UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở LĐ, TB&XH, UB Dân số, Gia đình và Trẻ em, CA TP, UBND các quận, huyện yêu cầu phối hợp hành rà soát số trẻ em đang làm thuê tại các gia đình, nhà hàng, cơ sở sản xuất, trên địa bàn.
>>Rà soát ngay số trẻ giúp việc gia đình ở Hà Nội!
Các nội dung thống kê: Tổng số gia đình, nhà hàng, cơ sở có sử dụng lao động trẻ em làm thuê, tổng số trẻ em làm thuê; Phân loại theo nhóm tuổi từ 9 đến dưới 13, từ 13 đến 16 tuổi, từ 16 đến dưới 18 tuổi; Phân loại theo nhóm công việc (giúp việc gia đình, làm thuê tại các nhà hàng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).
Có bao nhiêu trẻ phải chịu cùng số phận như em Nguyễn Thị Bình?
Tình hình hưởng lương và các chế độ, quyền lợi khác; Tình hình bệnh tật, tai nạn lao động (nếu có); Những kiến nghị, đề xuất của sở, ngành, quận, huyện. Sở LĐ - TB&XH báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 30/11/2007.
Chiều qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, bà cảm thấy đau xót khi sự việc đau lòng xảy ra ngay tại Thủ đô.
Về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bà Hằng cho biết, rõ ràng để xảy ra vụ việc này ngoài việc xử lý nghiêm vợ chồng chủ quán phở đã hành hạ em Bình, cơ quan chức năng cũng cần phải xử lý nghiêm túc trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước như các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố; chính quyền địa phương, đặc biệt là cảnh sát khu vực.
“Một số cán bộ khi trả lời báo chí nói rằng không biết. Một công dân sống hơn 10 năm tại địa phương mà chính quyền, công an cũng không quản lý, không biết?
Không biết cũng là trách nhiệm rồi. Chính quyền không chỉ quan tâm đến người dân địa phương (người có hộ khẩu tại địa phương-PV), mà còn phải quan tâm đến những công dân sống trên địa bàn mình quản lý ”- Bà Hằng nhấn mạnh.
(Theo TPO)