(VietNamNet)- Ai cũng có cái tâm, sự hướng thiện. Nhưng do luật pháp chưa nghiêm minh, chưa bảo vệ được người lương thiện, người đi tố cáo nên họ lo sợ- Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ĐBQH TP.HCM Đặng Ngọc Tùng trao đổi.
Thưa ông, để một công dân bị ngược đãi, nhục hình suốt nhiều năm như vậy mà không ai lên tiếng, là trách nhiệm của ai?
Ông Đặng Ngọc Tùng
- Tất cả mọi người dân không ai có thể chấp nhận những hành động vô nhân đạo như vậy. Vì thế, hành vi đó cần xử lý xác đáng để tạo sức răn đe đối với những trường hợp khác, những trường hợp đầy đọa, nhục hình tương tự mà có lẽ vẫn còn chưa bị phát hiện.
Người lao động ở các cơ quan, doanh nghiệp luôn được bảo vệ quyền lợi từ phía Công đoàn. Còn với những người lao động tự do như oshin, người làm thuê cho các hàng, quán, lao động đường phố... ai sẽ đứng ra bênh vực họ? Khi mà thời gian qua báo chí đã phát hiện hàng loạt câu chuyện về trẻ em bị bóc lột sức lao động?
- Pháp luật đòi hỏi phải thật nghiêm minh để bảo vệ được những người dân, những người lao động. Quản lý nhà nước, đặc biệt quản lý về lao động phải có kiểm tra, giám sát.
Chẳng hạn, các cơ quan, doanh nghiệp có các tổ chức công đoàn. Còn những đối tượng lao động tự do... làm sao để bảo vệ được cho quyền lợi của họ? Họ nên tìm đến các tổ chức nghiệp đoàn để có thể được bảo vệ một cách chắc chắn hơn là so với đứng riêng lẻ. Tại TP.HCM, họ đã thành lập nghiệp đoàn những người thợ cắt tóc, những người đầu bếp, những người xe ôm, những người đạp xích lô... tập hợp những lao động tự do.
Trao đổi với PV báo Tiền Phong chiều 6/11, Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội QH cho biết: "Chính quyền địa phương cần phải xem xét lại việc em Nguyễn Thị Bình bị hành hạ có ai phát hiện không, đã có ai từng giúp đỡ gì em không?... Chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc và cơ quan pháp luật phải xem xét vấn đề này". |
Trong câu chuyện này, nhiều người băn khoăn về trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Bởi vì ở các địa phương bao giờ cũng đã có các đoàn thể xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.... Vậy vai trò của họ ở đâu?
- Tôi nhấn mạnh đặc biệt là luật pháp cho người lao động phải chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Từ góc độ một người dân bình thường, ông nghĩ gì về thái độ thờ ơ của những người hàng xóm khi suốt bao nhiêu năm chứng kiến chuyện cô gái trẻ bị hành hạ?
- Có người đã đặt vấn đề về sự vô cảm. Nhưng câu chuyện đặt ra là ai cũng có cái tâm, có sự hướng thiện. Do luật pháp chưa nghiêm minh, chưa bảo vệ được người lương thiện, người đi tố cáo nên họ lo sợ.
Vì vậy, nếu luật pháp đủ mạnh, chắc chắn sẽ đủ sức để bảo vệ và khích lệ những người dám mạnh dạn tố cáo. Có những dẫn chứng và bài học đã cho thấy rằng chính những người đi tố cáo lại là người bị ảnh hưởng đầu tiên, chịu những tác động tiêu cực.
Cảm ơn ông
Rà soát ngay số trẻ giúp việc gia đình ở Hà Nội! Theo ông Nguyễn Trọng An, Vụ phó Vụ trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, em Nguyễn Thị Bình thuộc nhóm trẻ lang thang, được pháp luật bảo vệ. Hiện cả nước có khoảng 12.000 trẻ thuộc nhóm này, nhưng đó chỉ là số sống ngoài đường phố. Còn trẻ lang thang đang làm việc cho các nhà hàng, cơ sở dịch vụ hoặc đi giúp việc gia đình thì chưa thống kê được. "Con số này chắc chắn không nhỏ. Theo một báo cáo, riêng huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, đã có hơn 200 em đi giúp việc gia đình, làm việc trong các nhà hàng... tại Hà Nội. Tránh được các nguy cơ từ đường phố, song các em lại phải đối mặt với khả năng bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ và lạm dụng tình dục", ông An cho biết. |
-
Lê Nhung (thực hiện)