7/11, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em Hà Nội sớm giải quyết vụ em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ hành hạ suốt 10 năm.
>>Bắt khẩn cấp vợ chồng hành hạ em Bình
Bộ cũng yêu cầu thành phố Hà Nội rà soát ngay số trẻ lang thang cơ nhỡ đang làm việc trong các nhà hàng, cơ sở dịch vụ, giúp việc gia đình trên địa bàn.
Bà chủ quán phở được đưa về nhà để thực hiện lệnh khám nhà.
Theo ông Nguyễn Trọng An, Vụ phó Vụ trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, em Bình nay đã thành niên (21 tuổi), nhưng từ năm 7-8 tuổi đã bị gia đình chủ hành hạ. Vì vậy, Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em thành phố Hà Nội, nơi em Bình bị đánh đập, phải có trách nhiệm giải quyết.
Ông An cho biết, theo quy định pháp luật, Nguyễn Thị Bình thuộc nhóm trẻ lang thang, được pháp luật bảo vệ. Hiện cả nước có khoảng 12.000 trẻ thuộc nhóm này, nhưng đó chỉ là số sống ngoài đường phố. Còn trẻ lang thang đang làm việc cho các nhà hàng, cơ sở dịch vụ hoặc đi giúp việc gia đình thì chưa thống kê được.
"Con số này chắc chắn không nhỏ. Theo một báo cáo, riêng huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, đã có hơn 200 em đi giúp việc gia đình, làm việc trong các nhà hàng... tại Hà Nội. Tránh được các nguy cơ từ đường phố, song các em lại phải đối mặt với khả năng bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ và lạm dụng tình dục", ông An nói.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ rà soát lại toàn bộ trẻ em lang thang, kể cả ngoài đường phố và làm việc trong các nhà hàng, cơ sở dịch vụ để có chính sách bảo vệ ở 3 cấp độ: phòng ngừa, trợ giúp bằng các dịch vụ và phát hiện, cách ly các em khỏi môi trường bị xâm hại.
(Theo VNE)