>>Triều cường lịch sử, hàng ngàn hộ dân rối loạn
>>Video clip: Ngập trắng ngày không mưa
>>TP.HCM: "Trường ca" cứ mưa là... ngập!
>>Ngập nước ở TP.HCM theo lời giải của "người xưa"
Nước phá bờ bao dễ như chẻ tre
Đúng như dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) TP.HCM, chiều tối 27/11, đỉnh triều mới xuất hiện cao không thua gì đợt triều cường vừa xảy ra vào cuối tháng trước. Khoảng 16h, mực nước trên các con sông, kênh rạch tại quận Bình Thạnh, quận 12, quận Thủ Đức bắt đầu dâng cao.
Nước tràn sông.
Đến 19h, nước tràn bờ sông Sài Gòn, đổ ra đường Trần Xuân Soạn (quận 7) khiến con đường chạy dọc ven sông này lênh láng nước. Ở đường Trần Xuân Soạn, đoạn luồn dưới chân cầu Tân Thuận 2, những đợt triều cường làm nước tràn bờ dâng lên đều đặn đã phá nát con đường này và hình thành nên ổ voi, ổ gà gây nguy hiểm cho người dân. Nhiều người điều khiển xe gắn máy, xe tải loại nhỏ đã sập hố khi đi qua đây trong đợt triều cường lớn chiều 27/11.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại quận Bình Thạnh, nước sông cuốn trôi 4 đoạn bờ bao thuộc phường 28 dễ dàng như thế chẻ tre. Một đoạn bờ bao dài khoảng 4m tại Trường THCS Bình Qưới Tây bị nước cuốn phăng khiến cho ngôi trường này mênh mông nước. Nước ngập lún bàn ghế, làm hư hỏng nhiều tài liệu và máy móc của ngôi trường này, hàng trăm học sinh đã phải nghỉ học. Các hộ dân gần đó cũng lâm vào tình cảnh bi đát. Cá nuôi thoát ra sông, hoa màu úng nước và đồ dùng gia đình của các hộ dân bị nước ngấm vào làm hư hỏng nặng. Trạm Y tế phường bị thấm ướt một số hồ sơ. Trụ sở UBND phường 28 cũng ngập sâu từ 20- 30cm.
Lãnh đạo UBND phường 28 đã triển khai lực lượng phường đội, tổ trật tự đô thị, lực lượng quân đội và người dân trong khu vực tham gia khắc phục, gia cố đoạn bờ bao bể. Hàng chục nhân công khẩn trương tập trung gia cố đoạn bờ bao tổ 9 để học sinh Trường THCS Bình Quới Tây không phải nghỉ học trong thời gian tới.
Tại quận Thủ Đức, phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Trường Thọ, Linh Đông, Tam Phú vẫn là những nơi bị thiệt hại nặng nhất trong đợt “đại triều cường” này.
Đặc biệt tại phường Hiệp Bình Phước, mực nước dâng cao lên đến 0,8m làm ngập 10ha vườn mai. 700 hộ dân thuộc khu phố 4, 6 chưa hoàn hồn sau đợt bể bờ bao vào cuối tháng 10 nay phải hứng chịu thêm thiệt hại mới.
Bờ bao rạch Đỉa thuộc khu phố 4 bị vỡ một đoạn dài khoảng 10m. Nước từ sông tràn qua lỗ hổng này ào ào chảy vào khu dân cư. UBND phường Hiệp Bình Phước đã vận động nhân dân trong khu vực hàn đắp các đoạn đê bể.
Ngày 27/11, Công ty Đại Hòa và HTX Nông nghiệp dịch vụ Hiệp Bình Phước tiếp tục phối hợp hàn lại đoạn bờ bao xung yếu bị bể tại rạch Đỉa. BCH PCLB thành phố đã tăng cường lực lượng cơ động của thanh niên xung phong, dân quân phường và dân quân tăng viện của Ban Chỉ huy quân sự thành phố tham gia khắc phục 2 đoạn bờ bao bể tại rạch Đỉa và rạch Cầu Đúc Nhỏ.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc và đoàn thể quận Thủ Đức cho biết sẽ triển khai cứu trợ cho các hộ gặp khó khăn bị thiệt hại nặng nề tại 5 phường nói trên. Trung tâm Y tế dự phòng Thủ Đức cũng tổ chức làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng cho các khu vực ngập úng để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh phát sinh.
Theo thống kê sơ bộ của BCH PCLB TP.HCM, chỉ tính quận Thủ Đức, đợt triều cường gây vỡ đê bao trong hai ngày qua đã làm thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Bờ bao cứ vỡ, dự án ì ạch
Theo ông Đoàn Văn Thu, Chánh Văn phòng BCH PCLB thành phố, trong đợt triều cường cuối tháng 11/2007, quận 12 là nơi có số đoạn bờ bao xung yếu bị nước cuốn phăng nhiều nhất.
28 đoạn bờ bao dọc rạch Giao Khẩu, sông Sài Gòn, rạch Cam, rạch Ba Thôn, rạch Sáu Chịu (phường Thạnh Lộc), rạch Quản (phường Thạnh Xuân) đã bể, gây ngập úng khoảng 300ha đất nông nghiệp, hoa màu. Ước tính thiệt hại khoảng 950 triệu đồng.
Một số đường giao thông chính trên địa bàn huyện Bình Chánh bị ngập sâu từ 20- 30cm kéo dài 3km. Cụ thể như đường Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Hữu Trí, Dương Đình Cúc, An Hạ, An Phú Tây- Hưng Đa, Hưng Long- Quy Đức (xã Bình Lợi), đường đê tập đoàn 10-11-12 (xã Hưng Long), thị trấn Tân Túc…
Gia cố bờ bao bể tại rạch Đỉa (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức).
Vào thời điểm đỉnh triều, gần 50% bờ bao, công trình thủy lợi tại huyện Bình Chánh bị ngập tràn ở độ sâu 10- 15cm. Triều cường đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 272 hộ dân. Ruộng mía và vụ lúa vụ mùa tại khu B (xã Bình Lợi) bị ngập sâu đến 50cm, phủ tràn trên diện tích 120ha.
Tính đến 20h cùng ngày, trên địa bàn TP.HCM đã có 46 đoạn bờ bao vỡ toang, với tổng chiều dài trên 1.700m và nước tràn bờ tại nhiều đoạn bờ sông có cao trình thấp. 490 ha đất nông nghiệp bị ngập úng gây thiệt hại lớn về hoa màu, thủy sản và sinh hoạt của trên 1.400 hộ dân tại 14 phường, xã, thị trấn thuộc 7 quận, huyện.
Đánh giá về nguyên nhân gây ngập úng và một số tồn tại trong đợt triều cường này, BCH PCLB thành phố HCM cho rằng hiện trạng bờ bao dọc theo các sông lớn, nhánh sông tại TP.HCM yếu, nhỏ, xuống cấp, chân bờ bao sát bờ rạch, sông, cao trình thấp nên đã gây bể bờ, tràn bờ. Tiêu biểu là rạch Cầu Đúc Nhỏ, rạch Hương Việt.
Cao trình các tuyến bờ bao hiện nay ở quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn, huyện Bình Chánh, Củ Chi không đạt yêu cầu phòng lũ, triều cường. Do xây dựng bằng đất đắp tại chỗ nên nền đất yếu, qua thời gian sử dụng đã bị xói mòn tự nhiên.
Ngoài ra, việc quy hoạch các khu du lịch sinh thái ven sông, rạch tại một số quận, huyện khá chậm đã ảnh hưởng đến công tác gia cố bờ bao (phường 28, quận Bình Thạnh, Thủ Đức…).
“Triển khai thi công xây dựng các công trình phòng, chống lụt, bão đã được ghi vốn đầu tư còn rất chậm ở các quận đã xảy ra sự cố bể bờ bao nói trên”- Chánh Văn phòng BCH PCLB TP.HCM Đoàn Văn Thu nhận định.
- Trần Duy