221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1001674
Lũ miền Trung: Trong 10 giờ, thêm 11 người chết
1
Article
null
Lũ miền Trung: Trong 10 giờ, thêm 11 người chết
,

(VietNamNet) - Chỉ từ 6h đến 16h ngày 5/11, Văn phòng đại diện Cục Quản lý Đê điều và PCLB tại miền Trung đã ghi nhận thêm 11 người chết vì lũ lụt!

 

Nhập mô tả vào đây

Lũ lụt đang tiếp tục tàn phá miền Trung Ảnh: HC

Đã có 53 người thiệt mạng

 

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng đại diện Cục Quản lý đê điều và PCLB tại miền Trung, đến 16h chiều nay 5/11, mực nước trên hầu hết các sông trong khu vực đã xuống báo động 2 và dưới báo động 2, chỉ còn sông Côn tại Thạch Hoà (Bình Định) ở mức báo động 3. Lượng mưa cũng giảm mạnh, hầu hết đã tạnh mưa hoặc chỉ còn mưa nhỏ với mức phổ biến 10 – 20mm.

 

Tuy nhiên số người chết và mất tích do lũ lụt tại miền Trung lại đang tăng nhanh. Lúc 6h sáng nay 5/11, Văn phòng đại diện Cục Quản lý Đê điều và PCLB tại miền Trung ghi nhận số người chết trong đợt lũ lụt kể từ ngày 29/10 là 42 người. Thế nhưng đến 16h, con số này đã tăng lên 53. Nghĩa là chỉ trong 10 tiếng đồng hồ qua đã có thêm 11 trường hợp thiệt mạng.

 

Trong đó, Phú Yên có 12 người, TT - Huế 11, Quảng Nam 9, Quảng Ngãi 8, Bình Định 6, Quảng Bình 3, Quảng Trị 2, Đà Nẵng và Khánh Hoà mỗi nơi 1 người (chưa kể một số trường hợp khác như chết đuối vì tắm ao hồ, sông suối… không được xem là thiệt mạng vì lũ lụt). Ngoài ra còn có 6 người mất tích (Khánh Hoà 1, Bình Định 2, Quảng Nam 3) và 32 người bị thương.

 

Đến thời điểm này, toàn khu vực đã có 80.265 nhà bị ngập, 17 nhà sập và trôi, 689 nhà tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng, 313 phòng học và 36 trạm y tế bị ngập, hư hỏng, 9.867 hộ phải di dời. 81.900m3 đất đá, và 2.500m3 bê tông, đá xây trên các tuyến giao thông bị sạt lở, trôi; 100km đường giao thông nông thôn bị hư hỏng.

 

6 công trình thuỷ lợi nhỏ, đập tạm bị vỡ; 3.000m3 bê tông, đá xây, đá kè bị trôi, hư hỏng; 32.000m3 đất sạt lở, bồi lấp; 45.000m3 đê, kè sạt lở. 29ha lúa và 672ha hoa màu các loại bị ngập, ngã đổ, hư hỏng. 600 tấn thóc và giống các loại bị hư hỏng. 6.200 gia súc, gia cầm bị chết, 528.000 con cá giống, 20 tấn cá, tôm bị trôi. 1.596ha ao cá, hồ tôm bị ngập. 362.000m3 đất bờ bao bị sạt lở. 2 trạm biến áp bị sự cố, cháy đổ, 70 cột điện bị gãy đổ.

 

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB TT - Huế và Quảng Trị thì giá trị thiệt hại vật chất do lũ lụt từ ngày 29/10 đến nay tại hai tỉnh này là 125 tỷ đồng, chưa kể còn rất nhiều địa phương khác trong khu vực chưa thể thống kê được hết thiệt hại do lũ lụt vẫn đang còn tiếp diễn.

Quảng Nam: Nguy cơ thiếu đói diện rộng

 

Ngày 5/11, hồ chứa nước Phú Ninh tiếp tục xả lũ ở cửa số 2 và số 3 trong khi lũ vẫn đang lên nhanh trên sông Trường Giang đã làm hơn 500 nhà dân vùng hạ lưu thuộc các huyện Phú Ninh, Núi Thành và TP. Tam Kỳ bị ngập từ 0,2m - 0,5m. 

Các huyện, thị ở cánh Bắc như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An tiếp tục bị ngập sâu trong lũ. Là “rốn lũ” Quảng Nam, hiện Hội An đã có 9/13 xã phường bị ngập. Riêng xã Cẩm Kim có 10.000 người bị cô lập trong lũ.

 

Nhập mô tả vào đây

Lúa vụ đông bị chết ngập khiến nhiều địa phương của Quảng Nam có nguy cơ xảy ra thiếu đói. Ảnh: HC

Ông Đỗ Như Hồng, Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, lũ lụt đã gây xói lở trạm bơm Lạc Thành (xã Điện Hồng) và khiến hơn 100ha rau màu vụ đông như: khoai lang, cải, hành... của huyện bị mất trắng.

 

Tại huyện Duy Xuyên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Công Dũng, ngoài 2 xã vùng cát, ít nhất 1.300ha rau màu ở nhiều địa phương khác bị hư hại hoàn toàn. Trong đó, 230m đê ngăn mặn (thuộc dự án 4617) ở thôn 2, xã Duy Nghĩa đã bị lũ phá tan nên nước biển tràn vào hàng trăm hecta đất nông nghiệp của địa phương.

Mưa liên tục, lũ ngâm nhiều ngày khiến toàn bộ 160ha lúa vụ đông đang trong giai đoạn trổ và ngậm sữa bị hư hại. 83ha khoai lang và 130ha rau màu các loại cũng mất trắng. Thời gian tới, nếu không kịp thời hỗ trợ nguồn giống cho nông dân khôi phục sản xuất thì tết này huyện có thể phải cứu đói cho hàng trăm gia đình.

 

Tại Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thống cho biết, trong mấy đợt mưa lũ vừa qua, toàn xã đã có ít nhất 20ha lúa, 50ha khoai lang và hàng chục ha rau màu bị hư hại hoàn toàn. Và, cũng như Duy Nghĩa, tết này lại phải lo cứu đói cho dân... Trong khi đó, người dân thôn Đông Bình (xã Duy Vinh) tiếp tục bị lũ đe dọa do xói lở đất.

 

Tại Đại Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Đức Tính cho biết, ’nửa tháng nay, trừ 5 xã vùng tây, tất cả các địa phương còn lại đều ngập sâu trong lũ, hàng loạt công trình phục vụ dân sinh hư hại nặng.

 

Tại các huyện miền núi, tình trạng tắc đường vẫn diễn ra trầm trọng. Trong sáng 5/11, tuyến đường Hoà Cầm (Đà Nẵng) - Dốc Kiền P’rao (Tây Giang - Quảng Nam) thêm 5 điểm sạt lở mới, gây ách tắc giao thông cục bộ. Tình trạng mất điện ở huyện Nam Trà My vẫn chưa khắc phục được.

 

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, từ ngày 15/10 đến nay, do mưa lũ tắt đường, trường THCS nội trú tập trung A Xan (dành cho học sinh 4 xã biên giới A Xan, TrHy, Chum và Gary) hoàn toàn bị cô lập, học sinh không thể về nhà lấy lương thực mà huyện cũng không thể ’đưa gạo lên cứu trợ.

 

Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định xuất 400 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp cho các vùng bị cô lập và một số trường dân tộc nội trú. Trong ngày 5/11, thông qua Hội Từ thiện Quảng Nam, Hội thánh Tin lành trưởng lão cũng hỗ trợ 800 suất quà (mỗi suất 16kg gạo) cứu trợ cho các xã khó khăn của Điện Bàn, Duy Xuyên và Tà Bhing (Nam Giang).

 

Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Nam cho biết, từ 12h ngày 5/11, tất cả tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh đã bị cấm ra khơi. Đến chiều cùng ngày đã có 52 tàu đánh bắt xa bờ với 201 lao động của tỉnh vào bờ tránh trú bão. Hiện không còn tàu thuyền nào của Quảng Nam ở ngoài khơi.

 

Ngoài ra, tại Cù Lao Chàm (Hội An) có 20 tàu vận tải và 21 tàu đánh bắt xa bờ (tổng cộng 246 thuyền viên) của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định... đang vào trú bão. Nhưng do âu thuyền Cù Lao Chàm không đủ an toàn để tàu thuyền có tải trọng lớn trú tránh bão, nên các tàu này được lệnh chậm nhất đến sáng 6/11 phải rời Cù Lao Chàm vào bờ.

Lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ
Lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ. Ảnh: H.Minh
Quảng Ngãi: Ngập 50.000 nhà dân, thêm 2 người chết

Theo báo cáo sơ bộ của
Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi chiều 5/11, đợt mưa lũ từ ngày 2 - 4/11 trên địa bàn tỉnh đã làm 5 người chết, đưa số người bị chết do mưa lũ gây ra trong các ngày từ 3/10 đến 4/11 lên 19 người.

Hai trường hợp thiệt mạng mới nhất được ghi nhận là của ông Đỗ Thạch (43 tuổi), ở thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh và em Nguyễn Văn Nhất (15 tuổi), ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Cả hai đều bị điện giật khi chạy lũ.

Vào lúc 14h chiều ngày 5/11, trên sông Trà Khúc, đoạn xã Nghĩa Dũng  (TP. Quảng Ngãi) đội cứu hộ của huyện Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi và Bộ chỉ quân sự tỉnh cũng đã vớt được xác của hai nạn nhân là Đinh Văn Hạ và chị Phan Thị Thắm ở huyện Sơn Hà, bị nước cuốn trôi vào ngày 2/11.

Ngoài thiệt hại về người, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hơn 50.000 ngôi nhà ở các địa phương trong tỉnh bị ngập nước; 58 ngôi nhà bị sập hoàn toàn hoặc bị tốc mái. Tuyến Quốc lộ 24 bị sạt lở từ km58-km69, khối lượng đất 1.500m3, tuyến quốc lộ 24B ngập sâu nhiều đoạn làm gián đoạn giao thông. Nhiều tuyến tỉnh lộ như Trà Bồng - Trà Thanh - Trà Phong, Minh Long - Sơn Kỳ, Quốc lộ 24 - Tây Trà và các tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hại nặng. Hiện còn trên 40.000 hộ dân còn bị ngập trong nước lũ, nhiều vùng bị chia cắt.  

Hệ thống thông tin liên lạc và điện sinh hoạt, điện thoại tại các địa phương thuộc huyện Tây Trà và một số xã của huyện Sơn Tây hiện vẫn chưa khôi phục được.   

Ngay trong sáng ngày 5/11, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã xuống các địa bàn bị thiệt hại nặng để đôn đốc các địa phương tổ chức khắc phục hậu quả, đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão Peipah… Tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định trích kinh phí 1 tỉ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình có người bị chết, bị thương và nhà bị sập, hư hỏng. 

Trong ngày lực lượng quân đội, công an, biên phòng và đoàn thanh niên đã về các vùng bị ngập để giúp dân khai thông đường, dọn vệ sinh và lợp lại nhà tốc mái. 

Lũ tấp rác đầybãi biển Đà Nẵng. Ảnh: HC
Lũ tấp rác đầy bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: HC
Đà Nẵng: Mất 1 tháng mới dọn sạch bãi biển

 

Ban tác chiến BĐBP Đà Nẵng cho hay, đến 17h ngày 5/11 đã kêu gọi được 40 tàu thuyền với trên 300 lao động vào bờ an toàn. Hiện còn 10 tàu thuyền với 101 lao động đang hành nghề lưới cản, lưới quét, lưới vây trên vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng. Ngoài ra, đến chiều 5/11, đã có 16 tàu với gần 200 lao động của Đà Nẵng vào trú bão tại Quảng Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng.

 

Tại âu thuyền Thọ Quang, các lực lượng chức năng đã hướng dẫn ngư dân đưa 307 tàu thuyền vào neo đậu trú bão; trong đó có 170 phương tiện ngoại tỉnh. Ngoài ra, trong thời điểm hiện tại có 36 tàu vận tải đang neo đậu tại các cảng của Đà Nẵng đã được hướng dẫn neo đậu vào nơi an toàn. Trong tối 5/11, BĐBP Đà Nẵng sẽ bắn pháo hiệu tại Sơn Trà và Hải Vân để báo bão cho các phương tiện còn hoạt động trên biển biết, tìm nơi trú tránh bão số 6.

 

Trong khi đó, ông Phạm Sau, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường sông biển (thuộc Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng) cho biết, hiện trên các bãi biển Đà Nẵng (từ Non Nước đến Xuân Thiều) hiện có hơn 1.000 tấn rác do lũ lụt tấp vào. Trong đó, bãi biển Mỹ Khê, Phước Mỹ và vịnh Đà Nẵng là những nơi bị ô nhiễm củi, rác nghiêm trọng nhất. Gần 1 tuần qua, đơn vị đã cử hơn 80 công nhân túc trực để thu gom rác trên các bãi biển, nhưng mới thu gom được trên 200 tấn.

 

Theo ước tính của ông Phạm Sau, phải mất ít nhất 1 tháng thì mới có thể thu gom hết lượng rác kể trên. Tuy nhiên hiện nước lũ trên thượng nguồn đang tiếp tục đổ về, nên lượng rác thải tấp vào các bãi biển của Đà Nẵng vẫn tiếp tục tăng lên đáng kể.

  • Hải Châu - H.Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,