(VietNamNet) - 3 người phụ nữ, 3 lứa tuổi, 3 cảnh đời khác nhau. Điểm chung duy nhất của họ là đều kiếm sống bằng nghề nhặt nilon quanh các bãi san lấp. Cả ngày cặm cụi đào bới những đống đất thải để nhặt nilon, họ chỉ hòng mong kiếm lấy 60.000 đồng...
20 năm nhặt nilon nuôi 2 con ăn học lên đại học
22 tuổi, chị Vũ Thị Hoè ở An Lão, Hải Phòng về nhà chồng. Trong 4 năm sau đó, 2 đứa con lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, trong một lần lái công nông thuê, chồng chị Hoè do say rượu đã đâm phải 2 người đi xe máy ngược chiều. Vậy là bao nhiêu của nả trong nhà thay nhau đội nón ra đi để khắc phục hậu quả của vụ tai nạn và chữa trị cho chồng. Khi mọi việc êm xuôi cũng là lúc chồng chị bỏ 3 mẹ con ra đi mãi mãi. Mình chị Hoè phải gánh vác chuyện nuôi dạy 2 con khi mới chỉ 26 tuổi.
Chị Hoè leo lên tận đỉnh đống đất thải để bới được nhiều túi nilon hơn. |
Lăn lộn đủ nghề từ bán rau, bán cá cho đến làm thuê trong lò gạch, vất vả mà chẳng đủ nuôi sống gia đình nên khi có mấy người trong xóm rủ đi nhặt nilon kiếm tiền là chị Hoè theo ngay. Chị kể: "Ban đầu cũng mệt vì suốt ngày khom lưng bới đất, có khi cảm thấy còn vất vả hơn nghề đóng gạch nhiều, lại chưa quen với mùi rác thối nên cứ vài hôm lại ốm, nhưng làm mãi cũng thành quen. Bây giờ dù 2 đứa con đã lớn, cũng biết vừa học vừa làm kiếm tiền đỡ đần mẹ nhưng tôi thấy mình còn khoẻ nên vẫn tiếp tục bới nhặt kiếm tiền để 2 đứa nó có thêm thời gian học tập".
Gom vỏ bao tải ra xe đạp. |
Chị Nhài - "đồng nghiệp" của chị Hoè cho biết: "Tính đến giờ, bà ấy đã nhặt nilon hơn 20 năm rồi - là người có "thâm niên" nhặt nilon lâu nhất trong hội này đấy. Mà bà ấy cũng tốt phúc, suốt ngày lang thang nhặt nhạnh, chẳng có thời gian dạy bảo con cái mà cả 2 đưa con đều chăm chỉ học. Đứa lớn đang học ĐH Nông nghiệp, còn đứa bé cũng vừa vào đại học nên bà ấy nhặt càng hăng. Cùng đi làm với nhau, mỗi ngày đám trẻ chúng tôi cố lắm cũng cào bới được khoảng 30 cân nilon vụn nhưng có ngày bà ấy nhặt được gần 50 cân, bán vội cũng kiếm được gần 100 nghìn".
2 vợ chồng và 10 năm nhặt rác kiếm tiền chữa bệnh vô sinh
Ngày này qua tháng khác, năm cũ hết năm mới sang, những người phụ nữ nhặt nilon vẫn cần mẫn bới nhặt với dụng cụ là chiếc cuốc cán ngắn đã mòn vẹt và đôi găng tay rách nát bất chấp thời tiết. Quá trưa, gần 20 người phụ nữ dừng việc bới nhặt quanh những đống đất lấp ao ở mặt đường 179, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm và tụ lại dưới bóng cây trứng cá để ăn trưa. Mở những xuất cơm đựng trong túi nilon suốt từ sáng bị hấp hơi đã trở nên nhão nhoét và phảng phất nhựa nhưng những người phụ nữ nhặt nilon vẫn ăn một cách ngon lành. Trong số họ, chỉ duy nhất một người vẫn chưa ăn mà vẫn đứng lên ngồi xuống, nhìn ngó xung quanh như thể đang chờ đợi một ai đó.
|
|
Phải đến khi những người phụ nữ còn lại ăn gần xong thì mới thấy chị tất tả bước vội về phía một người đàn ông đang đạp xe một cách nặng nề từ phía đường cái tiến lại. Dựng xe xong xuôi, hai người kéo nhau tới một bóng cây khác và bắt đầu mở cơm ra ăn. Lúc người đàn ông tháo găng tay ra, phóng viên VietNamNet mới phát hiện ra 2 bàn tay của người đàn ông này bị co quắp một cách khác thường khiến mọi cử động đều rất khó khăn. Hỏi ra mới biết, người đàn ông đó bị tật sau một tai nạn, còn người phụ nữ kia là vợ của anh. Cơm nước xong xuôi, người đàn ông lại nặng nhọc đạp xe tới một bãi rác khác, còn chị vợ tiếp tục cặm cụi bới đất.
Chị kể: "Ai chẳng có muốn có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng con cái mạnh khoẻ. Nhưng chắc kiếp trước chị vụng tu nên cố mãi mà hai vợ chồng chẳng có được một mụn con, anh ấy lại bị tai nạn nên chị cũng đành buông xuôi". Chị cho biết thêm: "Mỗi ngày, thu nhập từ túi nilon vụn và rác của 2 vợ chồng cũng được trên 100 nghìn nên cũng đủ sống và có chút tích cóp phòng khi đau ốm. Tính đến giờ, 2 vợ chồng cũng nhặt rác được chục năm rồi, cố tích cóp lấy vài chục triệu để "nam tiến" chữa bệnh vô sinh của chị".
Nhặt rác kiếm tiền cưới chồng!
Trong số gần 20 người phụ nữ kiếm sống bằng nghề nhặt nilon quanh các bãi san lấp, trẻ nhất là Nguyễn Thị Hằng quê ở Hưng Yên. Mặc dù mới bới đất nhặt nilon chưa đầy 1 năm nhưng nắng gió đã khiến gương mặt cô gái già hẳn đi so với cái tuổi 21. Đôi bàn tay con gái trắng trẻo là thế nhưng do tiếp xúc với đủ loại rác rưởi bẩn thỉu lâu ngày, thêm cả những vết sẹo do dây thép, mảnh thuỷ tinh cứa vào giờ cũng trở nên sần sùi, chai sạn.
Hằng kể về gia đình mình: "Nhà em có 6 anh chị em, gia đình đều làm ruộng cả. Bản thân em thì mới học hết lớp 12, thi 2 năm liền không vào được trường Cao đẳng Sư phạm nên đành bỏ học, xoay đủ việc để kiếm tiền, cuối cùng "bén duyên với nghề nhặt nilon này. Kiếm tiền vậy thôi nhưng nhiều khi về nhà, nhìn bạn bè trang lứa có công việc ổn định cũng thèm lắm nên em đang cố tích cóp ít tiền để đi học lấy một nghề nào đó cho ổn định để còn lấy chồng".
"Làm cái việc nhặt nhạnh này cũng tủi nhục lắm anh ạ! Có khi loanh quanh bới nhặt gần nhà dân, họ lại tưởng mình giả vờ nhặt nhạnh để rình ăn trộm nên chửi mắng và xua đuổi nên nhiều lúc ức muốn khóc. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dù mình là người nhặt rác nhưng cũng vẫn nhặt rác đàng hoàng, chẳng làm gì xấu nên chẳng ngại. Ngại nhất là gặp bạn bè khi đang nhặt nhạnh. Xấu hổ lắm".
Thay cho lời kết:
Chỉ với một chiếc xe đạp cũ, một chiếc cuốc mòn vẹt và đôi bàn tay chai sạn, hàng ngày, những người phụ nữ sống bằng nghề nhặt nilon vẫn cần mẫn gom nhặt từng mẩu túi nhựa, từng mảnh bao tải rách để trang trải cuộc sống và như để ghép lại từng mảnh ghép cuộc đời mình...
-
Công Thanh