221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1005990
Hỗ trợ người khuyết tật: Còn không ít rào cản!
1
Article
null
Hỗ trợ người khuyết tật: Còn không ít rào cản!
,

(VietNamNet) - Cả nước có khoảng 5,3 triệu người tàn tật. Các hoạt động hỗ trợ họ trong suốt những năm qua có nhiều thay đổi, tiến bộ nhưng cũng còn không ít rào cản.

Thay "thương hại" bằng "cảm thông"

Người khuyết tật cần sự hỗ trợ từ cộng đồng (Ảnh minh họa)
Người khuyết tật cần sự hỗ trợ từ cộng đồng. (Ảnh minh họa)
Khó khăn lớn nhất mà người khuyết tật đang gặp phải đó là việc tham gia giao thông và hoạt động tại các công trình công cộng. Đường tiếp cận cho người dùng xe lăn, thiết bị hỗ trợ hướng dẫn bằng âm thanh cho người khiếm thị ở các hè phố, tòa nhà, bến xe, xe buýt là không có hoặc chỉ tính trên đầu ngón tay. Hầu hết các công trình xây dựng trong cả nước đều xây dựng các bậc tam cấp cao, hoành tráng và quên đi trách nhiệm đối với những người khuyết tật.

Tổ chức người khuyết tật quốc tế Pháp đã từng thực hiện điều tra tại 137 tòa nhà công tại Hà Nội, bao gồm 19 tòa nhà hành chính, 7 cơ sở giáo dục, 9 bệnh viện, trạm xá, 16 khách sạn, 7 văn phòng của các công ty quốc tế, 29 trung tâm giải trí và 51 cửa hiệu. Kết quả thu được thật đáng buồn, chỉ có 11% số tòa nhà này có thể đủ tiêu chuẩn tiếp cận độc lập.

Tuy nhiên thay đổi về nhận thức xã hội cũng đang khá lên rõ rệt. Ví dụ: năm 2006, tại TP. Hồ Chí Minh, giám đốc một công ty xe khách đã có hành động bất ngờ đầy thiện ý khi đến tận nhà một người khuyết tật xin lỗi vì tài xế của công ty “bỏ chạy” khi nhìn thấy người khuyết tật vẫy xe. Hành động này của ông thực sự đáng trân trọng, đầy trách nhiệm với những người không may bị khuyết tật.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đàm Hữu Đắc khẳng định: "Nhận thức cách đây 7,8 năm và hiện tại đã khác nhau. Thay vào ánh mắt thương hại thì xã hội đã có sự cảm thông, chia sẻ, xoá đi mặc cảm của người khuyết tật".

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lương Phan Cừ nói: Pháp lệnh về người tàn tật được Quốc hội thông qua cách đây gần 10 năm đã đặt nền móng làm thay đổi cách nhìn và đối xử của xã hội, nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của người khuyết tật. Uỷ ban chúng tôi vừa đi giám sát, tại Đồng Nai có những nơi đào tạo học sinh câm điếc từ cấp I đến cấp III và thậm chí vào đại học, hay như Công ty Chân Thiện Mỹ mà chúng tôi tới thăm cũng đã tạo điều kiện rất tốt cho người khuyết tật. Rõ ràng đó là những minh chứng cho việc thay đổi cách nhìn nhận của xã hội.

Tuy nhiên ông Cừ nói thêm: Hiện nay người khuyết tật vẫn đang gặp những khó khăn nhất định ví dụ vẫn là chuyện tham gia giao thông, ngay đến người bình thường còn gặp khó khăn với điều kiện giao thông hiện nay thì liệu người khuyết tật có tránh khỏi? Ông "tiết lộ": Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng pháp luật đến năm 2012 sẽ nâng cấp pháp lệnh về người tàn tật lên thành luật. Đó chính là cách nhìn nhận nghiêm túc nhất về người khuyết tật.

Bỏ quên khuyết tật trí tuệ

Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD) được coi là một trong những cây cầu nối giữa 5,3 triệu người khuyết tật trong nước với xã hội suốt gần một thập kỷ qua. Ban này trực thuộc Bộ LĐTB-XH nhưng là tổ chức liên ngành vì có sự tham dự của các uỷ viên từ nhiều bộ, ngành khác.

Ông Nghiêm Xuân Tuệ - Giám đốc Văn phòng NCCD nhớ lại: Năm 2001 thành lập ban, Bộ GTVT đã cử cán bộ tham gia ngay từ những ngày đầu tiên. Nhưng sau 3 năm hoạt động, uỷ viên này chẳng đóng góp gì cho lĩnh vực mình phụ trách, thế là chúng tôi gửi thư báo cáo thẳng Bộ trưởng Bộ GTVT. Lập tức bộ này cử người thay thế và liền sau đó là một chương trình rộng lớn trong ngành Giao thông Vận tải liên quan đến lĩnh vực khuyết tật đã được triển khai như đóng các loại xe hơi, xe buýt có đường lên xuống cho xe lăn.

Ông Đàm Hữu Đắc đánh giá: NCCD đã giúp cho các cơ quan chức năng ra được những văn bản liên quan đến người khuyết tật, trên cơ sở đó có những thay đổi, ví dụ xây dựng các công trình công cộng, giao thông cho người khuyết tật mà Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện đang đi đầu

Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội, ông Vũ Mạnh Hùng cũng cho rằng, bản thân người khuyết tật thường rất cố gắng nhưng nếu không nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng thì sự tiến bộ rất chậm. Thông qua những hoạt động của mình NCCD đã giúp người khuyết tật trong nước hội nhập với khu vực và thế giới, từ đó nâng cao trách nhiệm sống của chính mình.

Sau 7 năm hoạt động của tổ chức này, ông Nghiêm Xuân Tuệ thẳng thắn nói: "Chúng ta đang bỏ quên mảng khuyết tật trí tuệ. Tôi được biết ông Beng Languist, báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc đã khuyến nghị điều này lên Thủ tướng Chính phủ. Trong những năm tới, NCCD sẽ phải tập trung hơn đối với nhóm khuyết tật này".

  • Đỗ Minh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,