(VietNamNet) - Dịch tiêu chảy cấp xuất hiện ở Hà Nội đã nhiều ngày, người dân hoang mang, lo lắng bởi đã có rất nhiều người mắc bệnh. Trong khi vẫn còn một số người tỏ ra thờ ơ với căn bệnh nguy hiểm này thì tại Khoa Khám bệnh, Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia không đủ chỗ cho bệnh nhân điều trị.
Hoang mang chuyện ăn uống
Dạo một vòng quanh các chợ ở Hà Nội chiều ngày 5/11/2007, chúng tôi nhận thấy một sự khác biệt trong việc mua sắm thực phẩm so với ngày thường ở đây. Đa số người đi mua thực phẩm đều biết rằng dịch tiêu chảy cấp đang hoành hành trong nhiều ngày qua. Họ cũng biết rằng có một số thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh tiêu chảy như rau sống, mắm tôm và nhiều thực phẩm sống khác.
Những quầy rau quả ế ẩm vì dịch bệnh tiêu chảy cấp ở các chợ tại Hà Nội những ngày này. Ảnh: Quang Cường. |
Đã có một sự thay đổi trong thực đơn của những người đi chợ. Hiện tại, ở Hà Nội đã cấm bán mắm tôm, tuy nhiên với các loại rau sống và thức ăn tươi sống người mua cũng rất dè dặt.
Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), rau quả vẫn được bày bán ngổn ngang cả trên sạp và dưới đất. Hàng cá cũng vẫn đầy ắp, cá chết nằm ngang ngửa trong rổ, cá đang sống thì bơi lội trong những chậu nước có màu đen đen sủi bọt, nhưng rất ít thấy người mua.
Chị Nguyễn Thị Hạnh bán rau, quả ở chợ Nghĩa Tân cho biết: “Mấy ngày hôm nay, loa phát thanh của phường liên tục tuyên truyền và cảnh báo về dịch tiêu chảy cấp nên người đi chợ cũng ít mua rau hơn ngày thường, thực phẩm tươi sống họ cũng chọn rất kỹ càng. Còn mắm tôm thì không có ai mua bán gì nữa”.
Người nhà chờ tin người thân tại Bệnh viện Bạch Mai chiều 5/11. Ảnh: Vũ Hoàng |
Hầu hết các chợ mà chúng tôi đi qua đều thấy người bán hàng thực phẩm tươi sống ngồi ngủ gà ngủ gật, còn người mua hàng thì lặng lẽ đi lại và phân vân lựa chọn.
Chị Hương bán hoa quả ở chợ Bưởi (Cầu Giấy) nói: “Tôi bán hàng giữa chợ này đã lâu nhưng bây giờ mua thức ăn cho gia đình cũng thấy sợ, vì không biết chọn loại nào cho an toàn. Nghe người ta nói ăn rau sống và mắm tôm dễ mắc bệnh tiêu chảy thì tôi không mua nữa. Thấy cái gì tươi và sạch thì mua nhưng vẫn không yên tâm lắm.Tôi rất sợ con cái bị tiêu chảy”.
Có một số người bán hàng tỏ vẻ e ngại hoặc trả lời thẳng thắn là không biết gì về dịch bệnh tiêu chảy cấp khi được hỏi.
Một chị bán gà quay trước cổng chợ Láng hồn nhiên nói: “Tôi không biết dịch bệnh gì cả, hàng của tôi vẫn làm sạch sẽ. Anh muốn hỏi thì vào trong chợ mà hỏi”.
Người bán thì bảo là hàng của mình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, còn người mua thì vẫn lo lắng mặc dù đã tận mắt nhìn thấy hàng tươi và sạch.
Ba người bệnh nằm chung một giường
Trong vai bệnh nhân bị tiêu chảy, chúng tôi đến Khoa khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai vào lúc 3h chiều qua (5/11).
Cháu Hằng (trái) cùng 1 bệnh nhân khác phải nằm trên cùng 1 giường xếp khi nhập viện tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia. Ảnh: Vũ Hoàng. |
Tại khu vực đón tiếp bệnh nhân, sau hơn 30 phút chờ đợi để được khám bệnh, tuyệt nhiên không có bóng dáng một y, bác sỹ nào. Lân la dò hỏi, hoá ra ở khu này đã chật cứng bệnh nhân, lúc sau có cô y tá giới thiệu: “Các anh qua bên Viện nhiệt đới đi (Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia), ở đây hết giường rồi. Từ hôm qua đến giờ bệnh nhân nhập viện liên tục khiến khu vực của chúng tôi không còn chỗ trống nữa”.
Tại đây PV VietNamNet đã chứng kiến cảnh hàng chục người bệnh đứng ngồi la liệt, cạnh đó người nhà của họ chen chúc nhau tại quầy khám bệnh chỉ mong kiếm được một suất…nằm viện.
Đa số các bệnh nhân đều có chung một triệu chứng: nhẹ thì đau bụng tiêu chảy, nặng hơn thì tiêu chảy và nôn mửa liên tục... Những triệu chứng đó cho thấy nguy cơ bị nhiễm dịch tiêu chảy cấp đối với người dân Hà Nội rất cao.
Tiếp tục dìu nhau sang khu vực Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia. Tại đây, sau khi được điều dưỡng viên Phạm Thị Hồng Toan đo nhiệt kế và khám sơ bộ, chúng tôi được hướng dẫn lên tầng 3, ở chung phòng với bệnh nhân tiêu chảy cấp.
Phòng chỉ còn lại một giường, bề ngang 1m, đã có một người đàn ông luống tuổi nằm ôm bụng rên hừ hự. Cô y tá xởi lởi: “Mấy hôm nay bệnh nhân nhập viện nhiều, em nằm chung giường với ông này nhé. Đau bụng quá thì kêu các chị".
Người đàn ông tên Thành (53 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy) vừa rên vừa nói: "Tôi nhập viện hôm qua (4/11), chỉ có ăn rau sống thôi anh à. Thế mà từ hôm qua bụng tôi đau liên tục, sáng giờ nôn hai lần rồi. May mà lúc nãy bác sỹ cho uống hai viên thuốc nên cũng đỡ. Chẳng biết rồi có trúng dịch hay không đây”.
Bệnh viện Bạch Mai đã quá tải. Ảnh chụp hồi 17h ngày 5/11. Ảnh: Vũ Hoàng. |
Thấy tôi hai tay ôm bụng, mặt nhăn nhó ra chiều đau đớn, ông Thành đưa ra cho tôi 1 viên NOROXIN (norflocaxin) còn lại: “Chú đau bụng thì uống viên này đi, lát nữa tôi lấy thuốc sau cũng được. Giờ bệnh nhân vào đông thế này, bác sỹ họ lo không kịp đâu”.
“Hôm qua tôi vào đây, giường này nằm 3 người, may sao 2 bệnh nhân kia chịu không được nên trốn viện. Tôi được nằm thoải mái một tý, nói thật với anh thà tôi nằm dưới đất còn hơn nhét 3 nguời trên cái giường này” - ông Thành nói thêm.
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy có một điều hết sức nghịch lý: hai ba bệnh nhân chen nhau một giường bệnh, thậm chí dọc hành lang người bệnh nằm la liệt. Thế nhưng vẫn còn một số giường bệnh không có người nằm, hỏi ra mới biết những giường đó bệnh nhân đã bỏ về hết.
Tuy nhiên, vì họ đã đăng ký nhập viện nên bệnh nhân khác không đuợc nằm cùng.
Ngoài hành lang, cháu Đỗ Thị Hằng (12 tuổi) nằm trên một cái ghế xếp và đang truyền nước biển. Nằm chung…ghế xếp với em là bệnh nhân tên Phương (20 tuổi,nhà ở phường Mai Dịch). Cả hai không giấu được vẻ hoảng hốt, lo sợ. Cháu Hằng nói: “Bố mẹ cháu đi làm, cháu vào đây sáng nay do đau bụng quá chịu không được. Không có tiền nạp viện phí nên phải nằm ngoài này chờ bố mẹ đến”.
Vừa lên giường nằm cùng ông Thành, lại có thêm một bệnh nhân khác vào. Cô y tá không ngần ngại chỉ ngay vào giường chúng tôi, ông Thành lắc đầu ngán ngẩm. Đến nước này, tôi cùng một đồng nghiệp nháy mắt nhau ra hiệu và im lặng rút lui khỏi bệnh viện.
-
Vũ Hoàng - Quang Cường