Văn Hợp (ở tỉnh Bắc Ninh) làm thuyền trưởng, trên tàu có 5 công nhân đang thi công tại cảng Dung Quất trên đường chạy núp gió bị gãy lái trôi dạt vào bãi ngang cửa Sa Cần. 

Hiện tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã kết hợp với các đài canh thông tin Tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương và gia đình chủ thuyền, thường xuyên liên lạc thông báo vị trí, hướng di chuyển cơn bão Peipah để số tàu thuyền trên biển biết chủ động tìm nơi cư trú an toàn. 

Trước tình hình nhiều địa phương bị ngập lụt dâng cao, giao thông chia cắt, cô lập và tiếp tục sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới, tỉnh Quảng Ngãi cần 2.000 tấn gạo, 100.000 thùng mì tôm và 500 cơ số thuốc để cứu trợ gấp cho những địa phương bị thiệt hại trên.  

Mưa lũ kết hợp triều cường đã đánh sập nhiều công trình, nhà cửa của người dân vùng ven biển Liên Chiểu (Đà Nẵng) Ảnh: HC
Mưa lũ kết hợp triều cường đã đánh sập nhiều công trình, nhà cửa của người dân vùng ven biển Liên Chiểu (Đà Nẵng) Ảnh: HC
Đà Nẵng: Xói lở nặng bờ sông, bờ biển

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cho biết, mưa lũ kết hợp triều cường liên tiếp trong mấy ngày vừa qua đã đánh sập, cuốn trôi gần 20 cơ sở nuôi tôm sú giống của các hộ dân tổ 29, khối Kim Liên, phường Hoà Hiệp Bắc. Cả đoạn bờ biển hơn 500m từ nhà máy ximăng Hải Vân đến gần Đồn Biên phòng 244 bị xói lở, làm sập đổ nhiều nhà cửa và các công trình của nhân dân. 
 

 

Đoạn sông Cu Đê gần cửa biển cũng sạt lở khoảng 400m. Ngoài tác động của triều cường thi tình trạng hút cát quá nhiều vào những năm trước và việc nạo vét cầu cảng vào nhà máy ximăng Hải Vân cũng ảnh hưởng đến quá trình sạt lở, đang uy hiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại khu dân cư gần đó. 

 

Trước tình hình này, ông Dương Thành Thị cho biết đã tổ chức di dời 7 hộ dân tổ 29, phường Hoà Hiệp Bắc vào nơi an toàn. Sau nhiều nỗ lực đóng cừ, chèn bao cát… với chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng không ngăn được tình trạng biển xâm thực, UBND quận Liên Chiểu đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng xây dựng bờ kè chắn sóng bằng bê-tông để bảo toàn tính mạng và tài sản người dân khu vực này. Tuy nhiên dự kiến đến đầu năm sau thì dự án này mới được triển khai thực hiện.

  • Trình Kế - H.Minh - Hải Châu

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,